Ở đây bỏ lúa trồng lạc, cây nào cũng chi chít củ, bán được giá
Vụ đông xuân 2019-2020, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vô cùng phấn khởi khi những diện tích trồng lạc (đậu phộng) đều được mùa. Đặc biệt, đây hầu hết là những ruộng lạc trồng trên đất lúa chuyển đổi, năng suất tăng tới 3-4 tạ/ha, giá bán lại cao nên người dân có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa…
Mùa lạc bội thu
Đến cánh đồng thôn Dưỡng Xuân (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn), chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của bà con nông dân khi khắp nơi đều thấy bà con tất bật thu hoạch lạc trong tiếng cười rộn rã, tiếng trò chuyện rôm rả.
Nông dân xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn, Quảng Nam) phấn khởi khi mùa lạc năm nay được mùa. Ảnh: H.H
Ông Nguyễn Đắc Xuân – nông dân thôn Dưỡng Xuân, phấn khởi cho biết, từ khi xã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lạc, gia đình ông đã chuyển đổi 5.000m2 và vụ lạc này đã là vụ thứ 3.
“Năm nay thời tiết thuận lợi, khí hậu thích hợp cho cây lạc phát triển nên cây nào cũng sai củ, cuối vụ thu hoạch đạt năng suất khá cao. Vụ này, bình quân mỗi sào (500m2) cho thu hoạch khoảng 260 – 280kg lạc tươi, cao hơn 15 – 20% so với vụ năm trước” – ông Xuân vui vẻ nói.
Một số bà con ở cánh đồng thôn Xuân Kỳ, xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) cũng cho hay, vụ lạc năm nay gặp thời tiết thuận lợi, kết hợp với việc bảo đảm nguồn nước tưới ổn định và chăm sóc thâm canh hợp lý nên cây lạc cho củ rất sai. Bình quân mỗi sào cho thu hoạch khoảng 280 – 300kg lạc tươi, năng suất cao hơn nhiều so với vụ đông xuân 2018 – 2019.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc HTX nông nghiệp Điện Quang cho biết thêm, năm nay các loại cây trồng trên địa bàn xã Điện Quang đều được mùa, trong đó thắng nhất là cây lạc. Toàn xã Điện Quang vụ này sản xuất trên 80ha lạc tại hầu hết các cánh đồng. Bình quân mỗi sào trồng lạc cho năng suất 300kg, thậm chí có những diện tích năng suất cao hơn nên nông dân rất phấn khởi.
Người dân tự chế máy trảy (tuốt) củ lạc, nhờ đó tiết kiệm được sức lao động và thời gian. Ảnh: H.H
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Văn Thành – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Quế Sơn cho hay, vụ đông xuân 2019 – 2020 nông dân trên địa bàn canh tác hơn 855ha lạc và đến nay đang vào vụ thu hoạch rộ, nông dân đổ ra đồng nhổ lạc, dùng máy vặt củ ngay tại ruộng. Khảo sát tại nhiều vùng cho thấy, vụ này năng suất lạc đạt khoảng 25,5 – 26 tạ/ha, tăng cao so với vụ năm trước (bình quân 21 tạ/ha).
Video đang HOT
“Sở dĩ năm nay lạc được mùa trên diện rộng là nhờ phần lớn diện tích không bị sâu bệnh gây hại nặng. Điều quan trọng nữa là trong giai đoạn cây ra hoa rộ, ngành nông nghiệp cùng chính quyền cấp cơ sở, nhất là bà con nông dân chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống hạn nên cây lạc không bị ảnh hưởng như mùa trước” – ông Thành nói.
Bỏ lúa trồng lạc, thu lãi khá
Ông Phan Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) cho biết, thực hiện Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 30/6/2017 của UBND huyện Quế Sơn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020, Đảng ủy, HĐND và UBND cùng các ngành, đoàn thể của xã đã thực hiện rà soát diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, thiếu nước sản xuất nhưng có khả năng chuyển đổi sang cây trồng khác thích hợp để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.
