Obama bị tố “bán mình” cho người Nga
Đảng viên Cộng hòa Mỹ tố cáo Tổng thống Obama “bán mình” cho người Nga vì thỏa thuận trong vấn đề vũ khí hóa học ở Syria.
Ngày 16/9, Mỹ đang nỗ lực giành lại bàn cờ chính trị Syria từ tay Nga khi tuyên bố vẫn duy trì khả năng tấn công quân sự bất chấp việc đã đạt được thỏa thuận với Nga về việc giải trừ kho vũ khí hóa học ở Syria thông qua một nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Dưới sức ép của những nhân vật diều hâu ở Washington và Israel, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải nhấn mạnh rằng “mối đe dọa tấn công quân sự là có thật” nếu Syria không tuân thủ kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang hối thúc các chính trị gia nước này nên chú trọng vào những thành tựu đạt được chứ không phải đường lối đối ngoại đầy rối rắm mà ông đã đưa ra trong thời gian vừa qua. Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC ngày hôm qua, ông Obama cho rằng chiến lược của Mỹ không phải lúc nào cũng “thuận lợi, trật tự và sắc nét”, tuy nhiên nó vẫn phát huy hiệu quả.
Obama: Chiến lược Mỹ không phải lúc nào cũng sắc nét
Ông tuyên bố: “Tôi không quan tâm lắm đến việc mất điểm hay không. Thứ mà tôi quan tâm là thực thi chính sách một cách đúng đắn.”
Video đang HOT
Sau khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận khung tại Geneva về kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học ở Syria, phản ứng của các đảng phái chính trị ở Mỹ là rất trái ngược nhau.
Đảng Dân chủ tỏ ra thông cảm hơn với Nhà Trắng, tuy nhiên các đảng viên Cộng hòa lại tỏ ra rất tức giận và cáo buộc ông Obama và Kerry đã “bán mình” cho người Nga khi cho phép Tổng thống Syria Assad tiếp tục nắm quyền mà không có bất kỳ sự đảm bảo vững chắc nào rằng ông này sẽ giao nộp toàn bộ vũ khí hóa học.
Nghị sĩ Mike Rogers tuyên bố: “Đây là kế hoạch của người Nga để phục vụ lợi ích của Nga. Họ đã đạt được những gì họ muốn: Assad tại vị thêm ít nhất một năm, trong khi chúng ta đã từ bỏ rất nhiều động lực. Putin thì đang chơi cờ, còn chúng ta chỉ biết đánh caro.”
Bộ trưởng Hòa giải Syria cũng đã khoét sâu nỗi đau này của các đảng viên Cộng hòa Mỹ khi hoan nghênh thỏa thuận này là “một chiến thắng của Syria nhờ công của những người bạn Nga.”
Trong khi đó, Tổng thống Obama vẫn cho rằng việc thỏa thuận với Nga về vũ khí hóa học không có nghĩa là Mỹ đã từ bỏ hy vọng về việc lật đổ Assad. Ông tuyên bố: “Tôi không nghĩ rằng ông Putin có những giá trị giống như chúng ta. Nhưng chúng tôi đều có chung sự quan tâm trong việc ngăn chặn tình trạng hỗn loạn và chủ nghĩa khủng bố.”
Các chuyên gia về vũ khí hóa học và các cựu thanh sát viên Liên Hợp Quốc đều bày tỏ sự hoan nghênh đối với kế hoạch Geneva, tuy nhiên họ chỉ ra rằng có rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Theo kế hoạch này, một số loại vũ khí hóa học sẽ được vận chuyển ra khỏi Syria, trong khi Công ước LHQ về Vũ khí hóa học không cho phép các thành viên “vận chuyển trực tiếp hoặc gián tiếp vũ khí hóa học cho bất kỳ ai.”
Theo khampha
Vụ Syria khiến Triều Tiên không còn sợ Mỹ?
