Ở tù chung thân, Huyền Như vẫn phải bồi thường hơn 1.000 tỉ đồng
Theo hội đồng xét xử, các công ty đòi Vietinbank bồi thường là không có cơ sở và không phù hợp pháp luật. Huyền Như đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên trách nhiệm bồi thường hơn 1.000 tỉ đồng là của Huyền Như.
Ngày 30/5, TAND Cấp cao tại TPHCM tiếp tục xét xử Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng Vietinbank – Chi nhánh TPHCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng ngân hàng Vietinbank) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Huyền Như cùng đồng phạm có trách nhiệm bồi thường cho các công ty
Được nói lời sau cùng, Huyền Như cho rằng mặc dù không kháng cáo tuy nhiên vụ án vẫn liên quan tới bị cáo. Vụ án đã kéo dài suốt 7 năm qua, bản thân bị cáo cũng phải sinh con nhỏ trong tù, nên bị cáo mong muốn vụ án nhanh chóng khép lại. Về tội danh của mình đã được xác định từ đầu là đúng. Huyền Như thừa nhận hành vi phạm tội và biết lỗi nên sẵn sàng đem cả gia sản đã bị kê biên, tịch thu để bồi thường cho các bị hại. Huyền Như cũng khẳng định nếu không có mối quan hệ với các công ty bị hại từ trước, dùng tiền cá nhân trả lãi suất thì các công ty này đã không đem tiền gửi vào Vietinbank…
Tiếp lời, Huyền Như nói: Bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho Võ Anh Tuấn vì bản thân Anh Tuấn bị lợi dụng. Bị cáo cũng mong vụ án sớm kết thúc để các bị cáo trong vụ án yên tâm cải tạo, sớm về với gia đình.
Huyền Như tiếp tục lãnh án chung thân
Video đang HOT
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định về tố tụng việc tòa không triệu tập các cá nhân liên quan theo yêu cầu của các luật sư là phù hợp. Bị cáo Huyền Như không có kháng cáo. Còn bị cáo Võ Anh Tuấn kháng cáo xin giảm án vì cho rằng không có mình thì Huyền Như vẫn thực hiện được việc chiếm đoạt tài sản.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Tuấn đề nghị xem xét hành vi của Tuấn là có dấu hiệu tội khác như che giấu tội phạm. Việc xét xử 2 lần một hành vi là bất lợi cho bị cáo này. Theo HĐXX, hành vi của bị cáo Tuấn đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vì vậy không có căn cứ chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư.
Theo HĐXX, ngay từ đầu Huyền Như đã thể hiện ý thức chiếm đoạt từ khi làm thủ tục mở tài khoản cho các công ty này. Các thủ tục mở tài khoản dù hợp pháp nhưng thực tế đã bị đánh tráo.
Để thực hiện hành vi, Như đã có một loạt hành vi gian dối, như khi ra Hà Nội gặp đối tác là công ty Hưng Yên bị cáo đã lấy tên giả là Quyên. Bị cáo cũng đã trả tiền môi giới cho người giới thiệu đối tác. Ngoài ra, bị cáo còn dùng thủ đoạn huy động lãi suất vượt trần để đánh vào lòng tham của các đối tác.
Trong vụ án này, tại cơ quan điều tra, Huyền Như đã trình ký các hợp đồng thực nhưng thực ra bị cáo lại chỉnh sửa. Chính vì vậy, các đơn vị mới có lòng tin để chuyển tiền vào tài khoản. Bị cáo đã chiếm đoạt số tiền 1.085 tỉ đồng. Hành vi của bị cáo đã cấu thành tội lừa đảo.
Về trách nhiệm bồi thường, 4 công ty đòi Vietinbank bồi thường, HĐXX cho rằng các cơ quan tố tụng không truy tố Như về tội tham ô tài sản, án sơ thẩm buộc Huyền Như bồi thường cho các công ty là phù hợp. Việc yêu cầu Vietinbank bồi thường là không có cơ sở và không phù hợp pháp luật. Từ đó, HĐXX phúc thẩm đã y án sơ thẩm về tội danh và hình phạt.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Anh Tuấn và Huyền Như phải chịu trách nhiệm về số tiền 200 tỉ đồng của Công ty Hưng Yên. Riêng Huyền Như phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường hơn 885 tỉ đồng cho 4 công ty khác.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt Huyền Như mức án tù chung thân, tổng hợp cả hình phạt tù chung thân giai đoạn 1, buộc Huyền Như phải chấp hành hình phạt tù chung thân. Bi cáo Tuấn Võ Anh Tuấn nhận mức án 7 năm tù giam, tổng hợp hình phạt của bị cáo là 27 năm tù giam.
