Ô tô mất lái – Xử trí thế nào để an toàn, tránh tai nạn?
Thời gian gần đây, các vụ ô tô mất lái xảy ra liên tiếp gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản. Theo các chuyên gia ô tô những nguyên nhân như: nổ lốp xe, lái xe lơ đãng… gây ra tình trạng mất lái. Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng mất lái và xử lý ra sao khi ô tô mất lái?
Thế nào là mất lái?
Ô tô mất lái tông hàng loạt xe máy
Hiện tượng người lái xe mất khả năng điều khiển, kiểm soát chiếc xe thì gọi chung là mất lái. Mất lái thường xảy ra một cách đột ngột, bất ngờ khiến cho tài xế đặc biệt là những tay lái mới không kịp thời phản ứng và trở thành nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tại nạn giao thông.
Ô tô mất lái do những nguyên nhân nào?
Các nguyên nhân khách quan do lỗi kỹ thuật của xe như: Nổ lốp, một chi tiết nào đó trong hệ thống lái hoặc các bộ phận liên quan bị hỏng hóc, kẹt cứng, hệ thống bánh xe chưa được cân chỉnh chính xác… Nguyên nhân thường gặp là người lái chủ quan, lơ đễnh nên mắc sai lầm trong các thao tác kỹ thuật lái xe (không làm chủ tốc độ, không làm chủ được chân ga, chân phanh, vào cua ở tốc độ cao…) dẫn tới tình trạng ô tô mất lái.
Khi xe có dấu hiệu mất lái hoặc mất lái thì xử lý thế nào?
Khi ô tô mất lái, thường thì bạn sẽ chỉ có từ 2 – 3 giây để xử lý tình huống. Do vậy, điều trước tiên là cần phải giữ bình tĩnh, tránh hoảng loạn sẽ dẫn đến những thao tác sai lầm.
Khi ô tô chỉ mới mất trợ lực lái, hãy giữ chặt vô-lăng bằng hai tay để duy trì quyền kiểm soát. Lúc này, hãy bình tĩnh để giảm tốc xe. Trường hợp không có các hệ thống phanh trên và đường ướt, hãy nhấp phanh từ từ tránh phanh gấp để duy trì kiểm soát hướng di chuyển. Bởi khi bánh bị khóa cứng, lực bám ngang không còn, xe sẽ bị văng đi.
Video đang HOT
Nếu đường khô, vắng, nên đạp phanh nhanh, dứt khoát nếu xe có trang bị hệ thống phanh ABS, EBD, BA. Ngoài ra, hãy hãm xe lại bằng cách chuyển ngay về các số thấp L, D1, D2 trên xe số tự động hoặc số 1, 2 trên xe số sàn.
Chú ý: Khi ô tô mất lái, tài xế tuyệt đối không được chuyển xe về N hoặc rút chìa khóa, điều này sẽ làm cho hệ thống lái không thể hoạt động, và dẫn đến tình huống nguy hiểm hơn.
Đừng quên bật đèn cảnh báo nguy hiểm hoặc đèn xin vượt và cẩn trọng đưa xe vào khu vực có thể đỗ an toàn. Nếu vẫn kiểm soát được một phần, các bác tài hãy đánh lái sang một bên đường, nơi trống nhất.
Khi đã dừng được xe, nếu không xảy ra tai nạn, nghỉ một chút cho bình tĩnh lại rồi đưa xe ra khỏi đường. Nếu cảm thấy không thể kiểm soát được xe, tài xế nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho va chạm. Các biện pháp như kéo xe theo dọc ta-luy, đâm xuống ruộng, lên rừng, lối thoát hiểm… nhằm hạn chế thương vong nhất có thể.
Làm thế nào để giảm thiểu ô tô mất lái?
Khi xe di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu, nhiều sương mù, đường sá trơn trượt… các bác tài nên hết sức cẩn thận thay vì chủ quan. Hãy bật đèn đúng quy định và giữ tốc độ chậm. Hạn chế phanh gấp.
