Ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn “âm thầm, nhưng… nóng bỏng”
Trả lời đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) về ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn đang rất nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận vấn đề này đang “âm thầm nhưng bức xúc, nóng bỏng”.
Công tác quy hoạch ở khu vực nông thôn chưa được quan tâm trong bối cảnh có nhiều loại hình kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp.
Theo ông Hà, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm nhiều hơn tới quy hoạch hạ tầng nông thôn, trong đó có giải quyết vấn đề môi trường, thiết bị thu gom rác thải, hướng dẫn để mỗi gia đình có thể phân loại, xử lý các chất thải hữu cơ bình thường.
Đại biểu Phạm Đình Cúc ( Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu chuyện ô nhiễm xảy ra nhưng không có cơ quan nào đứng ra giải quyết, nên khi khắc phục triệt để gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường đề cao vai trò giám sát của người dân nhưng thực tế người dân rất khó tiếp cận thông tin.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường và Hiến pháp đã ghi rất rõ về việc người dân có quyền được sống và hưởng môi trường trong lành. Thông tin về môi trường được cung cấp đến người dân, tổ chức và cộng đồng dân cư đều có vai trò tham gia giám sát. Tuy vậy trên thực tế người dân chưa dễ dàng trong việc tiếp cận.
“Mặc dù quy định khi thực hiện dự án thì phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư nhưng cách thức thực hiện như thế nào để người dân có thể quan tâm, tham gia được thì trên thực tế cách làm còn mang tính hình thức, chưa thực chất, nên người dân chưa tiếp nhận đầy đủ. Chính vì thế tôi cho rằng Mặt trận Tổ quốc cũng cần có cơ chế đại diện cho người dân, đóng vai trò thay mặt người dân trong vấn đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước”- ông Hà trả lời đại biểu.
Đối với ý kiến của đại biểu về trách nhiệm giữa địa phương và Trung ương khi xảy ra sự cố môi trường, Bộ trưởng Hà thừa nhận việc giải quyết nhiều khi chưa thực sự rõ ràng.
“Tôi cho rằng phải xác định được trách nhiệm cụ thể của mỗi cấp, như hiện nay phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) thì ở Trung ương nhưng việc cấp phép đầu tư lại ở địa phương, các phân định này quy định ở các luật khác nhau nên cần xem xét để thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và người chịu trách nhiệm đó phải chịu trách nhiệm xuyên suốt từ phê duyệt, cấp phép tới giám sát hoạt động. Trên thực tế các cơ quan trung ương không đảm đương được xử lý các vấn đề môi trường ở địa phương nên sắp tới phải tính tới phân cấp rõ hơn cho địa phương, gắn trách nhiệm để tạo điều kiện về tổ chức, bộ máy, thiết bị và nguồn lực thực hiện”- Bộ trưởng Hà giải thích.
Sắp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh lại Luật Bảo vệ môi trường trong mối quan hệ với Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh. Quá trình đánh giá sẽ có sự tham gia của các nhà khoa học, gắn trách nhiệm với hội đồng và từng cá nhân cũng như có cơ chế tài chính để giám sát, tránh sự cố gây ô nhiễm môi trường xảy ra như thời gian vừa qua.
Rà soát lại việc xả thải của các nhà máy nhiệt điện than
Video đang HOT
Đại biểu Ngô Trung Thành (Vĩnh Long) phản ánh hiện tượng các bãi chất thải, khoáng sản bị nước cuốn trôi thời gian qua đã chôn lấp nhiều công trình của người dân nhưng không rõ trách nhiệm và có hay không vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp? Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi để xảy ra tình trạng này?.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng phê duyệt giấy phép liên quan đến công nghệ, đánh giá tác động môi trường, quy hoạch, bố trí chất thải, xử lý chất thải, vật liệu xây dựng, khoáng sản nhỏ lẻ và trách nhiệm của địa phương. Nhưng có trên 50% số doanh nghiệp được kiểm tra không tuân thủ về đánh giá tác động môi trường hoặc thực hiện kỷ cương chưa đầy đủ. Thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Công thương và địa phương tiến hành rà soát lại các bãi thải, đặc biệt trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) dẫn chứng, cả nước hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than thải ra 16 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao và tới năm 2020 sẽ có thêm 12 dự án nhiệt điện than nữa trong khi nguồn than không tái tạo và đang cạn kiệt, còn vấn đề môi trường khá phức tạp. “Điều này làm cử tri lo ngại. Xin Bộ trưởng cho biết đánh giá về tình hình hoạt động và kiểm soát ô nhiễm môi trường ở các nhà máy nhiệt điện than?”- ông Hà nói.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, các nhà máy điện đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề về khí thải, kiểm soát bụi thông qua việc cải tiến quy trình, công nghệ môi trường. Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang kiểm soát kỹ lưỡng và sẽ trao đổi để sớm cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương có rà soát đánh giá lại toàn bộ. “Nếu nhân dân, cử tri lo lắng thì cần tổ chức kiểm tra, nâng cao công nghệ nhiệt điện than. Việc đó hoàn toàn có thể làm được nếu có sự xem xét, đánh giá kỹ lưỡng với các nhà khoa học”- ông Hà nói…
Cán bộ, nhân viên Bộ Tài nguyên và Môi trường có đủ liêm khiết ?
