Ô nhiễm không khí kéo dài, nhiều trẻ nhập viện do mắc bệnh hô hấp
Ô nhiễm không khí ở TP.HCM trùng với đỉnh mùa bệnh hàng năm khiến số lượng trẻ đến khám và nhập viện tăng mạnh. Một số bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.
Do ảnh hưởng không khí ô nhiễm cùng thời tiết giao mùa, gần đây, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị các bệnh hô hấp có dấu hiệu tăng cao. Thống kê từ Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho thấy tình hình bệnh lý đường hô hấp đang gia tăng. Tháng 8 và tháng 9 vừa qua, đơn vị này tiếp nhận gần 180.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh hô hấp, hen suyễn.
Trưa 4/10, khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) có rất đông bệnh nhân điều trị nội trú và khám bệnh. Nhiều trẻ phải nằm ghép trên cùng một giường. Rất nhiều bệnh nhi không còn chỗ, phụ huynh phải thuê võng cho con ở phía ngoài. Người lớn nằm la liệt ngay dưới võng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (50 tuổi, quê An Giang) tranh thủ nhắm mắt khi cháu ngoại ngủ. Thỉnh thoảng, bà lại xoa lưng cháu ngoại. “Cháu bị viêm phổi gần 2 tháng nay, chưa khỏi hẳn đã xin về, giờ bệnh trở nặng. Ở đây đông quá, muốn về nhà mà bệnh cháu chưa đỡ. Ăn ngủ tạm bợ đôi lúc bất tiện, đau lưng nhưng đành chịu vì bệnh nhân đông, bác sĩ cũng vất vả nhiều”, bà Dung chia sẻ.
Theo bà Dung, người thân đưa con nhập viện, nếu hết giường hoặc muốn tìm chỗ nghỉ, thường thuê võng nằm. Giá thuê một chiếc võng khoảng 20.000 đồng/ngày, người thuê phải đặt cọc 400.000 đồng và được hoàn trả lại tiền sau khi trả võng.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết những ngày qua, khoa quá tải vì số bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị nội trú tăng mạnh.
Video đang HOT
Trong tháng 9, đơn vị này tiếp nhận khoảng 9.000 bệnh nhân đến nhập viện điều trị. Mỗi ngày, khoảng 280-300 lượt bệnh nhi nhập viện, đa số mắc các bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen diễn tiến bệnh nhanh và nặng.
Gương mặt phờ phạc sau nhiều đêm ngủ chập chờn, chị Mai Thị Ngọc Quý (32 tuổi, ngụ quận 2) cho biết con gái 13 tháng tuổi vừa được chuyển vào phòng cấp cứu, thở oxy hơn 3 ngày nay. Trước đó, bé có dấu hiệu ho, sổ mũi gần hai tuần nhưng uống thuốc tại nhà không khỏi. Lo lắng con có vấn đề hô hấp, chị đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 thì biết bé bị viêm phổi diễn tiến nặng, phải thở oxy và theo dõi sát.
Ồn ào nhất có lẽ là khu vực phụ huynh ngồi xông khí dung cho trẻ ở ngay trước phòng tiếp nhận bệnh. Cột ống khí dung đặt ở giữa, cha mẹ ôm các bé ngồi xung quanh. Nhiều trẻ không chịu đặt ống xông nên giãy đạp, quấy khóc. Có trường hợp phải huy động cả cha lẫn mẹ, người bế, người dỗ, bé mới chịu ngồi yên.
“Thời gian trước, gia đình hay chở bé ra ngoài chơi. Mấy ngày nay đọc báo thấy chất lượng không khí ô nhiễm mới tá hỏa, biết vậy đã chăm con kỹ, để trong nhà, che rèm kín chắn khói bụi”, bà Nguyễn Thị Thành (62 tuổi, ngụ quận 2) nói.
