Ở nội thành 3 năm mới mong nhập cư HN
Quốc hội đã thông qua dự án Luật Thủ đô với 377/466 vị đại biểu nhấn nút tán thành…
Với 377 đại biểu tán thành, 75 vị nhấn nút không thuận và 14 vị không biểu quyết, tại phiên họp chiều 21/11, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Thủ đô.
Đây là một dự án luật có rất nhiều ý kiến khác nhau và không ít quan ngại về tính khả thi khi thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, từ cuối khóa 12 đến nay. Kết quả biểu quyết một số nội dung cụ thể và toàn bộ dự án luật cũng cho thấy tỷ lệ đại biểu không tán thành và không biểu quyết cao hơn đáng kể nhiều dự án luật khác.
Được 385/463 đại biểu nhất trí, Khuê Văn Các chính thức được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Được 385/463 đại biểu nhất trí, Khuê Văn Các chính thức được chọn là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội – Ảnh: CTV
Với quản lý dân cư, vấn đề gây tranh cãi khá gay gắt, ở báo cáo giải trình tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, kết quả phiếu xin ý kiến đã có 289/363 đại biểu tán thành với quy định đã được chỉnh lý tại dự thảo luật. Là, cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành…
Chỉ bổ sung điều kiện về thời gian cư trú và chỗ ở đối với một số đối tượng không thuộc các trường hợp nêu trên. Theo đó, các đối tượng này chỉ được đăng ký thường trú khi đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà cho thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.
Kết quả biểu quyết riêng về quản lý dân cư trước khi thông qua toàn bộ dự luật, có 346/463 đại biểu tán thành (trên 69%), quan điểm không tán thành được 106 vị đại biểu thể hiện và không biểu quyết là 11 vị.
Với cơ chế chính sách quy định cho Thủ đô, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự án luật đã không quy định cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Dự thảo luật cũng đã được chỉnh lý cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong ba lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.
Video đang HOT
Quy định về cơ chế, chính sách tài chính cũng đã được tiếp thu theo hướng ngoài nguồn ngân sách nhà nước đầu tư thì cần có một số cơ chế, chính sách cho phép huy động các nguồn lực tài chính khác ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng và phát triển Thủ đô trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Riêng ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm sử dụng quỹ đất sau khi di dời để xây dựng nhà ở thương mại, nhà cho thuê, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để phát triển Thủ đô hiện đại cần thiết phải xây dựng những khu nhà hiện đại, phù hợp với quy hoạch, cảnh quan, thuận tiện cho cuộc sống, phục vụ cho hoạt động thương mại, văn phòng. Như vậy, vừa có sự tập trung theo khu vực, vừa thuận tiện cho hoạt động quản lý và sinh hoạt của người dân. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của các Thủ đô hiện đại trên thế giới, phù hợp với quy hoạch xây dựng của Thủ đô, trên cơ sở tính toán, đánh giá về quỹ đất, dân số, tác động môi trường, giao thông, xã hội…
“Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội không quy định cấm tuyệt đối vấn đề này trong Luật Thủ đô”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh khi trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình.
Với 4 chương, 27 điều, Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013.
Nằm trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa 12, ở phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa này vào tháng 3/2011, chỉ có 177 phiếu thuận (35,9%), dự án Luật Thủ đô đã không được Quốc hội thông qua.
Theo 24h
Siết nhập cư, HN sẽ giảm dân số trên... giấy?
Theo tính toán, nếu siết nhập cư, mỗi năm, số người đăng ký vào nội thành có thể giảm 14.000- 19.100 khẩu. Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cho rằng, đó là giảm trên sổ sách.
Thảo luận tại tổ Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, hạn chế nhập cư vào nội thành để đảm bảo cuộc sống cho người dân, phù hợp quy mô dân số mà quy hoạch chung Thủ đô đã đề ra chứ không có chuyện "người an cư gây khó cho người mới".
Hạn chế chứ không cấm đoán
Hầu hết ý kiến trong đoàn đại biểu QH thành phố Hà Nội thống nhất cao với những nội dung trong dự thảo luật.
