Ở đảo tiền tiêu ngày gió mùa
Tôi trở lại Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) sau 12 năm kể từ chuyến ra đảo cuối cùng vào năm 2005. Giữa tiết trời xuân nhưng đảo tiền tiêu đón tôi cùng các đồng nghiệp bằng cơn gió mùa kèm cái rét đến cắt da, cắt thịt. Ở đảo những ngày này mới thấy cái khó, cái khổ của nơi đầu sóng ngọn gió và hơn cả là được chứng kiến cư dân cùng chính quyền nơi đây vượt qua gian khó như thế nào.
Cứ gió mùa về đảo Bạch Long Vĩ là tàu thuyền phải kéo vào sát bờ
Sống chung với gió mùa
Đêm đầu tiên ở đảo, cuộn mình trong tấm chăn bông mà chính tay chị cán bộ nhà khách huyện lồng vào cho chúng tôi lúc chiều, tôi vẫn không sao xua được cái rét bủa vây từ bốn phía. Ngoài kia, gió rít lên từng đợt, gió như muốn nhấc cả khung cửa sổ ra khỏi bức tường căn phòng chúng tôi đang ở. Tôi và cô bạn đồng nghiệp nằm trằn trọc nghe gió rít và cùng thấm cái khổ đầu tiên mà người dân ở đảo phải đối mặt.
Thuyền nan được ngư dân Bạch Long Vĩ đưa hẳn lên bờ khi có gió mùa về để đảm bảo an toàn
6h sáng, tiếng kèn hiệu lệnh phát ra từ phía doanh trại quân đội đóng trên đỉnh đồi thuộc trung tâm huyện Bạch Long Vĩ. Tiếp theo là tiếng loa phóng thanh ngay cột điện gần nơi chúng tôi ở phát đi những bản tin đầu tiên trong ngày. Rồi tiếng xe máy, tiếng người gọi nhau… rộn ràng cả đảo.
Khoác chiếc áo bông đại hàn, quấn khăn chừa mỗi đôi mắt, chúng tôi lên chiếc máy cà tàng của một anh cán bộ huyện cho mượn trước đó, làm một vòng quanh đảo. Dọc đường, trái ngược với vẻ co ro trong áo ấm của chúng tôi, nhiều người dân đảo vẫn áo mỏng đi tập thể dục, thỉnh thoảng vẫn có thanh niên áo thun, quần cộc phóng xe máy vù vù. Lác đác ở con đường trung tâm đảo, đã có vài hàng quán mở cửa.
Ngưng gió mùa là ngư dân lập tức ra khơi
Ông Nguyễn Văn Hùng (56 tuổi), người ra đảo đã ngót 20 năm nay, chia sẻ, những ngày mới ra đảo sợ nhất là gió mùa. Sợ vì có gió mùa tức là ngừng đi biển, gió mùa tới là tốc mái nhà, gió mùa tới là tàu không thể ra đảo nên thiếu gạo, thiếu thực phẩm, thiếu rau xanh…
“Bây giờ tuy đã có thể phần nào tự chủ được lương thực, thực phẩm, nhà cũng bớt lo tốc mái vì đã có nhà mái bằng. Nhưng gió mùa vẫn là nỗi lo lắng bởi không thể ra khơi được. Nhất là với những gia đình sống bằng nghề chài lưới”, ông Hùng nói.
Chị Trần Thị Loan (40 tuổi) vốn là thanh niên xung phong ra đảo rồi lấy chồng và ở lại đảo lập nghiệp, kể, đối mặt với gió mùa mãi rồi thành quen. Dân đảo đã học cách sống chung với gió mùa cũng như mưa bão vậy. “Chằng chống nhà cửa, đưa thuyền lên bờ, dự trữ lương thực thực phẩm… Chúng tôi đã vượt qua gió mùa bằng cách tập sống chung với nó”, chị Loan cười nói.
Quả thật, dạo quanh đảo trong những ngày này, chúng tôi thấy những con tàu đỗ ngay ngắn thành hàng trong âu cảng, nhiều thuyền nhỏ được đưa lên bờ… Và mặc kệ gió mùa đang quần thảo, thịt lợn kèm giò chả vẫn được bày bán, rau xanh không thiếu thứ gì; những hàng ăn phong phú với bún cá, bánh đa cua; những quán cà phê căng sóng wifi… vẫn sẵn sàng phục vụ khách.
