“Ở trạm xá thích hơn… ở nhà!”
Hỗ trợ của Tập đoàn viễn thông Quân đội trong chương trình 30a đã giúp người dân ở 3 huyện nghèo là Đakrông (Quảng Trị), Mường Lát và Bá Thước (Thanh Hóa) giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn. Không chỉ tăng được thu nhập, người dân còn được đáp ứng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
Trạm y tế xã tiêu chuẩn quốc gia
Chúng tôi đến Trạm y tế xã Hướng Nghiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị khi ở phòng khám, bé gái Hồ Thị Ngần 2 tuổi rưỡi, con của chị Hồ Thị Nhương, người dân tộc Vân Kiều đang được bác sĩ khám bệnh. Chị cho biết, buổi sáng, phát hiện con bị sốt cao, chị vội đưa đến đây để các bác sĩ, y tá khám và điều trị.
Nhà ở khá sâu trong núi, cách trạm 7 km, trong đó có nhiều đoạn phải đi bộ rất vất vả, nhưng mỗi khi con ốm sốt, đau bụng, vợ chồng chị không quản đường xa đưa ra trạm y tế, vì “có bác sĩ, có thuốc, có máy móc sẽ chữa được bệnh”.
Ở phòng bên cạnh, chị A Mó ở bản Kim Long, 20 tuổi đang nằm chờ sinh đứa con đầu lòng. Do gần đến ngày sinh, theo lời dặn của bác sĩ, người nhà đưa chị đến đây để tiện theo dõi.
Chị Hồ Thị Liên, Trạm trưởng Trạm y tế xã cho biết, từ khi trạm y tế được đầu tư nâng cấp, tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh đông hơn hẳn. Năm 2014 có hơn 6.000 lượt người đã tới khám, chữa bệnh, tiêm phòng tại trạm y tế này. Tỷ lệ tiêm phòng của trẻ em ở đây đạt 100%.
Bà con nghèo đã biết tin trạm y tế, tin bác sĩ.
Tất cả phụ nữ mang thai đều đến khám và cũng được đỡ đẻ tại trạm y tế, vì thế hạn chế đến mức thấp nhất tai biến thai sản. Đó thật sự là những thay đổi lớn. Bởi, người dân xã Hướng Nghiệp chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều, các kiến thức về y tế rất hạn chế.
Trước đây, theo tập tục, phụ nữ mang bầu, gần đến ngày sinh nở được đưa ra một cái chòi được dựng tạm ngoài vườn để tự sinh con. Vì thế, tỷ lệ tai biến sinh sản rất cao, nhiều thai phụ và trẻ sơ sinh mất mạng. Trẻ em sinh ra không được chăm sóc đúng cách, không được tiêm phòng nên hay ốm đau, dặt dẹo.
Chính sự phát triển của y tế cơ sở để góp phần đổi thay câu chuyện đáng buồn ở trên. Hiện nay, cả 10 thôn của xã Hướng Nghiệp đều đã có các nhân viên y tế cộng đồng, được tập huấn những kiến thức và phương pháp điều trị những bệnh thông thường.
Trạm y tế xã được Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đầu tư gần 5 tỷ đồng theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (gọi tắt là chương trình 30a).
Từ chỗ chỉ là một nhà cấp 4 dột nát, với duy nhất một phòng khám với hai giường. Sau khi được xây mới, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013, trạm y tế là một tòa nhà 2 tầng khang trang, tiện nghi với hơn chục giường bệnh và đầy đủ các loại thuốc theo quy định.
Số lượng cán bộ y tế cũng tăng từ 5 người lên thành 9 người, trong đó đã có 1 bác sĩ. Vừa qua, trạm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia. Nếu như trước đây, trạm chật trội, bệnh nhân chỉ đến khám, nhận thuốc xong rồi về, thì nay, trạm đã nhận các bệnh nhân điều trị nội trú.
Video đang HOT
“Nhiều bà con dù chỉ ốm, sốt thông thường nhưng vẫn đề nghị được nội trú, vì ở trạm xá thích hơn ở nhà”, trạm trưởng Liên phấn khởi nói.
Tăng thu nhập, nâng chất lượng sống
Trạm y tế xã Hướng Nghiệp, chỉ là một trong rất nhiều công trình được Viettel hỗ trợ xây dựng giúp huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Viettel đã hỗ trợ 3 huyện là Bá Thước, Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) với tổng số tiền hơn 89 tỷ đồng.
