O bế ôsin ngày tết
Không chỉ công nhân, viên chức… mong thưởng tết mà cả ôsin (người giúp việc nhà) cũng nôn nao đón đợi tiền thưởng. Nhưng cũng vì thế mà nhiều gia chủ xất bất xang bang lo chuyện o bế người giúp việc vào dịp tết.
Cô Huỳnh Thị Thâu – giúp việc cho một gia đình tại Q.3, TP.HCM – gói quà tết gửi về quê vì tết này cô không về – Ảnh: Vũ Thủy
Chị Hoàng Lan, một nhân viên văn phòng ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết đã thưởng người giúp việc một tháng lương (2,5 triệu đồng), mua quà tết, vé xe và cho thêm 300.000 đồng tiền lì xì nhưng vẫn lo sau tết cô giúp việc không lên nữa.
“Cố gắng o bế người giúp việc. Chứ nếu họ bỏ việc đầu năm thì mọi công việc đảo lộn, coi như mình chẳng làm được việc gì” – chị Lan nói. Sự lo lắng ấy của chị Lan cũng là lý do chung mà nhiều gia chủ đang bấm bụng o bế, lấy lòng ôsin trong những ngày giáp tết này.
Sức ép vô hình
Chẳng có điều khoản nào bắt buộc gia chủ phải thưởng tết, nhưng thực tế việc thưởng tết cho ôsin giờ đã không còn là chuyện “tình thương mến thương” cho thêm chút tiền mà đã thành luật bất thành văn.
Nhiều gia chủ đang chịu sức ép vô hình từ những người giúp việc trong chuyện thưởng tết, nhất là với những gia đình có con nhỏ, người già hoặc bệnh nhân cần ôsin ở lại trong những ngày tết hay sang năm quay lại làm tiếp.
Suy đi tính lại, cuối cùng chị Thanh Tâm, ngụ Q.Tân Bình, thưởng đến ba tháng lương (6 triệu đồng), mua thêm hai bộ quần áo cùng vé máy bay khứ hồi cho hai cô giúp việc người Hà Tĩnh.
Chị Mai Hương, ngụ ở Q.2, TP.HCM, cho biết lúc đầu có ý định thưởng cô giúp việc 3,5 triệu đồng nhưng khi nghe những người hàng xóm nói sẽ thưởng đến 5 triệu đồng, chị đã phải bàn lại với chồng. Bởi vì: “Cô giúp việc từ dưới quê lên để trông thằng bé 9 tháng nhà tôi tốt tính lắm, tôi không muốn để cô cảm thấy bị thiệt thòi” – chị Hương cho hay.
Cuối cùng, chị quyết định thưởng cô giúp việc 4 triệu đồng, may thêm hai bộ quần áo kèm một giỏ quà, đến ngày 29 tết người giúp việc sẽ theo xe của gia đình chị về An Giang luôn.
Tuy nhiên, không phải ôsin nào cũng để cho gia chủ tùy tâm trong chuyện thưởng tết. Chị Nga (ngụ Q.3) có mẹ chồng thường xuyên bị tai biến nên chị thuê một người giúp việc thường trực ở bệnh viện để lo cơm nước, vệ sinh cá nhân cho bà cụ với mức lương 3 triệu đồng/tháng và 50.000 đồng tiền ăn mỗi ngày. Nhưng bà giúp việc luôn miệng than mệt, cứ bóng gió là có người đang muốn thuê, lương cũng vậy mà công việc nhẹ nhàng hơn.
Thời điểm cận tết, không thể tìm người giúp việc thay thế nên vợ chồng chị đành nhượng bộ đồng ý thưởng tết hai tháng lương, quà cáp, đồng thời tăng lương cho bà.
Bấm bụng thưởng tết
Với những gia đình khá giả thì thưởng nhiều thêm một chút cũng không vấn đề gì, nhưng nhiều gia đình không có điều kiện thì chuyện thưởng tết cho ôsin là “bài toán” khá hóc búa. Tiền thưởng tết của gia chủ lắm khi chỉ ba cọc ba đồng nhưng họ vẫn phải cố nhín ra để thưởng người giúp việc.