Hàng loạt câu hỏi “hóc búa” tiếp tục được đại biểu Quốc hội nêu ra vào cuối buổi chiều nay 15/11. Trong đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thẳng thắn nhất: “Bộ trưởng thấy rằng bộ máy quản lý, cán bộ nhân viên của Bộ mình có đủ sức, liêm khiết và trình độ năng lực có đáp ứng công việc hay không?. Nếu có dự án lớn nào đó mà xung đột lợi ích giữa địa phương với Bộ, giữa Bộ này, Bộ kia với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc giữa Phó Thủ tướng với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy dự án đó không thực hiện được về tài nguyên, môi trường thì Bộ trưởng có đủ dũng khí bảo lưu quan điểm của mình hay không, hay đi tới thỏa hiệp?”
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM)
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phản ánh thực tế dù không có phép nhưng doanh ghiệp vẫn ngang nhiên hoạt động, xả thải ra môi trường, trong khi cơ quan quản lý nhà nước “vô tư” cho phép, không kiểm tra, quan trắc theo dõi, còn trách nhiệm thì không thấy đâu.
“Bộ trưởng đánh giá thế nào về cách quản lý “thả gà ra đuổi và xử lý như hiện nay?”- ông Cương nói.
Trong khi đó, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho biết dự án lấn sông Đồng Nai với hàng trăm nghìn tấn đất đá đổ xuống sông để làm khu đô thị chỉ bị đình chỉ trước sức ép của dư luận. Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay sự việc bỗng dưng rơi vào im lặng. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc phê duyệt dự án đúng hay sai ?. Tại sao có sự chậm trễ công khai kết luận theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như vậy?. Biện pháp xử lý tiếp theo và trách nhiệm của UBND tỉnh Đồng Nai trong sự việc này như thế nào?”- ông Hùng chất vấn.
Quan tâm tới việc khắc phục ô nhiễm môi trường ở dự án Vĩnh Tân 2, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cho biết, người dân ở huyện Tuy Phong chưa thực sự yên tâm, dù tỉnh Bình Thuận đã có kiến nghị Thủ tướng về vấn đề này. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết đã có giải pháp gì đảm bảo an toàn môi trường ở Vĩnh Tân 2, kể cả 3 nhà máy nhiệt điện còn lại đang đầu tư và sẽ hoạt động trong những năm tới?”-ông Cảnh nói.
Chia sẻ với Bộ trưởng Trần Hồng Hà bởi hiện nay “môi trường động đâu cũng ô nhiễm, đất đai đụng đâu cũng thấy khiếu kiện”, đại biểu Nguyễn Văn Cường (Hà Nội) đề nghị làm rõ tại sao thực trạng này “càng ngày càng nổi lên nóng hơn và phải chăng có vấn đề lợi ích kinh tế, tạo động lực gây ra những việc này?”.
Bên cạnh đó, tình trạng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được cảnh báo từ 20 năm trước khi Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện, Lào làm ở giữa nguồn, còn Thái Lan làm công trình điều chuyển dòng chảy, trong khi Việt Nam không có động tĩnh gì. “Đây có phải thiên tai hay do chúng ta chậm phản ứng với những cảnh báo từ trước và tương lai có giải pháp gì trước những biến đổi khí hậu đang tác động vào Đồng bằng sông Cửu Long?”- ông Cường chất vấn.
Kết thúc buổi chất vấn chiều 15/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ có “đêm nay về suy nghĩ” và gom lại các vấn đề để trả lời đại biểu Quốc hội trong thời gian khoảng 20 phút sáng mai (16/11). Những vấn đề này nào có thể gom được vào từng nhóm, hoặc cần trả lời cụ thể thì có thể gửi văn bản cho đại biểu.