Trạm Y tế xã Hướng Nghiệp
Số tiền này dùng hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo, xây dựng nhà bán trú dân nuôi, xây dựng trạm xá xã, mua xe cứu thương, tặng bò giống, tổ chức tập huấn về y tế, trồng trọt, chăn nuôi… Cùng với đó, nằm trong chiến lược phát triển của mình, tập đoàn này đã đầu tư xây dựng hệ thống cáp quang đến 100% các xã; hỗ trợ 2.117 máy điện thoại, 222 máy tính, 325 tivi và đầu thu kỹ thuật số; hỗ trợ Internet miễn phí cho trường học và UBND 3 huyện nói trên.
Nhờ có tập đoàn này xây dựng khu bán trú, các em học sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Tà Long (xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) đã có nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Thầy Phạm Đức Toàn, hiệu trưởng nhà trường cho biết, khi có khu học bán trú này, học sinh ở xa đi học thuận lợi hơn, nhờ đó tỷ lệ học sinh đến trường của xã đã gần đạt 100%.
Cô giáo Lê Minh Hà, giáo viên địa lý của trường cho biết, việc sử dụng Internet đã giúp cô có thêm nhiều thông tin bổ ích, soạn các bài giảng chất lượng cao hơn, sinh động hơn. “Các em dân tộc thiểu số quanh năm chỉ ở quanh làng, quanh bản, vốn hiểu biết về xã hội rất hạn chế. Nhờ có truyền hình, rồi Internet, thế giới quan của các em sẽ được mở rộng, bớt bỡ ngỡ hơn khi ra ngoài xã hội”, cô Lê Minh Hà nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Nam, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, nhờ nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, cùng với nguồn vốn đầu tư đáng quý của Viettel theo chương trình 30a, sau 5 năm giai đoạn 2009 -2014, bộ mặt kinh tế của Đakrông đã khá hơn.
Tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 34,7% (năm 2009) giảm xuống còn 25,9% (năm 2014). Thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng hơn 2,2 lần, từ mức 3,71 triệu đồng/người/năm (năm 2009) đã lên mức 8,24 triệu đồng/người/năm (năm 2014). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GO) bình quân giai đoạn 2009-2014 là 17,45%/năm.
“Nhờ Viettel giúp đỡ đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, thiết bị thông tin liên lạc mà người dân đã được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, theo đúng tinh thần giảm nghèo đa chiều (không chỉ tăng thu nhập mà còn nâng chất lượng sống – PV) mà Chính phủ đã bắt đầu thực hiện”, ông Hoàng Nam đánh giá.
Thiếu tướng Hoàng Công Vĩnh, Phó tổng giám đốc Viettel cho biết, trong giai đoạn từ nay tới hết năm 2016, tập đoàn sẽ tiếp tục hỗ trợ 3 huyện nghèo Đakrông (Quảng Trị), Mường Lát và Bá Thước (Thanh Hóa) thực hiện xóa đói, giảm nghèo với tổng kinh phí hơn 56 tỷ đồng. Trong đó, 500 hộ nghèo sẽ được hỗ trợ xóa nhà tạm, với mức kinh phí được nâng lên thành 60 triệu đồng/căn.
Để giúp đồng bào cần câu thoát nghèo, Viettel sẽ tặng gần 1.000 con bò cùng với chuồng nuôi. Ngoài ra, 2 trạm y tế sẽ được xây mới tại huyện Bá Thước và Đakrông. Hệ thống truyền thanh không dây của huyện Mường Lát cũng sẽ được Viettel trang bị đến 100% xã và thôn.
Quang Hưng
Chú thích ảnh:
Anh 1- Khám cho bệnh nhi tại trạm y tế xã Hướng Nghiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Ảnh 2 – Trạm y tế xã Hướng Nghiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Theo Dantri
Người du kích Tây Tiến và những kỷ vật không thể quên
Gần 70 năm trôi qua, trên đỉnh Mường Lát, chàng du kích dẫn đường cho bộ đội năm xưa đã quá tuổi xưa nay hiếm. Nhắc lại ký ức một thời oai hùng cùng đoàn quân Tây Tiến xẻ núi băng rừng, người du kích già Lường Văn Pém vẫn không khỏi bồi hồi.
