Ổ dịch Bắc Kinh lại đặt chợ thực phẩm vào ‘tầm ngắm’
Covid-19 bùng phát liên quan tới chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh đã dây lên câu hỏi về vấn đề vệ sinh và an toàn ở các khu chợ.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, với 21 triệu dân, đang đặt trong tình trạng như “thời chiến” để ngăn Covid-19 bùng phát bằng các biện pháp như xét nghiệm hàng loạt và truy vết lây nhiễm.
Cơ quan y tế cho biết 27 ca nhiễm mới đã được ghi nhận hôm 15/6, nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Kinh từ 11/6 lên 106 trường hợp. Thành phố trước đó đã trải qua 55 ngày không xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Nhiều người đang liên tưởng điều này tới sự bùng phát dịch ban đầu ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, hồi tháng 12/2019, khi một cụm dịch có liên kết với chợ bán buôn hải sản Hoa Nam trong thành phố.
Malik Peiris, giáo sư virus học tại Đại học Hong Kong, cho biết nCoV có thể tồn tại nhiều tuần trong điều kiện ẩm ướt và nhiệt độ thấp như ở các khu chợ. Điều này kết hợp với lưu lượng người qua lại dày đặc tại chợ có thể khiến virus lây lan nhanh hơn.
“Đó là một môi trường lý tưởng, cho phép virus lây truyền dễ dàng và hiệu quả”, Peiris nói.
Được mệnh danh là “giỏ rau củ của Bắc Kinh”, Tân Phát Địa là chợ bán buôn thực phẩm lớn nhất châu Á, với diện tích khoảng 112 hecta ở quận Phong Đài, phía tây nam thành phố. Chợ gồm 2.000 gian hàng, bán các mặt hàng từ thịt, hải sản, tới trái cây và rau củ. Khu chợ này tiêu thụ hơn 3.000 con lợn và 1.500 tấn hải sản mỗi ngày, theo thông tin trên trang web chợ.
Theo giới chức Bắc Kinh, Tân Phát Địa có khoảng 15.000 lượt khách ghé thăm và khoảng 3.000 xe tải giao hàng mỗi ngày. Hiện khu chợ đã bị đóng cửa để tiến hành xét nghiệm và điều tra y tế.
Nhân viên an ninh đạp xe qua khu chợ Tân Phát Địa bị đóng cửa ở Bắc Kinh hôm 14/6. Ảnh: AFP.
Video đang HOT
Chợ Tân Phát Địa và Hoa Nam cũng có những điểm tương đồng. Cả hai đều bán đa dạng loại thực phẩm, bao gồm thịt và hải sản, và gần những trạm giao thông. Trạm xe buýt đường dài Tân Phát Địa nằm ngay cạnh khu chợ cùng tên, trong khi gần chợ Hoa Nam là hai trạm từ ga xe lửa Hán Khẩu ở Vũ Hán.
Tuy nhiên, chợ Hoa Nam nhỏ hơn nhiều so với Tân Phát Địa, khi có diện tích chỉ khoảng 5 hecta và khoảng 1.000 gian hàng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh cho biết dấu vết của nCoV đã được tìm thấy trên thớt dùng để chế biến cá hồi nhập khẩu tại chợ. Chuyên gia nhận định cá không phải nguồn lây truyền nhưng có thể đã bị nhiễm virus.
Một bài xã luận trên tạp chí Khoa học Thủy sản châu Á hồi tháng 4, của các nhà khoa học từ Liên Hợp Quốc và hàng chục quốc gia, bao gồm Trung Quốc và Mỹ, đã nói rằng nCoV chỉ có thể lây nhiễm ở động vật có vú. Không có bằng chứng cho thấy virus này có thể lây nhiễm cho cá hoặc hầu hết các động vật biển khác.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ bề mặt nào khác, hải sản vẫn có thể bị nhiễm nCoV, đặc biệt là khi nó được những người nhiễm virus chế biến, bài xã luận khẳng định.
Peiris cho biết nCoV không có nguồn gốc từ cá, nhưng bao bì đóng gói có thể đã nhiễm virus. “Bản thân cá không có khả năng nhiễm nCoV. Tuy nhiên, bao bì và những thứ khác đều có thể”, Peiris nói thêm.
Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, cho biết cá nhập khẩu đông lạnh có thể là nguồn lây nhiễm, song ông không chắc chắn hoàn toàn.
“Tôi nghĩ một nguồn khác có khả năng cao hơn là một người nhiễm nCoV không bị phát hiện đi từ nơi khác tới Bắc Kinh và khiến quá trình truyền nhiễm virus lan rộng ra thành phố”, Cowling nói.
“Hơn 50 trường hợp đã được phát hiện sau khi tiến hành xét nghiệm hàng loạt, cho thấy những ca nhiễm không hoặc có triệu chứng nhẹ có thể dễ dàng không bị phát hiện”, giáo sư tại Đại học Hong Kong nhận xét thêm.
Trong khi các khu chợ thực phẩm có điều kiện thuận lợi để bùng phát dịch, nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng những cụm dịch trong khu chợ ở Bắc Kinh và Vũ Hán có thể là do trùng hợp.
“Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng tôi nghĩ đó có thể là một kịch bản lây truyền nCoV dễ dàng”, Peiris nói. Trong khi đó, Cowling cho biết đã có nhiều cụm dịch ở nhiều địa điểm khác nhau, nhưng chỉ một số ít xảy ra tại các chợ.