Video đang HOT
Cô Hương (giảng viên Trường cao đẳng Phát thanh truyền hình 2, TP.HCM) có một chị giúp việc làm từ thứ hai đến thứ sáu. Tết dương lịch giảng viên chỉ được thưởng 500.000 đồng, cô bấm bụng chia cho chị giúp việc 200.000 đồng. Cô Hương tâm sự: “Tết ta khả quan hơn, mỗi giáo viên được thưởng 3 triệu đồng, tôi tính lì xì cho chị ấy 1 triệu đồng.”
Thấy hoàn cảnh nhà bác giúp việc khó khăn quá, chị Thanh Mai – nhân viên văn phòng, nhà ở Q.6 – cũng muốn thưởng thêm cho bác ấy. Nhưng tiền thưởng tết của chị năm nào cũng vỏn vẹn 1,5-2 triệu đồng, muốn thưởng nhiều thêm cũng không có.
Chị nói như xót cho bác giúp việc nhà mình: “Nhiều bạn bè của tôi thưởng tết cho người giúp việc còn nhiều hơn thưởng tết ở công ty tôi nữa. Mình được thưởng tết hẻo nên người giúp việc nhà mình cũng vạ theo”. Ba năm thuê người giúp việc, mỗi năm chị Mai thưởng 500.000 đồng, tặng một bộ quần áo mới, ít bánh kẹo với một cọc tiền lẻ để bác đi chùa.
Một thành viên trên diễn đàn mạng bàn về chuyện lo thưởng tết cho người giúp việc, ngao ngán: “Mình Tết dương lịch 0 đồng nên cô giúp việc nhà mình cũng 0 đồng. Tết ta thì 1,5 triệu đồng nên ba năm nay đều thưởng cô ấy 500.000 đồng, mua thêm ít bánh kẹo, cho một ít quần áo cũ và tiền tàu xe. Trong năm cũng chỉ mua hai bộ quần áo mới hoặc biếu 300.000 đồng. Mình thương cô ấy nhưng chẳng có tiền nhiều mà thưởng hay biếu xén, chỉ biết bù bằng cách cư xử nhẹ nhàng tình cảm, coi như người nhà thân thiết”.
Mỗi gia chủ một mức thưởng khác nhau, nơi thoải mái, nơi bấm bụng. Nhưng thưởng tết cho ôsin không còn là chuyện được chăng hay chớ nữa mà còn là nỗi lo, sự quan tâm hàng đầu của nhiều gia chủ để làm thế nào giữ chân được họ sau kỳ nghỉ tết.
Phí thuê người giúp việc tăng cao trong ngày tết Gia đình anh Sơn (ngụ Q. Tân Phú) lại “lên bờ xuống ruộng” vì người giúp việc “lên giọng”. Vợ anh mới sinh con nên anh muốn cô giúp việc ở lại qua tết nhưng cô chẳng những không đồng ý mà còn nằng nặc đòi về sớm. Vợ anh phải thưởng nhiều hơn để cô ở lại đến 28 tết. Trong những ngày đợi người giúp việc quay lại, anh phải thuê một người giúp việc thời vụ với tiền công cao gấp ba mức thuê hiện tại. Tính ra số tiền thưởng tết và tiền thuê người “lấp chỗ” bằng cả ba tháng lương cho ôsin lúc bình thường. Nhiều gia đình khác do cần người trông nom, dọn dẹp nhà cửa, trông em bé, người già cũng đành chấp nhận phí thuê người giúp việc thời vụ ngày tết cao gấp 2-3 lần ngày thường. Theo bà Hồ Thanh Hoa – giám đốc Trung tâm cung ứng người giúp việc Hoàn Tất (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3), hiện có nhiều người đến đăng ký thuê mướn người giúp việc thời vụ trong những ngày tết, sau tết một vài tuần, nhưng nguồn cung cấp rất khan