Các chuyên gia phân tích cho rằng cách giải quyết vấn đề Syria có thể khiến Mỹ bị Triều Tiên coi thường.
Trước đây, khi liên tục gia tăng sức ép và lên giọng đe dọa phát động tấn công Syria, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama luôn nhấn mạnh rằng đây là một bài học cho Triều Tiên, Iran và các tổ chức khủng bố khác một khi họ dám xâm phạm đến lợi ích của Mỹ và các đồng minh khu vực.
Tuy nhiên trong bối cảnh thế cờ đang đảo ngược một cách nhanh chóng như hiện nay, các chuyên gia phân tích quốc tế ngày càng lo ngại rằng chiến thuật mà Mỹ áp dụng ở Syria có thể phát đi một tín hiệu sai, đặc biệt là với Bình Nhưỡng.
Ông Bruce Klingner, cựu nhân viên CIA, chuyên viên nghiên cứu cấp cao ở tổ chức tư vấn Heritage tại Mỹ nhận định: "Chính quyền Triều Tiên có thể sẽ rất phấn khởi trước các dấu hiệu cho thấy Mỹ đang ngày càng ít hăng hái hơn trong việc can thiệp vào nước ngoài khi đối mặt với các bằng chứng về việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt."
Chuyên gia phân tích chính trị Bruce Klingner
Ông nói thêm: "Bình Nhưỡng có thể sẽ kết luận rằng giọng điệu cứng rắn của Tổng thống Obama,bao gồm cả với Triều Tiên, sẽ không được hậu thuẫn bằng hành động quân sự. Và Triều Tiên sẽ áp dụng quan điểm này trong quá trình ra quyết định trong tương lai khi đối đầu với Mỹ và Hàn Quốc."
Trong quá trình vận động cho một chiến dịch tấn công quân sự "hạn chế" vào Syria, các quan chức Mỹ thường nhấn mạnh rằng Triều Tiên, Iran và Hezbollah cần phải nhìn vào đây để thấy rằng Mỹ sẽ phản ứng như thế nào trước các hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên khi Tổng thống Obama đưa kế hoạch tấn công Syria ra trước Quốc hội, ông đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ. Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy dư luận Mỹ đang tỏ ra mệt mỏi với một cuộc chiến tranh nữa ở nước ngoài.
Và rồi đề xuất của Nga về kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học ở Syria đã trở thành một cái cớ cho các quan chức Mỹ tạm thời rút chân ra khỏi vấn đề đầy khó khăn này. Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Nga đã nhanh chóng đạt được thỏa thuận về kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học này tại Geneva, đồng thời hóa giải nguy cơ của cuộc tấn công quân sự vào Syria.
Cách xử lý vấn đề Syria của Mỹ có thể khiến Triều Tiên coi thường
Theo chuyên gia phân tích Klingner, Bình Nhưỡng có thể cảm thấy có thêm động lực trước cách thức Mỹ xử lý vấn đề Syria. Ông nói: "Sau này nếu Triều Tiên quyết định từ bỏ thái độ ôn hòa hiện nay để quay lại với chính sách đối đầu quyết liệt hơn, họ có thể cảm thấy được khuyến khích bằng chính sách của Mỹ ở Syria để đẩy vấn đề đi xa hơn."
Ông cũng chỉ ra rằng hiện quân đội Mỹ đang phải vật lộn đối phó với vấn đề cắt giảm ngân sách, và việc cắt giảm ngân sách này sẽ giới hạn khả năng của Mỹ trong việc đối phó với một cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên.
Klingner nói rằng rất có thể Triều Tiên sẽ nhận thấy sự bất tương xứng giữa tuyên bố về việc chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á với thực tế rằng Mỹ chưa hề có kế hoạch gia tăng lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương, thậm chí Bình Nhưỡng có thể nhận định rằng trục chiến lược của Mỹ đang rời xa châu Á.
Theo khampha