Ô tô Trung Quốc vào Mỹ: Không phải tương lai gần
Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu một ngày nào đó thị trường Mỹ có tràn ngập xe Trung Quốc?
Trong số 11,6 triệu xe du lịch và thương mại hạng nhẹ tiêu thụ tại Trung Quốc tính đến hết tháng 11/2009, thì có khoảng 52% là xe của các hãng nội địa giá rẻ. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là trong ngày một ngày hai thị trường Mỹ sẽ tràn ngập xe Trung Quốc giá rẻ. “Thành tích” hôm nay của thị trường và các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng là kết quả của một quá trình lâu dài.
Để có thể trả lời câu hỏi ban đầu, hãy cùng nhìn lại lịch sử các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và nỗ lực của họ trong việc chinh phục thị trường Mỹ.
Trong vài năm qua, nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã cố gắng dùng Mexico làm điểm khởi đầu để từng bước “lấn” sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, lần lượt từng công ty đã phải từ bỏ con đường này.
Đầu tiên là Chery. Năm 2007, Chrysler đã đề nghị Chery ký hợp đồng cung cấp các mẫu xe cỡ nhỏ cho thị trường Bắc Mỹ. Hai bên dự kiến bắt đầu bằng việc xuất khẩu xe sang Mexico vào năm 2008. Tuy nhiên, kế hoạch này đã rơi vào ngõ cụt khi Chrysler nhận ra rằng rất khó tiêu thụ các sản phẩm của Chery, ngay cả ở Mexico.
Mẫu Riich G5 mới ra mắt được Chery kỳ vọng có thể cạnh tranh với Honda Accord và Toyota Camry tại Trung Quốc
Năm 2008, thêm hai công ty nữa, Trường An (Changan Automobile Co.) và FAW, cũng đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy lắp ráp ở Mexico và sau đó xuất khẩu xe từ Mexico sang Mỹ. Tuy nhiên, trong năm 2009, cả hai đều đã gác lại các kế hoạch do tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm và một vướng mắc lớn – chi phí vận chuyển linh kiện, phụ tùng từ Trung Quốc sang Mexico quá cao.
Với cơ sở gầm bệ mua của MG Rover – nhà sản xuất ô tô Anh quốc đã giải thể, tập đoàn ô tô Thượng Hải (SAIC) đã xây dựng thành công thương hiệu Roewe, bán được hơn 59.000 chiếc Roewe 550 tại thị trường Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2009. SAIC cũng muốn khôi phục thương hiệu MG mà họ đã mua được và dùng nó để chinh phục các thị trường phương Tây.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng đã bị bỏ dở. Một kế hoạch, được công bố vào năm 2007, nhằm lắp ráp mẫu xe TF (cả bản mui kín và mui trần) ở Oklahoma, Mỹ, từ năm 2008 chưa bao giờ trở thành hiện thực. Vào tháng 10/2009, SAIC đã phải dừng việc sản xuất xe MG TF tại Anh do doanh số quá thấp.
Video đang HOT
Cũng giống như SAIC, Tập đoàn công nghiệp ô tô Bắc Kinh (BAIC) đã mua một số cơ sở gầm bệ và công nghệ động cơ từ Saab vào tháng 12/2009. Và theo lời chủ tịch BAIC, tập đoàn sẽ vươn tầm hoạt động lên toàn cầu. Tuy nhiên, BAIC sẽ cần ít nhất là 3 năm để “hấp thụ” những gì họ mua từ Saab trước khi có thể cân nhắc việc xuất khẩu xe mang thương hiệu của chính mình ra nước ngoài.
Kế đến phải kể tới Zhejiang Geely Holding Group Co., tập đoàn đang tiến hành các thủ tục mua thương hiệu Volvo từ Ford. Liệu Geely có dùng mạng lưới đại lý của Volvo để phân phối sản phẩm của mình tại Mỹ?
Khả năng không cao. Hình ảnh thương hiệu Geely đã có bước tiến khi hãng không ngừng loại bỏ các mẫu xe giá rẻ và ra mắt nhiều xe cao cấp hơn. Nhưng nếu do với Volvo, hình ảnh thương hiệu của Geely vẫn còn khoảng cách xa. Trưng bày xe Geely bên cạnhxe Volvo trong cùng hệ thống đại lý không phải là một ý tưởng hay vì sẽ làm hỏng thương hiệu xe sang Thụy Điển.
