Ở lại với Côn Đảo
Khi tôi còn nhỏ, biết đến địa danh Côn Đảo – Địa ngục trần gian, ấy là nơi giam giữ, thủ tiêu những người yêu nước và những nhà cách mạng.
Côn Đảo, một quần đảo đẹp giữa biển khơi tổ quốc nhưng hàng trăm năm bị thực dân đế quốc biến thành trại tù khủng khiếp nhất trần gian.
Bác Viên (phải) – cựu tù Côn Đảo đang xem lại các bức ảnh cùng đồng đội là cựu tù năm xưa. Ảnh: Trần Nguyên Anh
Tôi cứ ấn tượng mãi tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán, kể về những người tù trở về từ “địa ngục”.
Rồi sau này ngày vào đại học, tìm tòi về văn học, tôi cũng rất thích bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Chu Trinh. Bài thơ có những câu thơ đầy hào khí: “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/ Lừng lẫy làm cho lở núi non”. Ấy là một cách diễn tả ví von, thực ra chỉ là tả công việc cực khổ của người tù đào đá mà xây nên nhà giam cầm chính họ. Sự lạc quan cũng là sản phẩm của ý chí phi thường đã khiến con người ta chiến thắng những đọa đày để đi đến một ngày mai tự do, độc lập.
Tôi đã nhiều lần muốn ra thăm Côn Đảo, nhưng cứ lỡ hẹn. Lần này, tham gia truyền thông cho giải Tiền Phong marathon 2022 tôi mới lần đầu tiên có mặt ở nơi đã sản sinh ra nhiều tác phẩm văn học mà mình đã từng yêu thích.
Côn Đảo vẫn còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa, cả vật chất lẫn tinh thần.
Dân số của đảo hiện chỉ khoảng 11.000 người. Đôi khi, người ta thấy trên đường du khách đông hơn dân sống trên quần đảo.
Video đang HOT
Chị Thụy Nga là đoàn viên xung phong ra Côn Đảo những năm 1990, hiện là Phó chủ tịch UBND huyện Côn Đảo. Ảnh: Trần Nguyên Anh
Chị Nguyễn Thụy Nga, Phó Chủ tịch huyện Côn Đảo đón tiếp các nhà báo ra làm việc cho giải Tiền Phong marathon 2022. Câu chuyện rôm rả.
Chị Nga kể: “Bây giờ các anh thấy đảo là một thiên đường du lịch, cảnh quan được đánh giá là một trong những điểm đến đẹp nhất thế giới. Nhưng những ngày chúng tôi đặt chân ra đảo, hầu như ngoài nhà tù, đảo chẳng có gì cả”.
Chị Nga là người TPHCM. Những năm 1990, theo lời kêu gọi của Thành Đoàn TPHCM, chị viết đơn xung phong ra Côn Đảo. Chị nói: “Chúng tôi là người thành phố, vốn quen với cuộc sống tiện nghi, tới khi ra đảo thì thiếu thốn mọi thứ. Điện chạy bằng máy phát, chỉ sáng mỗi ban ngày thôi. Giá điện ban ngày và giá điện ban đêm khác nhau. Ban đêm, giá điện rất cao, ít người dám dùng”.
Những năm 1990 việc ra đảo bằng máy bay rất khó khăn, ngay cả các chuyến tàu, dù là tàu chở khách hay chở hàng cũng phải nương theo mùa, theo gió bão. Có khi mấy tháng liền không tàu nào cập được đảo.
Chị Nga nói với tôi: “Tính đến giờ phút này, thế hệ thanh niên xung phong ra Côn Đảo còn lại 4 người, trong đó có tôi. Chúng tôi yêu mảnh đất này và đã trở thành cư dân của đảo từ lâu rồi”. Con của chị Nga đậu đại học và vào TPHCM để học tập. Mỗi khi trời yên biển lặng, chị lại mong chờ đứa con trở về đảo Yến, đảo Trai.