Những con người mến khách không thích nói về mình
Khi chúng tôi theo con tàu Biên phòng vượt biển đến với đảo, anh bạn là lãnh đạo huyện ủy ra tận cầu tàu đón và nói vui: đảo chẳng có gì, chỉ có gió mùa, sóng biển và sự mến khách.
Video đang HOT
Đúng là như vậy, vừa đặt chân đến UBND huyện, khi dư âm của trận say sóng còn chưa dứt, chúng tôi lập tức được các chị trong nhà ăn chăm sóc một cách chu đáo và tận tình. Từ hỏi han về sức khỏe cho đến bát cháo nóng hay những cốc nước gừng… Cậu Bí thư đoàn thanh niên tên Oanh còn dúi vào tay tôi chiếc chìa khóa xe máy và nói thầm: “Em chọn cho chị chiếc xe “ngon” nhất đảo để chị đi thăm đảo đó”.
Rồi các chị Chuyên, chị Hương… nhà bếp ngày nào cũng lo cho chúng tôi từng bát cơm dẻo, canh nóng…mà lúc nào cũng áy náy vì chúng tôi ra đảo ngay sau tết, ngư dân còn nghỉ nhiều nên chưa có đồ ăn tươi. Khi tôi gặp gió bị dị ứng không ra khỏi phòng được, các chị thay nhau mang cháo đến tận nơi, chờ tôi ăn hết mới yên tâm ra về.
Ngư dân trên đảo thu lưới sau một đêm thả.
Các anh chị lãnh đạo huyện chu đáo dặn dò chúng tôi từng chút một, từ cách mặc ấm khi ra ngoài gió cho đến buổi tối ra đường phải mang theo đèn pin đề phòng rắn… Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Đỗ Đức Hòa còn đích thân lái xe đưa chúng tôi đi một vòng quanh đảo để tận mắt thấy những gì huyện đảo đã có được và những thiếu thốn đang phải đối mặt.
Mến khách là thế, tận tình là thế nhưng đến khi nói về mình, ai cùng từ chối hoặc chỉ sang người khác. Bác sĩ Nguyễn Đức Quân, phụ trách Trung tâm y tế Quân dân y của huyện đảo cũng vậy. Dù trung tâm giờ đã trở thành địa chỉ tin cậy của cư dân đảo, của ngư dân vì cứu sống biết bao bệnh nhân cận kề cửa tử, thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật khó… nhưng khi trả lời chúng tôi, anh dường như chỉ nói về công sức của tập thể, của các đồng nghiệp khác.
Rồi chị Hân – Chủ tịch Hội Phụ nữ, chị Bích – Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND… rất khó khăn và kiệm lời khi nói về mình. Riêng Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Đỗ Đức Hòa thì thẳng thắn chia sẻ: “Những gì huyện đảo có được ngày hôm nay là nhờ ý tưởng của những người đi trước, chúng tôi chỉ là người kế thừa, phát huy và biến ý tưởng đó thành sự thật khi thời cơ đến mà thôi”.
Gặp những người ăn Tết muộn
Chúng tôi rời đảo sớm hơn dự kiến 2 ngày bởi theo một cán bộ huyện, nếu không về sớm sẽ có một đợt gió mùa mới ập tới và không biết ngày nào mới có thể về lại đất liền. Lúc này gió mùa đã ngớt, trời hửng nắng, lác đác đã có các con thuyền ra thả lưới trong khu vực âu tàu. Thỉnh thoảng lại thấy một vài người dân đi thu lưới được thả từ đêm trước về. Và trên chuyến tàu về đất liền hôm ấy, chúng tôi may mắn được gặp các anh, các chị, những cán bộ lãnh đạo huyện đã ở lại cùng dân đảo đón Tết, bây giờ mới được về đất liền ăn Tết muộn cùng với gia đình.
Một lãnh đạo huyện chia sẻ, Tết năm nào cũng vậy, các anh chị sẽ phân công nhau một nửa về đất liền ăn Tết, một nửa ở lại bám đảo, ăn Tết cùng người dân. Khi những người ở đất liền quay ra thì những người trực Tết mới được về.
