“Ở Việt Nam, chỉ có Mỹ Tâm là nghệ sĩ ngôi sao”
“ Mỹ Tâm là nghệ sĩ duy nhất khi đi làm việc mà tôi thấy đem theo laptop. Sau cuộc họp, Mỹ Tâm chủ động gửi mail cho mọi người, thậm chí lúc đó là 2 giờ sáng”, biên kịch Kay Nguyễn nói.
Kay Nguyễn là biên kịch của nhiều dự án điện ảnh ăn khách mấy năm qua tại Việt Nam như: 1735km, Tèo Em, Cô Ba Sài Gòn, Người Bất Tử và “Mắt Biếc” (chuyển thể từ truyện Mắt Biếc của Nguyễn Nhật Ánh) hiện đang casting diễn viên.
Đặc biệt bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” do Kay Nguyễn biên kịch đồng đạo diễn đã vinh hạnh được trao giải Phim điện ảnh xuất sắc và Biên kịch xuất sắc tại Cánh Diều Vàng 2017 hồi tháng 4 vừa qua.
Trước đó, Kay Nguyễn có một thời gian khá dài học tập và làm việc tại nhiều đoàn phim ở kinh đô điện ảnh Hollywood. Năm 2013, khi Kay Nguyễn chính thức về Việt Nam hoạt động nghệ thuật, cô liên tục được hợp tác với những đạo diễn, nhà sản xuất thuộc hàng top hiện nay như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Ngô Thanh Vân, Mỹ Tâm…
Bởi vậy, Kay Nguyễn có cái nhìn rất sòng phẳng và không kém phần thú vị về người làm nghệ thuật ở Việt Nam cũng như người làm nghệ thuật ở nước ngoài.
Ở Hollywood, ngôi sao giống như một vị thần
Kay Nguyễn từng du học ở Mỹ, có kinh nghiệm làm việc tại nhiều đoàn phim Hollywood. Quãng thời gian đó cho bạn trải nghiệm gì?
Ở Hollywood, tôi cắn răng chịu đựng hết mọi thứ để học hỏi, để lấy trải nghiệm trực tiếp. Giá đồ ăn ở Mỹ rất đắt mà vị trí tôi làm lương không nhiều. Có những ngày tôi phải nhận đồ ăn miễn phí từ đoàn phim hoặc vào siêu thị lúc họ chuẩn bị đóng cửa, xin những phần bánh sandwich không để qua ngày. Thậm chí, đợi các nhà hàng tới 9 giờ tối đi bỏ đồ ăn thừa thì xin.
Thật sự cuộc sống ở đó không phải là mơ, trong khi ở Việt Nam, chỉ cần 20.000 đồng vẫn có được dĩa cơm, nhưng ở bên kia thì đó là cả một vấn đề.
Kay Nguyễn (áo dài đen) là biên kịch đồng đạo diễn bộ phim điện ảnh ăn khách Cô Ba Sài Gòn do “đả nữ” Ngô Thanh Vân sản xuất.
Ở Mỹ, chuyên ngành tôi học không phải là điện ảnh nhưng tôi đi học thêm, làm thêm ở nhiều đoàn làm phim khác nhau. Tôi muốn xem một đoàn phim Hollywood vận hành thế nào. Vì thế tôi tham gia từ đoàn nhỏ tới đoàn lớn với nhiều vị trí, từ người pha cà phê, photocopy, trợ lý sản xuất, trợ lý đạo diễn…
Kinh qua nhiều vị trí nên tôi biết rõ cách vận hành đúng ở đoàn phim Hollywodd là thế nào. Có một thời gian, tôi đi đi về về, cho tới khi anh Charlie Nguyễn đề nghị tôi làm “Tèo Em”. Tôi quyết định ở hẳn Việt Nam để làm việc.
Khi về Việt Nam làm phim, Kay có bị hụt hẫng không?
Dĩ nhiên là không. Tôi biết rõ thực lực của mình và đâu mới là mảnh đất cho mình dụng võ. Các đoàn phim ở Việt Nam còn mang tính địa phương nên có nhiều thứ tôi phải học.
Trước đây, do bối cảnh lịch sử nên người ta cứ làm phim và không quan tâm tới nhà phát hành nhưng cách làm đúng nhất hiện nay là phải có nhà phát hành trước rồi mới làm phim.
