Ồ ạt khoét núi, san đồi ở Phước Đồng
Theo chỉ dẫn của người dân, len qua những con đường nhỏ, dốc ngoằn ngoèo, chúng tôi phát hiện hàng chục héc-ta đất đồi, núi ở xã Phước Đồng, TP. Nha Trang bị đào bới, san ủi, phân lô bán nền.
Tình trạng này khiến người dân lo lắng bởi các vụ lở núi, chết người đã và đang xảy ra liên tiếp ở các tỉnh miền Trung.
Nằm cách đại lộ Nguyễn Tất Thành chừng hơn 500m đường chim bay, nhưng chúng tôi phải khá vất vả men theo sườn dốc mới lên được khu đất đồi bị san ủi, phân lô tại thôn Phước Hạ. Người dân địa phương cho biết, khu đất này là rừng sản xuất được một người tên Phán mua lại rồi thuê máy múc, máy ủi về đào núi, san phẳng, chia thành từng lô chừng 100m 2. Để giữ đất cho khu dân cư trên cao này, ông Phán làm một kè đá tạm bợ dài cả trăm mét, cao gần 10m. Phía dưới kè đá là khu dân cư hiện hữu với hàng chục hộ thấp thỏm sợ hãi.
Một khu vực bị san ủi ở thôn Phước Lợi.
Ông Phan Đức Dũng (người dân ở gần khu vực này) cho biết, đợt mưa to hồi giữa tháng 10 mới đây, nước từ bức tường tràn xuống như một dòng thác kèm theo đất đá khiến nhiều người ăn ngủ không yên. “Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo lãnh đạo xã về tình trạng này nhưng không hiểu sao vẫn chưa được xử lý? Bức tường này chỉ được làm tạm bợ bằng những khối đá xếp chồng lên nhau chứ không có độ kết dính. Nếu mưa lớn, chân bức tường sụp xuống thì hàng nghìn khối đá sẽ sập xuống nhà chúng tôi ở phía dưới…”, ông Dũng bức xúc nói.
Xe múc, xe tải đào đất trái phép tại khu vực đồi núi ở thôn Phước Lợi.
Được biết, khu vực phía trên bức tường trước kia là đồi núi và sườn dốc. Sau đó, ông Phán san đất từ núi xuống sườn dốc, tạo nên một vùng bằng phẳng. Ước tính khu vực này đã được phân thành 500 lô đất và bán hết cho người dân từ thời điểm năm 2019 với giá khoảng 200 triệu đồng/lô. Phía trên núi, ông Phán cho xây dựng một căn nhà kiên cố, có hầm chứa nước, lắp đặt container, làm trạm điện để cung cấp cho khu dân cư sẽ hình thành trong tương lai.
Cách khu san ủi ở thôn Phước Hạ không xa là một khu vực khác ở thôn Phước Lợi cũng bị san ủi tương tự. Điều đáng nói là xe múc, xe tải thi công rầm rầm giữa ban ngày nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết. Chiều 28-10, khi chúng tôi đến khu vực này, xe múc vẫn miệt mài khoét núi, còn xe tải thì vô tư chở đất đi nơi khác. Khu vực này là đất rừng sản xuất được một số đối tượng san ủi, phân lô để bán cho người dân. Hiện nay, các đối tượng tiếp tục san ủi để lấy mặt bằng phân lô bán nền. Cạnh đó là khu dân cư đã hình thành với hàng chục hộ đã xây nhà kiên cố và ở. Một số người dân ở đây thừa nhận: “Chúng tôi biết xây nhà ở đây là vi phạm nhưng nghèo quá nên ham mua đất rẻ”.
Cách UBND xã Phước Đồng chừng 500m, thôn Phước Tân cũng có một khu phân lô bán nền từ đất đồi núi từ năm 2018. Hiện nay, khu vực này đã xây dựng hạ tầng với đường đi nội bộ, trụ điện chiếu sáng và phân thành hàng trăm lô đất, nhưng chưa có người dân đến ở.
