Ở đây, dân tái định cư trồng sâm, củ to bán được 1 triệu đồng/kg
Đẳng sâm – một loại dược liệu quý, là cây bản địa thường mọc ở những cánh rừng nghèo tại huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Từ hàng chục năm trước, đồng bào nơi đây đã biết giá trị của loại cây thuốc quý và đem về trồng trong vườn nhà. Mỗi kg đẳng sâm tươi được thương lái săn lùng tại đây với giá từ 400 – 500 nghìn đồng. Loại củ to có giá trên dưới 1 triệu đồng/kg.
Năm 2016, từ nguồn vốn chương trình 30a, UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) trồng thử nghiệm 2ha cây đẳng sâm ở bản Ăng, xã Thông Thụ.
Qua gần 2 năm triển khai, mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả. Đây không phải là mô hình trồng cây dược liệu duy nhất ở vùng tái định cư (TĐC) Thủy điện Hủa Na.
Cây đẳng sâm phát triển tốt, cho củ to, đẹp sau gần 2 năm trồng thử nghiệm ở xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Ông Quang Văn Huy, một trong số 12 hộ tham gia dự án trồng cây đẳng sâm tại bản Ăng cho biết: “Đây là cây bản địa, trước đây đồng bào đã tự phát đem về trồng trong vườn nhà. Nhưng việc trồng cây đẳng sâm mới chỉ để sử dụng trong gia đình, để bồi bổ cơ thể. Nay triển khai dự án có nghĩa là đồng bào vừa sản xuất, vừa bảo tồn cây dược liệu quý, vừa tham gia vào một chuỗi cung ứng ra thị trường. Nếu triển khai tốt và nhân rộng được mô hình thì bà con sẽ có thêm cơ hội để thoát nghèo”.
Về kỹ thuật trồng cây đẳng sâm, kinh nghiệm chăm sóc cây đẳng sâm, ông Huy cho biết, khoảng tháng 11 có thể gieo hạt trong bầu và trồng vào tháng 2. Cây đẳng sâm thích hợp với môi trường có độ ẩm cao nên tốt nhất trồng ở những nơi có nguồn nước tưới thuận tiện. Hố trồng đẳng sâm có kích thước 0,4 x 0,4 x 0,25m, bón phân chuồng đã ủ hoai và một ít phân lân. Khi cây tốt, làm dàn hình chữ V để cây leo. Thông thường, 3 năm sau khi trồng cây đẳng sâm sẽ cho củ tốt nhất với trọng lượng 0,3 -0,5kg/củ. Củ càng to bán càng được giá.
Tham gia dự án, người dân được hỗ trợ giống, túi bầu, tập huấn kỹ thuật… Để chọn lựa được nguồn giống phù hợp, dự án đã đưa giống đẳng sâm Tam Đảo về trồng thử. Tuy nhiên, theo bà Lương Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Thông Thụ giống bản địa vẫn phù hợp nhất.
Video đang HOT
“Thực tế cho thấy, giống bản địa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. So sánh sau gần 2 năm trồng thử nghiệm, giống bản địa chống chịu hạn, chịu lạnh tốt hơn. Hiện gần 2ha đẳng sâm đang phát triển tốt, đồng bào rất muốn được nhân rộng mô hình và tìm đầu ra ổn định, lâu dài để thoát nghèo. Cây đẳng sâm có thể trồng trên rẫy cạnh những khe nước, cũng có thể trồng trong vườn nhà. Kỹ thuật trồng, chăm sóc khá đơn giản, rất phù hợp với phương thức canh tác của đồng bào”, bà Hồng cho biết.
Thông Thụ là xã có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại cây dược liệu phát triển. Cũng thông qua các dự án, địa phương đang triển khai trồng cây hoàng đằng và chè hoa vàng. Đặc biệt, với cây chè hoa vàng, loại dược liệu quý này đã được người dân đem về trồng trở thành cây hàng hóa.
Cây chè hoa vàng được đồng bào dân tộc ở Thông Thụ đưa về trồng tập trung.
Ông Lô Văn Sinh, bản Hủa Na 1 cho biết: “Từ một loại cây dại mọc trên rừng, nay tôi đem về trồng trong vườn nhà được gần 1ha, gần 1 nửa diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch. Chè hoa vàng hiện có giá trên dưới 1 triệu đồng/kg khô. Nhiều hộ ở đây đã ý thức được việc bảo tồn và phát triển cây chè hoa vàng, không còn như trước đây có hiện tượng đi đào rễ, gốc bán cho thương lái. Chúng tôi mong muốn, không chỉ chè hoa vàng mà các loại cây dược liệu khác sẽ được mở rộng diện tích ở vùng đất này. Kèm theo đó, khi diện tích đã được mở rộng chúng tôi sẽ được liên kết để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Còn ông Huy, người có diện tích đẳng sâm lớn nhất ở Thông Thụ cho biết thêm: “Diện tích để trồng các loại cây dược liệu ở đây còn có thể mở rộng. Tiềm năng năng suất, chất lượng dược liệu khi trồng ở vùng đất này luôn hơn hẳn nhiều vùng đất khác ở Nghệ An. Điều quan trọng là đồng bào cần được tập huấn thêm về kỹ thuật canh tác, tìm đầu ra ổn định khi có sản phẩm”.