Khi đi đường đồi núi có nhiều khúc cua tay áo thì phải lái xe áp vào bên núi, giảm tốc khi vào cua có bề mặt đường nghiêng về phía ta-luy âm (phía bên vực). Tuân thủ đúng tốc độ quy định, không phóng nhanh vượt ẩu và luôn giữ khoảng cách an toàn với các xe đang di chuyển cùng chiều.
Giảm tốc độ trước khi vào cua. Khi vào cua, hãy giữ vững tay lái, không đạp ga tăng tốc quá sớm hoặc giảm ga đột ngột, phanh gấp khi đang ở giữa cua. Chỉ nên áp dụng kỹ thuật đánh vô lăng ô tô chéo tay khi xe chạy ở tốc độ thấp. Còn khi chạy xe tốc độ cao nên áp dụng kỹ thuật đánh lái kéo đẩy. Tuân thủ việc cầm vô lăng đúng cách, điều chỉnh tư thế ngồi đúng và thoải mái nhất để có thể xử lý linh hoạt trong mọi tình huống.
Hãy luôn chú ý việc bảo dưỡng xe để đảm bảo xe luôn hoạt động trơn tru, không bị gặp lỗi trục trặc. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của xe, đặc biệt là ở hệ thống lái như vô lăng bị rơ, xe bị nhao lái, lốp xe mòn không đều, đèn báo lỗi động cơ, đèn báo lỗi hộp số phát sáng… các bác tài nên đưa xe đi kiểm tra sớm nhất có thể để tránh tình trạng ô tô mất lái.
Liên tiếp xảy ra tai nạn do nổ lốp ô tô: Có hàng giả hay không?
Không ít vụ TNGT do ô tô nổ lốp để lại hậu quả nghiêm trọng, trong đó có nguyên nhân từ cách sử dụng thiếu cẩn trọng hoặc do lốp kém chất lượng.
Có lốp ô tô giả hay không?
Theo ông Đỗ Phương Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lốp ô tô Việt Nam, việc làm giả lốp ô tô hiện nay hoàn toàn không có. Bởi để tạo ra được một chiếc lốp cần phải có khuôn và bên trong khuôn sẽ có các thông tin của nhà sản xuất.
Để tạo ra được chiếc khuôn đó không hề đơn giản, rất đắt tiền. Chưa kể trên tất cả các lốp xe đều có mã vạch của từng hãng nên rất khó để làm giả.
Khách hàng nên lựa chọn các cơ sở kinh doanh lốp uy tín, đại lý uỷ quyền để thay thế lốp
Tuy nhiên theo ông Đỗ Phương Nam, dù chưa phát hiện xe tới bảo dưỡng, sửa chữa sử dụng lốp giả nhưng đã có một số loại lốp bị thay đổi nơi sản xuất.
Ví dụ như lốp Michelin tại Việt Nam phần lớn ghi nguồn gốc tại Thái Lan nhưng ít ai biết nhà máy Michelin lớn nhất thế giới nằm ở Trung Quốc. Do thị hiếu tiêu dùng nên một số lốp nhập về từ Trung Quốc nhưng lại sửa thành Thái Lan hoặc Pháp.
Cũng có thể xảy ra trường hợp đơn vị kinh doanh sửa lại ngày sản xuất ghi trên hông lốp. Lốp xe thường có niên hạn sử dụng từ 5 - 7 năm. Khi lốp hết hạn hoặc để lâu, họ có thể sửa lại ngày sản xuất ghi trên hông lốp để kéo dài thời hạn sử dụng (gọi là xóa vết). Việc này sẽ chỉ những người làm trong nghề mới có thể phát hiện được.
Trên thị trường hiện nay cũng xuất hiện nhiều địa chỉ kinh doanh lốp ô tô lướt (lốp đã sử dụng), giá rẻ hơn nhiều so với lốp mới. Không khó để tìm kiếm trên mạng một địa chỉ kinh doanh loại lốp này.
Theo ông Nam, việc sử dụng loại lốp này nếu vẫn trong thời hạn sử dụng thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên cũng cần chọn cơ sở uy tín để tránh bị sửa lại ngày sản xuất và tốt nhất, nên hạn chế mua.
