Ở bên con, chắc gì đã chơi với con?
Chơi với mẹ có lẽ là điều hai con tôi khát khao nhất và hai bé tranh thủ mọi lúc mọi nơi. Một lần, khi tôi đang ngồi xem ti vi thì hai bé nhắc: “Mẹ ơi, mẹ đi tắm và thay đầm ngủ đẹp đi”
Lâu nay, trong khi bạn bè tôi rên rỉ “suốt ngày đi làm không có thời gian chơi với con”, hoặc ghiền điện thoại nên không chơi với con – thì tôi tự hào vì tất cả thời gian rảnh, tôi luôn ở bên con.
Tôi làm công việc tự do nên sáng thong thả đưa hai con đi học, chiều đón con về. Trên đường đi – về của mẹ con tôi luôn đầy tiếng cười. Chúng tôi chơi trò đố vui, tìm tiếng có vần mẹ con thích… Và những sự kiện trọng đại của con như ngày đầu tiên đi nhà trẻ, khai trường, bế giảng… tôi đều tham gia trọn vẹn với con – trong khi những bà mẹ khác vắng mặt, hoặc đến nhưng xin về sớm để đi làm. Những khi đó, hai con tôi rất vui, nắm tay tôi chạy chơi khắp sân trường.
Hay hai bé chơi cùng với bạn, vài phút chạy lại khoe “mẹ ơi, Gạo – Nếp chơi vui lắm”, rồi lại chạy vụt đi, để lại sau lưng tiếng cười giòn tan. Tôi luôn dặn lòng: không có điều gì quý giá hơn là ở bên con. Do vậy, tôi từ chối công việc phải đến công sở với mức lương khá hấp dẫn để làm việc tự do, có thời gian bên hai cô con gái nhỏ đang rất cần mẹ.
Vậy mà mới đây, vào tối Chủ nhật – cũng như bao lần tôi luôn ở nhà trọn một ngày với con – một cô bé thỏ thẻ nhấn rõ từng chữ: “Mẹ ơi, giờ mẹ tắt máy tính, đi tắm rồi hãy trở ra làm việc nghen mẹ”. Lời của con khiến tôi chột dạ, “tại sao con muốn mẹ đi tắm?”. “Mẹ làm cả ngày mệt rồi”. Đúng là tôi ở nhà cả ngày với hai con nhưng tôi phải dán mắt vào máy tính từ sáng cho đến tận lúc hai con kêu là đã 21g. Hai con vẫn luôn ở xung quanh nên lâu nay tôi vẫn nghĩ mình đã dành trọn thời gian cho con. Và lời của con hàm ý rõ là tôi đã dành thời gian quá nhiều cho công việc và điều đó vừa khiến con không được chơi với mẹ, vừa khiến con lo lắng cho sức khỏe của mẹ.
Chơi với mẹ có lẽ là điều hai con tôi khát khao nhất và hai bé tranh thủ mọi lúc mọi nơi. Một lần, khi tôi đang ngồi xem ti vi thì hai bé nhắc: “Mẹ ơi, mẹ đi tắm và thay đầm ngủ đẹp đi”. Tôi thắc mắc, hai bé liền giải thích, mẹ thay đầm ngủ thì mẹ phải đi ngủ, không làm việc nữa và mẹ lên giường rồi thì sẽ kể chuyện cho tụi con nghe. Giờ tôi đã hiểu mong muốn của hai con luôn là: mẹ chơi với các con nhiều hơn.
Một số bạn bè của tôi đang ở nhà chăm con với quan niệm “tuổi thơ con trôi qua mau lắm, sau này muốn quay lại cũng không được”. Các bạn dùng mỹ từ “hy sinh” để ở nhà chăm con, “chơi với con cho đã”. Nhưng thật ra, dù bạn tôi ở nhà cả ngày thì cũng như tôi – thời gian chơi với con tính ra chưa đầy một giờ/ngày. Bởi bạn tôi người bán hàng online, người nhận làm sổ sách ở nhà… và còn thêm chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, xếp quần áo, ủi đồ… đã ngốn hết thời gian. Chưa kể, hầu như chị em nào cũng có “bệnh” nghiện điện thoại, Facebook, mua sắm online… Thậm chí, nhiều gia đình khẳng định: “Cuối tuần nào tôi cũng dẫn con ra ngoài chơi, đi cà phê thư giãn”.
