Ở đây dân nuôi toàn cá đặc sản, “găm hàng” giáp Tết bán cho đắt
Dù đã đến thời kỳ thu hoạch, nhưng người nuôi cá lồng bè tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế vẫn găm hàng, chờ giá.
Cá chờ… lễ, tết
Mặt nước vùng đầm phá cạnh cửa biển Tư Hiền (Thừa Thiên Huế) từ lâu được xem là “thủ phủ” của các loại cá mà người dân thường gọi là “đặc sản”. Đó là cá mú, cá nâu, cá vẩu…có giá trị kinh tế cao, được người dân đưa vào thả nuôi nhiều năm qua. Khu vực đầm phá này cũng là nơi thuận lợi để các loại cá con sinh sôi, tạo nguồn cung ứng cá giống cho người dân.
Cá lồng tại Vinh Hiền có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Đình Nguyện là người có kinh nghiệm nuôi cá lồng, chủ yếu các loại cá mú, vẩu… Sau 30 năm nuôi cá lồng, ông Nguyện tỏ ra kinh nghiệm, tự tin với nghề khi đầu tư nguồn vốn lớn. Hiện, dù cá của ông đã quá trọng lượng xuất bán nhưng ông vẫn “án binh bất động”. Theo ông Nguyện, cá được nuôi theo hình thức gối đầu nên tạo được thu nhập quanh năm cho người nuôi. Vào thời điểm cuối năm là chính vụ thu hoạch của cá lồng ở Phú Lộc.
“Đa số cá đã có trọng lượng đủ để thu hoạch, đặc biệt có nhiều con cá mú nặng 4-5kg. Hiện nay, do giá cá khá thấp nên tui chưa muốn xuất bán”, ông Nguyện nói.
Nhiều hộ nuôi khác ở xã Vinh Hiền cũng đang găm hàng, chờ giá. Người dân cho rằng, vào thời điểm cuối năm và dịp lễ tết, giá cá sẽ tăng cao, người nuôi có lãi lớn.
“Bây giờ nếu bán chỉ có giá 150-200 nghìn đồng/kg nhưng vào dịp Tết Dương lịch và Âm lịch, giá sẽ đội lên từ 350-450 nghìn đồng/kg. Do vậy, đa số người nuôi cá lồng vùng này đều chưa muốn bán”, ông Nguyễn Văn Bé (xã Vinh Hiền) chia sẻ.
Ngoài Vinh Hiền, cá đặc sản cũng đang phát triển mạnh tại xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc), giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Tại địa phương này đang có hơn 300 lồng cá của hơn 100 hộ dân. Thời điểm này, người nuôi ở Lộc Bình cũng đang găm hàng dù cá đã đủ trọng lượng thu hoạch.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Văn Khánh (xã Lộc Bình) nuôi hơn 20 lồng cá tỏ ra tự tin: “Tui chủ yếu nuôi cá mú. Cá có thể xuất bán quanh năm, nhưng để có thu nhập cao thì phải xuất bán vào dịp tết. Sau nhiều năm thả nuôi, tui biết nhu cầu vào dịp tết rất cao. Ngoài ra, tui cũng nuôi một số lượng cá đúng theo kích cỡ của các nhà hàng, khách sạn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện, giá cá thấp nên rất ít người xuất bán”.
Phải lấy lại vốn, hạn chế rủi ro
Đến thời điểm này, nhiều người nuôi tại Vinh Hiền, Lộc Bình vẫn tỏ ra tự tin “ghim hàng” với những lồng cá của mình nhưng họ vẫn chưa quên vụ mùa thất bát vào năm 2017, khi hàng tấn cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước do dòng nước bạc vào mùa lũ năm đó.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân thu hoạch trước 5/9 để tránh mưa bão. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, người dân vẫn cố tình để cá qua mùa mưa mới xuất bán. Lúc đó vào dịp tết, giá cá sẽ cao hơn. Vào năm 2017, quyết định của người dân khiến họ thiệt hại nặng nề”, ông Thông thừa nhận.
