Ô nhiễm môi trường biển miền Trung gây hậu quả lớn trước mắt và lâu dài
“Sự cố môi trường biển một số tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa qua diễn ra trên diện rộng, gây hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài”- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh tại Lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2011-2015 tổ chức chiều 29/9.
Lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2011-2015 được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 29/9 (Ảnh: T.K)
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, năm 2011 Đảng đã thông qua việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó xác định một trong những phương hướng phát triển cơ bản của Việt Nam trong thế kỷ XXI là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
“Điều đó đã đặt ra những yêu cầu, áp lực và thách thức to lớn đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên, đang phát triển ồ ạt các nhà máy, xí nghiệp, ngành công nghiệp nhưng chưa xem xét đúng mức đến các yêu cầu bảo vệ môi trường”- ông Nhân nói.
Ông Nhân khẳng định, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều tồn tại, bất cập; môi trường nước ta vẫn đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết. Hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ đang làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Chất thải từ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh. Tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng. Trong khi đó hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết, biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.
“Đặc biệt, đã để xảy ra sự cố môi trường biển một số tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa qua, diễn ra trên diện rộng, gây hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài”- Thứ trưởng Nhân nhấn mạnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hi vọng báo cáo này sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý, quy hoạch chính sách, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Bộ sẽ triển khai cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả tham khảo, vận dụng những khuyến nghị của báo cáo để tiếp tục nghiên cứu làm sâu sắc hơn và bổ sung các chuyên đề về hiện trạng môi trường những năm tiếp theo.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng, với sự nỗ lực trong công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm, chất môi trường nước, không khí, cảnh quan môi trường của một số khu vực đô thị đã được cải thiện đáng kể. Tuy vậy vẫn còn nhiều nơi chất lượng môi trường đang tiếp tục suy giảm. Tại các điểm, nút giao thông, các công trường, khu vực xây dựng, ô nhiễm không khí có dấu hiệu gia tăng, nhất là trong các đô thị lớn. Hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu, cửa sông diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây tại vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung.
Video đang HOT
“Chất lượng nước biển ven bờ bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực do ảnh hưởng của các hoạt động phát triển kinh tế ven bờ. Đặc biệt sự cố môi trường biển một số tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa qua, diễn ra trên diện rộng, gây hậu quả lớn về kinh tế – xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài. Thêm vào đó, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, sự cố môi trường và các vấn đề môi trường xuyên biên giới có xu hướng gia tăng, ngày càng phức tạp đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường”- ông Tùng nói.
Mặc dù vậy, nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân. Hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi; tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp. Đầu tư cho môi trường còn hạn hẹp, dàn trải, hiệu quả thấp và chưa có cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực trong xã hội…
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 đã kiến nghị Quốc hội rà soát, sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các luật liên quan nhằm hình thành khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, thống nhất và hiệu quả hơn để quản lý và bảo tồn; nghiên cứu xây dựng Luật Không khí sạch. “Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, công trình lớn có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao do Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; chỉ đạo HĐND cấp tỉnh thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, công trình có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương”- Báo cáo kiến nghị Quốc hội.
Giải đáp thắc mắc của các đại biểu về việc tại sao không đưa ra thông số về môi trường năm 2016, bởi đây thực sự là năm ô nhiễm môi trường ở mức kinh khủng, đặc biệt với sự cố do Formosa gây ra ở 4 tỉnh miền Trung, ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh đây là báo cáo 5 năm chứ không phải hàng năm. Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đánh giá, ô nhiễm môi trường gia tăng nhưng thời gian gần đây có chậm lại.
“Tuy vậy vẫn xảy ra sự cố lớn, ô nhiễm môi trường lớn, tập trung vào một số đối tượng đã nằm trong tầm ngắm để sắp tới xử lý. Hiện nay có khoảng 20% đối tượng gây ra trên 70% ô nhiễm môi trường, nên chỉ cần xử lý khoảng 20% đối tượng này thì môi trường sẽ được cải thiện tốt lên”- ông Tài nói.
Thế Kha
Theo Dantri
Tuần này duyệt định mức tiền đền bù cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung
Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tuần này Chính phủ sẽ phê duyệt định mức tiền đền bù cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa và đến đầu tháng 10 tiền sẽ đến tay người dân.
Mặc dù Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã chuyển đủ số tiền 500 triệu USD như đã cam kết để đền bù cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do công ty này gây ra hồi tháng 4/2016. Tuy nhiên, đến nay người dân 4 tỉnh này vẫn chưa nhận được khoản tiền này.