Nhưng cũng đã nhiều lần tôi chứng kiến: gia đình bạn bốn người vào quán cà phê, ba đọc báo, mẹ lướt “phây”, hai con được giao cái điện thoại thỏa thích xem hoạt hình, chơi game. Hay có gia đình rất có ý thức giáo dục con, cuối tuần đưa con đến những nơi có mô hình quán cà phê kèm dạy kỹ năng làm bánh, trồng trọt cho trẻ. Thế nhưng, khi vào đây, các con được giao cho nhân viên hướng dẫn, phụ huynh theo chụp vài tấm hình để đăng “phây” chứ ít ai cổ vũ, theo dõi, đồng hành với con từ lúc chương trình bắt đầu đến khi kết thúc.
Bởi vậy, việc dẹp hết công việc, điện thoại chỉ để dành một giờ chơi với con – mới nghe tưởng là việc dễ dàng, nhưng mấy ai làm được khi chơi với con thật sự – chứ không phải dành nhiều thời gian ở bên con như tôi.
Song Khánh
Theo phunuonline.com.vn
Gió bay về trời
Người đi cùng bạn năm 17 tuổi bây giờ ra sao?
Còn tôi, cậu ấy đã hóa thành cơn gió, bay về trời.
Lần đầu tôi gặp Phong khi cậu ấy đâm sầm vào tôi trong sân trường.
- Đi gì mà như gió thế - Tôi dẩu mỏ, nhìn cậu ấy đầy đanh đá.
- Thì tớ là gió mà, cậu không sao chứ. Xin lỗi nhé.
Cậu ấy cười cười rồi chạy biến đi như cách cậu ấy xuất hiện. Nhanh một cách chớp nhoáng. Nhưng tôi vẫn kịp nhớ được nụ cười của cậu ấy. Tôi không thấy đau, chỉ đứng giữa sân trường cười một cách ngốc nghếch.
Sau đó thì tôi biết được cậu ấy là bạn mới chuyển trường vào lớp tôi. Và may rủi thế nào cậu ấy lại cùng bàn với tôi. Tôi quen thân với Phong từ đấy. Chúng tôi chơi cùng nhau, học cùng nhau, về cùng nhau. Tên cậu ấy là Vũ Phong - một cơn gió lớn. Vì thế tôi vẫn hay gọi cậu là Gió như một cách gọi đặc biệt dành cho một người đặc biệt.
Năm ấy, chúng tôi 17 tuổi.
Phong là một người bạn tuyệt vời. Cậu ấy ít nói, tuy nhiên luôn hiểu tôi nghĩ gì. Phong quan tâm, lo lắng khi tôi bệnh, vui với tôi khi tôi đạt điểm cao. Cậu ấy bảo vệ tôi khi bị chúng bạn bắt nạt, không ngại cùng tôi trốn học khi tôi chán chường. Đôi khi cậu ấy cũng biến thành bà lão lắm lời càu nhàu vì tôi mắc lỗi. Nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ cậu ấy lớn tiếng hay giận dỗi tôi. Với tôi, Phong là tri kỉ, là người bạn tuyệt nhất mà tôi có được. Và vì quá thân thiết nên tụi bạn trong lớp hay gán ghép, chúng tôi chỉ cười trừ mà bỏ ngoài tai tất cả.
Có lần Phong chở tôi tới một nơi mà theo lời cậu ấy đây là căn cứ bí mật, cũng là nơi trú ngụ của Phong khi cậu ấy buồn. Đó là một cánh đồng hoang, đẹp và buồn.
Xung quanh toàn cỏ lau, thi thoảng có mấy bông hoa dại nhưng tôi thích vẻ hoang sơ và yên bình nơi đây. Phong chạy biến đi, một lát sau cậu ấy quay lại với con diều trên tay.