hiếm và phí thuê có khi cao gấp 3-4 lần ngày thường. Nỗi lòng người giúp việc Cô Thanh, giúp việc cho một gia đình ở Q.5,TP.HCM, cho biết nhóm giúp việc gần nhà nhau ở chỗ cô ở lúc gặp nhau cứ rôm rả kể chuyện thưởng tết. Người thì khoe được chủ nhà thưởng cho một tháng lương và còn lì xì thêm phong bì trước lúc về quê. Người thở vắn than dài bảo năm sau sẽ kiếm chỗ làm khác vì nhà chủ chỉ cho tiền xe về quê. Người lại sốt ruột vì đến giờ này vẫn chưa thấy gia chủ nói năng gì. Cô Thanh được chủ nhà hứa mua cho hai bộ quần áo nhưng cô đã xin bà chủ cho lại số tiền ấy để gửi về nhà phụ giúp gia đình năm nay mất mùa lúa. Bà chủ nghe chuyện thương lắm, còn cho thêm 300.000 đồng khiến cô rưng rưng xúc động. Chị Tuyết, giúp việc theo ngày cho sáu gia đình, lại được mỗi nhà thưởng một tháng lương. Gia đình chị ở Quảng Bình, đông anh em, mẹ mất sớm nên khó khăn chồng chất. Hai cái tết trước chị ở lại để kiếm thêm tiền, năm nay mới về quê nên sắm sửa khá nhiều thứ. 16 bộ quần áo cho 16 đứa cháu, rồi quần áo cho mấy chị gái ngoài quê. Chị bảo: “Bây giờ cái gì cũng đắt. Rẻ thì cũng 100.000-150.000 đồng/bộ”. Khoản sắm sửa đã hết 3 triệu đồng, số tiền khá lớn đối với chị. Lại thêm năm rồi chị đau bệnh liên miên nên lương chẳng còn bao nhiêu. “May mà có khoản thưởng tết cuối năm mới sắm sửa được chừng này thứ. Mấy đứa cháu chắc mừng lắm”. Tháng cuối, những người giúp việc cùng quê với chị, người thiếu năm ngày, mười ngày, có người thiếu cả nửa tháng mới tròn tháng nhưng chủ nhà vẫn trả lương một tháng và thưởng thêm một tháng lương. Rồi còn quà bánh, bột ngọt, quần áo cũ của chủ nhà cho nên họ cảm thấy rất ấm lòng. Riêng cô Thâu, đang giúp việc cho một gia đình ở Q.3, tình nguyện ở lại trong những ngày tết. Bà cụ mà cô chăm sóc đã 92 tuổi, ăn uống, vệ sinh đều phải có người phụ giúp. Cô bảo mình ở với bà cụ lâu rồi nên bà cũng quen cách chăm sóc của cô, không muốn đổi người lạ. Nhà cô ở Tiền Giang chỉ còn ba người thân, mấy ngày tết ở nhà đã có con gái út lo nên cô quyết định ở lại vì bỏ về quê không đành.
VŨ THỦY – ĐỖ PHI
Theo Tuổi trẻ
Sử dụng tiền "dư"?
Năm mới, bạn sẽ có được một khoản "rủng rỉnh", vậy bạn thuộc tuýp người nào trong việc sử dụng tiền bạc?
Và phải làm sao để giữ cho mình không rơi vào tình trạng rỗng túi hậu sau Tết? Làm ngay bài trắc nghiệm sau nhé:
1.Thông thường, bố mẹ cho bạn giữ khoảng bao nhiêu phần trong số tiền lì xì của bạn?
a. Khoảng 20%
b. Phân nửa
c. Bố mẹ giữ hết, khi nào cần thiết mới cho.
2.Khi có quá nhiều tiền lẻ, tiền cắt trong ví, bạn sẽ làm gì với chúng?
a. Đem đổi thành tiền chẵn
b. Cho tất cả vào hộp đựng tiền lẻ của riêng bạn
c. Gom lại hết một lần và mua quà vặt trong canteen chia cho bạn bè cùng ăn (cóc, ổi, xoài, mận...)
