Nuốt khó là triệu chứng của bệnh gì?
Nếu bạn bị nuốt vướng, nuốt khó; nên đến bác sĩ để thăm khám. Đây có thể là biểu hiện của một số bệnh ung thư ác tính
Bệnh nhân N.V.P, 49 tuổi đến bệnh viện khám vì nuốt nghẹn đã 2 tháng nay. Chị chỉ nuốt nghẹn khi nuốt nước bọt, trong khi ăn uống vẫn bình thường. Chị nghĩ là mình có thể có khối u ở cổ mà chưa phát hiện ra. Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận không có bất cứ tổn thương nào các cơ quan tham gia quá trình nuốt. Đây là hiện tượng loạn cảm họng. Chúng tôi đã sử dụng thuốc an thần duy trì 2 tuần. Sau 2 tuần khám lại bệnh nhân hết biểu hiện nuốt nghẹn.
Còn ông P.Đ.H, 55 tuổi, đến với chúng tôi khi có biểu hiện nuốt vướng và đau tăng dần, ăn cơm và uống nước đều xuất hiện vướng kèm theo đó người bệnh có hạch ở cổ, ấn đau. Khám họng và hạ họng thấy có khối sùi ở vùng gần miệng thực quản. Với một số phương pháp cậm lâm sàng hỗ trợ như siêu ám vùng cổ, chụo cộng hưởng từ và sinh thiết khối sùi… Chẩn đoán cuối cùng là ung thư hạ họng.
Phẫu thuật cắt bỏ u được tiến hành sau đó 2 tuần.
Nuốt vướng, nuốt khó có thể là triệu chứng của những bệnh gì?
Nuốt khó khiến người bệnh lo lắng. Đúng là phải đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai-Mũi-Họng. Có nhiều bệnh nguy hiểm biểu hiện là nuốt vướng: nuốt vướng thường xuyên, tăng dần, nuốt vướng khi ăn uống, thậm chí nghẹn và sặc. Có thể có những khả năng sau đây:
* Nuốt vướng trong các bệnh lành tính
Biểu hiện: lúc vướng lúc không, ăn và uống không vướng.
Có ba loại chứng khó nuốt chung:
Một là: Khó nuốt ở miệng (khó nuốt cao) – do yếu lưỡi sau đột quỵ, khó nhai thức ăn hoặc rối loạn quá trình vận chuyển thức ăn từ miệng.
Hai là: Chứng khó nuốt ở họng: thường được gây ra bởi một vấn đề thần kinh ảnh hưởng đến các dây thần kinh (như bệnh Parkinson, đột quỵ hoặc xơ cứng teo cơ bên), liệt hầu họng do tai biến mạch máu não.
Ba là: Chứng khó nuốt thực quản (khó nuốt thấp) – vấn đề là ở thực quản. Điều này thường là do tắc nghẽn hoặc kích thích.
Nguyên nhân bao gồm:
- Xơ cứng bì bên – do thoái hóa thần kinh tiến triển; theo thời gian, các dây thần kinh ở cột sống và não dần mất chức năng.
- Cơ thực quản dưới không giãn đủ để thức ăn vào dạ dày, hoặc co thắt thực quản không đồng bộ.
Cấu trúc bất thường thực quản: Vòng thực quản – một phần nhỏ của thực quản thu hẹp, ngăn đôi khi thức ăn rắn đi qua.
- Đột quỵ – tế bào não chết do thiếu oxy vì lưu lượng máu bị giảm. Nếu các tế bào não kiểm soát việc nuốt bị ảnh hưởng, nó có thể gây ra chứng khó nuốt.
- Viêm thực quản bạch cầu ái toan – nồng độ bạch cầu ái toan tăng cao dẫn đến nôn mửa và khó nuốt thức ăn.
- Bệnh đa xơ cứng – hệ thống thần kinh trung ương bị hệ thống miễn dịch tấn công, phá hủy myelin, thường bảo vệ các dây thần kinh.
- Bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson – Bệnh Parkinson là một rối loạn thần kinh thoái hóa dần dần tiến triển, làm suy yếu các kỹ năng vận động của bệnh nhân.