Mẫu iG Concept của Geely ra mắt tại Triển lãm ô tô Thượng Hải 2009
Nhận thức được rằng khó có thể đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và khí thải khắt khe của thị trường Mỹ, hầu hết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc không tham gia Triển lãm ô tô Bắc Mỹ diễn ra ở Detroit, thủ phủ của ngành ô tô Mỹ, trong 2 năm qua.
BYD là trường hợp ngoại lệ duy nhất. Công ty sẽ giới thiệu một mẫu xe hybrid sạc điện ngoài và một mẫu ô tô chạy hoàn toàn bằng điện tại Triển làm ô tô Bắc Mỹ năm nay (NAIAS 2010).
Tuy nhiên, BYD có thể chỉ làm điều này vì Warren Buffet, tỷ phú Mỹ đã chấp thuận cho công ty đầu tư Berkshire Hathaway của ông “rót” 230 triệu USD vào nhà sản xuất ô tô Trung Quốc này vào năm 2008. Có lẽ BYD muốn cho giới truyền thông Mỹ thấy rằng ngài Buffet đã có một quyết định đầu tư sáng suốt.
Thêm vào đó, giới thiệu và trưng bày một mẫu xe là một chuyện, còn bán nó lại là chuyện khác. Các mẫu ô tô chạy điện của BYD chưa được thử nghiệm và cơ sở hạ tầng hỗ trợ hoạt động của loại xe này, như trạm sạc pin, vẫn còn rất thiếu ở Mỹ.
Vậy thì trong số các thương hiệu ô tô Trung Quốc, thương hiệunào có cơ hội vào Mỹ lớn nhất?
Có lẽ là Great Wall. Phát biểu tại một hội thảo của Automotive News China năm 2008, chủ tịch Wang Fengying của Great Wall đã nói rằng công ty của bà nhìn nhận thị trường Mỹ là đích đến “sau chót” vì ở đó có những thách thức lớn về tiêu chuẩn an toàn và khí thải đối với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài.
Great Wall đã có những bước tiến đáng kể trong việc chinh phục các thị trường phát triển. Hồi tháng 9 năm ngoái, 4 mẫu xe của Great Wall – 2 mẫu xe nhỏ, 1 mẫu SUV và 1 mẫu bán tải – đã được cấp phép vào EU, thị trường công ty dự kiến tiêu thụ xe từ năm sau, 2011.
Theo nguồn tin từ bộ phận kinh doanh ở nước ngoài của công ty, Great Wall không có kế hoạch vào Mỹ ngay tức thời, vì còn nhiều quy định khắt khe về an toàn và khí thải. Nhưng đó có thể chỉ bởi vì Great Wall không muốn có thêm một câu chuyện nào khác từ Trung Quốc về tham vọng chinh phục thị trường Mỹ ngay lập tức. Họ chỉ muốn lặng lẽ chinh phục mục tiêu.
Theo Automotive News
Nhìn lại ngành công nghiệp ô tô năm 2009
Không thể phủ nhận rằng 2009 là một trong những năm tệ nhất trong lịch sử ngành công nghiệp ô tô, không chỉ bởi hai "đại gia" GM và Chrysler rơi vào tình trạng bảo hộ phá sản, cùng với doanh số toàn cầu sụt giảm kỷ lục.
Đã có không ít thương hiệu bị khai tử, như Saturn, Pontiac và sẽ có thể là cả Saab. Nhiều đại lý hoạt động lâu năm buộc phải đóng cửa. Vận may không mỉm cười với những thương hiệu như Toyota. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới này không những phải chứng kiến doanh số sụt giảm mạnh, mà còn cả ác mộng thu hồi xe và các vấn đề an toàn.
Cũng có những sự sụt giảm doanh số ngoài dự kiến, như với mẫu Insight Hybrid (ảnh dưới) giá 19.800 USD tại Mỹ của Honda.