Bác sĩ Phong cho biết định kỳ tháng 9, 10, 11 hàng năm là thời gian đỉnh điểm của mùa bệnh hô hấp. Tuy nhiên, năm nay, số bệnh nhân đến khám bệnh và nhập viện điều trị nội trú có xu hướng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
Theo bác sĩ Phong, tình hình ô nhiễm môi trường ở nước ta diễn biến bất thường với các chỉ số ô nhiễm không khí ở thành phố lớn đang ở mức báo động cũng là yếu tố nguy cơ, góp phần làm cho trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp. Trẻ em có cơ địa nhạy cảm, hệ miễn dịch kém nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của môi trường.
Bác sĩ Phong cho rằng để phòng bệnh hô hấp, cha mẹ cần vệ sinh phòng ngủ, nơi vui chơi sạch sẽ. Tập cho trẻ thói quen uống nước để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể; rửa tay cho con thường xuyên, vệ sinh mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Ngoài ra, cha mẹ nên che chắn, đeo khẩu trang cho trẻ khi ra đường. Tốt nhất là hạn chế đưa con ra ngoài trong những khung giờ cao điểm ô nhiễm không khí và bỏ các hoạt động ngoài trời không cần thiết; cho trẻ ăn uống nhiều thực phẩm tăng cường sức đề kháng như hoa quả, rau xanh.
Nếu trẻ có các triệu chứng như ho, sổ mũi, hắt hơi, khò khè, sốt cao, không ăn uống, cha mẹ nên nhanh chóng đưa con đến các bác sĩ chuyên khoa để kịp thời điều trị, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng.
Theo Zing
43% người mắc bệnh hô hấp tử vong vì ô nhiễm không khí
Theo PGS Vũ Văn Giáp, ô nhiễm không khí được coi là kẻ hại chết người thầm lặng. Chúng gây ảnh hưởng trực tiếp đến người già, phụ nữ có thai, trẻ em.
Hà Nội và TP.HCM đang chìm trong lớp "sương mù" do ô nhiễm không khí và bụi mịn. Nhiều người dân than phiền về tình trạng thường xuyên nghẹt mũi, khó thở, mắt cay khi phải thường xuyên ra ngoài đường.
Về điều này, PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp - Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - cảnh báo ô nhiễm không khí được coi là kẻ hại chết người thầm lặng. Trong đó, những người dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng này là người già, phụ nữ có thai, trẻ em và người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch...
"Các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet, chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng. Khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau", PGS Giáp phân tích.
Sương mù quang hóa bao phủ TP.HCM. Đây là thành phố ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí nặng. Ảnh: Quỳnh Danh.
Theo chuyên gia này, khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Với đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch, con số này chiếm khoảng 25%. Với bệnh lý hô hấp, những đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Chất lượng không khí kém, khói bụi trong môi trường nhiều, người ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện.
Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao, tần suất bệnh nhân nhâp viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch sẽ gia tăng.
"Chúng tôi khuyến cáo những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng", PGS Bách nói.
Bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ và duy trì thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân vẫn khó thở - không thể tự kiểm soát được, cần liên lạc với bác sĩ điều trị, bác sĩ gia đình hoặc cơ sở y tế để được hỗ trợ, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, phòng ngừa và cấp cứu cơn khó thở, tránh nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Người dân khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công tình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu. Lưu ý phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường không thể cản được hạt bụi siêu mịn).
"WHO đã khuyến cáo nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta", chuyên gia cảnh báo.
Ngoài ra, trong thời gian này, các bác sĩ cho rằng người dân có thể thực hiện một vài hành động nhỏ nhưng rất hữu ích để làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí. Cụ thể, cần hạn chế đốt vàng mã, rơm rạ tránh làm bầu không khí thêm ngột ngạt và ô nhiễm nặng nề hơn. Các gia đình nên chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu, thay bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Khi dừng đèn đỏ, người dân nên tắt các phương tiện giao thông, giảm bớt khói bụi thải vào môi trường.
Theo Zing
Hà Nội liên tục ô nhiễm, ai cần đặc biệt lưu ý? Người bị ảnh hưởng đầu tiên, rõ rệt nhất theo chuyên gia là bệnh nhân có sẵn bệnh lý hô hấp. Sáng 30/9, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí AirVisual quốc tế, Hà Nội tiếp tục là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với mức độ ô nhiễm vượt qua báo động đỏ, lên tới ngưỡng tím với...