“Ở đậu nhà vợ thì đã làm sao!”
Có người cạnh khóe: Lấy vợ giàu, nhà lại con một, tội gì đi làm thuê. Cứ bảo bố vợ đầu tư cho là làm gì chẳng được.
Và theo anh – một người đàn ông ở rể chính hiệu thì: Nhà vợ có tiềm lực để hỗ trợ mình thì không việc gì phải vì sĩ diện hão từ chối rồi đẩy mình và vợ con vào bể khổ… Hãy cùng trò chuyện với anh để hiểu thêm lý do vì sao bị đàm tiếu là “chuột sa chĩnh gạo” là lợi dụng nhà vợ… nhưng anh vẫn vui!
Theo phong tục của người Việt, đôi vợ chồng cưới nhau xong sẽ ở nhà chồng, người ta gọi là gái theo chồng. Anh lấy vợ, rồi “theo vợ” về nhà vợ ở, anh có thấy bất tiện gì không?
Có lẽ bất tiện nhất là những kiểu hỏi như chị.
Có vẻ căng thẳng rồi, tôi xin lỗi! Nhưng nhiệm vụ của tôi là phải hỏi cho ra những vấn đề đang là thắc mắc chung nên nếu tôi có làm anh khó chịu, anh hãy rộng lượng giúp tôi…
Thực ra thì tôi quen với những thắc mắc như chị vừa thắc mắc. Đó hình như là những ý nghĩ đầu tiên của mọi người khi mới tiếp xúc với tôi và biết tôi ở rể.
Ban đầu, đối diện với những câu hỏi khéo, hỏi thẳng, hỏi “đểu”, những cái nhìn hơi lâu hơn bình thường của mọi người, tôi thấy cực kỳ nóng mặt. Ai cũng có những hoàn cảnh, những câu chuyện gia đình riêng.
Mọi câu chuyện gia đình đều không thể quy kết vào một cái “rọ” xấu được. Hình như mọi người đều nghĩ: Cứ ai đi ở rể là bất tài, là sống chui rúc, không có quyền hành gì trong gia đình.
Tôi ở rể vì quê tôi cách quê vợ và nơi tôi làm ăn sinh sống hơn ngàn cây số. Tôi định thuê nhà hai vợ chồng sống khi lấy nhau. Nhưng bố mẹ vợ tôi thừa một ngôi nhà, mà cô ấy lại là con một nên hai cụ nói chúng tôi nên về đó ở để yên tâm làm ăn.
Bố mẹ vợ đã có những lý lẽ thuyết phục tôi mà tôi thấy có lí. Hai cụ khuyên tôi nên bỏ qua cái sĩ diện không cần thiết để về đó sống. Hai cụ còn nói: Khi ra ngoài sống hay ở nhà vợ thì vẫn cần sự giúp đỡ của rất nhiều người trong cuộc sống thường nhật. Ai giúp đỡ mình cũng quý và đều có ý nghĩa trong cuộc sống. Bố mẹ giúp đỡ vợ chồng con trong lúc các con bắt đầu cuộc sống mới thì hãy đón nhận và sau này bố mẹ già, các con hãy đỡ đần bố mẹ.
Video đang HOT
Tôi thấy các cụ nói rất chân thành, làm tôi nể trọng. Tôi coi bố mẹ vợ như bố mẹ mình.
Việc anh về sống ở nhà vợ coi như là một việc tốt, nhưng giả sử mọi người nghĩ anh có ý lợi dụng bố mẹ vợ thì sao?
Nếu tôi lợi dụng bố mẹ vợ tôi thật mà cuộc sống gia đình tôi tốt dần lên thì sao? Dư luận thật ác. Khi gia đình tôi chưa xảy ra cãi vã, mọi người còn sống với nhau hòa thuận thì sao dư luận cứ phải cố nghĩ ra những bi kịch và những câu chuyện trái chiều để áp vào gia đình tôi?
Theo tôi được biết, rất nhiều gia đình tan nát bởi những câu chuyện suy luận từ phía dư luận. Hình như, làm mọi thứ trong một gia đình nào đó rối lên, tồi tệ hơn là sở thích của đám đông.
Tôi rất ngại phải giải thích với số đông, vì điều quan trọng là tôi sống với gia đình mình. Nhưng dẫu sao, thỉnh thoảng, sự soi mói không thiện chí của mọi người cũng làm tôi thấy bực mình.