Trên thế giới, làm phim giải trí thì nhà phát hành là quan trọng nhất. Nhà phát hành có năng lực đẩy phim lên qua các bộ phận marketing, nhà sản xuất không phải lo chuyện đó nhưng ở Việt Nam, do thị trường phim đang trong quá trình trưởng thành nên chưa chuẩn hoá cách làm này.
Với những trải nghiệm thực tế ở các đoàn phim Hollywood và Việt Nam mà Kay đã làm việc, đâu là sự khác biệt?
Văn hoá ngôi sao ở Hollywood rất kinh khủng. Ở Hollywood, trên lịch trình làm việc của đoàn chỉ ghi vắn tắt đón ngôi sao tại nhà hoặc khách sạn chứ không cho phép ghi rõ địa chỉ cụ thể. Trong đoàn chỉ 1, 2 người được biết chính xác vị trí đón ngôi sao và họ có mặt lúc mấy giờ.
Lịch trình của ngôi sao phải được bảo mật tuyệt đối, thậm chí là giấu luôn tên phim. Vì chỉ cần nghe phim có ngôi sao là công chúng bu lại xem, không quay được, chưa kể paparazi rất nhiều.
Kay Nguyễn cũng chính là biên kịch của phim Người Bất Tử, đạo diễn Victor Vũ.
Ngôi sao ở Hollywood được công chúng tôn sùng như một vị thần. Sự xuất hiện của họ khiến người dân gào rú khủng khiếp nên công tác bảo mật lúc làm việc cực kỳ quan trọng. Toàn bộ thời gian của người được giao chăm sóc ngôi sao chỉ là phải đảm bảo ngôi sao đó lên xe đúng giờ, tới trường quay đúng giờ để làm tóc, makeup.
Hợp đồng của ngôi sao thường dày cộp với đầy đủ và chi tiết các đòi hỏi, yêu cầu. Chẳng hạn di chuyển trên mặt đất là xe riêng. Họ không bao giờ ngồi chung xe với diễn viên khác. Di chuyển trên không thì bay hạng nào, trường hợp khẩn cấp phải có chuyên cơ riêng của studio đưa đón chứ không bay bằng hãng hàng không thông dụng như ở Việt Nam.
Trong hợp đồng với ngôi sao, nhà sản xuất phải nuôi cả người làm PR riêng, người makeup riêng, làm tóc riêng, trợ lý riêng của sao. Họ tuyệt đối không dùng chuyên gia makeup của đoàn.
Đoàn phim phải cắt cử riêng một người phụ trách chăm sóc ngôi sao. Hễ ngôi sao tới trễ hoặc nhõng nhẽo, không ra quay đúng giờ là người phụ trách bị xử rất nặng. Chính vì văn hoá ngôi sao nên khâu sản xuất rất mệt mỏi những chuyện đó.
Ở Việt Nam, diễn viên quần chúng được ghi là diễn viên quần chúng nhưng ở các đoàn phim Hollywood, họ gọi diễn viên quần chúng là “người làm nền cho ngôi sao”.
Đặc biệt, tính kỷ luật của họ rất cao. Quay lố thời gian là tính theo phút và tiền trả cho diễn viên cũng được tính giá khác. Không chỉ ngôi sao mà từ người làm nền tới các bộ phận khác trong đoàn.
Điều đó tập cho đạo diễn và người điều hành sản xuất phải làm đúng giờ. Họ tiết kiệm thời gian tối đa vì để lố giờ là họ bị phạt rất nặng. Bởi thế tinh thần kỷ luật của các đoàn phim Hollywood rất khuôn khổ.
Trong khi đó, đi đoàn phim Việt thì chuyện chờ dài cổ rất bình thường. Mọi người không bị phạt kiểu đó nên không sợ. Việt Nam cũng chưa có văn hoá ngôi sao như Hollywood. Việt Nam khổ kiểu khác, chẳng hạn nhà sản xuất tính toán không kỹ, bị thiếu hụt tài chính, các khâu vận hành chưa vào quy củ, khâu này đổ lổi khâu kia.
Cát xê 1 phim đủ sống 10 năm
Thế còn thái độ làm việc của ngôi sao Hollywood thì sao?
Trong một thế giới mà dân chúng coi ngôi sao như một vị thần thì thái độ làm việc của một số người cũng khó chịu lắm. Nhưng những ngôi sao đó chắc chắn bị đào thải, họ yêu sách quá thì nhà sản xuất không mời nữa.