- Muốn thử không? - Phong hất hàm hỏi tôi.
Tôi gật đầu một cách nhanh chóng. Cậu ấy đưa diều cho tôi. Buổi chiều lộng gió, nhưng tôi không sao điều khiển được cánh diều. Phong đứng ngay sau tôi, cầm dây diều cùng với tôi để hướng dẫn. Hơi thở cậu ấy phả nóng rát sau gáy, tim tôi lỗi một nhịp.
Video đang HOT
- Cậu biết không, mỗi khi tớ buồn hay muốn ước điều gì tớ đều chạy tới đây và thả một cánh diều bay. Bà nội nói diều sẽ mang nỗi buồn đi và biến ước muốn trở thành hiện thực.
- Tớ cũng muốn ước.
Tôi thả tay khỏi sợi dây, cánh diều no gió, chao nghiêng trên bầu trời xanh thẳm rồi bay mất. Chúng tôi nhìn nhau cười, tiếng cười giòn tan hòa lẫn vào gió, bay đi.
Ngày hôm ấy tôi đã ước chúng tôi sẽ mãi vui vẻ bên nhau như thế này. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận ra, tình cảm của tôi với Phong không đơn thuần là tình bạn nữa. Phải, tôi thích cậu ấy, thực sự rất thích. Tình cảm năm 17 tuổi trong sáng và đơn thuần. Giống như cơn mưa mùa hạ, tưới mát tâm hồn tôi.
Chúng tôi vẫn bên nhau trong những năm tháng cấp ba. Rồi những bài kiểm tra, những kỳ thi quan trọng cuốn chúng tôi đi. Chúng tôi không còn tới cánh đồng hoang nhiều như trước nữa, thay vào đó là những buổi học trên trường, trên thư viện. Một năm quay cuồng, tôi và Phong cùng dắt tay nhau vào cánh cổng Đại học mình ao ước.
Lên đại học chúng tôi có nhiều thời gian rảnh hơn. Chúng tôi không học cùng trường nhưng thi thoảng tôi lại lén theo Phong lên giảng đường để nghe mấy môn học khô khan của cậu ấy. Tôi như cái đuôi, bám dính lấy cậu ấy khiến bạn trong lớp Phong còn tưởng chúng tôi là người yêu. Mấy lần tôi định giải thích, Phong nói với tôi kệ đi. Tôi hỏi Phong không sợ tin đồn làm cậu ấy không có bạn gái hay sao. Phong chỉ trả lời đỡ phiền. Tôi không hỏi cậu tại sao, chỉ khoái chí cười. Vì Phong vẫn là bạn thân của mình tôi. Thực lòng tôi không muốn chia sẻ cậu ấy với ai cả. Tôi ích kỷ, chỉ muốn Phong quan tâm mình tôi thôi. Đã nhiều lần tôi nghĩ tới ngày Phong có người yêu, tự dưng thấy nhói đau nơi ngực trái. Tôi hiểu, tình cảm của tôi với Phong thực sự đã lớn nhiều rồi.
Một lần chúng tôi đi chơi và thấy có một đôi đang cầu hôn nhau trên phố. Tôi thốt lên đầy ngưỡng mộ. Phong quay ra hỏi tôi:
- Nếu là cậu, sau này cậu sẽ muốn người mình yêu cầu hôn như thế nào?
- Tớ muốn được cầu hôn trên bãi biển, chỉ thế thôi.
Tôi vẫn đang mường tượng ra cảnh mình được cầu hôn thì thoảng nghe từ "được". Tôi giật mình, nhìn Phong. Mặt cậu ấy thoáng đỏ, hơi bối rối rồi kéo tôi đi thật nhanh khỏi đám đông.
Tôi suy nghĩ nhiều về vẻ mặt của Phong ngày hôm ấy, rằng có lẽ cậu ấy cũng thích tôi, rằng cậu ấy cũng chưa có bạn gái, tôi nên tỏ bày tình cảm của mình. Đắn đo, suy nghĩ, hạ quyết tâm rồi lại nhụt chí. Vì tôi sợ chỉ là tôi ảo tưởng vị trí của mình trong lòng Phong, sợ cậu ấy không thích tôi mà nói ra thì mất luôn cả tình bạn này. Tôi không dám đánh cược, vì Phong là người quan trọng nhất với tôi, tôi sợ mất cậu ấy. Thực sự rất sợ.