Theo thông tin từ Automotive News, ban đầu Honda kỳ vọng sẽ bán được 90.000 chiếc trong năm 2009, sau đó giảm mục tiêu xuống còn 60.000 chiếc do tình hình suy giảm kinh tế. Nhưng kể từ ngày ra mắt hồi tháng 3/2009, mẫu Honda Insight chỉ đạt doanh số 17.530 chiếc.
Trong khi đó, Edmunds dự báo tiêu thụ xe con và xe việt dã/đa dụng trong năm 2009 chỉ đạt khoảng 10,4 triệu chiếc, mức thấp nhất kể từ năm 1970.
Minh họa cho điều này, có thể nhìn vào doanh số trung bình của toàn ngành ô tô trong giao đoạn giữa những năm 2000 là 16 triệu chiếc/năm. Nhưng từ năm 2007 đến 2009, doanh số giảm 36,4%, theo Edmunds.
Sự kiện lớn nhất trong ngành công nghiệp ô tô năm 2009 vừa qua là vụ bảo hộ phá sản của hai "gã khổng lồ Detroit" Chrysler và GM. Sau khi ra khỏi tình trạng bảo hộ phá sản, Chrysler có tập đoàn Fiat của Ý trở thành cổ đông chính, còn GM nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Mỹ.
GM thoát khỏi tình trạng bảo hộ phá sản với khoản nợ chỉ còn 17 tỷ USD, trong đó có 6,7 tỷ USD nợ chính phủ Mỹ. Chính phủ đã "bơm" 52 tỷ USD cho GM để đổi lấy việc nắm giữ 61% cổ phần tập đoàn.
Doanh số ô tô tháng 11/2009 cho thấy đã bắt đầu có sự phục hồi. Mặc dù tổng doanh số của GM giảm 2,2% so với năm 2008, nhưng doanh số của các thương hiệu chính -Chevrolet, Cadillac, Buick và GMC - đã tăng 5,6%.
2009 mặt khác là năm thành công của một số thương hiệu như Hyundai, Kia, Subaru, Buick và Ford.
Sau 11 tháng đầu năm 2009, thị phần của Hyundai tại Mỹ đã tăng lên 4,3%, so với mức 3,2% cách đó một năm. Thị phần của Kia tăng từ 2,1% lên 3%. Hyundai ghi điểm với xe Genesis sedan và coupe. Kia có các sản phẩm mới như Forte và Soul. Subaru có mẫu Legacy sedan, Outback wagon, và Forester mới. Trong khi đó, Volkswagen có CC sedan hạng trung, và Jetta động cơ diesel.
Thị phần của Subaru tăng từ 1,4% lên 2,1% sau 11 tháng đầu năm 2009. Ford và Buick cũng gặt hái nhiều thành công trong năm 2009.
Buick dần xóa bỏ hình ảnh thương hiệu xe dành cho người già, bằng việc tung ra thị trường mẫu LaCrosse thế hệ mới trẻ trung và gợi cảm hơn, với tham vọng cạnh tranh Lexus.
Với Ford, dấu ấn của CEO Alan Mulally thể hiện rõ rệt. Ông đã đẩy mạnh đầu tư phát triển ô tô cỡ nhỏ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn và dồn tập trung vào các thương hiệu Ford, Mercury và Lincoln. Quyết định sáng suốt của ông Mulally đã giúp Ford không phải dùng đến tiền cứu trợ khẩn cấp của chính phủ. Doanh số có dấu hiệu khởi sắc, Ford có xe bán chạy nhất trong nhiều phân khúc thị trường tại Mỹ, đặc biệt là mẫu Ford Fusion.
Theo Post-Gazette
Những bức ảnh xe đẹp nhất năm 2009 Mê hoặc giới mộ xe bằng ngoại hình, tốc độ và các tính năng tiên tiến, những siêu xe hay các loại xe thế hệ mới càng thêm quyến rũ dưới ống kính của các phóng viên ảnh đến từ trang Autoblog. Bugatti Grand Sport 2009. Chevrolet Corvette ZR1 2009. Nissan GT-R 2010. Mercedes-Benz SLS AMG 2011. Mazda3 2010. Alfa Romeo 8C Competizione...