Tình nguyện ra Côn Đảo còn có những cựu tù đã từng trải qua ngày tháng địa ngục thời chiến tranh. Họ gắn bó với quần đảo như một định mệnh.
Bác Viên vốn là tù nhân Côn Đảo, trải qua những trận đòn thừa sống thiếu chết dưới tay Mỹ, Ngụy.
Các di tích nhà tù Côn Đảo rất cuốn hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Trần Nguyên Anh
Ngày 30/4, đảo được giải phóng. Bác nhớ lại: “Tôi đang ở trong xà lim, nghe anh em bên ngoài la to: Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô giải phóng!”. Tôi chẳng biết chuyện gì xảy ra, ngỡ ngàng. Vì từ lúc bị giam ở Côn Đảo, tôi chỉ biết đến hai chữ “Đả đảo”! đả đảo thực dân, đả đảo đế quốc!
Rồi bác Viên bảo: “Anh em chúng tôi vùng lên giải phóng Côn Đảo sớm, nếu không, có lẽ cũng đã hy sinh hết rồi. Địch thất bại, cay cú, nên chúng cài rất nhiều chất nổ quanh nhà tù. Chỉ cần chúng kích nổ thì các nhà tù sẽ sập hết. Nhưng địch thua quá nhanh, chúng vội vàng tháo chạy ra biển. Chúng tôi chia nhau gỡ mìn mà giải phóng cho chính mình”.
Sau 30/4/1975, bác được vào đất liền, “vĩnh biệt” cảnh lao tù. Nhưng rồi đồng đội ở Côn Đảo gọi điện, bảo rằng: “Chúng tôi vẫn cần các anh. Đảo cần các nhân chứng là cựu tù, cần những người tâm huyết xây dựng Côn Đảo”. Thế là bác Viên khăn gói trở lại hòn đảo, làm hướng dẫn viên khu di tích nhà tù Côn Đảo cho tận đến ngày về hưu.
Vợ bác Viên nói rằng: “Chồng tôi yêu Côn Đảo lắm, một phần vì ông ấy nhớ các bạn tù đã hy sinh trong cuộc đấu tranh trong tù. Có hôm sáng sớm, thấy ông bật dậy, cầm nén nhang. Hỏi anh đi đâu đấy? Chồng tôi bảo: “Ra nghĩa trang thắp mấy nén nhang”.
Côn Đảo - Từ địa ngục tới thiên đường: Vời vợi một thời
Năm 1975, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam - Bắc đã đưa non sông về một dải.
Tại Côn Đảo vào đêm 30/4, Đảng ủy Côn Đảo đã lãnh đạo các tù nhân chớp thời cơ hành động, cướp chính quyền và làm chủ Côn Đảo, chấm dứt 113 năm là địa ngục trần gian.
Trong những lần tới Côn Đảo trước đây, chúng tôi hay tới gặp ông Phan Hoàng Oanh (Tự Bảy Oanh- nay đã mất)- Một trong 150 cựu tù đã tình nguyện ở lại với Côn Đảo sau ngày đất nước thống nhất. Ông Oanh kể về những ngày gian khó của Côn Đảo sau 1975. Theo ông Oanh, trước năm 1975 mảnh đất Côn Đảo chỉ có những người tù, quản ngục và gia đình họ sinh sống. Sau ngày 30/4/1975, toàn bộ quản ngục cùng gia đình họ bỏ về đất liền. Ngày 5/5/1975 những chuyến tàu đầu tiên của quân Giải phóng đã đón những cựu tù đầu tiên rời khỏi "Địa ngục trần gian". Tới ngày 20/5/1975, chuyến tàu cuối cùng rời Côn Đảo đưa hơn 7.000 cựu tù về đất liền, tuy nhiên ông Bảy Oanh tình nguyện ở lại với Côn Đảo.