Qua theo dõi và khảo sát thực tế tại địa phương, lãnh đạo xã nhận thấy cây lạc có đầu ra khá ổn định, sâu bệnh ít, chi phí đầu tư không cao, trong khi hiệu quả kinh tế mang lại lớn hơn so với trồng lúa.
Mặt khác, cây lạc còn có tác dụng cải tạo đất rất tốt, đầu ra khá ổn định, nhất là hạt lạc được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp chế biến dầu phộng.
Trên cơ sở đó, UBND xã Quế Xuân 1 đã xây dựng phương án chuyển đổi mô hình sản xuất lạc thâm canh trên chân đất lúa vụ đông xuân 2017-2018 của xã Quế Xuân 1 tại các thôn như: Trung Vĩnh, Dưỡng Mông Đông, Dưỡng Xuân, Thạnh Hòa, được UBND huyện phê duyệt triển khai. Đến nay, qua 3 vụ, mô hình sản xuất lạc thâm canh trên đất lúa kém hiệu quả đều cho kết quả ngoài mong đợi.
Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, ngoài huyện Quế Sơn, cây lạc còn được trồng phổ biến ở thị xã Điện Bàn và các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên… năng suất lạc tươi đạt bình quân 270 – 300kg/sào, lạc khô 150 – 170kg/sào, cao hơn trung bình năm trước khoảng 20kg/sào.
Ông Nguyễn Đắc Xuân – nông dân xã Quế Xuân 1 cho biết thêm, giá lạc tươi hiện nay dao động từ 15.000 – 16.000 đồng/kg, còn lạc khô giá từ 26.000 – 30.000 đồng/kg. Tính ra mỗi sào lạc thu nhập 4,5 triệu đồng, giá trị kinh tế cao gấp 2,5 lần so với trồng lúa. Được mùa, được giá nên bà con nông dân ai cũng vui mừng, dự tính sẽ tiếp tục trồng lạc trong vụ tới.
Hồng Hậu
Bình Định: Trồng 2 loài cây này trên đất cát, dân xã biển dư giả hẳn ra
Trước đây, mỗi năm làm 1 vụ lúa không đủ ăn, từ khi chuyển sang trồng mỗi năm 3 vụ màu với trồng cây hành và trồng đậu phộng, người dân vùng quê biển xã Cát Hải (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã "dư ăn, dư để".
Nông dân thoát nghèo
Theo ông Lê Văn Diêu, Chủ tịch UBND xã Cát Hải, từ năm 2002 trở về trước, dù là vùng quê thuần nông nhưng xã Cát Hải, huyện Phù Cát chỉ có 1 hồ chứa nước nhỏ tại thôn Tân Thắng. Lượng nước hồ này chỉ tưới được khoảng 40ha, một hồ chứa khác ở thôn Vĩnh Hội còn nhỏ hơn, chỉ tưới được chừng 10ha.
Thung lũng cát Vĩnh Hội (xã Cát Hải) đã được phủ xanh bằng đậu phộng.
Vì vậy, hàng trăm ha đất canh tác lúa còn lại đều ăn nước trời, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa đông xuân mà năng suất rất thấp, không quá 45 tạ/ha, người dân chẳng đủ gạo để ăn.
Tuy nhiên, năm 2003, người dân Cát Hải bỗng phát hiện vùng đất của mình được thiên nhiên ưu đãi ban cho mạch nước ngầm rất dồi dào, phát hiện này đã mở ra hướng làm ăn mới.
Ngay sau đó, gần cả ngàn chiếc giếng đóng ra đời, những diện tích canh tác mỗi năm 1 vụ lúa nhanh chóng được thay thế bằng cây hành, đậu phộng.
Theo ông Diêu, vào thời điểm vùng đất Cát Hải chưa xuất hiện cây đậu phộng và cây hành, cuộc sống người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, không ai dám nghĩ tới chuyện đóng chiếc ghe chiếc tàu đánh bắt cá để kiếm thêm thu nhập.