Video đang HOT
Trên núi cao, ông Phán xây một ngôi nhà kiên cố với hầm chứa nước và tủ điện để cung cấp cho khu dân cư phía dưới.
Có xử phạt, nhưng…
Việc san ủi trái phép và xây dựng bức tường nguy hiểm ở thôn Phước Hạ đã được xã Phước Đồng phát hiện và lập biên bản từ thời điểm giữa năm 2019, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Khu đất này rộng hơn 3ha, do ông Nguyễn Đức Phán đứng tên. Trước đây, UBND TP. Nha Trang đã ban hành quyết định xử phạt 15 triệu đồng về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và 45 triệu đồng về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản. Ngày 19-5, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính 105 triệu đồng đối với ông Nguyễn Đức Phán vì làm biến dạng đất; yêu cầu ông Phán khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Ngày 18-9, UBND xã Phước Đồng đã chủ trì, phối hợp với Công an TP. Nha Trang, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên – Môi trường kiểm tra xác minh, làm rõ vụ việc. Kết quả cho thấy, bức tường có phần dưới kết cấu đá núi xếp chồng các lớp lên nhau cao khoảng 7m, dài khoảng 100m; phía trên xây bằng gạch không nung cao khoảng 1,2m. UBND xã đã lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đối với ông Phán, đồng thời đã có tờ trình gửi UBND TP. Nha Trang về việc xử lý công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng. Ông Bùi Cao Pháp – Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết: “Việc tháo dỡ bức tường này phải có phương án để di chuyển khối đất đá rất lớn ở phía trên; nếu không tháo dỡ thì phải có biện pháp gia cố chắc chắn bức tường để không gây nguy hiểm. Sắp tới, tại cuộc họp với UBND TP. Nha Trang, xã sẽ báo cáo cụ thể vấn đề này”.
Về khu vực bị san ủi ở thôn Phước Lợi, sau khi xem hình ảnh của phóng viên cung cấp, ông Pháp khẳng định việc san ủi là trái phép và lập tức gọi điện cho cán bộ địa chính cùng công an xã đến hiện trường kiểm tra, xác minh để xử lý. Theo ông Pháp, khu vực này chủ yếu là đất rừng sản xuất, do một số cá nhân mua lại của người dân rồi san ủi, phân lô bán nền. Hiện trạng khu vực này đã có hàng chục nhà kiên cố xây lên. UBND xã đang thống kê, báo cáo UBND TP. Nha Trang tham mưu ra quyết định cưỡng chế.
Một khu dân cư trái phép trên đất rừng ở thôn Phước Lợi. Phía sau, một số đối tượng vẫn đào núi, tạo mặt bằng để phân lô.
Thu hồi nếu không trả lại hiện trạng
Từ năm 2018 đến nay, tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn xã Phước Đồng diễn biến phức tạp, đặc biệt là khu vực thôn Phước Lợi và thôn Phước Hạ. Từ đầu năm 2019 đến nay, xã Phước Đồng phát hiện 86 trường hợp xây dựng trái phép, 110 trường hợp xây dựng không phép và xây dựng không phù hợp quy hoạch. Riêng trong năm 2019, xã đã xây dựng 16 kế hoạch cưỡng chế khắc phục hậu quả đối với 96 trường hợp xây dựng không phù hợp quy hoạch trình UBND TP. Nha Trang phê duyệt.
Ông Pháp cho rằng, do địa bàn rộng lớn, nhiều khu vực đồi núi, trong khi lực lượng mỏng, quy trình xử lý lại rườm rà, tốn thời gian nên gây khó khăn trong công tác quản lý, xử lý các trường hợp xây dựng trái phép, san ủi đất rừng. Đầu năm nay, xã phát hiện và ngăn chặn kịp thời trường hợp ông Nguyễn Thanh Tâm (thôn Phước Lộc) tự ý cho máy xúc đào đường lên núi với mục đích san đất rừng phân lô bán nền. Khi lực lượng chức năng phát hiện, ông Tâm đã cho máy múc làm biến dạng khoảng 200m 2 trong tổng số 7.000m 2 đất rừng sản xuất do ông đứng tên.
