Obama bị chỉ trích ‘rụt rè’ trước chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Các chuyên gia nghiên cứu châu Á và luật biển chỉ trích chính quyền ông Obama rụt rè trước việc Trung Quốc cải tạo đảo phi pháp ở Biển Đông.
Đô đốc John Richardson (trái), Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, và người đồng cấp Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi (phải), trong cuộc gặp ngày 18/7 ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
Chính quyền Mỹ đã thất bại trong việc ngăn cản Trung Quốc dùng những hành động trái phép để khẳng định chủ quyền với các đảo tại Biển Đông, các chuyên gia nghiên cứu châu Á và luật biển của Mỹ khẳng định trong buổi điều trần trước Hạ viện Mỹ hôm 21/9, Free Beacon đưa tin.
Tiến sĩ James Kraska, một giáo sư luật quốc tế tại Học viện chiến tranh hải quân Mỹ, cho rằng chính quyền ông Obama nên gọi các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là “trái phép” thay vì cách dùng uyển ngữ “đòi hỏi quá mức”.
Ông Kraska khẳng định việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa của Việt Nam có thể được sử dụng vào mục đích quân sự. Yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông cũng bị Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ. Mặc dù Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết, nhưng Washington và nhiều nước khác yêu cầu Trung Quốc tuân thủ.
Bonnie Glaser, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) cho biết việc ngăn cản các hành động tương tự của Trung Quốc ở Biển Đông là “cần thiết”. Theo Glaser, cho tới nay Mỹ chưa đặt mình vào sự “cần thiết” đó và điều này có thể khiến Washington phải chịu rủi ro nghiêm trọng hơn từ phía Bắc Kinh.
Video đang HOT
“Mỹ đặt nhiều ưu tiên hợp tác với Trung Quốc như biến đổi khí hậu hay ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Chúng ta không có những người ngăn chặn Trung Quốc có hành động gây bất ổn tại Biển Đông trong khi chúng ta hoàn toàn có thể làm các việc này cùng lúc”, Glaser nói. Bà cũng khẳng định Mỹ cần tuyên bố rõ với Trung Quốc rằng hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông là “không thể chấp nhận”.
Các chuyên gia trong buổi điều trần cho rằng quân đội Mỹ cần làm nhiều hơn để ngăn chặn các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Tiến sĩ Kraska khẳng định ông không chọn cách “đi qua vô hại” ở vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.
“Đó là điều khoản yếu nhất trong Công ước quốc tế về Luật biển 1982 ( UNCLOS)”, Kraska nói. Ông khẳng định Trung Quốc không có lãnh hải hợp pháp ở các đảo nhân tạo.
Kraska đề nghị Mỹ nên điều phi cơ bay qua các đảo nhân tạo như đá Vành Khăn (thuộc Trường Sa của Việt Nam) và thực hiện nhiều hơn các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải, kết hợp với nước khác như Nhật Bản.Tomomi Inada, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuần trước tuyên bố nước này sẵn sàng tham gia tuần tra chung với hải quân Mỹ ở Biển Đông.
Trong khi đó, chuyên gia Glaser cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng đảo nhân tạo như tiền đồn để triển khai radar, tên lửa hành trình, uy hiếp các căn cứ quân sự tại Philippines mà Mỹ mới được phép sử dụng.
Tiến sĩ Andrew Erickson thuộc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc, Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ, chỉ trích chính quyền ông Obama đã không coi “dân quân biển” như là lực lượng thứ ba của Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông, bên cạnh hải quân và cảnh sát biển.
Ông Randy Forbes, chủ tịch tiểu ban Lực lượng và Sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, lo ngại Trung Quốc sẽ tận dụng vài tháng cuối trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama để đơn phương xác lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, cải tạo bãi Scarborough gần Philippines, tăng tốc quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Tuy nhiên, ông Forbes nói thêm rằng đây cũng là dịp để chính quyền mới tại Mỹ thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn và nỗ lực hơn để duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông.
Phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ diễn ra một tuần sau khi Tổng thống Obama tới Hàng Châu, Trung Quốc dự Hội nghị thượng đỉnh G20.
Văn Việt
Theo VNE
Sputnik nói Putin ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc
Hãng tin Nga dẫn lời ông Putin nói rằng Moscow ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về phán quyết của Tòa Trọng tài, phản đối bên thứ ba can thiệp vào Biển Đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu. Ảnh: Reuters
Hãng tin Nga Sputnik cho hay Tổng thống Vladimir Putin đưa ra tuyên bố này trong cuộc họp báo hôm qua, sau hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc.
"Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này - không công nhận phán quyết của tòa... Đây không phải là lập trường chính trị, mà chỉ đơn thuần về pháp lý", ông nói. Tổng thống Putin cho rằng bất cứ quá trình trọng tài nào đều phải được bắt đầu bằng bên tranh chấp, và "Tòa Trọng tài phải lắng nghe lập luận, lập trường của các bên tranh chấp".
"Như các bạn biết, Trung Quốc đã không tham gia quá trình xét xử ở The Hague, và không ai lắng nghe lập trường của họ ở đó. Làm thế nào các bạn có thể coi phán quyết đó là công bằng? Chúng tôi ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề này", ông Putin nhấn mạnh.
Tòa Trọng tài tại The Hague, Hà Lan hồi tháng 7 thông báo phán quyết, cho rằng Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý khi tuyên bố chủ quyền lịch sử với nguồn lợi Biển Đông và xâm phạm chủ quyền Philippines tại vùng đặc quyền kinh tế nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc không chịu theo kiện và khăng khăng không chấp nhận phán quyết của tòa, cho rằng Tòa Trọng tài không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này, do đó quyết định của tòa không có giá trị pháp lý.
Theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc ký tham gia, chỉ có tòa trọng tài mới có quyền xác định thẩm quyền của mình trong các vụ kiện, và phiên tòa vẫn có thể diễn ra dù một bên liên quan không tham gia tranh tụng. Quyết định do tòa đưa ra là tối hậu, mang tính ràng buộc với các bên có liên quan.
"Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi đã xây dựng một mối quan hệ rất tin cậy, có thể nói là hữu nghị. Nhưng ông chưa bao giờ, tôi muốn nhấn mạnh là, chưa bao giờ đề nghị tôi bình luận hay can thiệp gì vào vấn đề đó", ông Putin nói trong cuộc họp báo.
"Tất nhiên, chúng tôi có lập trường riêng về chủ đề này. Đầu tiên, chúng tôi không can thiệp và chúng tôi tin rằng bất cứ sự can thiệp nào của một cường quốc không phải trong khu vực sẽ chỉ gây phương hại đến việc giải quyết các vấn đề này. Sự can thiệp của bên thứ ba, cường quốc không phải trong khu vực, theo tôi, có hại và phản tác dụng", ông Putin nói thêm.
Trọng Giáp
Theo VNE
Obama gia tăng sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông Tổng thống Mỹ Barack Obama tăng sức ép với phía Trung Quốc, thúc giục nước này tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý trong các hiệp ước quốc tế, nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu. Ảnh:...