ĐB Bùi Thị An bày tỏ: "Không phải tôi là đại biểu Hà Nội nên nói cho Thủ đô. Mà cử tri và nhân dân cả nước đều mong muốn Thủ đô phát triển xứng tầm". Bà An cho rằng, những quy định về nhập cư không phải là cấm đoán mà là hạn chế trong bối cảnh nội thành đã quá tải.
ĐB Đào Trọng Thi đồng tình quy định thêm điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội, ủng hộ phương án quy định điều kiện nhà thuê phải bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu 5m2/người. Tuy nhiên, ông Thi cho rằng, các phương án cần lựa chọn cẩn trọng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, những ý kiến khác biệt lúc đầu đã thu hẹp. Ông Nghị khẳng định, đối với khu vực ngoại thành việc nhập cư vào Hà Nội thực hiện như Luật Cư trú.
Còn khu vực nội thành, để đảm bảo cuộc sống cho người nhập cư mới và người dân đang sống tại đây, đảm bảo phù hợp quy mô dân số mà Quy hoạch chung Thủ đô đã đề ra thì không thể cho nhập cư vô hạn.
"Diện tích quận Hoàn Kiếm có 4,5 km2 mà tới 22 vạn dân. Tại phố cổ có nhà 7- 8 hộ cùng sinh sống. Hà Nội đang giãn dân ra ngoại thành, các bộ cũng chuyển ra bên ngoài. Nếu không hạn chế nhập cư thì không thể giải quyết tình trạng quá tải"- ông Nghị nói.
Hạn chế quyền tự do cư trú?
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, điều quan trọng với Hà Nội là "nói phải đi đôi với làm".
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Để giảm tải phải di dời nhà máy, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô - việc này đặt ra chục năm rồi nhưng chưa làm được. Ông Đương cho rằng, tạm trú mới là vấn đề chứ thường trú chưa phải quá bức xúc.
Phó Trưởng đoàn đại biểu QH TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh cho rằng, quá tải ở Hà Nội một phần là do quản lý: "Mật độ dân cư như thế mà thành phố vẫn không ngừng cho xây nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, trường học trong nội thành, thì làm sao mà giãn dân cư được". Đại biểu này đề nghị không nên hạn chế quyền tự do cư trú của công dân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho biết, cách đây hơn một tuần, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức hội thảo với sự tham dự của các nhà khoa học có uy tín.
Nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định trong dự thảo luật đều có hết cả rồi, nhưng tại sao không thực hiện được?
Theo tính toán, nếu siết nhập cư, mỗi năm, số người đăng ký vào nội thành có thể giảm 14.000- 19.100 khẩu.
Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TPHCM) cho rằng, đó là giảm trên sổ sách, còn số người thực tế không giảm: "Không thể giảm bằng biện pháp hành chính cấm đoán".
Đề cập về cơ chế tài chính, trong đó cho phép Hà Nội được sử dụng các khoản thu của ngân sách trung ương vượt dự toán, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) băn khoăn: Nếu Hà Nội được hưởng như thế thì TPHCM, Cần Thơ thì sao? Chúng ta ưu tiên cho Thủ đô như thế có hợp lý không?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lý giải, thực tế hiện nay Hà Nội đã được ưu tiên tài chính như quy định trong luật, "lần này ghi vào luật để thành chế tài thực hiện cho dễ thôi".
Chấn chỉnh hoạt động liên kết xuất bản
Hôm qua, QH cũng thảo luận về Luật Xuất bản (sửa đổi). Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về điều kiện hoạt động, quyền hạn, trách nhiệm, cơ cấu tổ chức nhân sự cũng như quy trình tổ chức và biên tập bản thảo của cơ sở liên kết xuất bản.
Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, cần công nhận để quản lý chặt chẽ hơn một hình thức liên kết xuất bản mới mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát. Trong đó, đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo.
Do vậy, cơ sở liên kết phải cùng với nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm. Đối với những xuất bản phẩm có nội dung về lý luận chính trị, lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết mà phải trực tiếp thực hiện toàn bộ khâu biên tập bản thảo.
Theo 24h
Đề xuất thu phí cao, phạt nặng hơn ở HN Trong phiên làm việc sáng 26/10, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về 4 vấn đề, trong đó có việc HĐND TP Hà Nội được "Quy định mức thu phí ở nội thành cao hơn". Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, dự án Luật Thủ đô...