3.Bạn nghĩ về điều gì khi đi mua sắm?
a. Những thứ tôi cần phải mua (các món ăn dự trữ, trái cây, mứt...)
b. Phải trả giá sao cho vừa tầm và không bị "hố"
c. Các loại nhãn hiệu quần áo nổi tiếng
4.Tôi sẽ tiết kiệm tiền lì xì để...
a. Cuối tuần cùng bạn bè đi "hái lộc" và xem phim, uống trà sữa.
b. Sau này học Đại Học
c. Mua một chiếc váy mới hoặc thay đổi kiểu tóc.
5. Bạn sẽ tặng quà Tết gì cho bạn bè, người thân?
a. Bánh do tôi tự làm
b. Thiệp chúc mừng là vui rồi!
c. Một giỏ quà to được gói sẵn
KẾT QUẢ
Đáp án bạn chọn hầu hết là câu a: Bạn thuộc tuýp người "trung bình cộng"
Tức là giữa một người nghiện mua sắm và một người chăm tiết kiệm thì bạn đứng ở giữa. Khi nhận được một khoản tiền, bạn luôn có cách chi tiêu vừa khít so với thời gian quy định. Ví dụ mỗi tháng đước bố mẹ cho bao nhiêu thì bạn hoàn toàn có thể xoay xở dùng vừa hết số tiền đó trong một tháng. Nhưng như thế đến khi "dầu sôi lửa bỏng" phải dùng đế tiền thì bạn đành nhắm mắt bó tay. Những gì bạn cần là một khoản dự trữ nho nhỏ. Tham khảo các bí quyết sau:
Khi cảm thấy mình đang "rủng rỉnh", hãy trích ra một ít cất đi và tưởng tượng rằng bạn chưa hề sở hữu nó.
Nuôi heo đất
Soạn lại đống đồ đạc trong phòng bạn, rất có thể nhiều thứ bạn không bao giờ sử dụng nhưng vẫn còn giá trị. Hãy rao bán chúng trên các trang online với giá hữu nghị. Bạn sẽ kiếm được một khoản kha khá thay vì cứ vứt xó những món đồ ấy đi.
Đáp án bạn chọn hầu hết là câu b: Xin chào cô nàng tiết kiệm!
Với bạn, tiền bạn là công cụ phục vụ cho con người chứ không phải ngược lại. Bạn luôn biết tính toán để chi tiêu hợp lí và thậm chí còn có của để dành chuẩn bị cho những dự định dài hơi trong tương lai. Tuy nhiên cũng đừng ki bo quá nhé. Năm mới là dịp để chúng ta mở rộng tấm lòng mà! Bổ sung thêm một số điều nào:
Mở một tài khoản ngân hàng. Việc tiết kiệm có lãi sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn.
Thỉnh thoảng hãy đãi bạn bè một chầu trà sữa hoặc tự thưởng cho mình một chiếc vé xem ca nhạc.
Đáp án bạn chọn hầu hết là câu c: Bạn là một "tín đồ shopping" thứ thiệt!
Bạn sẵn sàng tùy hứng vung tay quá trán cho mọi khoảng bất kể hầu bao của mình lúc ấy đang "rủng rỉnh" hay "cạn kiệt". Bạn sẽ rinh ngay kiểu giày mới ở shop mà không thèm chờ đến dịp giảm giá hay suy nghĩ gì thêm. Để rồi chỉ vừa đến khoảng giữa tháng là bạn lại thở ngắn than dài vì lỡ tiêu hết veo tiền tiêu vặt . Đã đến lúc bạn sử dụng khoản tiền lì xì đầu năm này một cách thông minh, bằng việc:
Tránh đi ngang các shop quần áo trong thời điểm này, vì rất có thể những tấm biển sale off 20%, 50%,... sẽ cám dổ bạn. Nếu cần, hãy nhắm mắt lại và nghĩ kĩ xem bạn có thực sự cần phải mua những thứ đó không.
Trao đổi quần áo với bạn bè. Cách này khá hay vì sẽ giúp bạn có thêm những kiểu phối đồ mới lạ, đẹp mắt hơn, lại ít tốn kém, và bạn của bạn cũng thế.
Theo mực tím