Bốn năm đại học trôi qua trong chớp mắt, chẳng mấy mà tôi và Phong đã tốt nghiệp đi làm. Công việc của cậu ấy rất bận, có khi tôi ghé qua nhà Phong ngồi chơi rất lâu vẫn chưa thấy cậu ấy về. Bác gái nói dạo gần đây Phong đang có một dự án quan trọng, ăn uống, nghỉ ngơi không đúng giấc, lại hay phải đi tiếp khách, uống bia nhiều nên căn bệnh đau dạ dày của cậu ấy càng tồi tệ hơn.
Cậu ấy bận đến nỗi mấy tháng liền chúng tôi không gặp nhau, có khi tôi gọi điện cậu ấy cũng chỉ nói được vài câu rồi vội cúp máy.
Và đến khi tôi gặp lại Phong là ở trong bệnh viện. Dạ dày của cậu ấy thực sự đã không ổn rồi.
Tôi không hiểu sao cậu ấy có thể chịu đựng những cơn đau dai dẳng trong suốt mấy tháng như vậy. Da Phong xanh xao, hốc mắt thì trũng sâu vào. Nhìn cậu ấy tôi thực sự đau lòng.
Một sáng, bác sĩ nói với gia đình trong kết quả sinh thiết của Phong có tế bào lạ. Nói là tế bào lạ, nhưng ai cũng hiểu đấy là tế bào ung thư. Tai tôi ù đi, người run lẩy bẩy. Chưa bao giờ tôi sợ hãi đến như vậy. Phong của tôi, cậu ấy chỉ bị đau dạ dày thôi, tại sao lại như thế này. Mọi chuyện diễn biến quá nhanh khiến tôi không kịp thích nghi. Đầu óc trống rỗng, tôi ra khỏi phòng bác sĩ, cứ thế leo lên lại leo xuống 20 tầng tòa nhà bệnh viện một cách vô định. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy bất lực như vậy.
Cả nhà Phong và tôi đắn đo suy nghĩ rất lâu, không biết phải nói với cậu ấy như thế nào. Vì ai cũng sợ cậu ấy sụp đổ, mà trong lúc này, tinh thần người bệnh lại rất quan trọng. Cuối cùng mọi người cũng nói cho Phong biết cậu ấy có tế bào lạ trong dạ dày, cần phải chuyển viện chuyên khoa để kiểm tra xem tình trạng bệnh như thế nào. Phong không nói gì, chỉ cười nhẹ động viên mọi người đừng lo, sẽ không sao đâu. Nhưng tôi đã thấy trong ánh mắt của cậu ấy là một sự hoang mang, hụt hẫng và tuyệt vọng. Chỉ thoáng qua thôi, vì cậu ấy còn cố tỏ ra mình thực sự ổn. Tôi nhìn Phong, xót xa. Cố gắng ngăn mình không chạy lại ôm cậu ấy và bật khóc.
Phong được chuyển lên viện K ngay ngày hôm sau, cậu ấy phải làm đủ thứ xét nghiệm rồi họ thông báo với chúng tôi trước tiên Phong phải phẫu thuật cắt bỏ phần dạ dày chứa tế bào lạ ấy. Sau khi phẫu thuật mới biết tình hình cụ thể thế nào và phương hướng, phác đồ điều trị ra sao.Tôi xin nghỉ phép để lên với Phong, lúc này Phong cần gia đình và bạn bè hơn bao giờ hết.
Bệnh viện quá đông nên chúng tôi phải ở ngoại trú để chờ phẫu thuật. Đêm trước ngày mổ, cậu ấy không ngủ được. Cậu ấy cứ cố tỏ ra bình thường, nhưng làm sao có thể bình tĩnh được khi án tử đang treo trên đầu như thế. Đêm ấy, tôi cũng mất ngủ theo Phong.