- Xạ trị – một số bệnh nhân được xạ trị (xạ trị) vùng cổ và đầu có thể gặp khó khăn khi nuốt.
Video đang HOT
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Khô miệng – không có đủ nước bọt để giữ cho miệng ẩm ướt.
* Nuốt vướng trong các bệnh ác tính:
- Ung thư vùng khoang miệng, họng miệng, hạ họng, hạ họng – thanh quản.
Khối u ác tính ở họng
Ung thư thực quản
Ung thư tuyến giáp.
* Ngoài ra, có những bệnh nhân nuốt vướng do loạn cảm họng: Người bệnh có biểu hiện nuốt vướng mà không tìm ra nguyên nhân
Điều trị nuốt khó, nuốt vướng như thế nào?
Các bác sĩ sẽ thăm khám và tùy theo nguyên nhân mà có hướng điều trị thích hợp:
* Điều trị nội khoa theo nguyên nhân:
- Điều trị trào ngược
- Giãn cơ trơn
- Hỗ trợ thần kinh
- An thần
* Nếu do các khối u, thì tùy theo bản chất của khối u mà bác sĩ quyết định:
- Phẫu thuật
- Xạ trị
- Hóa trị
- Miễn dịch trị liệu
Bệnh nhân cần có chế độ nghỉ ngơi – sinh hoạt hợp lý. Cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với từng người bệnh: Ăn ít chất xơ, không ăn cay, chua, lạnh, không ăn khuya. Khi đi ngủ nên gối cao đầu. Cần có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không nên làm việc quá sức.
PGS TS Phạm Thị Bích Đào – BV Đại học Y Hà Nội
Theo VOV
Cần làm gì khi mắc ung thư thực quản giai đoạn cuối?
Thế nào là ung thư thực quản giai đoạn cuối? Ung thư thực quản giai đoạn cuối biểu hiện như thế nào và hướng điều trị ra sao... Mời độc giả theo dõi bài viết dưới đây.
Thế nào là ung thư thực quản giai đoạn cuối?
Theo các bác sĩ ung bướu, Bệnh viện Thu Cúc, ung thư thực quản gồm 4 giai đoạn. Giai đoạn IV là giai đoạn cuối với tình trạng các tế bào ung thư đã lan rộng ra khỏi niêm mạc thực quản, xâm lấn sang các vị trí lân cận và cơ quan xa như phổi, xương...
Ở giai đoạn này, tỷ lệ sống của người bệnh thường rất thấp do khối u đã di căn xa. Nhiều trường hợp tử vong nhanh chóng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh.
Ở giai đoạn cuối, khối u trong lòng thực quản đã phát triển to ra và xâm lấn sang nhiều cơ quan trong cơ thể.
Ung thư thực quản giai đoạn cuối có biểu hiện gì?
Khi mắc ung thư thực quản giai đoạn cuối, các triệu chứng bệnh nặng và rõ ràng hơn, người bệnh sẽ thấy sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Các dấu hiệu bệnh thường gặp ở giai đoạn này là:
- Khó nuốt, nuốt nghẹn:
Ở giai đoạn đầu khi khối u còn bé, tình trạng khó nuốt thỉnh thoảng diễn ra với mức độ nhẹ, khó nuốt với các thực phẩm cứng, rắn. Tuy nhiên khi bước sang giai đoạn nặng, tế bào ung thư phát triển to ra, chèn ép và xâm lấn trong thực quản, khiến tình trạng khó nuốt diễn ra thường xuyên, nghiêm trọng hơn. Khó nuốt xảy ra với cả những thức ăn lỏng, mềm. Thức ăn bị mắc kẹt ở cổ họng khiến người bệnh hay bị nôn ra ngoài.
- Đau tức ngực:
Khi bị ung thư thực quản, người bệnh sẽ có triệu chứng đau tức ngực với mức độ đau thường xuyên và liên tục, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Cơn đau là do khối u ở thực quản phát triển to ra, chèn ép và làm hẹp thực quản. Thức ăn không đi hết được xuống dạ dày sẽ đọng lại ở thực quản, gây tức ngực kéo dài.
