Oanh tạc cơ Su-34 của Nga gây áp lực lớn lên lực lượng Ukraine trên chiến trường
Máy bay ném bom chiến đấu Su-34 là yếu tố then chốt trong chiến lược quân sự của Nga tại Ukraine, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cuộc tấn công bằng bom lượn.
Su-34 được gọi là “kẻ trừng phạt” trên không, gây áp lực lớn lên lực lượng Ukraine.
Máy bay Sukhoi Su-34 của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Tiến sĩ Brent M. Eastwood, từng là cố vấn về các vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại cho Thượng nghị sĩ Mỹ Tim Scott, trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine kéo dài, máy bay ném bom chiến đấu Su-34 đã trở thành một yếu tố then chốt trong chiến lược quân sự của Nga.
Được mệnh danh là “kẻ trừng phạt” trên không, Su-34 đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các cuộc tấn công bằng bom lượn, nhằm gây áp lực lớn lên lực lượng Ukraine.
Sức mạnh của Su-34
Theo Trung tâm Thông tin Quốc phòng Ukraine (mil.in.ua/en), Su-34 không phải là một dòng máy bay mới. Ý tưởng phát triển loại máy bay này bắt nguồn từ những năm 1980, khi Liên Xô quyết định tạo ra một biến thể của Su-27 để thay thế cho máy bay ném bom Su-24 cũ kỹ. Cục Thiết kế Sukhoi đã lựa chọn nền tảng máy bay huấn luyện Su-27UB hai chỗ ngồi, với sự kết hợp giữa phi công và hoa tiêu, để phát triển một loại máy bay ném bom mới. Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, Su-34 đã chính thức ra mắt và được đưa vào phục vụ từ năm 2014.
So với phiên bản tiền nhiệm Su-27, Su-34 được thiết kế nặng hơn và có khả năng mang tải trọng bom lớn hơn. Nó được trang bị để thực hiện nhiệm vụ vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, trong mọi điều kiện thời tiết, và có khả năng trinh sát trên không.
Một trong những điểm nổi bật của Su-34 là khả năng tấn công mục tiêu đa dạng. Máy bay có 12 điểm treo bên ngoài, cho phép nó mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm tên lửa không đối không, không đối đất, và bom không điều khiển. Với tải trọng tối đa lên tới 8.500 kg, Su-34 có thể tiến hành các cuộc không kích với mức độ tàn phá lớn.
Điểm khác biệt đáng chú ý giữa Su-34 và Su-27 là thiết kế buồng lái bọc thép hai chỗ ngồi, với phi công ngồi bên trái và hoa tiêu bên phải. Buồng lái được làm bằng hợp kim titan và được thiết kế rộng rãi để phi công có thể đứng dậy thư giãn trong các chuyến bay kéo dài nhiều giờ, đặc biệt khi thực hiện nhiệm vụ với khả năng tiếp nhiên liệu trên không.
Su-34 sử dụng hai động cơ phản lực AL-31F, có khả năng bay với tốc độ tối đa Mach 1,5 ở độ cao và bán kính chiến đấu lên tới 1.100 km. Với tầm hoạt động khoảng 4.000 km khi đầy nhiên liệu, máy bay này có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian dài mà không cần dừng lại.
Su-34 trong cuộc xung đột Ukraine
Kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bắt đầu, Su-34 đã được Nga sử dụng tích cực để tấn công các mục tiêu của Ukraine. Ban đầu, các máy bay này thường thả bom không điều khiển, bao gồm cả FAB-250 và FAB-500, nhằm gây sát thương cho các hầm trú ẩn, đường băng và công trình xây dựng của Ukraine. Ngoài ra, Su-34 còn sử dụng tên lửa dẫn đường như Kh-31, Kh-59, và Kh-35U để tấn công các vị trí chiến lược của đối phương.
Tuy nhiên, Ukraine đã nhanh chóng phát triển các biện pháp phòng thủ nhằm đối phó với Su-34, bao gồm việc triển khai các hệ thống phòng không hiện đại và tổ chức các cuộc tấn công trả đũa. Kết quả là, Nga đã phải điều chỉnh chiến thuật, tập trung vào việc ném bom dọc theo tuyến đầu và các khu vực biên giới. Đặc biệt, Su-34 của Nga đã trở thành mục tiêu ưu tiên của lực lượng phòng không Ukraine.
Từ đầu năm 2023, Nga đã triển khai một loại vũ khí mới – bom lượn trang bị bộ điều khiển UMPK (Universal Gliding and Correction Module), một phiên bản tương tự như JDAM (Joint Direct Attack Munition) của Mỹ. Những quả bom này đã tạo ra thách thức lớn đối với quân đội Ukraine, khi chúng có thể được thả từ khoảng cách xa tới 60 km, khiến Su-34 gần như “miễn nhiễm” trước hệ thống phòng không của Ukraine.