Tuy nhiên, ngôi sao Hollywood được trả cát xê rất cao, nhiều khi họ đóng 1 phim mà đủ sống 10 năm. Và họ làm việc cũng rất xứng đáng với mức cát xê đó. Công sức họ bỏ ra thật sự khủng khiếp.
Họ tập luyện rất nhiều, sẵn sàng học một loại nhạc cụ nào đó, học kiểu võ thuật mới và chịu điều kiện quay cực kỳ khắc nghiệt mà người bình thường không chịu nổi. Họ sẵn sàng tăng giảm 20 kg mà không sợ xấu, không sợ da bọc xương hay béo phì. Họ cạo lông mày, nhìn như một tên đồ tể để cho ra vai diễn.
Họ sẵn sàng làm mọi thứ. Họ được đào tạo bài bản, cùng với sự cố gắng và hy sinh vì nghề cho nên họ vào vai nào ra vai đó. Cái gì cũng có giá của nó. Đặc biệt, ngôi sao Hollywood rất ít khi trễ giờ.
Kay nghĩ thế nào về các nghệ sĩ đang được gọi là ngôi sao ở Việt Nam?
Tôi thấy họ rất dễ thương nhưng phần thưởng dành cho họ về danh dự, tiền bạc chưa xứng đáng. Đa số các ngôi sao trong showbiz Việt đều phải làm nghề khác để kiếm sống còn ngôi sao Hollywood thì không.
Họ đóng một phim và vài năm sau mới phải đóng tiếp vì tiền đó họ thoải mái chi xài mà không phải đi làm nghề khác. Thời gian đó họ đi học diễn xuất với những bậc thầy về diễn xuất. Họ hy sinh lớn và sự hy sinh đó được đền đáp bằng cát xê và sự tôn sùng của công chúng.
Theo góc nhìn của biên kịch Kay Nguyễn, ở Việt Nam nghệ sĩ xứng tầm ngôi sao có ca sĩ Mỹ Tâm.
Ở Hollywood, xin được chữ ký ngôi sao là khủng khiếp lắm nhưng Việt Nam thì coi thường ngôi sao. Thậm chí họ gọi nghệ sĩ là con này, thằng kia, nghe rất buồn! Người làm nghề kinh doanh buôn bán còn bị khinh là “con buôn” thì nói chi tới “con hát”.
Mà những điều đó xuất phát từ sự nhìn nhận của xã hội đối với nghề của họ. Ở Hollywood, nghệ sĩ được trả tiền nhiều, được công chúng mến mộ, yêu thích, thần tượng còn nghệ sĩ Việt Nam thì tội nghiệp quá.
Khi nghệ sĩ còn bị công chúng coi thường gọi con này thằng kia thì làm sao đòi hỏi họ cống hiến với nghề, sống chết với nghề được.
Trong khi họ còn phải làm nghề khác kiếm sống, chạy quảng cáo để có thêm thu nhập thì làm sao họ dám lăn xả, hy sinh làm nghề. Đơn giản là xấu quá thì không làm quảng cáo được.
Nói tóm lại, ở Việt Nam làm được nghề này phải đam mê và thương nghề nhiều lắm chứ không dễ dàng.
Ở Việt Nam, chỉ có Mỹ Tâm là nghệ sĩ ngôi sao
Nói đi cũng phải nói lại, showbiz Việt bây giờ có quá nhiều “sao giả”. Họ nổi tiếng mà không hiểu sao mình nổi tiếng. Đó có thể là do “may mắn” cũng có thể là do chiêu trò. Vì vàng thau lẫn lộn nên khó trách công chúng đánh đồng?
Chúng ta cần hiểu rõ sự khác biệt rất lớn giữa ngôi sao và người nổi tiếng. Ở Hollywood cũng vậy. Có những người lên talkshow làm trò lố, hay cởi áo là hôm sau nổi tiếng. Giờ nổi tiếng dễ lắm vì có mạng xã hội. Và sự nổi tiếng dễ dãi ấy ở đâu cũng có.
Nhưng để có được đẳng cấp của một ngôi sao thì phải cố gắng cả đời. Và giữ được vị trí ngôi sao ấy còn khó gấp ngàn lần.
Bằng cách nào? Dĩ nhiên là phải luôn có dự án mới để công bố. Mà để có một dự án công bố là đã có 20 dự án chết phía sau rồi. Điều đó nghĩa là họ phải làm việc chăm chỉ, liên tục nếu không sẽ chìm nghỉm luôn. Còn những người lâu lâu phát ngôn ba trợn rồi báo chí trích dẫn, đăng tải thì không phải là ngôi sao.