- Khàn tiếng kéo dài:
Ung thư thực quản giai đoạn cuối, người bệnh sẽ thấy tình trạng khàn tiếng rõ ràng và nghiêm trọng hơn. Khàn tiếng có khi mất hẳn tiếng trong thời gian dài.
Các triệu chứng ung thư thực quản giai đoạn cuối thường rõ ràng và nghiêm trọng hơn.
Sụt cân nghiêm trọng
Khối u phát triển to ra, xâm lấn và di căn sang nhiều vị trí trong cơ thể khiến cơ quan này bị ảnh hưởng. Đồng thời thức ăn không được đưa xuống dạ dày, dinh dưỡng cũng không hấp thụ được hết vào cơ thể gây ra tình trạng sụt giảm cân nặng nghiêm trọng.
Ung thư thực quản giai đoạn cuối có chữa được không?
Cũng theo các bác sĩ, ung thư thực quản giai đoạn cuối có thể chữa được nhưng với tỷ lệ sống khá thấp bởi các tế bào ung thư đã lan tới hầu hết các bộ phận trên cơ thể.
Ở giai đoạn cuối, người bệnh phải sử dụng kết hợp nhiều phương pháp điều trị với mục đích kiểm soát triệu chứng, giảm biến chứng và kéo dài sự sống cho người bệnh.
Các phương pháp điều trị thường được áp dụng ở giai đoạn này là:
- Hóa trị kết hợp với phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn IVA.
- Đặt nội soi stent kim loại ở thực quản để cải thiện triệu chứng khó nuốt, giảm đau đớn và tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng của người bệnh.
- Hóa trị đối với người bệnh ung thư thực quản đã di căn tới những cơ quan xa trong cơ thể.
Tỷ lệ sống của người bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nếu được điều trị tích cực, phác đồ điều trị chuẩn, người bệnh lạc quan, thoải mái... thì khả năng hồi phục sức khỏe sẽ nhanh chóng hơn.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để kiểm soát sớm bệnh.
Bên cạnh đó, ở giai đoạn cuối, người bệnh cần có chế độ chăm sóc giảm nhẹ, giúp giảm các triệu chứng bệnh, tăng cường sức khỏe chống lại bệnh tật.
Lưu ý gì sau điều trị ung thư thực quản giai đoạn cuối?
Hầu hết người bệnh ung thư thực quản giai đoạn cuối đều có hiện tượng suy nhược cơ thể, mệt mỏi triền miên, ăn uống kém, thậm chí chán nản, lo nghĩ và không muốn ăn.
Lúc này người nhà cần chú ý tới tâm lý của người bệnh, động viên, chia sẻ và an ủi tinh thần người bệnh. Đồng thời cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để người bệnh đảm bảo sức khỏe.
- Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng qua chế độ ăn hàng ngày với những thực phẩm sạch, rau củ quả đảm bảo an toàn vệ sinh, thực phẩm chế biến chín kỹ, thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu hóa; bổ sung thực phẩm giàu sắt để cải thiện tình trạng thiếu máu.
- Tránh cho người bệnh ăn những thực phẩm chiên rán, thực phẩm khó tiêu hóa, cứng, rắn Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa để cơ thể dễ hấp thụ hơn.
Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý nghỉ ngơi điều độ, tránh lo âu, suy nghĩ quá nhiều mà ảnh hưởng tới sức khỏe.
Mặc dù ung thư thực quản giai đoạn cuối là bệnh nặng nhưng dưới sự điều trị tích cực và kịp thời, đúng phương pháp, nhiều trường hợp vẫn sống, sinh hoạt bình thường.
Theo VTV News
4 nhóm người này càng có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản Ung thư thực quản cũng là một trong những chứng bệnh ngày càng phổ biến và ít khi được người bệnh phát hiện ở thời kỳ sớm. Vì vậy, việc phòng ngừa càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt những nhóm người sau đây càng nên thận trọng vì có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản. Vì sao ung thư...