UMPK biến những quả bom không điều khiển thành đạn dẫn đường, giúp tăng độ chính xác và tầm bắn. Bộ điều khiển này cho phép Su-34 tấn công mục tiêu với sự chính xác cao hơn, ngay cả khi đang bay ở độ cao lớn, vượt qua tầm bắn của các hệ thống phòng không thông thường.
Dù vậy, việc triển khai các bom này cũng không phải là hoàn hảo. Nhiều lần, hệ thống cánh của UMPK bị trục trặc, dẫn đến việc bom rơi không chính xác, thậm chí gây thiệt hại trên lãnh thổ Nga.
Tiến sĩ Eastwood cũng nhận định rằng máy bay được trang bị radar mảng pha và hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, giúp tăng cường khả năng tấn công mục tiêu mặt đất. Khả năng bay ra khỏi tầm bao phủ của phòng không Ukraine và thả bom lượn đã khiến Su-34 trở thành một vũ khí đáng sợ của quân đội Nga. Điều này khiến lực lượng Ukraine đối mặt với những thách thức khủng khiếp, với những lời mô tả về “cổng địa ngục” mà các cuộc tấn công bằng bom lượn gây ra.
Bộ Quốc phòng Nga đã chỉ đạo United Aircraft Corporation tăng tốc độ sản xuất Su-34 vào mùa Thu năm 2023, và quyết định này đã mang lại hiệu quả. Những máy bay Su-34 cũ hơn cũng được nâng cấp tại Nhà máy máy bay Chkalov ở Novosibirsk, tăng cường khả năng thực hiện các phi vụ tấn công hàng ngày.
Tiến sĩ Eastwood kết luận, với sức mạnh vượt trội và tính linh hoạt trong nhiệm vụ, Su-34 có khả năng tiếp tục gây ra tổn thất lớn cho quân đội Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga có thể sẽ đặt hàng thêm Su-34 khi cuộc chiến chưa có hồi kết, điều này cho thấy rằng khả năng tấn công của Su-34 sẽ không ngừng gia tăng.
Nga triển khai chiến thuật 'bom lượn', Ukraine có thể mất thêm đất
Nga hiện tăng cường các cuộc tấn công bằng bom lượn để nhắm vào hệ thống phòng thủ của Ukraine trong khi giữ an toàn cho các máy bay tấn công của mình, theo Business Insider ngày 27.3.
Chiến thuật này cho thấy Nga đã thích nghi với những hạn chế của mình, từ đó giúp Moscow giành được những chiến thắng mới trên chiến trường gần đây. Ukraine gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với những mối đe dọa từ chiến thuật mới này của Nga do thiếu tên lửa phòng không và viện trợ nhỏ giọt từ phương Tây.
Các chuyên gia quân sự cho rằng Ukraine có thể sẽ mất thêm lãnh thổ và lực lượng giàu kinh nghiệm. Ông George Barros, trưởng nhóm tình báo không gian địa lý và là nhà phân tích Nga tại Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW-Mỹ), nói với Business Insider: "Việc Nga sử dụng bom lượn thực sự cho thấy mức độ nguy hiểm của quân đội Nga".
Tổng thống Putin: Nga không tấn công NATO nhưng sẽ bắn hạ F-16
Nga đạt bước tiến nhờ bom lượn
Bom lượn cho phép lực lượng Nga tấn công các vị trí kiên cố từ xa hơn pháo binh mà không cần mạo hiểm điều máy bay chiến đấu vào tầm ngắm của hệ thống phòng không Ukraine. Những điểm yếu về độ chính xác được bù đắp bằng sức mạnh hỏa lực, bởi những quả bom này có thể nặng tới 3 tấn.
Thời gian bay ngắn, tín hiệu phản xạ radar nhỏ và quỹ đạo phi đạn đạo khiến bom lượn rất khó bị đánh chặn. Ukraine từ lâu đã cảnh báo rằng chúng có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng, và thực tế trong vài tháng qua đã chứng minh mối lo ngại này.
Hiện trường trong một vụ tấn công ở Zaporizhzhia (Ukraine) ngày 28.3.2024. ẢNH REUTERS
Trong một báo cáo công bố tuần trước, các nhà phân tích tại ISW cho rằng, lực lượng Nga đã tăng cường đáng kể các cuộc tấn công bằng bom lượn có điều khiển và không điều khiển nhắm vào các vị trí ở hậu phương và tiền tuyến của Ukraine kể từ đầu năm 2024.
Việc Nga đã chiếm được thành phố Avdiivka (Ukraine) này đã chứng minh tính hiệu quả của chiến thuật "bom lượn" này cũng như đánh dấu bước tiến lớn nhất trong gần 1 năm qua. Các chuyên gia cho rằng thay vì độ chính xác, số lượng lớn các cuộc tấn công bằng bom lượn sẽ làm lung lay tinh thần của binh sĩ Ukraine, từ đó tạo ảnh hưởng lâu dài trong tương lai.