Trót mang thân phận ở rể nên không ít người đàn ông nhận được những lời cạnh khóe của thiên hạ (ảnh minh họa).
Anh có thể kể vài câu chuyện soi mói của đám đông mà anh gặp phải cho mọi người nghe?
Một lần, tôi và vợ đi đám cưới của một người bạn. Khi gặp gỡ một nhóm bạn không thân, một cậu đã “đá” tôi bằng câu hỏi thăm: Dạo này thấy cậu mỡ màng hơn hồi chưa lấy vợ. Nhất cậu đấy! Được trâu, được nghé lại được cả tổ. Như thế ăn no, ngủ kỹ, lại chẳng mỡ màng.
Hay lúc tôi mới lấy vợ, đến cơ quan, trong câu chuyện trà dư tửu hậu, ai cũng bảo tôi chuột sa chĩnh gạo. Rồi có người cạnh khóe: Lấy vợ giầu, nhà lại con một, tội gì đi làm thuê. Cứ bảo bố vợ đầu tư cho là làm gì chẳng được.
Còn rất nhiều câu chuyện vô lý khác nữa. Có lúc tôi cũng muốn nổi khùng lên, nhưng sau đó phải kiềm chế hết. Nếu tôi cứ phản ứng lại những kiểu đùa như thật đó thì chắc tôi không còn thời gian làm gì, nghĩ gì mất.
Kiềm chế sẽ nén tâm trạng xuống, nhưng không giải quyết được gốc vấn đề. Anh làm thế nào để giải quyết tận gốc vấn đề đó mà không để mình nổ tung lên?
Việc đó phải cảm ơn vợ tôi và bố mẹ vợ.
Khi tôi không vui vì những câu hỏi han động chạm tới thân phận ở rể của mình, vợ tôi nói với tôi: Được trở thành người đặc biệt không vui tẹo nào. Nhưng anh cứ coi như cuộc sống hôn nhân thế nào cũng có sóng gió. Sóng gió ở ngoài thì gia đình hạnh phúc. Sợ nhất là sóng gió từ trong gia đình, sẽ dẫn đến đổ vỡ. Anh hãy giữ gia đình mình, đừng để những cơn sóng dữ tràn vào tổ ấm của em và anh nhé!
Rồi cô ấy tâm sự chuyện này với bố mẹ vợ. Ông cụ dẫn tôi đi uống bia, hai bố con nói chuyện thân tình như hai người bạn. Cụ bảo: Con có đi thuê nhà hay làm cái gì đi nữa thì vẫn bị dèm pha như thường.
Cụ phân tích cho tôi hay: Khi chưa có gia đình, thông thường đàn ông không để ý đến những lời “ chọc ngoáy”. Nhưng khi có gia đình, những lời chọc ngoáy sẽ cộng hưởng cùng những khó khăn thường ngày để len lỏi vào tâm trí người đàn ông. Tốt nhất là nên suy nghĩ như một người đàn ông rộng lượng và dành tâm trí vào những việc cần làm để cuộc sống tốt hơn.
Bạn thử nghĩ xem, tôi được ở rể trong một gia đình như thế thì làm sao tôi có thể chối từ. Đến nỗi, bây giờ ai bảo tôi ở rể như chuột sa chĩnh gạo, tôi thấy vui và thấy thế thật.
Câu chuyện ở rể như anh hay đấy chứ! Nhưng không phải ai đi ở rể cũng may mắn như anh đâu. Vẫn có người bị phụ thuộc…
Nếu tôi nói phụ thuộc hay không còn tùy cách xử lý, cách nghĩ của mọi người thì người ta sẽ bảo tôi huênh hoang vì gặp may.
Có điều, nếu vì điều kiện và hoàn cảnh nào đó mà một anh phải sống ở nhà vợ, các anh cứ thử kiên nhẫn xem thế nào. Tại sao phụ nữ sống ở nhà chồng, chăm lo công việc nhà chồng tốt được mà đàn ông lại không thể làm được điều đó? Theo tôi nó chỉ vì quan niệm và sĩ diện của đàn ông.
Cuộc sống có nhiều hoàn cảnh. Không ai nói trước được điều gì. Nhưng ít nhất, sống ở nhà nào thì cũng cần đối xử tử tế, tôn trọng và thông cảm cho nhau. Nếu không được điều đó, tốt nhất là nên tách riêng.