Tiếp chúng tôi bên bếp lửa dưới chân căn nhà sàn người Thái, bên dòng suối Sim đang cuộn nước về xuôi, cụ Lương Văn Pém, 84 tuổi (bản Sim, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát)- người du kích dẫn đoàn quân Tây Tiến năm xưa vẫn nhớ như in những ngày xẻ núi băng rừng cùng đoàn quân "không mọc tóc".
Không biết tiếng Kinh cũng làm cách mạng
Năm 1947, Pháp kéo về các bản ở Mường Lát, đám quan làng lại cấu kết với chúng. Đi đến đâu, chúng cướp bóc trâu bò, giết người, hãm hiếp phụ nữ... khiến người dân vô cùng khốn khổ, căm hận.
Khi ấy, chàng thanh niên người dân tộc Thái, Lương Văn Pém mới 17 tuổi, "khỏe như con trâu, nhanh như con sóc, thạo đường rừng như dê núi" được bộ đội chọn làm người du kích liên lạc dẫn đường.
Cụ Pém cùng vợ.
Với chàng thanh niên ấy, thì địa bàn Mường Lát từ xã Tam Trung lên Pù Nhi, Tén Tằn, Quang Chiểu sang tới Lào, chỗ nào anh cũng thạo. Bởi thế mà khi được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội thì anh không ngần ngại. Cụ bảo, lúc đó thấy bọn giặc tàn ác quá cũng sợ nhưng cách mạng bảo thì mình tin chứ.
Mặc dù, ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Thái ra cụ còn biết tiếng Lào, tiếng Mông, Khơ Mú, Dao, Mường... nhưng tiếng Kinh thì cụ lại không biết thế nhưng khi được giao nhiệm vụ, không cần suy nghĩ, cụ đã đồng ý ngay.
Cụ Pém nhớ lại: "Hồi đó tôi cùng với khoảng 20 người nữa tham gia vào đội du kích Tây Tiến, tôi được giao nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội, truyền thông tin, cất giấu muối, tiếp tế lương thực. Bộ đội Tây Tiến mới về đây không ở với dân bản mà ở sâu trong rừng để tránh sự càn quét của thực dân Pháp và đám tay sai trong bản".
Có những chuyến đi kéo dài tới hàng chục ngày hay nửa tháng trời. Không có đường cố định, Cụ Pém cứ dẫn bộ đội men theo suối, theo sông Mã, băng rừng mà đi, vừa đi vừa xóa dấu vết.
"Nhiều hôm giữa đêm khuya tôi một mình đi trong rừng già, bên người chỉ có một con dao nhỏ làm bạn, nghe tiếng cọp rừng gầm rú mà lạnh cả người. Lúc đó, cũng thấy hơi sợ, nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng nên quên hết cả sợ, cứ thế mà đi" - cụ Pém kể. Tại các lán trại, đêm đến, cụ Pém lại được bộ đội dạy chữ, bồi dưỡng văn hóa. Ngày ấy không có giấy bút, cụ phải dùng bút chì tập viết vào từng miếng gỗ, viết xong lại mài miếng gỗ thật nhẵn rồi viết lại. Đêm nào cũng phải học nên chỉ hai tháng sau, cụ đã có thể đọc, viết được tiếng Kinh dù còn chưa thành thạo. Tuy nhiên, việc chàng thanh niên này biết đọc văn bản lúc đó như một "sợi dây liên lạc" truyền tin tức đến cán bộ ở các lán trại bí mật không chỉ trong các cánh rừng nguyên sinh của Mường Lát mà còn trao đổi giữa Trung đoàn Tây Tiến với các đơn vị bộ đội đóng quân trên miền Tây biên giới Việt - Lào trải dài từ Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An. Thông tin giữ được bí mật, đến đúng cán bộ, đúng địa chỉ một cách an toàn.
Mỗi kỷ niệm như một phần ký ức đáng tự hào
Đường Tây Tiến vẫn trùng điệp như ngày nào.
Trong suốt hành trình những năm làm du kích, có biết bao kỷ niệm, biết bao lần suýt chết, bao lần suýt bị địch phát hiện nhưng rồi cũng qua. Mỗi kỷ niệm với cụ như một phần ký ức đáng tự hào, không thể nào quên. Rồi cụ cười bảo mình cao số chứ nhiều lần suýt chết rồi mà cuối cùng vẫn thoát. Có một lần cụ từ bên Lào về mang theo 2 quả lựu đạn, đi dọc suối Sim về tới khu Chòm Sáng (Quang Chiểu) thì dừng lại nghỉ trưa. Đang nằm trong lán, thì bất ngờ thấy tiếng quân giặc quát tháo, cụ bật dậy dựa lưng vào tảng đá, để giấu 2 quả lựu đạn tránh bị chúng phát hiện. Trong đoàn quân đi càn, có ông Hà Văn Liễn, người tham gia du kích cùng cụ Pém đang bị bắt giải đi.