Theo ông Barros, phía Nga đang hiểu rõ cách thức tiến hành các cuộc tấn công vào các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine để làm cạn kiệt nhanh nhất hệ thống phòng không của Ukraine.
"Khi phòng không Ukraine bị hạn chế, Nga sẽ sử dụng máy bay cánh cố định để thực hiện các cuộc tấn công bằng bom lượn. Nếu Ukraine có hệ thống phòng không tốt hơn, họ có thể ngăn chặn đối phương sử dụng bom lượn bằng cách buộc máy bay cách xa chiến tuyến hơn", ông Barros nói thêm.
Trong trường hợp khả năng phòng không của Ukraine ngày càng suy giảm, có thể cần xem xét các kịch bản tệ hơn khi không quân Nga có thể hoạt động trên bầu trời Ukraine mà không gặp bất cứ chướng ngại nào, ông Barros cho hay.
Ukraine có thể mất thêm lãnh thổ
Máy bay Nga đã thả hơn 3.500 quả bom xuống các vị trí của Ukraine trong gần 3 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung tướng Ivan Gavrylyuk viết trong một bài xã luận ngày 18.3 cho hãng thông tấn Ukrinform. Ông cho biết con số này cao hơn nhiều so với năm trước.
Nga đã tìm ra một chiến thuật hiệu quả nên nhanh chóng tăng cường sản xuất các loại bom lượn. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga cho biết việc sản xuất một số loại đạn dược đang gia tăng, bao gồm bom FAB-500 (500 kg), FAB-1500 (1,4 tấn) và bom FAB-3000 ( 3 tấn) - tất cả được cho là đều được sửa đổi và biến thành bom lượn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi việc viện trợ quân sự từ các đối tác ngày 20.3.2024. ẢNH REUTERS
Theo ông Justin Bronk, một chuyên gia về không quân tại Viện nghiên cứu Thống nhất Hoàng gia (RUSI-Anh), nhiều quả bom lượn của Nga đang được thả ở khoảng cách lên tới 50 km hoặc xa hơn phía sau chiến tuyến, khiến Ukraine khó có thể tấn công những máy bay này bằng các hệ thống phòng không hiện có, ngoài hệ thống MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất.
Bom lượn thường được sử dụng nhắm vào các mục tiêu cố định, tức là chúng đặc biệt hiệu quả ở những khu vực từng xảy ra giao tranh kéo dài. Chẳng hạn như ở Avdiivka - nơi các vị trí của Ukraine tương đối dễ bị phát hiện.
"Điều đó khiến việc lập kế hoạch tấn công bằng bom lượn vào các mục tiêu cố định trở nên khả thi. Chúng chứa nhiều chất nổ hơn so với đạn pháo hoặc tên lửa, đặc biệt là những quả bom nặng 1,5 tấn", ông Bronk giải thích. Do đó, những quả bom có ảnh hưởng tâm lý lớn hơn so với pháo binh.
Nga nói Ukraine tổn thất nhiều tổ hợp HIMARS, Patriot
Để giảm các mối đe dọa từ bom lượn, Ukraine cần tăng cường đáng kể các máy bay đánh chặn phòng không và đạn pháo. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky thường xuyên nói rằng kho vũ khí phòng không hiện có của Ukraine không đủ để bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công dồn dập, đồng thời kêu gọi các đối tác tăng cường viện trợ.
Mỹ hiện vẫn trì hoãn các gói viện trợ bổ sung cho Ukraine, khiến Kyiv ngày càng thiếu các thiết bị quân sự cần thiết gồm khả năng phòng không và đạn dược. Tuần trước, Nhà Trắng nhấn mạnh, việc Mỹ cung cấp thêm khí tài phòng không cho Ukraine là "rất quan trọng".
Sức mạnh của bom lượn Nga còn có lợi thế lớn về pháo binh, kho vũ khí ngày càng cạn kiệt của Ukraine và triển vọng ảm đạm về các gói viện trợ từ Mỹ và phương Tây là các yếu tố khiến cục diện chiến sự theo hướng bất lợi cho Kyiv. "Nếu không được Mỹ thông qua khoản viện trợ bổ sung, rất khó để Ukraine tránh được nguy cơ mất thêm lãnh thổ, nhất là khi Nga có thể sẽ tiến hành cuộc tấn công lớn vào mùa hè", ông Bronk nói.
Nga không muốn bấm nút đỏ hạt nhân Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Nga không bao giờ muốn một cuộc chiến hạt nhân và cho rằng các cuộc thảo luận về thời điểm nhấn "nút đỏ" là không phù hợp. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: Sputnik). Trả lời phỏng vấn Sky News cuối tuần trước về việc liệu Nga có triển khai vũ khí hạt nhân nếu phương...