Theo ông Oanh, Đảng ủy Côn Đảo đã vận động những cựu tù còn trẻ tuổi, có sức khỏe ở lại để giữ bình an cho Côn Đảo. Những ngày đầu sau ngày đất nước thống nhất, những người tình nguyện tại Côn Đảo phải làm rất nhiều việc như bảo vệ an ninh trật tự, tiếp nhận và vận hành các cơ sở hạ tầng của chế độ cũ, tu sửa nghĩa trang, gìn giữ và bảo quản các hiện vật của những người tù để lại... Hệ thống chính quyền mới cũng được dựng lên, nhiều cán bộ quản lý cũng được tăng cường từ đất liền để dần dần, Côn Đảo hình thành một lớp dân cư mới.
Một góc Côn Đảo
Ông Bảy Oanh kể lại những ngày đó, cuộc sống của người dân trên đảo gặp rất nhiều khó khăn. Xa đất liền, phương tiện giao thông lại thiếu thốn nên có những lúc biển động, có khi cả tháng trời mới có tàu từ đất liền tới tiếp tế cho Côn Đảo. Về lương thực thực phẩm ở Côn Đảo cũng không đến nỗi khó khăn lắm bởi người dân vẫn trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Nhưng về y tế giáo dục hay thông tin thì người Côn Đảo vô cùng thiếu thốn. Từ những năm 80, Côn Đảo chỉ có vài học sinh đi học nên để đủ cho 1 lớp học, các thầy cô phải đưa các em vào học cùng với những người tham gia lớp bổ túc văn hóa. Không có giáo viên, nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm như cán bộ văn hóa thì dạy Văn, các cán bộ kỹ thuật thì dạy Toán, y sỹ dạy Sinh... Có khi trong 1 phòng học có tới mấy bậc học.
Còn ông Đoàn Hữu Hoài Minh- Nguyên phó ban quản lý Di tích Côn Đảo cũng kể về cuộc sống đầy khó khăn của người dân Côn Đảo trong những năm sau ngày đất nước thống nhất. Ông Minh cho biết, ngày đó tại Côn Đảo chỉ có một trạm Quân y do Quân đội quản lý. Việc đau ốm, bệnh tật của người dân đều trông vào trạm này. Với những ca bệnh nặng phải đưa vào đất liền nhưng tàu khi có khi không, máy bay chỉ có trực thăng nhưng rất ít chuyến. "Khó khăn nhất là thông tin. Ở trên đảo, muốn gọi điện thoại vào đất liền phải đăng ký hẹn giờ tại bưu điện với người thân trong đất trước vài ngày. Đúng giờ hẹn ra bưu điện, gọi điện bằng chiếc bộ đàm những chiếc tàu cá hay dùng. Còn thư từ có khi viết cả tháng không chuyển đi được vì biển động"- Ông Minh kể.
Còn bà Trần Thị Ni (Tư Ni), cựu tù Côn Đảo tâm sự, ngày đó Côn Đảo chỉ phát điện bằng máy nổ. Nhiên liệu khó khăn nên chỉ buổi tối, người dân mới có chút ánh sáng đèn điện để dùng vài tiếng. Rồi sau đó cả Côn Đảo lại chìm vào bóng đêm. "Người dân Côn Đảo khi đó mới có chừng khoảng trăm hộ. Buổi tối vắng vẻ, xung quanh toàn nghĩa trang và nhà tù nên âm u lắm. Đã có người chịu không nổi nên ra đảo chừng vài tuần, có tàu là bỏ về đất liền ngay. Chúng tôi thì quen rồi, chung quanh toàn đồng đội anh em sao chúng tôi lại bỏ về? Khó thì khó chung với mọi người, trong đất liền cũng khó chớ bộ"- Bà Tư Ni nói.
Phòng Trưng bày lưu niệm Nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu
Những năm 80, tàu đánh cá là phương tiện duy nhất kết nối với Côn Đảo. Cuối những năm 80, đặc khu Vũng Tàu- Côn Đảo đã đóng chiếc tàu chuyên chở khách đầu tiên tới Côn Đảo. Chuyến hải hành đầu tiên từ Vũng Tàu tới Côn Đảo, con tàu bị mất hút. Khi đó nhiều người đã nghĩ tới chuyện tàu đã bị những kẻ vượt biên cướp thì còn tàu lại lù lù xuất hiện tại cảng Vũng Tàu. Những người đi trên tàu kể do tàu bị sự cố kỹ thuật nên tàu lệch hướng, mãi khi biết bị lạc, không tìm được hướng tới Côn Đảo nên thủy thủ đoàn đành quyết định cho tàu trở lại nơi xuất phát. Ông Minh kể, ngày đó người Côn Đảo thường thèm ăn bánh mỳ vì đảo ít dân, không có lò nướng nên món bánh mỳ không hiện diện trên đảo. Vì thế mỗi lần vào đất rồi quay trở lại Côn Đảo, nhiều người thường chọn mua bánh mỳ làm quà cho mọi người. Mua xong chưa kịp đem xuống thì tàu lại không đi do biển động. Thế là toàn khu hậu trạm (nơi đón tiếp những người chuẩn bị ra Côn Đảo) trở thành điểm... phơi bánh mỳ để khỏi bị mốc. Rồi khi có chuyến tàu khác, bà con lại vay tiền mua bánh mỳ mới để chuẩn bị ra đi. Nhưng rồi tàu lại đình chuyến, lại phơi. "Có khi nhiều bà con phải nằm ở khu hậu trạm cả vài tuần, tự mua thực phẩm nấu ăn để chờ chuyến đi"- Ông Minh kể.
Sự xa cách với đất liền khiến những người dân Côn Đảo tự hình thành một thói quen "Có 1 không 2" là thói quen đi đón tàu. Cứ hôm nào nhà đèn sáng nhiều hơn bình thường là mọi người lại hỏi nhau: "Hôm nay có tàu ra phải không?". Và cứ thế, hàng trăm người tới bến tàu chờ đợi. Khi con tàu cập bến, người dân reo hò, nhìn từng khuôn mặt khách bước lên và gọi tên từng người quen. Với khách lạ thì "Chú ở chỗ nào? Lên công tác Côn Đảo lâu không?" và chỉ sau 1 ngày, ai cũng biết tên, biết mặt khách, thân thiết với khách như người nhà. Ông Minh nói thêm: "Đón tàu trở thành nét văn hóa rất riêng của người Côn Đảo bởi cuộc sống tinh thần còn thiếu thốn, mỗi lần tàu ra là người Côn Đảo lại có thư có quà của người thân, có sách báo lương thực, thuốc men. Mỗi người đến với Côn Đảo đều được coi là khách quý".
Ông Minh đưa tôi đi xem những bức tranh mà ông vẽ trong suốt những năm sống tại Côn Đảo. Dù cuộc sống ngày đó nhiều khó khăn nhưng trong các bức tranh lại thể hiện một Côn Đảo bình yên với con đường ven biển thơ mộng, với những bức tường rêu phong của nhà tù, với con tàu cá đang băng sóng để ra khơi. "Khó khăn ngày đó là khó khăn chung của đất nước mà ai cũng đã trải qua. Tôi chỉ nghĩ rằng để có ngày hôm nay, chúng ta có thể tự hào đã kiên trì vượt qua giai đoạn khó khăn đó"- Ông Đoàn Hữu Hoài Minh nói thêm.
Bảo tàng Côn Đảo - chứng nhân về 'địa ngục trần gian' thu hút du khách tham quan Không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp, Côn Đảo còn được biết đến là vùng đất anh hùng gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong đó phải kể tới bảo tàng Côn Đảo điểm đến thu hút du khách tham quan để tìm hiểu về "địa ngục trần gian". Địa chỉ bảo tàng Côn Đảo Bảo tàng...