Xuân Duy
Theo Dantri
Huyền Như lừa đảo chứ không tham ô 1.085 tỉ đồng?
Theo đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, hành vi của Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.085 tỉ đồng. Cụ thể là Huyền Như đánh vào lòng tham, nói dối là huy động vốn với lãi suất cao để các đơn vị tin gửi tiền vào ngân hàng. Sau đó, Như dùng quyền kiểm soát ở ngân hàng để chuyển tiền vào các tài khoản của mình.
Chiều 28/5, TAND Cấp cao tại TPHCM phiên tòa phúc thẩm xét xử Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh TPHCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng ngân hàng Vietinbank) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bước vào phần tranh luận.
Theo đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM thì Huyền Như không tham ô số tiền 1.085 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 9/2, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm đã tuyên án 2 bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tù chung thân và Võ Anh Tuấn 7 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc Huyền Như bồi thường cho các công ty hơn 1.085 tỉ đồng.
Sau bản án, 4 nguyên đơn trong vụ án gồm: Công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), công ty CP chứng khoán Phương Đông, công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, công ty CP đầu tư và thương mại An Lộc đồng loạt kháng cáo. Nội dung kháng cáo của các công ty là yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm bồi thường số tiền 1.085 tỉ đồng. Ngoài ra, các nguyên đơn dân sự cũng yêu cầu HĐXX cấp phúc thẩm xem xét thay đổi tội danh đối với Huyền Như từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội tham ô tài sản.
Theo đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM, để có tiền trả nợ do kinh doanh thua lỗ, Huyền Như đã lợi dụng lòng tham của các đơn vị, cá nhân gửi tiền vào Vietinbank với lãi suất cao. Một số cá nhân là người môi giới có ý thức tư lợi cá nhân để thỏa thuận trả lãi ngoài. Huyền Như bỏ tiền cá nhân để trả lãi ngoài và phí môi giới, dẫn dụ các đơn vị này gửi tiền vào ngân hàng. Sau đó, Huyền Như lập chứng từ, ký giả, làm giả con dấu, tự thao tác lệnh chuyển tiền... của các đơn vị này để sử dụng cá nhân.
Chính vì vậy, các công ty công ty Hưng Yên, công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, công ty Phương Đông, công ty Cổ phần Thương mại An Lộc sập bẫy lãi suất cao của Huyền Như và bị mất 1.085 tỉ đồng.
Huyền Như đã có lời nói, đưa ra thông tin giả về việc Vietinbank huy động vốn với lãi suất cao, để làm cho các đơn vị tin nhằm gửi tiền vào ngân hàng. Sau đó bị cáo dùng quyền kiểm soát viên ngân hàng để chuyển tiền vào các tài khoản sử dụng cá nhân. Hành vi của bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.085 tỉ đồng. Cơ quan công tố cũng khẳng định không có cơ sở quy kết tội tham ô tài sản.
Theo kiểm sát viên, hành vi của Huyền Như nguy hiểm cho xã hội, lừa đảo chiếm đoạt với số tiền rất lớn, ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ. Hành vi đó xâm phạm tài sản của nhiều đơn vị được pháp luật bảo vệ. Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Hành vi của bị cáo xâm phạm hoạt động kinh tế, làm mất một phần niềm tin của nhân dân vào tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị kinh tế trong đó có đơn vị nước ngoài.
Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên bác kháng cáo của 4 công ty, tuyên bị cáo Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Anh Tuấn và Huyền Như phải chịu trách nhiệm về số tiền 200 tỉ của Công ty Hưng Yên. Riêng Huyền Như phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường hơn 885 tỉ đồng cho 4 công ty khác.
Xuân Duy
Theo Dantri
Bắt đầu xét xử đại án Huyền Như giai đoạn 2 Được triệu tập tới tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng nhiều người nguyên là cán bộ lãnh đạo ngân hàng không tới tham dự phiên tòa xét xử Huyền Như và đồng phạm với lý do bị bệnh. Ngày 8/2, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử các bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (sinh...