Obama chỉ trích Nga “xâm lược” Ukraine
Tổng thống Mỹ Obama hôm nay 4/6 đã lên án “chiến thuật đen tối” và “sự xâm lược” của Nga ở Ukraine sau cuộc gặp với Tổng thống vừa đắc cử của Ukraine Petro Poroshenko. Ông Obama cam kết Mỹ sẽ ủng hộ lâu dài cho ông Poroshenko.
Tổng thống Mỹ Obama (phải) trong cuộc gặp với Tổng thống đắc cử của Ukraine Poroshenko vào ngày 4/6 tại Warsaw.
Với tâm thế là “lãnh đạo phương Tây”, ông Obama ca ngợi Ba Lan đã xây dựng một nền dân chủ vững mạnh 25 năm qua, trong chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 3 nước châu Âu của Tổng thống Mỹ. Chặng dừng chân tiếp theo của ông là Brusssels, Bỉ, nơi ông sẽ có cuộc gặp với lãnh đạo các nước công nghiệp G7. Đây sẽ là cuộc họp G7 đầu tiên kể từ khi Nga bị loại khỏi G8 do nước này cho sáp nhập Crimea vào tháng 3 vừa qua.
Phát biểu chỉ hơn một giờ sau cuộc gặp với Tổng thống vừa đắc cử của Ukraine Poroshenko tại Warsaw, Tổng thống Obama cho hay: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận sự chiếm đóng ở Crimea hay vi phạm chủ quyền Ukraine của Nga”. Tuyên bố của ông Obama được đưa ra ngay trước thềm cuộc “chạm trán” dự kiến giữa ông Obama và Tổng thống Nga Putin tại Pháp vào thứ sáu tới trong lễ kỷ niêm 70 năm ngày đổ bộ của quân đồng minh vào vùng Normandie.
“Các nước tự do của chúng ta sẽ đoàn kết để những khiêu khích thêm của Nga sẽ chỉ tạo ra thêm sự cô lập và trả giá”, lãnh đạo Mỹ tuyên bố. “Bởi sau khi đổ nhiều máu và của cải như vậy để đưa châu Âu sát cánh cùng nhau, làm sao chúng ta có thể cho phép những chiến thuật đen tối của thế kỷ 20 định hình thế kỷ mới này”.
Ông Obama cũng cam kết ủng hộ kế hoạch lập lại hòa bình ở Ukraine.
Video đang HOT
Ngoài ra, ông còn gọi ông Poroshenko là “sự lựa chọn khôn ngoan” để lãnh đạo Ukraine và cho rằng Ukraine có thể trở thành một nền dân chủ vững mạnh, nếu cộng đồng thế giới sát cánh cùng nước này.
Ông Poroshenko, tỷ phú sản xuất kẹo, đắc cử tổng thống Ukraine vào cuối tháng 5 vừa qua và sẽ tuyên thệ nhậm chức vào thứ bảy tới.
Ông Obama cũng tuyên bố sẽ ủng hộ Kiev khi nước này giải quyết hóa đơn khí đốt với tập đoàn dầu lửa Gazprom của Nga – vốn dọa sẽ cắt nguồn cung cho nước này. Ngoài ra, trong cuộc gặp với ông Poroshenko, ông Obama cũng tuyên bố Mỹ sẽ giúp huấn luyện các cơ quan thi hành luật pháp của Ukraine, quân đội và cung cấp thiết bị như kính nhìn ban đêm.
Vũ Quý
Tổng hợp
Theo Dantri
"Con bài khí đốt" của Mỹ đe dọa Nga tới mức nào?
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố rằng nước Mỹ đã sẵn sàng cung cấp cho châu Âu lượng khí đốt cần thiết để liên minh này giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. Nhưng thực sự con bài này có đe dọa được Moskva?
"Chúng tôi đã sẵn sàng cho phép xuất khẩu khí đốt tự nhiên với một lượng bằng với nhu cầu của châu Âu sử dụng mỗi ngày", Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 26/3, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU tại Brussels.
Nói về lệnh trừng phạt mới có thể nhằm chống lại Nga liên quan đến vấn đề sáp nhập Crimea, Tổng thống Obama nói rằng EU và Mỹ nên tập trung vào vấn đề năng lượng. "Châu Âu cần phải xem xét làm thế nào để có thể tiếp tục đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng của mình", ông Obama nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẵn sàng cho phép xuất khẩu khí đốt sang châu Âu để liên minh này giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là một tuyên bố táo bạo nhưng không có tính thực tế. Ít nhất là trong vài thập kỷ tới, người Mỹ sẽ không thể thay thế Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt quan trọng của châu Âu.
Tổng thống Mỹ Obama: "Châu Âu cần phải xem xét làm thế nào để có thể tiếp tục đa dạng hóa các nguồn năng lượng của mình". Ảnh:Reuters
Theo Sergei Vakhrameyev, chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp tại Công ty Đầu tư Ankorinvest, đây là một tuyên bố "liều lĩnh" bởi vì lời đe dọa của ông Obama không thể trở thành hiện thực ít nhất trong vài thập kỷ tới.
