Obama ‘cắt giảm’ lộ trình công du ASEAN, Philippines ‘cắt cầu’ Trung Quốc
Nhà Trắng ngày 2/10 ra thông báo Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hủy chuyến thăm tới Malaysia và Philippines. Cùng lúc đó, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán song phương hay gặp gỡ nào giữa quan chức cấp cao nước này với Trung Quốc bên lề APEC tới đây.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters
Theo Reuters dẫn nguồn từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã chính thức cắt bỏ 2 điểm dừng chân cuối cùng là Malaysia và Philippines trong chuyến công du tới Đông Nam Á theo dự kiến vào ngày 6-12/10. Thay vào đó, Ngoại trưởng John Kerry sẽ thay mặt Tổng thống tới thăm hai quốc gia này.
Song tuyên bố trên không cho biết ông Obama có tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Bali (Indonesia) và Cấp cao Đông Á (EAS) tại Brunei hay không. Đây cũng là hai chặng dừng chân đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng như những thông báo trước đó đưa ra.
Lý do mà Washington đưa ra là Mỹ đang bận rộn với những rối ren của vụ việc đóng cửa Chính phủ và đang “cạn tiền” nên ông Obama buộc lòng phải rút ngắn thời gian công du. Song việc Malaysia và Philippines là hai cái tên bị gạt ra khỏi đường đi của ông Obama được đánh giá giúp chuyến công du của ông Tập Cận Bình trở nên thuận lợi, đặc biệt trong việc cô lập Philippines.
Trong một bài phỏng vấn trên tờ Jakarta Post ngày 2/10, ông Tập một mặt ca ngợi hết lời quan hệ giữa Trung Quốc với hai thành viên ASEAN này, mặt khác cho rằng cách xây dựng hòa bình trên khu vực là “đối thoại”, thay vì có sự can thiệp từ bên thứ ba, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh quyết theo đuổi đường lối này tới cùng.
Trong khi đó, theo GMA Network, tại buổi họp báo thường kỳ cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez khẳng định: “Manila không hề sắp xếp bất kỳ cuộc gặp gỡ song phương nào với Bắc Kinh tại APEC sắp tới”. Tuyên bố này được đưa ra ngay trước khi Tổng thống Aquino chuẩn bị lên đường tới Indonesia để tham dự APEC và tới Brunei để dự EAS. “Không bao giờ có một cuộc gặp gỡ như thế bởi tranh chấp lãnh thổ đang được xử lý một cách khác nhau”, ông Raul nhấn mạnh.
Dù đón hụt Tổng thống Obama nhưng trước đó, vào ngày 1/10, các quan chức Mỹ-Philippines cũng đã trải qua vòng đàm phán quốc phòng thứ 4 bàn về sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đây. Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Carlos Sorreta cho biết hai bên đã đi được nửa chặng đường nhằm đạt được thỏa thuận về việc luân chuyển hiện diện quân sự của Washington trên những vùng biển nóng. Trong khi đó, theo lời Thiếu tướng Joseph Rostum O. Pea thuộc Hải quân Philippines, nước này có thể đang lên kế hoạch biến Vịnh Oyster cách thủ đô Manila khoảng 550 km về phía tây nam và cách quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 160 km thành một căn cứ quân sự. Một khi kế hoạch được triển khai, căn cứ này có thể tiếp đón hàng loạt các tàu chiến, trong đó có tàu chiến của Mỹ.
Video đang HOT
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đang thực hiện chuyến công du 1 tuần tới Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là lần thứ 3 người đứng đầu Lầu Năm Góc ghé thăm khu vực trong vòng 7 tháng nắm quyền. Tại Hàn Quốc trong ngày 29/9 vừa qua, ông Hagel một lần nữa tái khẳng định Mỹ kiện định với chiến lược chuyển trục sang châu Á-Thái Bình Dương. Còn tại điểm dừng chân cuối cùng là Nhật Bản vào cuối tuần này, dự kiến nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự sẽ được đưa ra. Tờ New York Times ngày 2/10 dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng chuyến đi của ông Hagel là nhắm tới Trung Quốc, trong bối cảnh nước này ngày càng lấn lướt trên Hoa Đông và Biển Đông.
Theo Songmoi
Lãnh đạo Iran - Mỹ lần đầu điện đàm trong hơn 30 năm
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua 27/9 đã trò chuyện với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani qua điện thoại và đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa lãnh đạo 2 nước kể từ năm 1979.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani.
