Oái ăm chuyện vịt thả rông nhặt lúa ngoài đồng “cõng” phí
Sau khi nông dân gặt lúa xong, người nuôi vịt chăn thả ngoài đồng phải nộp phí theo diện tích, gọi nôm na là phí “công đồng lạc túc”. Mỗi năm, chính quyền địa phương thu về ngân sách khoảng 14 triệu đồng tiền phí nói trên, tuy nhiên nhiều nông dân cơ cực lên tiếng bức xúc, đề nghị miễn giảm phí.
Câu chuyện trên là một câu chuyện có thật đang diễn ra tại xã Ân Phong (huyện Hoài Ân, Bình Định).
Thả vịt ra đồng phải nộp phí
Ông Lưu Đáy (trú thôn An Hậu, xã Ân Phong) cho biết: “Gia đình tôi đang nuôi khoảng 800 vịt theo phương thức chạy đồng. Mỗi năm, tôi phải nộp cho UBND xã 1 triệu đồng tiền phí “công đồng lạc túc” để đàn vịt có diện tích chăn thả”.
Theo ông Đáy, loại phí này đã có từ lâu đời tại địa phương. Sau khi nộp phí, người nuôi vịt sẽ được chính quyền giao khoán diện tích mặt ruộng sau thu họach. Việc nộp phí là cần thiết để hạn chế việc các chủ vịt từ nơi khác lùa vịt đến địa phương, gây chồng lấn địa bàn chăn thả. Tuy nhiên, ông Đáy đề nghị chính quyền xã giảm phí để bớt gánh nặng cho người nông dân.
“Sau khi nông dân gặt lúa xong, với 50ha diện tích mặt ruộng, 2 hộ chăn nuôi chúng tôi phải nộp cho xã, mỗi hộ 1 triệu đồng, sau đó tự chia diện tích để thả vịt. Năm nào khó khăn thì yêu cầu xã giảm phí, nhưng yêu cầu này còn tùy thuộc vào chủ tịch xã. Nếu dễ chịu, họ mới đồng ý giảm, còn không thì giữ nguyên. Hiện nay, người nuôi vịt gặp rất nhiều khó khăn nên chúng tôi muốn được giảm loại phí này”, ông Đáy đề nghị.
Vịt chạy đồng phải “cõng” phí là câu chuyện đang diễn ra tại huyện Hoài Ân.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thơm (62 tuổi, trú xã Ân Phong) than thở: “Nghề nuôi vịt thả đồng như canh bạc giữa ruộng, có năm thua lỗ với đến hơn 20 triệu đồng. Điều đáng nói, mỗi năm tôi phải nộp phí “công đồng lạc túc” cho xã với mức 1 triệu đồng. Khoản thu này gây khó khăn cho người dân. Nhiều nơi họ không thu loại phí này. Người dân đã kiến nghị không thu phí nhưng xã không chịu, nếu không nộp tiền, vịt không được thả ra đồng. Chúng tôi rất khổ tâm”.
Bà Thơm cho rằng, mỗi năm 2 vụ lúa, người chăn vịt chỉ thả được khoảng 40 ngày. Nếu trong lúc gặt, lúa rụng nhiều, vịt thả đồng mới được no ruột, còn không thì về chuồng phải cho ăn thêm.
Video đang HOT
“Ruộng của dân mà xã thu tiền, điều này gây rất nhiều bức xúc, bất bình. Người nuôi vịt như chúng tôi muốn xã miễn khoản phí này để bớt đi gánh nặng”, bà Thơm đề nghị.
Thu phí để xã dễ quản lý?
Làm việc trực tiếp với phóng viên Dân Việt, ông Hồ Văn Đương – quyền Chủ tịch UBND xã Ân Phong (huyện Hoài Ân) xác nhận, việc UBND xã thu phí “công đồng lạc túc” của các hộ chăn thả vịt đồng đã có từ rất lâu. Người dân nộp phí trực tiếp và có hợp đồng giữa chủ chăn nuôi vịt với UBND xã.
“Mục đích của việc thu phí này là tạo điều kiện để xã dễ quản lý, điều tiết nước thủy lợi, người nuôi có trách nhiệm trong chăn thả, tránh chồng lấn địa bàn gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Xã Ân Phong có hơn 500ha đất lúa sản xuất. Sau khi nông dân gặt xong vụ, chúng tôi giao khoán thuê mặt ruộng cho các hộ nuôi vịt thả đồng với giá 1ha khoảng 25.000 đồng/năm, số tiền này rất ít. Mỗi năm, xã chỉ thu về khoảng 14 triệu đồng và nhập vào nguồn ngân sách của xã, phục vụ công tác quản lý chung”, ông Đương lý giải.
Theo ông Đương, cách đây khoảng 15 năm, việc cho thuê diện tích mặt ruộng được xã mang ra đấu giá, có năm lên đến hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, khi hiểu được hàng loạt khó khăn của người nuôi vịt như: máy gặt đập liên hợp không gây thất thoát lúa hạt xuống ruộng, vịt gặp bệnh tật, rớt giá…, chính quyền xã đã hủy bỏ việc đấu giá. Thay vào đó, giao khoán diện tích và thu tiền phí từ các hộ nuôi vịt thả đồng với mức phí 25.000 đồng/ha/năm.