Liên quan đến nội dung trên, chiều 27/9, PV Dân trí đã cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản Vũ Văn Tám.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (bìa phải).
- Xin Thứ trưởng cho biết, vì sao đến thời điểm hiện tại ngư dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chưa nhận được tiền đền bù từ Công ty Formosa, mặc dù công ty này đã chuyển đủ 500 triệu USD như đã cam kết khá lâu rồi?
- Có thể nói từ khi xảy ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung đến nay, Bộ NN&PTNT cùng các Bộ, ngành trung ương và địa phương đã rất nỗ lực vào cuộc với một khối lượng công việc rất lớn như: Xác định nguyên nhân; Qui trách nhiệm; Xây dựng đề án xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường... Do đó, để thực hiện những việc này cần có 1 khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, thời điểm này người dân mong chờ nhất là bao giờ tiền đền bù đến tay họ. Thì có 2 việc đang phải làm song song đó là các địa phương tiếp tục hoàn thành việc thống kê thiệt hại, sau đó gửi lên Bộ NN việc thứ 2 là Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương để đưa ra được định mức giá bồi thường, sau đó trình Chính phủ phê duyệt. Dự kiến trong tuần này (tuần từ 26/9 đến 2/10) Chính phủ sẽ phê duyệt xong định mức tiền đền bù, sau đó kết hợp với thống kê thiệt hại từ các địa phương thì mới giải ngân được, chắc khoảng đầu tháng 10 là tiền đến tay người dân.
- Hiện nay ngư dân được khuyến cáo là chưa đánh bắt tại vùng biển trong vòng dưới 20 hải lý, trong khi nhiều ngư dân không đủ vốn để đóng tàu công suất lớn để ra khơi. Chính phủ có chính sách hỗ trợ các đối tượng này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Bộ NN&PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án tổng thể "Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường", trong đó có chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng phục vụ đóng tàu để ngư dân có thể chuyển đổi ra khai thác hải sản xa bờ cụ thể: Các chủ tàu cá có tàu không lắp máy hoặc lắp máy công suất dưới 90CV được vay vốn tại các ngân hàng thương mại Nhà nước để đóng mới tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu cá và bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
Ngư dân 4 tỉnh miền Trung được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để đóng tàu cá công suất lớn hơn (Ảnh minh họa: Đăng Đức).
Về hạn mức, lãi suất và thời hạn cho vay, ngư dân có thể lựa chọn một trong hai hình thức như: Vay 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu cá chỉ phải trả lãi suất 1%/năm. Thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất: 15 năm, chủ tàu cá được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay. Được hỗ trợ một lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới (bao gồm giá trị tàu, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị bảo quản và ngư cụ), nhưng không quá 2 ti đồng/tàu.
- Được biết người ngư dân 4 tỉnh miền Trung nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, nếu có nguyện vọng sẽ được ưu tiên đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài theo nghề đánh bắt hải sản. Vậy, sau thời gian làm việc ở nước ngoài, khi về nước, họ có được hỗ trợ, ưu tiên để phát triển nghề cá trong nước không, thưa Thứ trưởng?
- Về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp và tạo việc làm cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Người dân có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được ưu tiên theo các ngành nghề phù hợp với đặc điểm của ngư dân vùng biển và gắn với sinh kế từ biển khi đủ điều kiện. Các thị trường tập trung ưu tiên: ngư nghiệp tại Hàn Quốc, đánh bắt gần bờ tại Đài Loan, Hàn Quốc, thực tập sinh chi phí thấp tại Nhật Bản, đánh bắt gần bờ tại Thái Lan.
Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, những lao động này sẽ trở về nước làm việc và đây là nguồn lao động có tay nghề cao, có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, tiếp thu các công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Đây là nguồn bổ sung lao động nghề cá quan trọng để phục vụ phát triển nghề cá xa bờ trong những năm tới đây. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các Bộ ngành và địa phương liên quan để có kế hoạch phát triển và sử dụng nguồn lực lao động này sau khi họ kết thúc hợp đồng làm việc ở nước ngoài và trở về nước.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Nguyễn Dương (Thực hiện)
Theo Dantri
Cá tầng nổi "an toàn", người tiêu dùng vẫn "né tránh" hải sản Gần một tuần sau kết luận của Bộ Y tế về độ an toàn của các loại hải sản, nhiều chợ đầu mối ở Quảng Trị đã bắt đầu bày bán trở lại sản phẩm đánh bắt từ biển, song người tiêu dùng vẫn còn "né tránh", sức mua vẫn hạn chế. Trước đó, Bộ Y tế đã kết luận: Tất cả hải...