Được biết, mới đây, UBND TP. Nha Trang đã ban hành quyết định thu hồi gần 19.000m 2 đất rừng của ông Nguyễn Ngọc Tuấn do ông này hủy hoại đất, phân lô bán nền. Trong năm 2019, UBND TP. Nha Trang đã có quyết định thu hồi 2 thửa đất rừng của bà Lê Thị Thoa và ông Nguyễn Văn Chiến do hủy hoại, không khôi phục lại hiện trạng. “Trường hợp người dân phản ánh khu đất rừng phân lô bán nền ở thôn Phước Tân đã được UBND TP. Nha Trang thu hồi và giao UBND xã quản lý. Khu vực chỗ ông Phán đào núi phân lô, UBND xã cũng đã tham mưu cho UBND TP. Nha Trang yêu cầu chủ đất chấp hành nghiêm quyết định xử phạt, khẩn trương trả lại hiện trạng đất, nếu không sẽ ban hành quyết định thu hồi”, ông Pháp nói.
Bài học đắt giá về tình trạng san ủi đồi núi làm đất ở khi mưa lớn gây sạt lở chết người ở xã Phước Đồng vào cuối năm 2018 vẫn còn đó. Mong rằng chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý sai phạm để tránh lặp lại những hình ảnh đau xót đó…
Sạt lở Trà Leng: Nỗi đau này biết bao giờ mới nguôi
Những người mẹ đã tự cứu con mình trong vụ sạt lở núi ở xã Trà Leng, rồi cứu hàng xóm.
Trong vụ sạt lở núi Trà Leng, có những người mang đầy thương tích trên mình vẫn dùng nghị lực để cứu người thân, hàng xóm trong cơn đau thấu xương tủy.
Đau thấu xương vẫn cõng con bò lên núi
Ngày 1-11, chị Trần Thị Liễu vẫn còn đau khắp người, đang điều trị tại BV đa khoa Quảng Nam.
Nằm điều trị tại đây, chị vẫn chưa hết hoàn hồn về chuyện hôm 28-10, gia đình chị sang nhà người hàng xóm tên Nguyễn Thành Sơn được xây kiên cố để trú bão.
Khoảng 15 giờ cùng ngày, một tiếng nổ lớn trên núi. Chị nhìn lên thấy đất đá, nước trên núi cao hàng trăm mét nhắm thẳng ngôi làng văng xuống rất nhanh. Nghe tiếng nổ, chị chạy vào nhà. Lúc này đất đá cũng lùa thẳng vào, căn nhà đổ sập.
Chị bị cây gỗ, tôn trên mái nhà đập xuống đè người. Chị cố gượng dậy ngoi lên, tiếp tục một lớp đất đá khác lùa xuống khiến chị bị cuốn trôi hơn 50 m. May mắn, lần này chị vẫn gượng dậy được. Bùn đất khắp người, mắt chị mờ đi do bùn đất dính đầy trên mặt.
Sau hai lần bị lùa đi, nhiều cây gỗ, đất đá đập trúng đùi, vai, chân, đầu..., chị Liễu quá đau đớn. Với nghị lực người mẹ, chị bò trên lớp bùn đất để tìm con.
Chị liên tục gọi: "Châu ơi! Kim ơi!...", đó là hai đứa con gái của chị. Chị lao tới dỡ từng khúc gỗ, mái tôn để kéo con gái lớn Trần Thị Mỹ Kim (17 tuổi) thoát ra được. Lúc này, chị cũng thấy đứa út Trần Thị Minh Châu (học lớp 9) ngoi lên từ đống đất đá.
"Mẹ ơi, con đi không nổi mẹ ơi!" - Châu nói. Rất đau vì chấn thương khắp người nhưng chị vẫn bò đến. Chị đưa Châu lên lưng, cõng trong tư thế bò đi về phía núi không bị sạt lở.