Ông Obama đã nói về "cơ hội duy nhất" để cải thiện quan hệ với ban lãnh đạo mới của Iran, trong bối cảnh có các nỗ lực ngoại giao về chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo.
Trước đó, Tổng thống Rouhani cho hay Iran đã sẵn sàng để sớm đi tới một thỏa thuận. Ông cũng khẳng định rằng Iran không tìm cách phát triển bom nguyên tử như các cường quốc phương Tây lâu nay vẫn nghi ngờ.
Miêu tả các cuộc gặp tại Liên hợp quốc hồi tuần này là "bước đi đầu tiên", nhà lãnh đạo Iran nói ông tin rằng vấn đề hạt nhân có thể được dàn xếp "trong tương lai không xa".
Ông Rouhani nói các cuộc thảo luận ban đầu đã diễn ra trong bầu không khí khác hẳn với quá khứ.
Hãng tin Irna của Iran đưa tin, cuộc điện đàm với ông Obama được thực hiện ngay trước khi Tổng thống Rouhani rời New York, nơi ông đã tham dự cuộc gặp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Giới chức Nhà Trắng miêu tả cuộc điện đàm kéo dài 15 phút do ông Rouhani đề xuất là chân thành.
Trong cuộc điện đàm, ông Obama đã nêu ra những lo ngại về các tù nhân Mỹ tại Iran, nhưng phần lớn cuộc trò chuyện là về các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề hạt nhân.
Sau đó, ông Obama nói: "Mặc dù sẽ còn những trở ngại lớn và sự thành công chưa được đảm bảo, nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể đi đến một giải pháp toàn diện".
Ông Rouhani, người được xem là một nhân vật ôn hòa và mới đắc cử hồi tháng 6, cho biết ông muốn đi đến một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân trong thời gian từ 3-6 tháng.
Tổng thống Iran nói ông được lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trao toàn quyền để đàm phán về chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo.
Ông Rouhani phát biểu tại một cuộc họp báo ở Liên hợp quốc ngày 27/9: "Bất kể kết quả nào mà chúng tôi đạt được thông qua các cuộc đàm phán, chỉnh phủ của tôi sẽ có sự ủng hộ hoàn toàn của tất cả các cơ quan quyền lực chính tại Iran cũng như người dân".
Và ông Rouhani nói ông muốn một thỏa thuận "trong thời gian rất ngắn".
Các cuộc đàm phán liên tiếp trong tháng 10
Trước đó, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay tổ chức này đã có các cuộc đàm phán "rất xây dựng" với Iran tại Vienna, Áo.
Phó tổng giám đốc IAEA Herman Nackaerts không tiết lộ các thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán ngày 27/9, nhưng cho biết hai bên sẽ gặp lại nhau vào ngày 28/10.
Đại phái viên Iran tại IAEA, ông Reza Najafi, cũng cho biết "cuộc đàm phán mang tính xây dựng" và mục đích là đi đến một thỏa thuận "càng sớm càng tốt".
Hôm 26/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã có cuộc gặp hiếm hoi với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif.
Mỹ và Trung Quốc cho biết họ đang đợi Iran trả lời về một đề xuất hiện có do nhóm P5 1 (Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) đưa ra.
Nhóm P5 1 đã đề nghị Iran ngừng sản xuất và tích trữ uranium làm giàu 20% - một bước đi nhằm tránh khỏi việc đạt được khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhóm cũng yêu cầu Iran đóng cửa cơ sở làm giàu dưới lòng đất Fordo, gần thành phố Qom.
Các cuộc đàm phán giữa Iran và P5 1 dự kiến diễn ra vào ngày 15/10 và Tổng thống Rouhani cho biết Iran sẽ mang đến cuộc gặp một kế hoạch, nhưng không tiết lộ thông tin chi tiết.
An Bình
Theo BBC
Quan hệ Iran và phương Tây: Băng dần tan chảy? Vào ngày thứ Năm tuần này (26/9), Ngoại trưởng Iran sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng của 6 cường quốc hàng đầu thế giới để bàn thảo về chương trình hạt nhân đầy tranh cãi của nước này, hãng thông tấn IRNA của Iran hôm qua (23/9) đưa tin. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao của Iran và nhóm P5 1 đã...