Cách đây chưa lâu, nhà báo Lê Hồng Lâm nhận định rằng, Việt Nam không có nghệ sĩ ngôi sao thực sự. Kay có đồng ý với quan điểm này không?
Tôi nghĩ nếu có, thì cũng không nằm trong lĩnh vực điện ảnh. Nếu đúng từ xa nhìn vào showbiz Việt như một khán giả thì tôi nghĩ chỉ có Mỹ Tâm là nghệ sĩ ngôi sao.
Hồi tôi học cấp 3 đã nghe “Tóc nâu môi trầm”. Lúc đó, xung quanh Mỹ Tâm có Hiền Thục đang nổi hơn nhưng sau đó, Mỹ Tâm qua mặt Hiền Thục để đi tiếp. Sau đó lại nổi lên Đoan Trang, Hồng Ngọc và nhiều người khác nhưng rồi tất cả đều rớt lại, chỉ có Mỹ Tâm vẫn tiếp tục đi.
Ngay cả 4 diva Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà… giờ cũng chẳng còn hát nhiều nhưng Mỹ Tâm vẫn đều đặn mỗi năm đều có dự án và năm nào Mỹ Tâm cũng có hit.
Tôi có cơ hội làm việc chung với Mỹ Tâm một lần và hiểu vì sao chị ấy lại là ngôi sao. Mỹ Tâm là nghệ sĩ duy nhất khi đi làm việc mà tôi thấy đem theo laptop.
Sau cuộc họp, Mỹ Tâm chủ động gửi mail cho mọi người về nội dung, ý tưởng mới trong cuộc họp đó. Chị ấy muốn chắc chắn rằng mọi người hiểu đúng ý tưởng của mình, thậm chí lúc đó là 2 giờ sáng.
Và tôi nhận ra, Mỹ Tâm trở thành ngôi sao là đúng. 20 năm qua, có ai được như Mỹ Tâm đâu. Chị ấy làm việc chăm chỉ, nghiêm túc, luôn có dự án mới ra mắt công chúng. Sắp tới, Mỹ Tâm còn có phim điện ảnh của mình nữa.
Nhưng điều ghê gớm nhất của Mỹ Tâm là duy trì hoài cái vị trí trên đỉnh đó. Tôi cho rằng việc duy trì còn khó hơn leo lên rất nhiều. Mà để duy trì được, ngoài tài năng rất chất, được đào tạo bài bản, thủ khoa nhạc viện, kỹ thuật hát quán quân thì đó còn là thái độ làm việc chăm chỉ, chịu khó của Mỹ Tâm.
Tôi để ý những người thuộc hàng top trong điện ảnh Việt Nam hiện nay như anh Charlie Nguyễn, chị Ngô Thanh Vân, anh Victor Vũ thì nhận ra họ chăm chỉ khủng khiếp. Người bình thường làm 8 tiếng là mệt nhưng họ làm không ngừng nghỉ. Cùng lúc họ làm và giải quyết nhiều dự án và liên tục.
Nếu không có sự cần mẫn, họ không giữ được đẳng cấp lâu. Cứ nhìn xung quanh đi, có rất nhiều nghệ sĩ lên rồi xuống rất nhanh vì họ không có sự cần cù.
Cảm ơn Kay Nguyễn đã chia sẻ!
Theo Trí Thức Trẻ
Phát ngôn bá đạo của Mỹ Tâm :"Mập là một nghệ thuật và người mập là một nghệ sĩ "
Hiếm có người nghệ sĩ nào tự nhận mình mập mà lại dễ thương như Mỹ Tâm: "Mập là một nghệ thuật và người mập chính là nghệ sĩ. Những người cảm nhận được vẻ đẹp của người mập chính là fans trung thành". Cô ấy cứ đáng yêu thế nào bảo sao chẳng được nhiều người hâm mộ.
Mr. Đàm nhiều lần tỏ tình công khai với Mỹ Tâm trên sóng Mỹ Tâm cũng rất chịu chơi khi nhiều lần "tung hứng", thể hiện tình cảm qua lại với Mr. Đàm khiến nhiều khán giả thích thú. Tối 27/6, tập đầu tiên của "Giọng ca bất bại" đã lên sóng và thu hút nhiều sự chú ý của khán giả. Đây cũng là lần tái ngộ hiếm hoi của cặp đôi "người yêu không...