Zhang Wenhong, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Hóa Sơn ở Thượng Hải, cho biết có sự tương đồng giữa các cụm dịch trong khu chợ ở Bắc Kinh và Vũ Hán. Cả hai đều xảy ra tại nơi đông đúc và không đủ hệ thống lọc gió.
Zhang cho hay sự khác biệt chính là ca nhiễm đầu tiên tại cụm dịch Bắc Kinh được chẩn đoán trong vòng một tuần và nhiều biện pháp xử lý cụm dịch nhanh chóng được thực hiện.
Tại Vũ Hán, giới chức y tế hôm 20/1 mới thông báo ghi nhận lây nhiễm nCoV từ người sang người, gần hai tháng sau khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên, Zhang nói thêm.
“Bởi vì rất nhiều người và phương tiện giao thông di chuyển qua Tân Phát Địa, có thể các cụm dịch mới đã xuất hiện ở nhiều nơi khác”, Zhang cảnh báo.
Ba ngày tới là thời điểm quyết định với Bắc Kinh
Các bệnh nhân từ ổ dịch chợ Tân Phát Địa bước vào giai đoạn biểu hiện triệu chứng trong ba ngày tới, là khoảng thời gian quan trọng đối với Bắc Kinh.
Trải qua 56 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng, hôm 12/6, Bắc Kinh đột ngột phát hiện ổ dịch. Đến sáng nay, 106 ca nhiễm nCoV liên quan đến chợ Tân Phát Địa đã được ghi nhận.
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực chạy đua để khống chế sự lây lan của virus, tránh xảy ra "làn sóng thứ hai". Giới chức thậm chí gõ cửa từng nhà, yêu cầu công dân khai báo có từng đến chợ Tân Phát Địa hoặc tiếp xúc với người đã ghé qua đây hay không.
Theo tiến sĩ Wu Zunyou, chuyên gia Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC): "Ba ngày tới là thời điểm quan trọng với Bắc Kinh, khi những người đã nhiễm virus từ chợ Tân Phát Địa có thể biểu hiện triệu chứng".
"Bắc Kinh đang bước vào thời kỳ đặc biệt", người phát ngôn thành phố Xu Hejian, nhận định trong cuộc họp báo ngày 14/6.
Xét nghiệm nCoV cho dân chúng tại sân vận động Quảng An, Bắc Kinh, ngày 16/6. Ảnh: AFP.
Ông Wu cho biết nCoV có thể tồn tại trên bề mặt của thực phẩm đông lạnh trong khoảng ba tháng. CDC nghi ngờ nhiều loại hàng hóa bị nhiễm bẩn từ đợt bùng phát trước, được đưa vào trong chợ và lây lan cho người mua bán.
"Rủi ro phát sinh nguồn siêu lây nhiễm là rất cao, và chỉ các biện pháp quyết đoán và chắc chắn mới có thể ngăn chặn virus truyền đi xa hơn nữa", Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan phát biểu hôm 14/6.
Đợt bùng phát ở Bắc Kinh - trung tâm văn hóa và chính trị của Trung Quốc, là phép thử đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á. Sau khi dập dịch hiệu quả thông qua các biện pháp phong tỏa mạnh mẽ, đây là lần đầu tiên nước này đối mặt với một đợt bùng phát lớn.
Bằng phương pháp xét nghiệm đại trà, có thể trong vài ngày tới, số ca nhiễm toàn quốc sẽ gia tăng rõ rệt, Giáo sư Ben Cowling, trưởng phòng dịch tễ học và thống kê sinh học tại Đại học Hong Kong, nhận định.
Tình trạng ở Bắc Kinh báo hiệu xu hướng đáng lo ngại, rằng dịch bệnh, dù đã suy yếu, nhưng không hề có dấu hiệu chấm dứt. Số ca mắc mới ở các thủ đô của châu Á như Tokyo và Seoul cũng tăng nhanh. Trong khi đó, dịch bệnh tại các điểm nóng ở Mỹ như Florida vẫn chưa hạ nhiệt.
Giáo sư Michael Baker, chuyên ngành y tế công cộng, Đại học Otago, New Zealand, cho biết: "Cụm dịch mới là lời nhắc nhở quan trọng rằng rủi ro từ Covid-19 vẫn còn đó. Hầu hết các quốc gia đã kiểm soát được Covid-19 đều đối mặt với đợt bùng phát trở lại".
Tình hình cũng khiến nhiều người dân Bắc Kinh trở nên căng thẳng.
"Tôi có thể cảm nhận được sự hoảng loạn dù sống xa khu chợ. Không tìm được nguồn lây nhiễm khiến điều này thêm phần đáng sợ. Chúng ta không thể loại trừ nguy cơ dịch bệnh sẽ nghiêm trọng hơn".
COVID-19: Bắc Kinh truy dấu 200.000 người liên quan ổ dịch Tân Phát Địa Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) tăng mức cảnh báo và truy dấu nguồn dịch sau khi hàng chục ca COVID-19 mới được phát hiện tại chợ bán buôn Tân Phát Địa. Sau khi không có ca mắc bệnh mới trong gần 2 tháng, Bắc Kinh có thêm 79 ca trong 2 tuần gần đây, khi cụm dịch COVID-19 mới được phát hiện...