Chuyến về hôm ấy dù sóng khá to nhưng chúng tôi dường như quên cả say sóng khi được nghe anh Toản, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện hát từ quan họ đến chèo rồi cả chầu văn… Rồi một bữa tiệc nhỏ được bày biện ngay trên sàn tàu với cháo gà và bánh kẹo…
Bạch Long Vĩ đang thay da, đổi thịt từng ngày
Anh Đoan – Viện phó VKS huyện, anh Toản… hồ hởi gọi về báo với gia đình đang trên tàu trở về nhà ăn Tết. Chị Hương băn khoăn khi tàu về đất liền vào chiều muộn, không biết kịp bắt xe về Hòa Bình với con cháu? Chị Bích yên tâm vì đã có ông xã hứa ra tận cầu tàu đón… Những câu chuyện, cuộc gọi rôm rả và hào hứng cho một cái Tết muộn bên gia đình.
17h, tàu cập Cảng Đông Hải, Hải Phòng, chúng tôi bịn rịn chia tay các anh chị ngay cầu tàu. Vẫn biết là vì nhiệm vụ, vì lý tưởng… nhưng nếu không có tình yêu đảo, chắc chắn các anh, các chị không thể bám trụ lại đảo lâu như thế. Chỉ với 6 ngày ở đảo, sống giữa tâm gió mùa, chúng tôi đã thấm những gì người dân cùng chính quyền huyện đảo Bạch Long Vĩ đang phải trải qua. Và chắc chắn chúng tôi sẽ quay trở lại nơi đây vào một ngày không xa, để chứng kiến một Bạch Long Vĩ ngày càng thay da, đổi thịt.
Hải Sâm
Theo Dantri
Chuyện những nữ thanh niên xung phong đầu tiên đặt chân lên đảo tiền tiêu
Gần 25 năm đã trôi qua, các nữ thanh niên xung phong ngày ấy giờ có người đã trở về đất liền, có người đang nắm giữ vị trí trọng trách tại huyện đảo... nhưng tất cả đều vẫn nhớ như in ngày đầu đến với đảo. Họ chính là những người đặt những viên gạch đầu tiên xây nên những ngôi nhà, đón cư dân đến với đảo.
Chuyến tàu không bao giờ quên
Chị Bích, nữ thanh niên xung phong ra đảo 25 năm trước đã lập nghiệp tại đảo, hiện là Phó bí thư, Chủ tịch HĐND huyện
Ngày ấy, vào một ngày đầu năm 1993, 32 thanh niên xung phong cả nam và nữ đã mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự háo hức khám phá vùng đất mới, xuống con tàu "há mồm" (tàu vận tải của Hải Quân) để đến với Bạch Long Vĩ - hòn đảo tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió của đất nước.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc nhỏ ngay tại trụ sở UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ, chị Nguyễn Thị Bích (SN1970, một trong 32 thanh niên xung phong đầu tiên ra đảo ngày ấy, hiện đang là Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện đảo) bồi hồi nhớ lại, ngày 26/2/1993, chị cùng 31 đội viên Thanh niên xung phong khác bước chân xuống con tàu của Hải quân vùng 1 để đến với Bạch Long Vĩ. Trời mưa phùn nặng hạt, cả người tiễn và người đi đều bịn rịn.
"Hôm đó sóng to lắm, ai cũng say. Nhưng may các anh chị trong Tổng đội thanh niên xung phong tổ chức văn nghệ nên anh chị em cũng quên cả say sóng, chị Bích kể.
Còn theo chia sẻ của chị Lê Thị Hân (SN1963), hiện là Chủ tịch Hội phụ nữ huyện, một cây văn nghệ, một Phó Bí thư chi đoàn và là người đi cùng chuyến tàu ra đảo với chị Bích ngày ấy, vẫn biết là xung phong ra nơi đầu sóng ngọn gió vì nhiệt huyết của chính bản thân mình, vẫn biết tuổi trẻ là cống hiến nhưng khi con tàu chuẩn bị nhổ neo rời Cảng K 320 (Hải quân vùng 1) chẳng ai bảo tất cả đều khóc như mưa, như gió.