Thế Kha
Theo Dantri
Bộ trưởng TN-MT nói về việc đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà thông tin, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 có hồ sơ xin cấp phép đổ 1,5 triệu m3 chất thải ra biển trong quá trình nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu... vì nếu đổ trên đất liền sẽ không hiệu quả về kinh tế - xã hội...
Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết, vụ nhà máy điện Vĩnh Tân 1 đổ chất thải ra biển (phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tại Vĩnh Tân, Tuy Phong (Bình Thuận) mà dư luận lên tiếng là vấn đề mới và trong ngày mai (11/11), Bộ sẽ làm việc với tỉnh Bình Thuận, sau đó sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.
"Hiện nay, Bộ chưa nghiên cứu hồ sơ và công ty đã gửi đề án ra Tổng cục Biển hải đảo rồi để đề xuất. Bây giờ, những việc nhấn chìm hoặc đổ chất thải xuống biển lần đầu thì trong luật phải cho phép. Ví dụ trong nạo vét sông luồng lạch, luật cũng cho phép phải quy hoạch nơi đổ và phải đánh giá tác động nơi quy hoạch đấy.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà bên hành lang Quốc hội.
Đương nhiên, vấn đề quan trọng nhất ở đây là đổ ở đâu và đổ cái gì. Trong trường hợp nạo vét luồng lạch, phải quy hoạch, xem có ảnh hưởng đến các hệ sinh thái cần phải bảo tồn. Chẳng hạn, nếu gần khu bảo tồn một hệ sinh thái nhạy cảm thì không được.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thực tế, doanh nghiệp luôn lựa chọn nơi thuận tiện nhất, chi phí rẻ nhất, nhưng với lĩnh vực môi trường thì phải chọn vị trí tác động ít nhất và không ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái", Bộ trưởng Hà nói.
Về chất thải của nhiệt điện, theo Bộ trưởng Hà, có những loại hoàn toàn có thể tái chế, tái sử dụng như là nguyên liệu cho sản xuất...
Trong trường hợp xỉ thải đáy lò, theo Bộ trưởng, sau khi xem xét cụ thể chất lượng xỉ thải, đánh giá thành phần, nếu không chứa các hàm lượng độc hại và đáp ứng được các tiêu chuẩn về làm nguyên liệu thay thế các nguyên liệu vật liệu xây dựng thì nhiều nước cũng đã sử dụng.
"Các nước đã sử dụng những vật liệu đó để trộn vào trong các vật liệu xây dựng để phục vụ cho việc kè đê, kè biển..." - ông Trần Hồng Hà nói.
Do vậy, việc xem xét đổ hay tái sử dụng là một bài toán mà hiện nay, Bộ TN-MT và Bộ Xây dựng phải xem xét đánh giá, đồng thời ban hành các quy chuẩn loại xỉ nào có thể làm vật liệu xây dựng, điều đó phụ thuộc vào thành phần chất thải.
Bộ trưởng TN-MT cho biết, trên cơ sở đó, sẽ có phương án nhưng có thể khẳng định, cho đến bây giờ xỉ thải đó không được đổ trực tiếp ra biển. Như vậy, cần có đánh giá và có dự án để xem xét một cách kỹ lưỡng, không được đổ xuống biển trực tiếp.
Trước những lo ngại về việc đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển này có thể gây ra một Formosa thứ hai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nêu rõ: "Quan điểm của Bộ rất rõ ràng như tôi nói, tất cả đã có những quy định rất rõ ràng, trách nhiệm và thẩm quyền. Tất cả những hoạt động về nhấn chìm hoặc đổ chất thải ra biển phải thực hiện nghiêm ngặt, đánh giá rõ ràng xem tác động môi trường nào, luật pháp có cho phép hay không? Còn như tôi nói, tất cả các chất thải khi chưa đánh giá, chưa phân tích mà đổ trực tiếp ra môi trường là không được".
P.Thảo
Theo Dantri
Dự án nhà máy giấy Đại Dương: Nguy cơ ô nhiễm sông Tiền Trong tâm thư vừa gửi đến UBND tỉnh Tiền Giang, PGS.TS Lê Trình - phó chủ tịch Hội đồng đánh giá tác động môi trường VN đã thiết tha đề nghị địa phương thu hồi dự án này do những lo ngại về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường Một cống xả thải của khu công nghiệp Long Giang ra kênh Năng,...