Ở rể hay ở nhà vẫn có những anh đàn ông đáng khen, hoặc có những anh đáng phê phán.
Tôi cảm ơn anh vì những chia sẻ của một chàng rể đi ở rể rất thú vị! Chúc anh và gia đình mãi hạnh phúc!
Theo afamily
Chiều rể quá hóa rể hư
Gia đình chị Nga, chị Uyên chiều chuộng, quý trọng con rể còn hơn cả con đẻ.
Nhất con rể
Từ khi Nga - con gái lớn - lấy chồng, gia đình bác Liên (Hoàng Mai, Hà Nội) còn quan tâm con rể hơn cả con trai.
Ngày cưới Nga, mọi người cứ tấm tắc khen chàng rể đẹp trai, gặp ai cũng tươi cười, niềm nở. Quả thật, đứng bên cạnh Nga, trông hai người không mấy xứng đôi. Chị thấp bé, người gầy gò, đám cưới tổ chức đúng lúc cái thai đã khá to nên nhìn chị ai cũng thấy rõ sự mệt mỏi hiện trên khuôn mặt.
Nhà chẳng mấy rộng rãi, cậu con trai út lại đang học Đại học, song vì Vinh - chồng Nga là dân ngoại tỉnh nên bố mẹ chị đã nhanh chóng ngăn đôi căn gác xép để anh chị có chỗ ở đàng hoàng.
Cưới xong, anh Vinh vẫn chưa xin được việc, suốt ngày nằm nhà. Thương con gái bụng mang dạ chửa đi làm cả ngày, mẹ chị không nỡ để anh chị ăn riêng. Cứ đến bữa mẹ vợ lại gọi anh Vinh xuống ăn hay khi có gì ngon, mẹ lại mang tận lên phòng cho anh. Nấu nướng, giặt giũ hay mọi việc lặt vặt trong nhà, một mình mẹ lo cả.
Nhiều lần ngồi ăn cơm, mẹ chị cũng nhắc khéo anh chịu khó đi tìm việc kiếm đồng ra đồng vào, nay mai còn lo chuyện sinh con đẻ cái, anh tiếp lời ngay: "Con tìm suốt đấy mẹ ạ. Nhưng đợt này kinh tế khó khăn, hơn nữa con cũng muốn tìm công việc tử tế, ổn định không phải nay làm, mai nghỉ thì thiệt mình lắm". Thấy con rể nói phải nên mẹ vợ cũng không giục giã nhiều, sợ anh sốt ruột.
Ngày con gái sắp sinh, mẹ chị lấy lại căn phòng cho thuê cạnh nhà để hai vợ chồng chị dọn sang ở cho rộng rãi. Bố mẹ chị cũng tính cho luôn hai vợ chồng mảnh đất đó, khi nào có điều kiện anh chị sẽ xây nhà sau. Tính là ở riêng nhưng ăn uống, sinh hoạt, anh chị vẫn sang nhà mẹ.
Thấy ông bà thông gia hết lòng quan tâm, chăm lo cho hai vợ chồng, bố mẹ anh Vinh ở quê luôn tự hào rằng nhà mình có phúc nên "thằng Vinh mới lấy được vợ Hà Nội, nhà vợ tốt bụng lại còn cho cả đất đai đàng hoàng".
Giống như chị Nga, nhà chị Uyên (Hà Đông, Hà Nội) cũng chiều con rể ra mặt.
Số là nhà chị có tới 4 anh chị em nhưng không ai đỗ đại học, anh Sang - chồng chị chưa đầy 30 tuổi đã bảo vệ xong thạc sĩ nên mọi người vô cùng ngưỡng mộ. Có được anh con rể khéo léo, giỏi giang lại hợp cạ, có món gì ngon bố chị lại gọi ngay con rể về làm chén rượu.
Những dịp cuối tuần, lễ tết, bố chị chỉ đợi anhh rể quý về để cả nhà tụ tập, liên hoan. Bất cứ việc lớn, việc bé trong nhà, cả gia đình chị đều tham khảo ý kiến anh Sang bởi cho rằng anh là người học rộng, biết nhiều nên sẽ có quyết định đúng đắn nhất.
Anh Sang vốn tính nhiệt tình, luôn chu đáo với vợ con, không phân biệt bên nội, bên ngoại. Tất cả các ngày giỗ tết, anh luôn thu xếp công việc về với gia đình hai bên đầy đủ. Những ngày ấy, gia đình chị Nga càng được dịp "nở mày nở mặt" với họ hàng, lối xóm.