Theo Văn Dũng (NNVN)
Nơi hẻo lánh, dân chờ khấm khá khi trồng 2 loại sâm quý
Tận dụng lợi thế về khí hậu, địa lý, ngoài các cây công nghiệp như cà phê, bời lời, huyện Đăk Glei (Kon Tum) đang định hướng, vận động nhân dân phát triển trồng 2 loài sâm quý, đó là cây sâm Ngọc Linh và sâm dây. Đây là 2 loại cây chủ lực góp phần thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình trên địa bàn trong thời gian tới...
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Lộc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: Huyện đang xây dựng đề án bảo tồn, hỗ trợ phát triển cây sâm Ngọc Linh tại các xã Mường Hoong, Ngọc Linh và Xốp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm bảo tồn, phát triển có hiệu quả nguồn gen sâm Ngọc Linh trong môi trường tự nhiên kết hợp với quản lý bảo vệ tài nguyên rừng tự nhiên.
Ươm, nhân trồng giống sâm quý đặc hữu-sâm Ngọc Linh
Đặc biệt, thông qua đó nhằm sử dụng có hiệu quả môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh theo phương thức sản xuất hàng hóa thương mại mang tính bền vững, đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây kinh tế chủ lực của huyện Đăk Glei.
Công nhân chăm sóc sâm Ngọc Linh. Ảnh: V.P
"Huyện đã có chủ trương sử dụng các chương trình dự án, tập trung nguồn vốn để hỗ trợ nhân dân khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, lao động để mở rộng diện tích, đưa cây dược liệu sâm Ngọc Linh trở thành một trong những sản phẩm hàng hoá nông nghiệp chủ lực của huyện, kết nối với sản phẩm chủ lực của tỉnh. Từ đó, từng bước đưa Mường Hoong, Ngọc Linh và Xốp trở thành vùng kinh tế động lực của huyện..." - ông Lộc thông tin.
Theo đề án, thời gian tới huyện sẽ xây dựng các vườn bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, nhân giống sâm Ngọc Linh với quy mô khoảng 3ha; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh cho các đối tượng tham gia. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích nhân dân bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, phấn đấu đến năm 2030 phát triển được 50-100ha sâm Ngọc Linh...
Nhận thấy giá trị của sâm Ngọc Linh, nhiều người dân trên địa bàn 3 xã đã chủ động trồng loại cây này. Theo thống kê, đến nay diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn có khoảng 1ha, được người dân trồng rải rác, phân tán nhỏ lẻ không tập trung dưới tán rừng.
Nguồn giống sâm Ngọc Linh hiện nay trồng tại các xã chủ yếu được thu mua lại của người dân khai thác từ rừng tự nhiên hoặc mua lại của các hộ dân tại các xã thuộc huyện Tu Mơ Rông, huyện Nam Trà My ở Quảng Nam.
Phát triển thêm sâm dây, đẳng sâm
Cùng với cây sâm Ngọc Linh, huyện Đăk Glei xác định đẩy mạnh phát triển diện tích sâm dây, trong đó tập trung ở các xã phía bắc của huyện là xã Mường Hoong, Xốp, Ngọc Linh, Đăk Choong, Đăk Man, Đăk Nhoong, Đăk Blô có tiểu vùng khí hậu phù hợp trồng sâm dây. Huyện cũng đang xây dựng đề án riêng cho loại cây trồng này.
Hiện nay, trên địa bàn huyện, hầu hết diện tích sâm dây mới phát triển mạnh ở các xã Mường Hoong và Ngọc Linh với tổng diện tích khoảng 40ha do người dân tự trồng thuần theo tự nhiên hoặc trồng xen với vườn cà phê hay vườn nhà. Còn diện tích sâm dây nhà nước đầu tư chỉ mới khoảng 3ha, trong đó, chủ yếu là hỗ trợ cây giống thuộc Chương trình 102 và mô hình liên kết trồng sâm dây của Hội Phụ nữ tỉnh tại địa bàn Mường Hoong và Ngọc Linh, Đăk Nhoong...
Huyện phấn đấu giai đoạn 2018-2020 sẽ phát triển được 60ha cây sâm dây, trong đó năm 2018 là 15ha, năm 2019 là 20ha, đến năm 2020 là 25ha và đến năm 2030 đạt khoảng 500ha, từ đó dần hình thành vùng chuyên canh cây hàng hóa chiến lược này, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển...
Đẳng sâm được trồng ở huyện Kon Plông. Ảnh: V.P
Để phát triển các loại cây dược liệu sâm Ngọc Linh và sâm dây trên địa bàn trở thành cây trồng chủ lực, huyện Đăk Glei tiến hành quy hoạch vùng sản xuất, tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển đối với 2 loại cây dược liệu này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình sớm thoát nghèo bền vững. Đồng thời, huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến liên kết phát triển đối với 2 loại cây dược liệu nói trên và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, sơ chế tại địa bàn...
Theo Văn Phương (Báo Kon Tum)
Dân xứ Nghệ nô nức thu tiền tỷ từ loài chè được ví đắt như vàng ròng Miền tây xứ Nghệ những ngày này mưa lạnh bao trùm, thế nhưng người dân ở các xã Thông Thụ, Tiền Phong, Châu Kim, Hạnh Dịch, Đồng Văn... của huyện Quế Phong vẫn náo nức rủ nhau vào rừng hái chè hoa vàng. Giá loại chè này hiện dao động từ 1,5 - 5 triệu đồng/kg, giúp người dân thu gần chục tỷ...