Hằng năm, để hạn chế rủi ro về nuôi cá trên sông và vùng đầm phá, các cơ quan chức năng thường khuyến cáo người nuôi phải đảm bảo khung lịch thời vụ, thu hoạch trước mùa mưa bão. Những hộ nuôi muốn duy trì cá qua mùa mưa thì ít nhất phải tiến hành thu tỉa để lấy lại vốn.
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, tình trạng cá chết do ngạt oxy hay nước bạc trong những năm qua là bài học kinh nghiệm cho người nuôi. Đối với cá lồng nuôi trên sông, cá càng to thì nhu cầu về oxy càng lớn. Trên vùng đầm phá Tam Giang, nguồn nước thường được lưu thông nên sẽ khó xảy ra tình trạng cá thiếu oxy nhưng khi thủy điện xả lũ, lượng nước bạc đổ về nhiều làm thay đổi môi trường sẽ gây thiệt hại nên phải cẩn trọng.
“Hiện nay, nuôi cá lồng có 2 quy định mới là quy định về đăng ký nuôi lồng bè và quy định về thủ tục hành chính. Theo đó, người nuôi phải đăng ký ban đầu đối với quy định về phòng chống thiên tai, lúc đó thiệt hại kinh tế sẽ được quản lý và cơ quan chức năng dự báo cho người dân những sự cố có thể xảy ra, từ đó người nuôi đảm bảo kinh tế của họ.
Năm nay, chưa xuất hiện lũ, bão không có nghĩa là người nuôi cá 100% gặp thuận lợi. Trong tình hình khí hậu thất thường, khó lường như hiện nay, người nuôi cá không nên chủ quan, tránh thiệt hại do sản xuất, thu hoạch trái mùa, vụ”, bà Hồng chia sẻ.
Theo L.Thọ (Báo Thừa Thiên Huế)
Tiết lộ tuyệt chiêu "làm ao trên sông" giúp cá lớn nhanh như thổi
Sau nhiều năm xoay sở nhiều nghề nhưng không khấm khá lên được, ông Triệu Văn Đông (xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) đã mày mò nghiên cứu nghĩ ra bí quyết "làm ao trên sông".
Với cách "làm ao trên sông" cá ông Đông nuôi lớn nhanh "như thổi" và cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đi dọc bờ sông Lô, đến địa phận xã Hùng Lô, huyện Đoan Hùng, bên cạnh những tàu cuốc, máy hút cát và những sà lan chở cát, sang mạn, mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy một tổ hợp những lồng cá được đan sát vào nhau.
Bên dòng sông Lô nước chảy siết, váng dầu do hoạt động khai thác cát nhưng lại xuất hiện hàng chục lồng cá khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Nhiều lần đi qua đây, phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã không khỏi thắc mắc là vì sao ở nơi nước sông chảy xiết, dầu máy loang lổ, nhưng lại xuất hiện những lồng cá như thế này. Không những thế, nhiều người nuôi cá lồng ở nơi khác đều rơi vào cảnh thua lỗ, hoạt động cầm chừng, thậm chí là "bán sới", nhưng ở đây nuôi cá trên sông vẫn phát triển. Từ những câu hỏi ấy, chúng tôi đã quyết định tìm gặp chủ nhân của 36 lồng cá này.
Tiếp chúng tôi là người đàn ông nhỏ thó, nước da rám nắng, nhưng ánh mắt sáng, tinh nhanh, khỏe mạnh. Ông cho biết, mình tên là Triệu Văn Đông, cựu chiến binh đang sinh hoạt trong Hội Cựu chiến binh của xã Hùng Long.
Theo ông Đông, năm 1980, ông lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Sau những năm tháng được rèn luyện trong quân đội, năm 1985, ông xuất ngũ trở về địa phương.
"Những năm đầu, dù chăm chỉ lao động, xoay sở nhiều nghề nhưng thu nhập của gia đình vẫn không đủ để trang trải cuộc sống. Với ý chí, bản lĩnh của anh "Bộ đội Cụ Hồ", tôi luôn trăn trở phải tìm ra phương thức giúp tăng thu nhập kinh tế gia đình", ông Đông tâm sự.
Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tìm hiểu cách làm giàu, rồi lặn lội đi khắp các vùng để tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế, cuối cùng ông quyết định làm lồng nuôi cá trên sông.
Đi nhiều nơi, thấy nhiều mô hình kinh tế hay, nhưng khi biết về nghề nuôi cá lồng, ông Đông đã bén duyên luôn với nghề này.
"Đọc sách báo nhiều, đi nhiều, tôi thấy có nhiều mô hình để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi đến Thanh Thủy, thấy mô hình 'làm ao trên sông' của người dân, tôi đã bị "bén duyên" ngay. Bởi lẽ, lợi thế của việc nuôi cá lồng trên sông là có thể tận dụng dòng nước chảy nên môi trường nước đảm bảo, ít khi xảy ra dịch bệnh trên cá. Không những thế, bản thân gia đình cũng ở cạnh sông nên cũng muốn gắn bó với nghề này", ông Đông cho biết.
Cũng theo ông Đông, sau khi học hỏi được bí quyết, kỹ thuật nuôi cá lồng, ông còn mất nhiều thời gian nghĩ làm sao để "làm ao trên sông" cho bền vì nước sông Lô chảy rất xiết. Sau nhiều đêm suy nghĩ, thay vì làm lồng bằng tre thông thường, ông đã làm hẳn những lồng cá bằng sắt, nhờ đó, lồng của ông vừa chắc chắn, không lo bị trôi, lại có tuổi thọ bền hơn.
Đặc biệt, do khu vực ông làm lồng nuôi cá có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động khai thác cát sỏi nên hiện tượng tràn dầu từ các tàu cuốc khai thác cát ra môi trường nước là việc không tránh khỏi. Để tránh ảnh hưởng đến môi trường sinh trưởng, phát triển của cá và thiệt hại về kinh tế không đáng có, ông còn nghĩ ra cách làm hàng rào bằng tôn chắn xung quanh để dầu không tràn vào lồng cá.
Các giống cá được ông Đông lựa chọn để nuôi chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao, giàu dinh dưỡng như: lá lăng, cá diêu hồng, cá trắm đen, cá chép...
Nhờ tuyệt chiêu "làm ao trên sông" mà cá trong lồng của ông Đông lớn nhanh như thổi, đem lại thu nhập cao cho gia đình.
Để phòng bệnh cho cá, ông cũng tận dụng những loại thuốc kháng sinh có trong tự nhiên như: lá xoan, vôi...để diệt khuẩn, khử trùng môi trường nuôi và tăng khả năng đề kháng. Nhờ vậy, cá sinh trưởng khỏe mạnh, ít bệnh tật. Không những thế, ông Đông còn trang bị 2 máy sục khí để tạo thêm oxy, nhờ đó mật độ cá trong lồng dày hơn và cá mau lớn hơn.
Theo tính toán, mỗi lồng cá có kích thước 6x6x3 m với sức chứa gần 100 m3 nước, gia đình ông phải bỏ ra 30 triệu đồng tiền vốn gồm con giống, thức ăn... Sản lượng cá đến thời kỳ thu hoạch có thể đạt từ 4 - 4,5 tấn cá/lồng, tương đương với 1 ha mặt nước so với hình thức nuôi trồng thủy sản ở trong các ao, hồ. Với 36 lồng cá, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, ông Đông còn thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với hội viên và bà con trong thôn như vận động xây dựng quỹ hội, giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế...
Nói về ông Đông, ông Đỗ Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đoan Hùng nhận xét: "Thời gian qua, CCB Triệu Văn Đông đã tích cực tham gia hoạt động Hội và các phong trào của địa phương, có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội, đồng thời làm ăn có hiệu quả, là tấm gương tiêu biểu để các hội viên học tập và noi theo".
Theo Danviet
Sơn La: Nuôi cá, nuôi trâu....khá giàu thì cũng chả mấy Nhờ biết phát huy tiềm năng thế mạnh, chuyên đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật trong vào sản xuất, nhiều nông dân ở xã Chiềng Bằng (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Đến thăm mô hình nuôi cá lồng...