Ô nhiễm không khí ở Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp
Theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào thời điểm 8 giờ sáng ngày 5/3, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của thành phố Hà Nội đáng báo động.
Chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn PM2.5.
Sương mù bao phủ nhiều nơi ở Hà Nội, sáng 5/3. Nguồn: KTĐT.
Kết quả đo của ứng dụng này cho thấy, Hà Nội có đến 7 điểm màu tím (chỉ số ô nhiễm không khí từ 201 – 300), mức rất có hại cho sức khỏe của con người. Điển hình các điểm đo tại: Chùa Láng (quận Đống Đa) chỉ số ô nhiễm không khí ở mức 257; Đội Cấn (quận Ba Đình) là 255; Colibri (quận Tây Hồ) là 242; Nguyễn Chế Nghĩa (quận Hoàn Kiếm) là 238… Đặc biệt điểm đo tại Vườn Dâu (thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) là màu đen (chỉ số ô nhiễm không khí từ 300) – mức ô nhiễm rất nguy hiểm đến sức khỏe. Tại đây kết quả đo lúc 8 giờ chỉ số là 407.
Không chỉ ảnh hưởng bởi sương mù, ghi nhận từ IQAir (hệ thống quan trắc chất lượng không khí theo thời gian thực) còn cho thấy chỉ số ô nhiễm ở Hà Nội vào thời điểm 8 giờ sáng 5/3 ở ngưỡng màu tím (rất không tốt cho sức khỏe) với chỉ số AQI ở một số nơi như Long Biên, Tây Hồ lên tới 270.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo, người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.
Video đang HOT
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (201 – 300), đối với người bình thường tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức; khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà; tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.
Nếu phải hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đối với những người nhạy cảm, cần tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà, cần hạn chế tối đa thời gian thực hiện các hoạt động ngoài trời và sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 10 ngày tới (từ 5-14/3) các tỉnh, thành phố miền Bắc tiếp tục có mưa, mưa nhỏ, sương mù và sương mù nhẹ vào sáng sớm.
Đề nghị xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chất lượng không khí xấu
Bộ Y tế đề xuất lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học có thể xem xét cho trẻ nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong 3 ngày liên tục.
Theo Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, hiện nay, tại một số tỉnh, thành đã xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Những ngày qua ô nhiêm không khí ở mức nghiêm trọng.
Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo, nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học xem xét cho trẻ nghỉ nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục. Nếu bắt buộc đi học cần tránh các hoạt động ngoài trời hoặc điều chỉnh thời gian học phù hợp.
Theo thống kê, trung bình người cao tuổi ở Việt Nam thường có 4 - 5 bệnh nền như: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn... Vì vậy, người cao tuổi, đặc biệt là người có bệnh nền ít nhiều đã sẵn có tổn thương ở biểu mô đường hô hấp. Khi có điều kiện thuận lợi, các bệnh này tái phát và biến chứng nguy hiểm hơn.
Khoảng thời gian mùa lạnh, thời tiết hanh khô, bụi mịn PM2.5 dễ dàng khuếch tán trong không khí do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết chênh lệch ngày - đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt... nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
ThS.Mai Mạnh Tam, Phó trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ, bụi mịn hấp thụ qua hệ hô hấp, có thể xâm nhập vào phế nang phổi và đi vào máu.
Người lớn tuổi mắc bệnh tim hoặc bệnh phổi mãn tính (COPD, hen suyễn), trẻ em, trẻ sơ sinh là những nhóm có nhiều khả năng bị ảnh hưởng xấu nhất đến sức khỏe khi tiếp xúc với bụi PM2.5.
Bụi mịn có khả năng xâm nhập sâu vào cơ thể. Do đó, để phòng ảnh hưởng của bụi mịn, cần hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc. ThS.BS Mai Mạnh Tam khuyến cáo, người dân cần hạn chế ra ngoài vào các khung giờ cao điểm, hạn chế di chuyển vào khu vực có thi công, lưu lượng giao thông đông đúc.
Người dân cũng nên tránh mở cửa sổ, cửa ra vào ở khung giờ cao điểm 7- 8 giờ và 18 - 19 giờ. Đây cũng là thời điểm bụi mịn hoạt động mạnh, không khí bị ô nhiễm nặng.
Bác sĩ Mai Mạnh Tam cũng cho biết, việc đóng kín cửa làm cản trở không khí lưu thông trong nhà, thuận lợi cho việc vi sinh vật gây hại lưu lại lâu hơn trong không khí, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
Vì đó, các gia đình có thể mở cửa sổ, cửa ra vào ngoài giờ cao điểm, khi có chất lượng không khí tốt hơn. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống cũng giúp hạn chế bụi mịn.
Với người mắc bệnh lý hô hấp mạn tính, trẻ em và người cao tuổi có sức đề kháng yếu, cần ghi nhớ đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Khẩu trang thông thường không lọc được các hạt bụi siêu mịn PM2.5.
Để lọc các loại bụi siêu mịn này, chuyên gia khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang chuyên dụng, khẩu trang N95, N99. Khẩu trang y tế thông thường chỉ lọc được 30 - 40% lượng bụi và có hiệu quả lọc bụi lên tới 90% nếu sử dụng đồng thời 2 khẩu trang.
Các ổ nhiễm khuẩn ở răng, lợi, miệng, tai, mũi, họng có thể khiến vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới, làm tái phát các đợt cấp ở người bệnh mắc bệnh phổi mạn tính như COPD, giãn phế quản, xơ phổi... Do đó, người bệnh hô hấp mạn tính mắc thêm các bệnh lý viêm nhiễm vùng hầu họng, cần xử trí sớm và triệt để ổ viêm.
Không tự ý dùng thuốc tại nhà, khám bệnh và điều trị theo đúng phác đồ được chỉ định là 2 lưu ý quan trọng đảm bảo sức khỏe ở người bệnh phổi mạn tính.
Ngán ngẩm xe tải, xe buýt 'vô tư' xả khói đen như 'quạt chả' trên đường Tình trạng xe ô tô tải, xe buýt tham gia giao thông xả khói đen kịt như "quạt chả" trên nhiều tuyến phố Hà Nội đang gia tăng, gây ô nhiễm môi trường, không khí, khói bụi, nhất là trong bối cảnh giao thông nội đô ngày càng "ngột ngạt", đang khiến dư luận bức xúc, báo động tới các cơ quan, lực...