Ngày hôm sau ai cũng thấp thỏm lo lắng. Phong cười cười, nhẹ nhàng đi theo chị y tá vào khu phẫu thuật. Dáng người cậu ấy thọt lỏm trong bộ quần áo rộng thùng thình, thì ra Phong của tôi đã hao gầy đến vậy. Tôi nhìn theo bóng Phong, chợt tôi chạy tới níu tay cậu ấy lại.
- Phong, tớ chưa từng nói là tớ thích cậu đúng không. Ngay từ năm 17 tuổi tớ đã thích cậu rồi, và bây giờ vẫn thế. Cậu không phải trả lời tớ ngay đâu, cứ yên tâm phẫu thuật, tớ chờ cậu bình an trở về rồi trả lời tớ sau cũng được.
Tôi nói một tràng, khóe mắt đã ươn ướt. Tôi gật đầu lia lịa như để chứng minh lời nói của mình là thật. Tôi đã lo sợ rằng bệnh cậu ấy nặng, sợ rằng không kịp nói những lời từ đáy lòng mình cho cậu ấy. Tôi thực sự sợ mất đi Phong.
Phong hơi ngạc nhiên, cậu ấy xoa xoa tóc tôi và nói: "Đồ ngốc". Sau đó cậu ấy đi nhanh vào khu phẫu thuật. Tôi chỉ có thể đứng nhìn bóng Phong mờ dần rồi khuất hẳn sau cánh cửa.
Bác sĩ nói ca phẫu thuật này có thể kéo dài 6 tiếng. Đó là quãng thời gian dài nhất trong cuộc đời tôi. Tôi không biết Phong trong đó thế nào. Rồi sau ca phẫu thuật này, kết quả chờ đón chúng tôi là gì. Tôi không dám nghĩ, chỉ thầm cầu nguyện cậu ấy sẽ không sao, nhất định Phong sẽ khỏe lại.
Gần ba tiếng sau Phong được đưa về phòng, ca mổ kết thúc sớm hơn dự định. Cậu ấy đã được hồi sức sau mổ và tỉnh táo. Tuy nhiên thuốc gây mê hết tác dụng, vết mổ sâu khiến cậu ấy đau đớn và không nói năng gì. Tôi biết, Phong đã rất mệt rồi.
Bác sĩ nói với mọi người rằng ca phẫu thuật thành công, phần dạ dày có tế bào lạ ấy đã được cắt đi, cậu ấy không còn tế bào gây hại nào trong người nữa. Bây giờ chỉ cần uống thuốc và nghỉ ngơi theo chỉ định của bác sĩ là sẽ ổn. Tôi thở phào, đó là tin tốt lành nhất trong mấy ngày qua tôi được nghe.
Phong dần khỏe, một tuần sau cậu ấy được xuất viện. Tôi ghé nhà Phong thường xuyên hơn, chăm sóc và nói chuyện với cậu ấy. Do ăn uống ít nên Phong vẫn phải truyền dịch, ngày nào cũng mấy chai truyền khiến cánh tay của cậu ấy chi chít những vết kim chọc. Chúng đâm vào mắt tôi, nhức nhối.
Một hôm Phong nói với tôi muốn đến cánh đồng hoang của hai đứa. Vì cậu ấy chưa khỏe hẳn nên tôi không đồng ý. Phong buồn buồn, không nài nỉ thêm.
- Tớ bình an trở về rồi, vậy cậu có muốn biết câu trả lời của tớ không?
Phong bất chợt hỏi tôi như vậy. Tôi đơ mất mấy giây, mãi sau mới hiểu cậu ấy muốn nói gì. Thực ra từ khi cậu ấy phẫu thuật xong, tôi chỉ quan tâm tới sức khỏe của Phong mà quên bẵng đi chuyện tôi tỏ tình với cậu ấy ở bệnh viện. Mặt tôi đỏ bừng lên, Phong nắm tay tôi, nhẹ nhàng:
- Hạ à, tớ cũng thích cậu. Thích nhiều đến nỗi mỗi lần đi thả diều tớ đều ước cậu sẽ hiểu được tình cảm của tớ. Tớ không dám nói ra vì sợ mất đi tình bạn này. Xin lỗi vì đã để cậu chờ lâu như vậy.