"Có cô bạn cùng đi lúc đầu rất cứng rắn, tay ôm bó hoa được tặng cười rất tươi nhưng khi tàu vừa rời cảng thì chính cô ấy lại khóc to nhất. Một điều cũng làm chúng tôi nhớ mãi không quên là hành trang mang ra đảo ngày ấy chẳng có gì ngoài đồ dùng cá nhân cùng hơn chục con lợn giống và dây lang làm thức ăn cho chúng", chị Hân nhớ lại.
Chị Lê Thị Hân, nữ thanh niên xung phong ngày ấy kể lại những ngày khó khăn khi mới ra đảo
Khó khăn, thiếu thốn trăm bề
23 tuổi, cô sinh viên vừa tốt nghiệp trường Trung cấp y tế Hải Phòng Nguyễn Thị Bích đã bỏ lại sau lưng thành phố nhộn nhịp, đông vui, nơi có hàng trăm cơ hội tìm được những công việc tốt để đến với Bạch Long Vĩ theo lời kêu gọi của Đoàn.
Chị Bích kể, khi đặt chân lên đảo mới thấy nơi đây quá xa, quá hoang sơ so với tưởng tượng của chị. Xung quanh đảo chỉ thấy toàn xương rồng và cát, cả đảo chỉ có bộ đội và các đội viên Thanh niên xung phong. Những ngày đầu, chị cùng các đội viên khác nhớ nhà cồn cào, da diết, nhớ đến phát khóc.
Sinh hoạt ở đây thì thiếu thốn trăm bề, rau xanh không trồng nổi vì toàn đất cát nên phải chờ rau từ đất liền mang ra, thực phẩm cũng vậy. Nước ngọt ở đây cũng khan hiếm, các chị phải chia nhau trèo xuống giếng sâu, múc từng gầu nước lên, đổ vào chậu, chờ cặn lắng xuống mới chắt lấy nước trong để dùng...
Đường sá trên đảo giờ đã được bê tông hóa hoàn toàn
Cũng theo chị Bích, sinh hoạt đã gặp khó khăn như vậy nhưng bắt tay vào công việc mới càng thấy khó khăn hơn. Các chị chủ yếu là sinh viên hoặc chưa từng làm công việc nặng nhưng ra đảo phải gánh cát, gánh gạch...
"Cứ chân trần chạy trên cát nóng, trong khi phải gánh nặng trĩu vai... Nhiều lúc nản muốn bỏ đảo mà về nhưng rồi công việc với mục tiêu gấp rút hoàn thành nhà ở cho các cư dân của đảo cùng với trách nhiệm của một đoàn viên đã cuốn chúng tôi ra khỏi nỗi nhớ nhà, khỏi sự chán nản...Và phải hơn 8 tháng sau tôi mới về thăm nhà nhưng ở nhà chưa hết phép đã lại vội vã đi vì nhớ... đảo", chị Bích chia sẻ.
Còn với chị Hân hay chị Xâm, Chị Yến... thì những khó khăn trên đảo chẳng thể nhớ hết được. Chị Hân kể, ngay đêm đầu tiên ra đảo năm ấy, chị và một số đội viên khác đã bị lạc đường sau khi lên giao lưu với bộ đội thuộc Trung đoàn E 952. Nhìn xung quang toàn cây dại, phi lao và cát giống y như nhau, phải đến hơn nửa giờ đồng hồ sau các chị mới tìm được lối mòn để về nơi ở.
Trụ sở các cơ quan trên đảo được xây dựng khang trang
Cũng theo chị Hân, khó khăn còn đến từ việc đi lại giữa đảo và đất liền. Hàng tháng mới có một chuyến tàu nhưng nếu gặp gió mùa thì dù đã thấy đảo từ xa rồi, tàu cũng đành chịu, phải tìm chỗ neo đậu chờ sóng êm lại. Thậm chí có chuyến các chị phải ở trên tàu tới 53 giờ liền, sau đó phía trong đảo phải dùng xuồng máy tăng-bo mới vào được bờ.
"Còn ăn uống thì khỏi phải nói, trường kỳ là cá duội khô, cà muối mặn chát. Rau xanh khi ấy chả khác gì đặc sản bây giờ bởi không trồng được rau trên đảo mà phải chờ mang từ đất liền ra. Nhưng chẳng may tàu gặp gió mùa phải tránh trú thì rau úa vàng chỉ còn trơ cọng" chị Hân nói.