Nông dân đề nghị chính quyền xã miễn giảm phí cho vịt chạy đồng.
Ông Đương cho rằng, các hộ dân chăn thả vịt thả đồng ở địa phương đều tham gia đóng phí cho xã và nhờ khoản phí này mà tình hình chăn nuôi được ổn định, không tranh giành, chen lấn. Đặc biệt, việc thu phí thực hiện theo hướng dẫn tài chính của UBND huyện Hoài Ân và nghị quyết HĐND xã, thu theo quy định nguồn thu khác của địa phương.
“Tuy nhiên, nếu người chăn nuôi vịt thấy phí quá cao, xã sẽ xem xét và có phương án giảm phí cho họ để đảm bảo quyền lợi”, ông Đương nói.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), cho biết, nguồn thu phí “công đồng lạc túc” từ các hộ thả vịt chạy đồng không phải chủ trương của UBND huyện mà có nguồn gốc “truyền thống” lâu đời để lại.
“Riêng việc thu phí gây bức xúc cho người nuôi vịt, chúng tôi sẽ kiểm tra lại để có hướng giải quyết cụ thể”, vị lãnh đạo UBND huyện cho hay.
Theo Danviet
Bí thư huyện khẳng định sẽ khởi tố vụ 20 ha rừng bị chặt phá
Bí thư Huyện ủy Hoài Ân - ông Hoàng Anh Dũng khẳng định như vậy sau khi trực tiếp thị sát hiện trường vụ khoảng 20 ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại khoảnh 1 và 2, tiểu khu 108, xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân) bị một số người dân đồng bào phá để trồng keo lai.
Ngày 6/10, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân (tỉnh Bình Định) Hoàng Anh Dũng cùng đại diện các cơ quan chức năng liên quan đã trực tiếp đi kiểm tra vụ phá rừng ở tiểu khu 108, xã Đắk Mang, huyện Hoài Ân.
Hơn 20 ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ bị chặt phá để trồng keo lai
Sau khi thực tế hiện trường vụ phá rừng, ông Dũng cho biết UBND huyện Hoài Ân đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Trung tâm quy hoạch nông nghiệp - nông thôn tiến hành giám định thiệt hại.
"Sau khi có kết quả chính thức, Chủ tịch UBND huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan vào cuộc xử lý quyết liệt. Trước mắt, sáng thứ 2 (ngày 9/10), Ban thường vụ Huyện ủy, Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện và các cơ quan chuyên môn có liên quan sẽ họp bàn, đề xuất ý kiến xử lý", ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, chiều thứ 2 (ngày 9/10), Hạt Kiểm lâm huyện sẽ hoàn tất hồ sơ, khởi tố vụ án. Đối với cán bộ là đảng viên có liên quan của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện, UBND xã Đắk Mang, Hạt Kiểm lâm thì Ban Thường vụ Huyện ủy cũng sẽ có hình thức kỷ luật vì để xảy ra rừng bị hủy hoại.
Dù là rừng quy hoạch phòng hộ nhưng diện tích rừng bị phá rất lớn
Liên quan đến vấn đề trên, ông Pham Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho rằng khu vực rừng bị phá tuy quy hoạch chức năng phòng hộ, nhưng thuộc rừng nghèo, chủ yếu là cây bụi.
"Khu vực rừng bị phá nằm ở địa hình đi lại quá cách trở, nằm cheo leo trên đỉnh núi cao. Lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, truy quét, ngăn chặn nạn phá rừng. Bước đầu kiểm tra, cơ quan chức năng của huyện Hoài Ân xác định, đối tượng phá khu vực rừng này là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở làng T6 (xã Đắk Mang), với mục đích để trồng rừng sản xuất. Sau khi quy hoạch 3 loại rừng, chúng tôi sẽ quy hoạch vào rừng sản xuất vì nếu quy hoạch rừng phòng hộ thì không có cách nào giữ. Bởi nếu trời mưa đường không bao giờ đi được, còn đi bộ phải mất 4-5 tiếng đồng hồ", ông Hổ cho hay.
Cũng liên quan đến vụ việc phá rừng này, hiện nay UBND huyện Hoài Ân, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện tiến hành kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan khi để xảy ra vụ phá rừng này.
Như Dân trí đã thông tin, cuối tháng 8/2017, lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân đã phát hiện khu vực rừng ở khoảnh 1 và 2, tiểu khu 108, xã Đắk Mang (huyện Hoài Ân) bị xâm hại.
Đường lên khu vực rừng vô cùng hiểm trở.
Kết quả kiểm tra, đo đạc ban đầu của Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, có khoảng 20 ha rừng quy hoạch chức năng phòng hộ bị chặt phá. Diện tích rừng này do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân quản lý, cộng đồng thôn O6, xã Đắk Mang nhận khoán bảo vệ rừng.
Doãn Công
Theo Dantri
Nước lũ dâng cao, gần 3.000 nhà dân ngập nước Lũ từ thượng nguồn đổ về, tại tuyến đường tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị xã An Nhơn (Bình Định) nước lũ đã tràn qua. Hiện gần 3.000 nhà dân bị ngập nước, nhiều địa phương bị chia cắt, sạt lở đã xảy ra ở một số khu nơi. Chiều tối 3/12, ông Phan Xuân Hải, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy...