Ổ đón trẻ sơ sinh bị bỏ rơi – tranh cãi pháp lý
Ở Đức hiện giờ có trên 80 ô cửa tiếp nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Các cơ sở này giúp cứu sống những sinh linh vô tội nhưng cũng vô tình cổ súy cho những bà mẹ nhẫn tâm bỏ con. 12 năm tồn tại nhưng những chiếc “ổ trẻ em” tại Đức vẫn chưa được luật pháp công nhận.
Những mảnh đời vô tội
“Ổ em bé” nằm khuất sau một bãi đỗ xe, trông giống như một ô cửa sổ hiện lên giữa bức tường trắng của một phòng khám ở thị trấn Erbach im Odenwald, bang Hesse của Đức. Mới xuất hiện kể từ giữa tháng 3 năm nay, chính là nơi mà ai đó có thể bí mật để lại một trẻ nhỏ, thường là trẻ sơ sinh, chiếc ổ được thiết kế sao cho khi em bé được đặt qua khe cửa, người ta không thể mở từ bên ngoài được. Sau cánh cửa đó là một chiếc cũi trẻ em. Hệ thống chuông báo động vang lên khi em bé xuất hiện, đèn nhiệt báo hiệu sự sống của đứa trẻ. Sau 8 tuần mà không thấy người nhà đến nhận, đứa trẻ có thể được cho làm con nuôi.
Còn ở Fulda, một thành phố khác của Hess, bà Gisela Buhl, nhân viên của Dịch vụ Phúc lợi Phụ nữ Công giáo (SKF) cho biết, trong vòng 11 năm qua, 13 trẻ đã được tìm thấy tại 3 địa điểm dành cho trẻ bỏ rơi mà bà phụ trách. Trên bàn trước mặt bà Gisela Buhl là cuốn sổ dán đầy ảnh các bé sơ sinh, trẻ mới biết đi và các em bé độ tuổi đi học chụp cùng cha mẹ nuôi của chúng. “Tất cả số trẻ này đều từng bị bỏ rơi ở chỗ chúng tôi. Giờ đây, chúng đang có cuộc sống tốt đẹp”.
Trên khắp nước Đức hiện có 80-90 địa điểm dành cho trẻ bỏ rơi (tiếng Đức gọi là Babyklappe). Trong nhiều trường hợp, đứa trẻ bị bỏ lại do mẹ chúng bị lạm dụng, lỡ có thai mà phía “đối tác” từ chối, hoặc là mẹ không có khả năng nuôi con. Ngay đầu tháng 7, một em bé chừng vài giờ tuổi được đặt ngay trước đồn cảnh sát ở thị trấn Schöningen vùng Lower Saxony. Hay như một câu chuyện khiến bà Friederike Garbe, 67 tuổi, phụ trách một chiếc “ổ trẻ em” ở thành phố Lubeck 12 năm qua đến nay vẫn bị ám ảnh. Hôm đó là trưa chủ nhật một ngày đầu tháng 11-2011, bà Garbe bỗng nghe tiếng trẻ khóc. Trong chiếc nôi có kích thước 80×60cm, ai đó đã đặt không phải là một, mà là hai đứa trẻ, đó là 2 cậu con trai 15 và 4 tháng tuổi. Bé lớn đã biết gọi mẹ. Tung tích của bọn trẻ đã được tìm thấy, mẹ chúng là một phụ nữ 23 tuổi sống ở bang Brandenburg, cách Lubeck khoảng 340km nhưng bà mẹ đã mất tích. Bà Garbe vẫn nghĩ nếu không có nơi này, có lẽ bọn trẻ sẽ bị bỏ lại ở nơi nào đó nguy hiểm hơn.
Rõ ràng đó là những cơ sở có thể cứu sống các sinh linh vô tội, thậm chí các nhà tội phạm học cho rằng, kể từ ngày ra đời các “ổ trẻ em” (ở Đức cơ sở đầu tiên được mở lại cách đây 12 năm), số lượng trẻ sơ sinh bị giết hoặc bị bỏ rơi ngay sau khi sinh đã giảm đáng kể. Trong một nghiên cứu công bố mới đây, giai đoạn từ năm 2000 đến tháng 5-2010, đã có 278 trẻ em được tìm thấy trong các địa điểm dành cho trẻ bị bỏ rơi. Số liệu đó thực tế có thể cao hơn.
Khó công nhận hợp pháp
Dư luận Đức thời gian gần đây có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Những người ủng hộ, như tổ chức Sternipark ở Hamburg, họ quảng bá “ổ trẻ em” với phương châm “Không nghi vấn, không nhân chứng, không cảnh sát”. Khai trương nơi đón trẻ bị bỏ rơi đầu tiên vào tháng 4-2000, đến nay Sternipark đã mở rộng thành 3 địa điểm và đã cứu sống 41 trẻ.
Ngược lại, những câu hỏi về mặt pháp lý và đạo đức cũng được đặt ra: Liệu đứa trẻ sau này có thể tìm lại được nguồn gốc gia đình của nó, vì đó là quyền của mỗi người? Còn quyền của người cha thì sao, nếu như người mẹ bỏ con mà “đối tác” không hề biết. Cũng có người cho rằng sự tồn tại các “ổ trẻ em” này tạo nên thông điệp sai lầm khi những phụ nữ lầm lỡ chọn cách giải quyết đơn giản: Chỉ cần chờ con sinh ra là có thể bỏ lại nó. Thực tế có những giải pháp thiết thực và nhân đạo hơn, chẳng hạn một số tổ chức xã hội có thể cung cấp nơi trú ngụ cho cả mẹ và con, nếu cần thiết cũng có thể cho làm con nuôi mà vẫn giữ kín bí mật cho người mẹ.
Video đang HOT
12 năm tồn tại nhưng những chiếc ổ đón trẻ bị bỏ rơi ở Đức vẫn chưa được công nhận hợp pháp bởi vẫn chưa có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng về điều này. Về danh nghĩa, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Gia đình Đức Kristina Schröder, 34 tuổi. Bộ Gia đình Đức đã thảo luận để trình dự thảo luật đầu tiên về
“ổ em bé”. Hồi tháng 3-2012, các chuyên gia của Bộ trưởng Schröder chủ trương một lập trường cứng rắn: “Dung túng cho “ổ em bé” có nghĩa là dung túng cho những hành động bất hợp pháp”. Tuy nhiên, Bộ này có thể phải “xuống nước” trong kế hoạch sẽ đệ trình vào mùa thu 2012 bởi họ ngần ngại phải đối đầu với những ý kiến phản đối. Vì thế, “số phận” của những “ổ em bé” sẽ được định đoạt rõ ràng trong vài năm tới.
Theo ANTD
Trái tim bên gối
Vợ tôi. Một năm sau khi sống chung không sinh được mụn con nào. Hai năm chạy chữa vẫn không có kết quả. Nàng buồn rầu héo hon, vàng võ.
Tôi cũng buồn. Bạn có lẽ sẽ hiểu, khi ta thật sự muốn sống cùng ai đó đến cuối đời thì khao khát có được vài sinh linh bé nhỏ sẽ là khao khát cháy bỏng nhất. Chúng tôi cũng không ngoại lệ.
Vợ tôi. Một đêm trăng, nàng nằm nghiêng người về phía cửa sổ, nói cùng tôi những lời nhẹ nhàng như gió:
- Nếu đợt cấy phôi này không thành công, em nghĩ mình nên để anh tìm một người khác, người có thể sinh con cho anh. Anh là con trai duy nhất trong nhà. Em không muốn vì em mà anh mang tiếng bất hiếu không có con nối dõi.
- Em nghĩ điên khùng gì vậy? Chúng ta vẫn chạy chữa. Sẽ có cách. Em phải kiên nhẫn chứ.
- Tốn thời gian, công sức và tiền bạc quá anh ạ. Mà chúng ta đã dư giả gì đâu?
- Anh nói không là không. Chúng ta đã phải tranh đấu cùng gia đình để có thể đến bên nhau. Lẽ nào giờ lại bỏ cuộc dễ dàng thế! Em ngủ đi, đừng suy nghĩ lung tung nữa.
Tôi giờ mới hay, cánh tay tôi gối dưới gáy nàng giờ ướt đẫm... Tôi quay qua ôm nàng thật chặt và hôn vào gáy nàng. Ngoài kia, trăng đang từ từ rơi xuống...
***
- A lô, em à, anh nghe đây!
- Anh à? Ôi, anh ơi! Em có mang rồi! Em có mang rồi...!!!
Tim tôi như muốn ngừng đập theo từng lời nghẹn ngào của nàng. Sau cùng điều chúng tôi chờ đợi rồi cũng đến. Những ngày tháng sau đó, chúng tôi sống rất hạnh phúc. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy vợ tôi cười đùa nhiều đến thế. Và bản thân tôi bỗng tự nguyện trở thành "ông nội trợ" một cách vô tư. Tôi cố giúp vợ làm tất cả việc nhà mỗi khi đi làm về. Lúc nào tôi cũng lo sợ nàng sẽ va vấp khi làm việc rồi ảnh hưởng đến thai nhi.
Nhưng niềm vui ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Tuần thứ 28 của thai kì, vợ tôi ra máu bất thường. Nàng gọi cho tôi khi đã tự đi vào bệnh viện một mình. Bác sĩ bảo: "Có lẽ phải sinh non, sắp có dấu hiệu sinh. Tử cung của cô ấy không giữ được đứa bé nữa... ". Tôi bước vào phòng nhìn thấy vợ tôi hai mắt sưng húp và tiều tụy một cách tội nghiệp. Tôi ôm nàng thật chặt. Đêm ấy vợ tôi phải mổ để lấy đứa bé ra. Nó nằm ngọ nguậy như con chuột, chỉ nặng 1kg và còn quá nhỏ để có thể khóc. Vài giờ sau, nó rời bỏ chúng tôi ra đi. Nhưng đau buồn hơn, có lẽ là điều mà chúng tôi phải đối mặt sau ca mổ: vợ tôi phải chờ thêm 3 năm hồi phục mới có thể cấy phôi vào cơ thể thêm lần nữa.
Chúng tôi đã không thể chờ thêm 3 năm...
Sau ca mổ ấy, tâm lý vợ tôi thay đổi hẳn. Chúng tôi mất dần những đêm mặn nồng trong tay nhau. Những lời ngọt ngào trước đây được thay bằng những cơn thịnh nộ triền miên của nàng. Tôi trở nên lầm lì và chán nản đến cùng cực. Những giây phút êm ấm xưa kia được thay bằng những giờ tôi bù khú cùng bạn bè khắp các quán nhậu.
Một đêm mưa phùn, tôi loạng choạng về nhà trong cơn say. Vợ tôi vẫn tư thế nằm nghiêng về phía cửa sổ, nàng nói cùng tôi:
- Anh có muốn tìm người khác thay em làm mẹ của những đứa con anh không?
- Sao em cứ phải lặp đi lặp lại điều quái quỷ ấy? Em muốn lắm sao? Anh nhịn em đủ rồi. Em thích làm gì thì làm. Đừng hỏi anh!
Vợ tôi nằm im. Tay tôi không còn gối dưới gáy nàng nên tôi cũng không biết nàng có rơi giọt nước mắt nào không. Tôi bật dậy, khoác áo mưa ra khỏi nhà mà cũng chưa biết mình đi đâu. Đi được một quãng, điện thoại reo. Đầu dây bên kia người hàng xóm nói trong hốt hoảng:
- Anh Phong đấy à? Anh đang ở đâu về ngay! Vợ anh khi không nửa đêm đi lang thang ngoài đường khi trời mưa. Có thằng khốn nào chạy xe ẩu đâm vào chị ấy, rồi nó chạy mất luôn. Tôi nghe tiếng phanh xe khiếp quá nên chạy ra xem. Giờ chị ấy đang trên đường đi cấp cứu rồi.
Vợ tôi nằm đó, thoi thóp thở trong ống dưỡng khí. Nàng không mở mắt nhìn tôi lấy một lần từ khi tôi xuất hiện. Bác sĩ nói cùng tôi lời ái ngại: "Tôi xin lỗi...". Đêm ấy vợ tôi xuất huyết não và ra đi...!
***
Sau đám tang vợ, tôi nhiều đêm liền thường nằm vào vị trí của nàng, theo hướng nghiêng về phía cửa sổ, và tôi hiểu hoàn toàn cảm giác của nàng khi nằm vào tư thế ấy. Cảm giác nói chuyện mà không dám nhìn thẳng vào mặt một người vì sợ ta sẽ xúc động không thể thốt nên lời. Có khi nửa đêm, tôi lần mò tìm một thân thể ấm áp để cuộn vào nhưng được đáp lại bằng cảm giác hụt hẫng...
Nhiều ngày sau đó, tôi chìm trong cơn say... Một đêm trong nhiều đêm say như thế, tôi nhìn thấy vợ tôi trong giấc ngủ, nàng ngồi cạnh tủ quần áo dưới chân giường và lấy cho tôi xem chiếc gối hình trái tim nhỏ xinh, nàng nói: "Gối này là dành cho con nè anh! Đẹp không?". Rồi đột nhiên nàng khóc uất ức...
Tôi choàng tỉnh khi trời rạng sáng. Nỗi sợ hãi lẫn nhớ thương làm tôi nghĩ đến những điềm báo huyền hoặc của thế giới tâm linh. Tôi tìm đến ngăn kéo sau cùng mà vợ tôi thường bảo là chỉ giữ những thứ đồ ít khi dùng đến. Rồi hồi hộp kéo nó ra... Tôi trơ người khi nhìn thấy chiếc gối hình trái tim nhỏ xinh đúng như trong giấc mơ, chiếc gối mà vợ tôi chưa bao giờ cho tôi xem khi nàng còn sống. Tay tôi run run cầm lên. Phía dưới chiếc gối ấy là một phong thư xanh được nàng nắn nót từng chữ:
"Anh thương yêu,
Khi anh đọc được những dòng này thì có lẽ em đã đi xa, xa lắm... Em từng nghĩ khi yêu một người, ta chỉ cần hết lòng với họ thì sẽ mang lại hạnh phúc. Nhưng em đã sai. Vẫn còn có rất nhiều, rất nhiều điều nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta anh ạ. Như vấn đề em và anh đang phải đối đầu. Em và anh có lẽ không ai muốn sống thế này đến cuối đời mà không con cái. Khi em nói với anh, em sẽ tìm một người có sức khỏe tốt hơn để sinh con cho anh, là em nói thật. Em cũng đau lòng, cũng bức bối. Nhưng em nghĩ, nếu em không làm thế thì ngày nào đó anh cũng sẽ tự tìm cho anh. Trong hàng trăm cuộc hôn nhân tồn tại ngoài kia, hầu hết họ đều gắn kết với nhau bằng những sinh linh máu mủ của chính họ, của tình yêu mà họ dành cho nhau. Thế nên anh ạ, hãy một lần nói thật với em, anh có thể yêu em mãi không nếu giữa chúng ta không có cùng nhau một đứa con nào?
Có lẽ bản thân anh cũng không thể trả lời chắc chắn, đúng không anh? Vậy thì hãy để em đi tìm câu trả lời ấy cho anh. Em may sẵn chiếc gối này, cho con của anh và có lẽ anh cũng sẽ cho em xem nó như con của em, được không anh? Hãy để chiếc gối này giữa hai chiếc gối to trong phòng ngủ của anh. Và hãy tìm một người đàn bà có thể đem đến cho anh chủ nhân của chiếc gối. Đó sẽ là trái tim chung của hai người, sẽ là mối gắn kết vô hình hai con người với nhau, sẽ giúp anh và người đàn bà ấy đi qua những đêm trăng rơi ngoài cửa sổ, những ngày mưa phùn ròng rã... và cả những chán chường. Rồi anh sẽ không phải tìm đến quán rượu khi buồn chán mà chỉ ở nhà chơi với con của anh, rồi anh sẽ không rời khỏi nhà lúc nửa đêm khi giận dỗi mà chỉ muốn qua phòng con ôm nó ngủ...
Hãy tạo ra trái tim nối liền hai chiếc gối.
Hãy làm chúng ngay bây giờ...
Em yêu anh..!"
Tôi buông lá thư nhòe nhoẹt nước mắt. Cầm lên tay hồ sợ bệnh án đầy đủ từ ngày vợ chồng tôi bắt đầu vào cuộc chữa trị vô sinh. Hồ sơ mà do sự vô tâm cố hữu của đàn ông, tôi chưa bao giờ chú tâm đến từ khi cùng vợ đi thử máu và lấy mẫu tinh dịch. Tôi chỉ nghe vợ bảo: "Là do em, em yếu sức khỏe...". Giờ đây, tôi cảm giác như ai đó ném vào đầu tôi một viên đá to từ trên không: "Vợ chồng bình thường. Vô sinh không rõ nguyên nhân"...
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tôi đã nuôi dã tâm hãm hại một sinh linh Tôi vừa trải qua cảm giác ấy chứ không phải lâu lắm gì để mà thản nhiên kể lại. Tôi vừa đi qua cơn ác mộng sôi như nham thạch và dài như nghìn năm địa ngục trong lòng. Điều may mắn là tôi đã kịp ngăn mình dừng lại trước khi quá muộn. Và câu chuyện dằn vặt tôi, làm tôi khốn...