Để xuất khẩu gas ra nước ngoài, ngoài việc tự do hóa xuất khẩu khí đốt, Mỹ cần phải xây dựng "thiết bị đầu cuối" (cơ sở hạ tầng cho hoạt động xuất khẩu dầu mỏ) khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG). Kể từ năm 2011, Bộ Năng lượng Mỹ đã phê duyệt chỉ có sáu dự án xây dựng các thiết bị đầu cuối LNG xuất khẩu và dự án thứ 7 được thông qua vào cuối tháng 3 này. Tuy nhiên, thiết bị đầu cuối xuất khẩu LNG đầu tiên sẽ được hoàn thành sớm nhất vào cuối năm 2015, có nghĩa là chuyến hàng xuất khẩu khí đốt đầu tiên của Mỹ không thể được xuất khẩu trước năm 2016, trong khi đó tất cả các dự án xây dựng đã được chấp thuận trên sẽ được hoàn thành vào năm 2020.
Theo dự kiến, tổng công suất của các thiết bị đầu cuối đã được phê duyệt sẽ sản xuất 118 tỷ m3 khí trong giai đoạn 2016 - 2020. Nhưng ngay cả khi Mỹ có thể cung cấp tổng số 118 tỷ m3 khí đốt trực tiếp sang châu Âu, các nước châu Âu sẽ vẫn không thể từ bỏ khí đốt của Nga. Ông Sergei Vakhrameyev cho biết, trong năm 2013, Nga đã cung cấp 135 tỷ m3 khối khí đốt sang châu Âu (ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ). "Không thể từ bỏ một số lượng lớn khí đốt như vậy trong khi triển vọng xuất khẩu khí đốt của Mỹ vào thị trường châu Âu còn khá xa vời", ông Vakhrameyev nói.
Bên cạnh đó, số lượng dự đoán trên cũng sẽ không được phép xuất khẩu toàn bộ vì nó có thể khiến Mỹ không đủ khí tiêu thụ trong nước. "Trước năm 2012, Mỹ đã trải qua tình trạng thiếu khí đốt. Mặc dù lượng thiếu hụt này đã giảm dần và năm 2013, nước này đã có sự thặng dư, nhưng không phải là lớn. Vì vậy, Mỹ chưa thể xác định con số cụ thể lượng khí đốt có thể cung cấp cho thị trường châu Âu", Rustam Tankayev, Giám đốc điều hành của công ty Info - TEK - Terminal và là một chuyên gia hàng đầu thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất dầu khí của Nga cho biết.
Một vấn đề khác là việc cung cấp khí đốt sang châu Âu sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận so với việc xuất khẩu sang châu Á. "Các nhà kinh doanh khí đốt có thể xuất khẩu sản phẩm của mình đi bất cứ đâu. Tuy nhiên, nếu so với thị trường châu Âu, xuất khẩu nhiên liệu sang thị trường châu Á sẽ có giá cao hơn. Họ (các nhà kinh doanh khí đốt) luôn là những nhà buôn bán thực dụng nhất trên thị trường. Không lý nào họ lại chịu bán mặt hàng của mình với giá rẻ hơn cho châu Âu", ông Vakhrameyev nói.
Trong khi đó, châu Âu hiện vẫn chưa sẵn sàng để nhận khí đốt của Mỹ. Ngay cả khi Mỹ giải quyết tất cả những khó khăn trong nước và bảo đảm nguồn cung LNG nhất định sang châu Âu, họ sẽ phải đối phó với một thách thức khác, đó là việc thiếu một cơ sở hạ tầng sẵn có và đồng bộ. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở một số nước Đông Âu, nơi hầu hết phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Ví dụ, Litva dựa 100% nguồn cung cấp khí đốt vào Nga.
"Mỹ có thể cung cấp khí đốt cho các nước Tây Âu, ví dụ như Tây Ban Nha, Anh, và Pháp, bởi vì họ có thiết bị đầu cuối LNG, nhưng việc cung cấp cho Đông Âu là không thể vì những hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng. Họ không có thiết bị đầu cuối LNG nhận khí của Mỹ và không có khả năng chuyển hướng khí đốt của Mỹ thông qua một đường ống dẫn từ Tây sang Đông Âu. Tất cả các dòng khí đều đi từ đông sang tây", ông Vakhrameyev giải thích.
Hơn nữa, các nước châu Âu đang có hợp đồng kéo dài 20 năm với Tập đoàn Gazprom của Nga. "Họ sẽ làm gì với những hợp đồng đã ký kết? Phá hủy chúng?", ông Vakhrameyev đặt câu hỏi và kết luận rằng tất nhiên, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng quá trình này diễn ra rất chậm.
Theo Vũ Thanh
Baotintuc.vn
Biển Đông và "ván cờ" của các siêu cường Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin lên tiếng về mối quan hệ với Bắc Kinh sau cuộc tập trận...cho thấy Biển Đông đang trở thành "ván cờ chiến lược" của các siêu cường. Trong giai đoạn hiện nay, khu vực Đông Nam Á đang trở thành trọng tâm chiến lược quan trọng của khu vực châu Á...