Tôi cười nhìn Phong. Hóa ra cảm giác được người mình thương đáp lại tình cảm lại kỳ diệu đến vậy.
Mỗi lần đến thăm Phong chúng tôi đều nói rất nhiều chuyện. Có khi là câu chuyện ngày xưa, khi lại cùng nhau vẽ tương lai. Phong nói với tôi, sau khi cậu ấy khỏe hẳn nhất định sẽ cầu hôn tôi. Tương lai của chúng tôi, thật đẹp, thật hạnh phúc.
Phong dạo gần đây hay nôn, cậu ấy nôn hết những gì ăn được, thậm chí không ăn gì cũng nôn. Tôi cực kỳ sốt ruột, ngỏ ý muốn đưa Phong đi khám lại xem vết mổ có sao không. Bác trai nói với tôi bác sĩ dặn đó là triệu chứng bình thường của người sau khi cắt dạ dày, không có gì phải lo lắng. Tôi đã cố tin lời bác ấy, tuy nhiên tình trạng mỗi lúc một tồi tệ. Phong nôn nhiều đến nỗi cậu ấy không thể ngủ được. Tôi mơ hồ cảm nhận được rằng Phong của tôi thực sự không ổn. Cậu ấy gầy đi nhanh chóng.
Cậu ấy vẫn tươi cười khi tôi tới, nhưng vẻ mặt Phong thực sự mệt mỏi. Rồi Phong lại nhập viện khi cậu ấy đau nhiều và bụng căng phồng lên, chân tay tê dại. Đến lúc ấy tôi mới biết rằng thực ra Phong đã bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Cuộc phẫu thuật lần trước thất bại. Khi mổ ra, các khối u đã di căn toàn bộ ổ bụng, bác sĩ không thể can thiệp được. Mổ ra rồi lại khâu vào, dạ dày của cậu ấy hoàn toàn không bị cắt bỏ. Vì thế ca mổ mới nhanh hơn dự kiến.
Tôi đã khóc lóc điên cuồng hỏi bố mẹ Phong tại sao cứ để cậu ấy như vậy mà không điều trị gì sau phẫu thuật. Bố cậu ấy nói với tôi, tình trạng của Phong đã quá muộn rồi, nếu tiến hành xạ trị hay truyền hóa chất chỉ càng khiến cậu ấy đau đớn và ra đi nhanh hơn, vì sức khỏe của Phong không thể đáp ứng được các phương pháp ấy nữa. Sau phẫu thuật bác sĩ nói với gia đình, cậu ấy tối đa chỉ còn khoảng 6 tháng. Và chính bố Phong đã nhờ bác sĩ nói dối chúng tôi và Phong để động viên tinh thần cậu ấy, vì đó là cách duy nhất lúc này.
Lí trí tôi mềm nhũn, không nhớ mình đã rời khỏi bệnh viện bằng cách nào.Và khi tôi trở lại thì cậu ấy đã say ngủ. Nhìn cậu ấy thật bình yên.
Sáng, Phong tỉnh. Cậu ấy hơi bất ngờ khi tôi ở đây. Phong nói xin lỗi vì khiến tôi lo lắng. Cậu ấy bảo rằng đêm qua thực sự ngủ rất ngon, đã lâu lắm rồi mới có giấc ngủ sâu như vậy. Phong nói chuyện với tôi một lát thì lại thiếp đi. Người nhà giường bên cạnh nói với tôi, hầu như ai dùng Morphine lần đầu cũng đều mê mệt như vậy. Cuối cùng thì Phong cũng phải dùng thứ thuốc giảm đau liều cao gây nghiện ấy. Tôi nhìn Phong, như có gì bóp nghẹn lấy trái tim tôi. Đau đớn không thở nổi.