Còn về phần bé Châu, em bị một khúc gỗ đập vào ống quyển, đau không đi được. Thấy mẹ cõng mình bò đi, còn chị gái chưa được đến nơi an toàn, Châu nói: "Mẹ ơi, bỏ con xuống con tự đi". Thế nhưng khi được bỏ xuống, Châu vẫn không thể đi được nên chị Liễu phải tiếp tục cõng bò.
Sau khi cõng Châu bò đi hơn 100 m đến nơi an toàn, chị Liễu lại lết bò quay lại để cứu Kim. Lúc này chị đã không còn sức để cõng Kim. Chị gác tay Kim qua vai mình để dìu con gái, hai mẹ con cùng cố bò lên núi.
Chị Liễu vẫn nhớ như in ngày hôm đó bão vào, mưa to gió lớn, con suối cạnh nước lớn, chảy xiết. Ông Lê Hoàng Việt, Bí thư xã Trà Leng, đi ra ngoài ghi lại hình ảnh, cập nhật tình hình để báo cáo. Anh Trần Cao Nam, chồng chị Liễu, cầm dù đi theo để che cho ông Việt. Sau tiếng nổ, đất đá tuôn xuống, ông Việt và chồng chị đứng đúng ngay vị trí khối đất đá lớn nên bị vùi lấp. Hiện thi thể họ vẫn chưa được tìm thấy. Nỗi đau trong chị không biết bao giờ mới nguôi...
Một nỗi đau khác cũng ám ảnh chị Liễu không kém là khi chị bị trôi, chị thấy nằm cạnh chị là chị Hồ Thị Mai bị ghế salon bằng gỗ đập trúng ngực nên tử vong tại chỗ. Chị đã không cứu được người phụ nữ cùng làng...
Cháu Châu đã được mẹ cứu thoát trong trận lở núi. Ảnh: HẢI HIẾU
Chị Liễu đang được điều trị tại BV đa khoa Quảng Nam. Ảnh: TỰ SANG
Cứu con xong, lo cứu hàng xóm
Nằm điều trị tại BV đa khoa Bắc Trà My, chị Hồ Thị Thim (cô ruột của cháu Châu) ngày hôm đó cũng trú trong nhà ông Sơn.
Khi đất đá trút xuống, chị bị mái nhà úp quanh, nhiều khúc gỗ đè lên người. Chị cố xoay xở để thoát ra với chi chít vết thương trên người.
Vài phút để choàng tỉnh, chị liên tục gọi tên hai đứa con. Thấy một cánh tay của đứa con gái tám tuổi đưa lên trong đống đổ nát, chị cố moi lên. Chị gọi khản giọng tên đứa còn lại: "Hải ơi!" nhưng không nghe trả lời. "Đến lúc nghe hàng xóm nói lại thằng Hải đã kịp chạy lên núi, tim tôi mới đập trở lại bình thường được. Rồi tôi đi cứu thêm hai người hàng xóm la hét gần đó vì bị các thứ đè lên" - chị Thim nói.
Lúc này, chồng chị - anh Lê Hoàng Lợi khi nghe tiếng nổ lớn đã ra ngoài leo lên cây. Khi cây ngã, anh ôm theo cây và trôi theo dòng nước rồi may mắn vướng lại nên thoát chết. Anh Lợi lội ngược lại xóm mình cùng vợ cứu thêm được ba người nữa...
Làng còn 14 người mất tích chưa tìm thấy
Ngôi làng ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam có 11 căn nhà, thời điểm xảy ra vụ sạt lở có 55 người ở làng. Vụ sạt lở khiến 33 người thoát chết (trong đó có 16 người bị thương phải nằm viện, nằm ở hai BV đa khoa Bắc Trà My và đa khoa tỉnh Quảng Nam). Hiện tìm được tám thi thể, 14 người mất tích chưa được tìm thấy.
Người Trà Leng 'không cần tiền, chỉ đi nhờ xe' đã gặp vợ con Người đàn ông Trà Leng nói câu "Em không cần tiền, cho em xin xe đi thôi" đã được gặp vợ con ở Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, họ đang được điều trị những chấn thương do bị sạt lở núi gây ra. Tối 31-10, người đàn ông ở Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam - nơi xảy ra vụ...