Ngoài ra đối với xe tải, cũng có một số cơ sở đắp, làm lại lốp để tái sử dụng. Ở nước ngoài, việc làm này diễn ra phổ biến, được phép nhưng phải tuân thủ theo quy trình của từng hãng lốp. Nhưng tại Việt Nam, việc làm này không tốt bởi mặt đường có nhiều ngoại vật nên thành lốp dễ bị mòn, rách, thủng.
"Trước đây, Bridgestone có nhà máy riêng tại Việt Nam để làm việc này song đã phải đóng cửa vì khung lốp sau khi sử dụng ở Việt Nam kém, lượng đạt tiêu chuẩn thu hồi về để đắp lại không đủ đáp ứng", ông Nam chia sẻ thêm.
Giám đốc một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội cũng cho biết, rất khó để nhận biết lốp ô tô giả hay bị sửa ngày sản xuất, nơi sản xuất, kể cả với nhân viên đăng kiểm có nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, để xe vận hành an toàn, khi đăng kiểm, có một số lỗi sẽ bị từ chối đăng kiểm như sử dụng sai thông số lốp, lốp quá mòn hoặc phồng, rạn nứt... "Về việc sử dụng lốp đắp (lốp đã mòn được dán lại) cũng có nhiều và chủ yếu là xe tải, ở các vùng ngoại thành hoặc miền núi. Còn tại Hà Nội rất ít", vị này cho biết thêm.
Nên mua lốp chuẩn, dùng lốp đúng cách
Trên lốp đều in rất rõ ràng các thông tin như nơi sản xuất, thời gian sản xuất. Ảnh: Thanh Tùng
Theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), khi mua ô tô mới, khách hàng hoàn toàn yên tâm vì lốp theo xe được sử dụng đều là hàng chính hãng. Tuy nhiên khi thay lốp sau một thời gian sử dụng, người dùng nên cân nhắc lựa chọn thương hiệu, cơ sở lốp uy tín.
Cùng chung khuyến cáo như trên nhưng ông Nam lưu ý khách hàng cần cảnh giác với những loại lốp không có nhãn hiệu. Bên cạnh đó, không nên quá cầu toàn khi chọn tuổi lốp xe.
"Ví dụ bây giờ mới đầu năm 2022 mà muốn mua lốp sản xuất năm 2022 rất có thể sẽ mua phải lốp bị sửa ngày sản xuất. Như vậy, thà mua loại lốp có năm sản xuất gần nhất còn hơn mua phải lốp đã bị "ăn gian" số tuổi", ông Nam nói.
Đại diện Bridgestone Việt Nam cho biết, để biết có mua được lốp Bridgestone chính hãng hay không, khách hàng lưu ý trên lốp có dán mã kích hoạt bảo hành điện tử.
Khi mua lốp, khách hàng chỉ cần nhập mã này vào, nếu kích hoạt bảo hành thành công thì đó là lốp chính hãng. Còn nếu không được hoặc mua lốp Bridgestone không được dán mã, khách hàng cần phản ánh ngay.
Theo PGS. TS. Nguyễn Thành Công, Bộ môn Cơ khí ô tô (Đại học GTVT), để phòng ngừa nổ lốp, người dùng nên sử dụng lốp chất lượng, kiểm tra tình trạng, vệ sinh lốp thường xuyên.
Khi sử dụng lốp cần được bơm và duy trì áp suất đúng quy định, thực hiện đảo lốp định kỳ và thay lốp khi tình trạng lốp không còn tốt. Người sử dụng cũng cần duy trì tốc độ ô tô hợp lý phù hợp với lốp.
6 bước an toàn cơ bản cần nhớ nếu xe nổ lốp khi đang chạy tốc độ cao Giữ bình tĩnh, không đánh lái liên tục, không phanh gấp... là những gì người lái có thể làm để tránh rủi ro cao khi ôtô nổ lốp. Lốp ô tô nổ khi đang di chuyển có thể gây nguy hiểm cho người điều khiển xe, bởi khi đó việc đánh lái và kiểm soát xe không theo ý muốn. Theo Cơ quan...