Được chiều chuộng, chăm lo hết lòng nhưng anh Vinh còn giở giọng cáu gắt với cả mẹ vợ (ảnh minh họa)
Con rể "lên mặt" với cả nhà vợ
Được gia đình nhà vợ lo toan từ bữa ăn đến chuyện chăm con rồi nhà cửa, anh Vinh cứ ung dung ỷ lại mọi việc. Cả ngày, anh chỉ ôm khư khư cái máy tính chơi game. Mẹ chị Nga thấy con rể tối ngày trong phòng lại tưởng anh bận làm việc và tìm kiếm chỗ làm mới nên không dám quấy rầy.
Đặc biệt từ ngày hai vợ chồng chuyển sang căn phòng bên cạnh, anh Vinh càng tự do hơn. Kể cả khi chị Nga sinh con, mọi việc đã có mẹ vợ lo, anh chẳng phải động chân động tay làm gì. Hai năm sau khi cưới vợ, công việc của anh vẫn phập phù không đâu vào đâu. Cứ vài tháng đi làm, anh lại nghỉ việc, thời gian rảnh rỗi ở nhà, anh chỉ chũi mũi vào game.
Vài lần chị Nga góp ý, anh ít chơi hơn chút ít nhưng bởi anh đã "nướng" không biết bao nhiêu tiền vào game nên cứ thua anh lại cay cú muốn gỡ, khi thắng thì anh muốn thắng thêm.
Thời gian đầu, anh chỉ lười làm việc nhà, nhưng sau, khi đang chơi game mà vợ và mẹ vợ nhắc nhở, anh sinh ra cáu gắt. Mình chị Nga đi làm không đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, thành ra suốt mấy năm trời, mẹ chị vừa trở thành người giúp việc không công, lại vừa phải nuôi hai mẹ con chị Nga cùng cậu con rể "quý".
Trường hợp của anh Sang còn tệ hại hơn. Anh nghiễm nhiên được tôn sùng như thành viên vip của gia đình nhà vợ. Mấy đứa em đang học trung cấp, cao đẳng, mỗi lần gặp anh rể đều được kéo xuống ngồi giáo huấn một bài dài. Khổ nỗi các bài giáo huấn lần nào cũng giống lần nào, khi thì "các em phải phấn đấu mà học lên, giờ cả xã hội người ta bằng nọ, cấp kia, cứ lẹt đẹt ở cái trường ấy thì bao giờ mới dám ngẩng mặt lên với đời"; khi lại "phải học rộng, biết nhiều, ra ngoài va vấp xã hội dần đi. Bọn em kém lắm"...
Đến khi gia đình chị Uyên xây lại nhà, bố vợ có tham khảo ý kiến anh về hướng nhà và cách bố trí các phòng, anh được dịp trổ tài phong thủy. Anh Sang khăng khăng cho rằng nếu xây nhà quay ra đường là hướng xấu, hướng chính phải quay sang mặt ao, nhà phải xây đủ 3 tầng, 6 phòng để khi con cái về có chỗ ở đàng hoàng.
Giá như có điều kiện đã đành, đằng này kinh tế gia đình chị Uyên có dư dả là bao, căn nhà cũ sập sệ quá nên bố chị mới quyết định xây lại nhưng chỉ tính xây nhỏ gọn và đơn giản thôi. "Cả dãy phố nhà nào cũng quay mặt ra đường, chẳng lẽ nhà mình "chơi trội" chuyển hướng", nghĩ vậy, bố chị không đồng tình ý kiến anh Sang.
Ông cũng lựa lời nói vì sợ con rể phật ý, nhưng vừa lên tiếng, anh Sang đã dỗi ngay: "Đấy nhé, con đã góp ý mà bố mẹ không theo, sau làm nhà xong mà làm ăn không ra gì thì đừng gọi con".
Theo afamily
Ở rể thì đàn ông nhục, còn vợ sẽ sinh hư Nhiều người đàn ông cứ lấy hoàn cảnh khó khăn của mình ra để ngụy biện cho việc ở rể. Riêng tôi, đàn ông ở rể vừa nhục và sớm muộn gì thì vợ cũng sẽ sinh hư, quen thói dựa dẫm vào bố mẹ. Thân chào bạn Dung - Tác giả bài viết "Nỗi lòng khó nói khi có chồng ở rể"...