"Lúc đó, tôi lo lắm, chỉ cần anh Liễn lên tiếng hoặc có hành động, cử chỉ gì là tôi sẽ bị bắt ngay, nên tôi đặt tay sẵn lên 2 quả lựu đạn để sẵn sàng sống chết. Nhưng rất may bọn chúng không phát hiện ra tôi. Hai quả lựu đạn sau đó được đưa về tay bộ đội an toàn" - cụ Pém nhớ lại. Kể đến đó, giọng cụ chùng xuống, những nếp nhăn trên gương
mặt như xô lại, cụ xúc động tâm sự: "Cả xã có 20 thanh niên tham gia Đội du kích Tây Tiến thì phần lớn đều đã hi sinh tại chiến trường. Ông nhà thơ Quang Dũng đã nói rất đúng khi viết câu thơ "Rải rác biên cương mồ viễn xứ - Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh..."
Được gặp Bác Hồ và những kỷ vật không thể quên
Năm 1952, bộ đội lại hành quân Tây Tiến, cụ không những tiếp tục tham gia du kích mà còn vận động được 22 thanh niên địa phương giác ngộ Cách mạng, đi theo bộ đội. Cuối năm đó, cụ được giao nhiệm vụ làm Phó Công an xã liên tục trong nhiều năm liền, sau đó làm Chủ tịch xã và được đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số biên giới phía Tây Thanh Hóa ra Thủ đô Hà Nội dự mít tinh Quốc khánh.
Năm 1963, khi về Hà Nội dự Đại hội "Bảo vệ trị an toàn miền Bắc năm 1963 - 1964", cụ Pém vinh dự được gặp Bác Hồ. Ông cụ phấn khởi kể lại: "Lúc tôi được mời đi dự Đại hội, tôi không nghĩ lại vinh dự được gặp Bác, nên khi bất ngờ thấy Bác Hồ xuất hiện, tôi vui mừng, hạnh phúc và xúc động lắm. Không những được gặp Bác, mà lại còn được Bác khen nữa. Trong Đại hội, Bác khen xã Quang Chiểu đoàn kết tốt. Một xã biên giới xa huyện, xa tỉnh, xa Trung ương, nhưng cán bộ một lòng theo Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số với bộ đội, với công an đoàn kết tốt giúp đỡ lẫn nhau. Bác vừa dứt lời, các đại biểu trong hội trường đều vỗ tay hoan hô".
"Rồi bất ngờ Bác hỏi có ai ở Quang Chiểu không? Tôi liền đứng lên nói to: Thưa Bác có con! Bác hỏi thăm, tuyên dương tôi ngay giữa hội trường trước những tràng vỗ tay không ngớt làm tôi vui quá đỏ hết cả mặt".
"Khi rời Thủ đô, tôi còn được Bác tặng cho một túi quà gồm có 1 chiếc đèn pin, 2 đôi pin và 4m vải lụa đỏ. Hôm tôi về, cả xã kéo đến hội trường rất đông để nghe tôi kể chuyện được gặp Bác Hồ. Những món quà Bác tặng tôi đã dành tặng lại 4m vải lụa cho mẹ già, người đã sinh và nuôi tôi khôn lớn. Mẹ tôi cũng không dùng tấm vải đó để may quần áo hay làm gì mà giữ nó rất cẩn thận. Ngày mẹ qua đời, gia đình đã dùng tấm vải quý đó để khâm liệm cho mẹ" - cụ Pém xúc động nhớ lại...
Nguyễn Thùy
Theo Dantri
Chỗ dựa vững vàng của đồng bào biên giới Mảnh đất xứ Nghệ có nhiều huyện có đường biên giới giáp ranh với nước bạn Lào như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn... còn muôn vàn khó khăn, gian nan; nhưng các anh vẫn luôn gắn bó máu thịt, sát cánh với đồng bào. Trong suốt 56 năm qua (3/3/1959-3/3/2015), bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ quản...