Tầm trưa mẹ Phong vào thay ca cho tôi. Tôi chạy xe một mạch tới cánh đồng hoang của chúng tôi ngày nào, thả một con diều đi với ước muốn cậu ấy khỏe lại. Nước mắt lăn dài trên gò má, tôi hiểu có những thứ chúng ta phải học cách chấp nhận, nhưng sự thật này quá đau lòng. Rằng tôi sắp mất đi Phong, mất đi người tôi thương suốt quãng thanh xuân.
Tôi điên cuồng tìm kiếm mọi thông tin về căn bệnh ung thư, và tôi biết rằng giai đoạn cuối như Phong quả thật vô phương cứu chữa. Nhìn Phong đau đớn và hao gầy trước mắt mình, tôi xót xa. Tôi thương cậu ấy, thương vô cùng.
Phong xuất viện. Không ai nói với cậu ấy tình trạng bệnh của mình. Nhưng có lẽ cậu ấy cũng đoán ra. Cơ thể mình, cậu ấy biết.
Tôi xin nghỉ việc, hàng ngày tới chăm sóc Phong. Tôi muốn quãng thời gian còn lại được bên cậu ấy. Những cơn đau của cậu ấy ngày một dày hơn. Phong chưa bao giờ than vãn nhưng những cái nhíu mày của Phong tôi hiểu. Tôi biết cậu ấy cố chịu đựng vì không muốn mọi người phải lo lắng và tôi đã mong rằng tôi có thể chịu đựng cơn đau ấy thay Phong.
Phong sống nhờ những chai dịch, và rồi dần dần cô y tá điều trị tại nhà không thể lấy ven cho Phong được nữa. Da cậu ấy nhẽo nhoét, người gầy trơ. Ven vỡ liên tục. Không thể truyền, không thể ăn, cơ thể Phong sút nhanh chóng. Cậu ấy mệt, không nói với ai câu nào. Chỉ cười động viên lại mọi người.
Tây y, đông y rồi cả tâm linh, chúng tôi đều thử qua cả nhưng không khả quan. Có lần mẹ Phong dẫn tôi đi tới nhà thầy cúng nổi tiếng trong vùng. Hương khói nghi ngút, tiếng thầy sang sảng khiến tôi hơi rợn người. Nhưng câu mà thầy nói mới khiến tôi như rơi xuống đáy vực. Rằng Phong của tôi sẽ không qua khỏi ngày 19 âm lịch của tháng này.
Vậy là còn năm ngày nữa. Mọi người túc trực bên Phong 24/24. Phong yếu lắm rồi. Chân cậu ấy phù to rồi lại xẹp xuống không thể đi lại hay tự ngồi dậy được nữa. Những cơn nôn cứ tăng lên. Tôi không hiểu cậu ấy không ăn uống gì tại sao lại nôn nhiều như vậy. Mọi người nói có lẽ các khối u vỡ ra, và khi vỡ hết là lúc cậu ấy ra đi.
Tôi biết Phong không thể bên tôi được nữa. Cảm giác đếm từng ngày, từng ngày, ngồi chờ thần chết đến gõ cửa nó cào xé tâm can và bất lực kinh khủng.
Đêm ngày 17, Phong nôn ra máu tươi. Đêm ấy tôi bị ám ảnh và xót xa nhiều nhất. Cậu ấy đau đớn, giãy dụa. Thuốc giảm đau tiêm liên tục nhưng không còn tác dụng nữa. Chưa bao giờ tôi thấy Phong đau đớn thế. Bao lâu nay cậu ấy không một lời than vãn, không một tiếng kêu đau. Nay Phong vật vã như vậy, tôi biết sự chịu đựng của cậu ấy đã tới cực hạn rồi.
Máu, rất nhiều. Cả một đêm liên tục, thẫm đẫm cả gối và tràn đầy tay mọi người.
Máu của cậu ấy nhuộm đỏ kí ức tôi.
Tôi nói với chính mình để cậu ấy đi, không níu giữ nữa. Phong của tôi, đau đớn đủ rồi, chịu đựng đủ rồi, đến lúc cậu ấy phải nghỉ ngơi thôi.