Từ khi canh tác cây hành cây đậu, thu nhập của bà con khấm khá hơn, có của ăn của để nên đã phát triển thêm nghề đánh bắt thủy sản.
"Hiện, xã Cát Hải đã 68 chiếc tàu cá đánh bắt xa bờ với tổng công suất 7.223CV, làm các nghề khai thác cá ngừ đại dương, câu mực, khai thác tôm hùm giống, giá trị đánh bắt thủy sản hàng năm trên 55 tỷ đồng", ông Diêu nói.
Nông dân xã Cát Hải thu hoạch hành.
Theo nông Võ Kế Cu (ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải), hàng năm gia đình ông sản xuất 6 sào đậu phộng, 2 sào hành, thu nhập đều đặn trên 120 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 80 triệu đồng/năm.
"Vài năm trở lại đây, bà con trong thôn đã lắp đặt thiết bị tưới phun nước tự động trên ruộng hành, ruộng đậu phộng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước", ông Cu phấn khởi.
Đổi đời nhờ cây hành, đậu phộng
Theo ông Đỗ Hoàng Phong, Phó Chủ tịch xã Cát Hải, hiện vùng đất này chỉ còn 192ha nằm gần hồ nước Tân Thắng là còn canh tác cây lúa bởi gần nguồn nước, cũng là vì đất thịt nên chẳng thể chuyển sang trồng hành và đậu phộng, còn lại hầu hết đã chuyển đổi.
"Hiện, diện tích đất canh tác cây hành hàng năm ở Cát Hải là 440ha và diện tích trồng đậu phộng hàng năm dao động từ 360 - 380ha. Hầu hết những hộ sản xuất hành và đậu phộng ở Cát Hải đều đóng giếng, mạch nước ngầm lại không bao giờ cạn kiệt nên không lo về nước tưới, kể cả mùa hạn.
Nhờ đó năng suất hành khô bình quân cả năm đạt từ 80 - 85 tạ/ha, năng suất đậu phộng (khô) bình quân đạt từ 34 - 36 tạ/ha", ông Phong lý giải.
Hệ thống tưới nước tự động ở xã Cát Hải luôn giúp cây đậu phộng sinh trưởng và cho hiệu quả cao.
Mặc dù, diện tích sản xuất lúa của xã Cát Hải chỉ còn 192ha nhưng sản lượng lương thực hàng năm lại đạt cao hơn trước nhờ sử dụng các loại giống mới cho năng suất cao. Vì vậy, người dân ở đây đã đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ nên luôn yên tâm làm giàu với cây hành, đậu phộng.
Theo đánh giá của ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những diện tích chuyển từ trồng lúa sang trồng cây đậu phộng hiệu quả kinh tế tăng cao gấp 4 lần. Những diện tích từ trồng lúa sang trồng cây hành hiệu quả kinh tế còn tăng cao hơn, gấp 6 - 7 lần.
Nông dân ở xã biển Cát Hải đổi đời nhờ cây hành, đậu phộng.
"Năm 2012, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ về Cát Hải chọn 2 hộ dân ở thôn Vĩnh Hội trồng thí điểm giống đậu phộng mới mang tên LDH09. Đây là giống chịu hạn chịu mặn, có thể "chung sống" với vùng đất cát do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ lai tạo. Chính giống đậu phộng này đã khiến đất nghèo đẻ ra vàng và làm nên sự hưng thịnh cho ngành nông nghiệp xã Cát Hải", ông Lương Văn Khoa nhớ lại.
Thăng Bình
Món ăn chữa táo bón người già Người già bị chứng táo bón phần nhiều do khí huyết bất túc, cơ thể lại hư nhược gây nên. Vì vậy cần dùng phương pháp trị liệu là ích khí, dưỡng huyết, nhuận tràng để chữa trị thì mới có hiệu quả. Ảnh minh họa Để giúp nhuận tràng, trong ăn uống hàng ngày cần ăn nhiều rau quả và ngũ cốc...