"Nếu được lựa chọn lại..."
Chị Hân nêu giả thiết với chúng tôi trong cuộc gặp gỡ tại đảo lúc sáng 9/2. Chị bảo: "Mặc dù tôi cũng có những điều chưa may mắn trong cuộc sống nhưng hơn cả là tôi đã đến đây, đã sống hết mình vì nơi này và thấy hạnh phúc khi đảo đã thay da, đổi thịt, từng ngày".
Quả là vậy, để quên đi khó khăn cực nhọc, các nữ thanh niên xung phong ngày ấy ban ngày làm việc hết mình nhưng đến tối về lại tự mang lại niềm vui cho chính mình bằng cách tổ chức văn nghệ, giao lưu cùng bộ đội...Chị Hân hồ hởi "khoe" với chúng tôi, ngày ấy các chị đầu tư cho hoạt động văn hóa văn nghệ rất công phu. Chẳng thế mà năm đầu khi ra đảo các chị chỉ giành được giải khuyến khích trong hội diễn nghệ thuật quần chúng của vùng nhưng năm sau các chị đã phấn đấu đoạt gải nhất. Thậm chí sau này, khi ở cương vị lãnh đạo, chị Hân vẫn tiếp tục đạo diễn cho các bạn trẻ của đoàn thanh niên đi thi văn nghệ và lần nào cũng đoạt giải.
Cũng như chị Hân, chị Bích đã coi đảo là quê hương thứ 2, quyết định gắn bó với nơi này khi lấy chồng, sinh con và dựng nhà ở đây. Chị Bích kể, năm 1995, qua vài lần giao lưu chị đã quen chồng chị, khi ấy là thiếu úy đóng quân tại E 952. Sau đó tình yêu giữa chàng thiếu úy với cô nữ thanh viên xung phong nảy nở. Thế nhưng phải 3 năm sau, năm 1998 anh chị mới quyết định về chung một nhà. Những ngày đầu hai vợ chồng được Trung đoàn cho mượn một căn phòng nhỏ để ở. Năm 2.000 anh chị được cấp đất và tích cóp xây được một căn nhà nho nhỏ làm tổ ấm cho riêng mình.
"Để xây được nhà cũng kỳ công lắm, vợ chồng tôi phải mua dần vật liệu trong đất liền gửi tàu mang về. Khi vật liệu đủ, anh em trong đơn vị xúm vào xây giúp. Thậm chí có chuyến, tàu bị trôi dạt trên biển, các anh trên tàu còn phải lấy những bó dóc tôi gửi mua mang ra làm hàng rào quanh nhà để đốt làm tín hiệu cấp cứu", chị Bích kể.
Đời sống tâm linh của người dân trên đảo cũng được chú trọng
Chia tay với các chị ngay sân UBND huyện, trong tiết trời giá rét với gió mùa đang ào ào thổi, chúng tôi mới thấy, phải thật yêu nơi này, các chị mới vượt qua mọi khó khăn khi đến và ở lại để chung tay, dốc sức cho công cuộc xây dựng đảo. Nói như Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Đỗ Đức Hòa, "các chị, những đội viên Thanh niên xung phong đầu tiên ngày ấy đã cùng với các thế hệ lãnh đạo đi trước biến nơi đây từ hoang vu thành một hòn đảo ngày càng phát triển. Đảo ngày nay tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã có điện, có âu cảng, trường học, bệnh viện, hệ thống đường được bê tông hóa hoàn toàn...Và đất lành chim đậu, ngày càng nhiều người dân đến và xin lập nghiệp tại đây".
Hải Sâm
Theo Dantri
Đưa thêm 10 hộ dân ra đảo tiền tiêu Cồn Cỏ Tỉnh Quảng Trị phỏng vấn lựa chọn 10 hộ gia đình trú tại các huyện ven biển, có độ tuổi dưới 40 ra định cư tại đảo tiền tiêu Cồn Cỏ. Tỉnh Quảng Trị dự kiến đưa thêm 10 hộ dân ra đảo Cồn Cỏ sinh sống. Ảnh: Hoàng Táo Chiều 14/11, Văn phòng UBND Quảng Trị cho hay tỉnh vừa phê duyệt...