Và ngày hôm sau cậu ấy đi. Vậy là tôi đã để mất Phong vào tay thần chết.
Đau. Thực sự. Tôi nghe thấy tiếng trái tim mình bị nghiền nát như những mảnh thủy tinh. Vỡ vụn.
Tôi đến bên cạnh Phong, đặt lên môi cậu ấy một nụ hôn. Mọi người kéo tôi ra, nhưng tôi cố chấp muốn bên cậu ấy. Bao cố gắng chất dồn bấy lâu trào bung, tôi gào thét rồi ngất lịm đi.
Phong đi, để lại trong tôi một khoảng trống không gì bù đắp nổi. Tôi trở nên lầm lì như một cái bóng. Tôi lao vào công việc mới, cố tìm quên, nhưng cứ rảnh thì mọi hình ảnh về cậu ấy lại ập tới, đâm vào tôi vô vàn nhớ thương. Nỗi nhớ về Phong như mạng nhện bủa vây, bám vít lấy tôi. Càng giãy giụa để thoát ra thì càng dính chặt.
Mệt mỏi, đau đớn và bất lực.
Tôi đã hối hận thật nhiều. Phong là tình đầu, là tri kỷ, là thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi. Vậy mà tôi không nói sớm tình cảm của mình cho cậu ấy biết. Chúng tôi chơi trò cút bắt tình yêu, đi một vòng tròn lớn, để đến khi nhận ra nhau thì đã muộn.
Phong và tôi chưa bao giờ nói lời yêu, chúng tôi chỉ nói thích. Nhưng tôi hiểu, giữa chúng tôi còn nặng hơn cả một tình yêu. Hành trình chúng tôi bước cùng nhau, chỉ trách duyên mỏng chứ chẳng phải tình không sâu.
Và đến khi Phong đi, tôi mới nhận ra rằng, cuộc sống vô thường, chẳng ai đoán trước được điều gì. Nên phải trân trọng người bên cạnh mình, đừng để mất đi mới thấy nuối tiếc.
- Phong, xin lỗi cậu. Xin lỗi thanh xuân của chúng mình.
***
Phong được an táng tại cánh đồng đầy gió của chúng tôi. Tôi biết cậu ấy muốn vậy.
Tôi đến thăm Phong vào một chiều muộn. Hoàng hôn tím sẫm phủ thứ ánh sáng yếu ớt cuối ngày lên hai chúng tôi. Tôi đặt một cánh diều cạnh di ảnh của cậu ấy. Người con trai đi cùng tôi năm 17 tuổi đang mỉm cười với tôi, cậu ấy thật rạng rỡ.
- Chúng mình cùng thả diều nhé.
Lần nào đến thăm Phong tôi cũng nói với cậu ấy như vậy. Phong của tôi, cơn gió của tôi đã bay về trời. Có lẽ đó mới mà nơi tựa đỡ cho cậu ấy. Nơi đó, Phong sẽ không còn phải chịu những cơn đau nữa. Nơi ấy, có lẽ cậu ấy thực sự bình yên.
Cơn gió thoảng qua làm bay bay mái tóc. Tôi nghe đâu đây tiếng sáo diều vọng lại và tiếng cậu ấy vang lên giữa không trung:
- Diều sẽ mang nỗi buồn đi và biến ước muốn trở thành hiện thực.
Xa xa, tôi thấy Phong đang thả diều. Cậu ấy cười giòn tan, vời tay gọi tôi.
Tôi chầm chậm bước về phía cậu ấy.
Mọi thứ ùa về, vẹn nguyên như mới hôm nào.
Vũ
Theo blogradio.vn
Thích cậu ấy như cây đơm hoa nhưng không kết quả Năm tháng thanh xuân, ai cũng bỏ lỡ một điều gì đó. Với tôi, điều mà tôi hối tiếc nhất chính là chưa nói được câu: "Tớ thích cậu rất nhiều". Cậu ấy trong những năm tháng ấy chính là thanh xuân của tôi, là hồi ức đẹp nhất mà tôi muốn lưu giữ mãi. Cậu thích Toán, giỏi Toán và rất thích...