Ô tô “bay” lên dải phân cách, tông đổ cột quảng cáo
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 13h30 ngày 7/2, đoạn qua ngã tư giao nhau giữa đại lộ Lê Lợi và đường Hạc Thành ( TP Thanh Hóa).
Ô tô tông gãy cột quảng cáo
Những người có mặt tại hiện trường cho biết, vào thời gian trên, chiếc xe ô tô hiệu Camry 2.4 mang BKS 36N-4107 (chưa rõ danh tính người điều khiển) đang lưu thông hướng cầu vượt Phú Sơn xuống ngã tư đại lộ Lê Lợi thì bỗng lao thẳng lên dải phân cách. Trước khi nằm yên vị trên dải phân cách, tài xế còn đâm gãy cột quảng cáo.
“Ăn vạ” trên dải phân cách
Rất may chiếc xe chỉ bị hư hỏng nhẹ và vụ tai nạn không có thương vong về người, nhưng khiến người đi đường bị một phen hoảng hồn.
Công an TP Thanh Hóa đã có mặt tại hiện trường làm rõ vụ việc.
Nguyễn Thùy
Video đang HOT
Theo Dantri
Công trình trăm tỷ ngổn ngang sau 4 lần gia hạn
Dự án cầu - đường kinh phí hơn 160 tỷ đồng được khởi công cách đây 6 năm nhưng đến thời điểm hiện tại, qua 4 lần gia hạn vẫn chưa thể hoàn thành. Cây cầu dở dang, hàng trăm hộ dân ngày ngày cược tính mạng với Hà Bá.
Tháng 6 năm 2009, dự án đường và hệ thống cầu vào trung tâm xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) được khởi công.
Ngay từ khi những khối đất đá đầu tiên được đổ xuống để xây dựng tuyến đường, hàng trăm người dân xã Nghĩa Hành, xã Phú Sơn đã khấp khởi vui mừng mong sớm có ngày từ giã cảnh đánh cược mạng sống với tử thần khi vượt đò qua sông để đến được trung tâm huyện Tân Kỳ.
Tuyến đường mới được xây dựng sẽ nối liền đường mòn Hồ Chí Minh vào thẳng trung tâm xã Phú Sơn. Tổng kinh phí của dự án được phê duyệt đến thời điểm hiện tại là 162 tỷ đồng. Bao gồm 18km đường và hệ thống cầu kiên cố. Dự kiến sau 32 tháng toàn bộ dự án sẽ hoàn thành và đi vào phục vụ nhân dân.
6 năm, cây cầu hàng chục tỷ chỉ là bộ khung trơ giữa dòng sông.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ dự án vẫn vô cùng ngổn ngang. Đặc biệt công trình cầu Phú Sơn - nút giao thông trọng yếu - vẫn chưa thể nối nhịp để phục vụ nhân dân theo như "lời hứa".
Chị Nguyễn Thị Mai, một người dân tại đây, cho biết: "Ngày nào tôi cũng phải ra khu vực trung tâm thị trấn để nhập hàng. Xe chở nặng nên mỗi lần lên đò gặp rất nhiều khó khăn. Có hôm xe tôi bị trượt rồi ngã cả người và hàng xuống sông may mà không sao. Người dân chúng tôi rất mong tuyến đường sẽ sớm hoàn thành để không còn phải khổ sở qua đò như thế này nữa".
Có mặt tại bến đò Phú Sơn, chỉ trong một thời gian ngắn chúng tôi ghi nhận có hàng trăm lượt người phải vất vả chen lấn nhau để có thể qua đò. Con đò cũ thiếu an toàn oằn mình sang sông.
Một cô giáo mầm non ở xã Nghĩa Hành mỗi ngày phải đều đặn qua đò hai lần để sang xã Phú Sơn dạy học chia sẻ: "Có hôm vừa lên đò thì cả xe lẫn người trượt xuống mép nước ướt hết cả. Tôi phải mang nguyên bộ quần áo ướt sũng tiếp tục đến trường để kịp giờ đón học sinh. Những ngày này còn đỡ chứ vào mùa mưa nước lớn lại chảy xiết nên cứ mỗi lần lên được con đò là chúng tôi đều nơm nớp lo sợ, chỉ đến khi sang được bờ bên kia mới giám chắc mình còn sống".
Một dầm bê thông đúc lên rồi nằm chờ ngày này qua tháng khác .
Mùa mưa dòng nước sông chảy xiết đục ngầu, chuyến đò lại càng thêm chòng chành, vô cùng nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn cho nhân dân nên mỗi khi mưa lớn thì bến đò Phú Sơn tạm ngưng hoạt động. Con đường duy nhất vào xã bị cắt đứt vậy là hàng trăm hộ dân tại xã Phú Sơn bị cô lập với thế giới bên ngoài.
Nhìn những chiếc trụ cầu đang được thi công dang dở, sắt thép ngổn ngang trên công trình, ông Hồ Công, một người dân tại đây đau xót: "Dự án thì thi công suốt 6 năm nay, dân chúng tôi ai nấy cũng mong cây cầu sớm được hoàn thành để có thể thuận tiện trong quá trình đi lại chứ ngày nào cũng phải qua đò như thế này chúng tôi khổ sở lắm".
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Viết Đức - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Tân Kỳ, đại diện chủ đầu tư - cho biết: "Dự án đường và cầu vào xã Phú Sơn được khởi công từ tháng 6/2009. Với tổng kinh phí ban đầu là 117 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm nay kinh phí toàn bộ dự án đã lên đến 162 tỷ đồng do trượt giá... Hiện tại dự án đã được gia hạn 4 lần nhưng vẫn chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng theo như dự kiến".
Ông Nguyễn Viết Đức thừa nhận công trình chưa thể hoàn thành dù đã 4 lần gia hạn.
Cũng theo ông Đức, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ phần lớn là do năng lực nhà thầu trước đây là Công ty Contrexin 16 không đảm bảo, quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó nguồn vốn cũng được cấp nhỏ giọt khiến dự án chậm so với tiến độ ban đầu.
Hiện tại để tháo gỡ và sớm đưa công trình vào hoạt động, chủ đầu tư đã kiên quyết cắt gói thầu số 1 và số 2 giao cho nhà thầu khác là Công ty TNHH Hoà Hiệp tại TP Vinh tiếp tục thi công. Đến thời điểm hiện tại nhà thầu mới đã hoàn thành cơ bản tiến độ theo cam kết với chủ đầu tư.
Công trình ngổn ngang.
Còn người dân cứ phải lụy đò.
Nguyễn Tình - Nguyễn Duy
Theo Dantri
Chính quyền xã tự ý giao khoán kinh doanh nơi thờ tự tâm linh của dân Đền Tam Lang là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng không chỉ của riêng người dân xã Xuân Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) mà của cả nhân dân thập phương. Nhưng chính quyền xã Xuân Lộc lại cho một cá nhân đứng ra nhận thầu kinh doanh nơi này. Những ngày vừa qua, người dân xã Xuân Lộc đang hết...