Nườm nượp người lên núi Yên Tử
Mùng 10 tháng Giêng, lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) mới khai mạc nhưng trong 6 ngày Tết vừa qua, di tích lịch sử và danh thắng này đã đón hơn 800 nghìn du khách, trong đó có khoảng 3.400 khách quốc tế.
Ở độ cao 1.068 m so với mực nước biển, núi Yên Tử không chỉ nổi tiếng bởi cảnh đẹp, nhiều chùa, am, tháp cổ nằm ẩn mình trong rừng cây cổ thụ mà còn được biết đến là nơi hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử trải quan hơn 700 năm. Theo Ban quản lý di tích Yên Tử, lễ hội năm nay sẽ khai mạc vào ngày 10 tháng Giêng (28/2) với sự tham gia của hơn 400 đại biểu, 2.500 phật tử cùng hơn 300 diễn viên quần chúng.
Ban tổ chức dự kiến sẽ có trên 2 triệu lượt khách về thăm quan, vãn cảnh Yên Tử trong dịp này. Đường lên chùa Hoa Yên chật cứng người. Đây là ngôi chùa to và cổ kính nhất ở Yên Tử, tọa lạc ở độ cao 535 m so với mực nước biển. Chùa được khởi dựng từ thời nhà Lý, lấy tên là Phù Vân.
Trên 700 năm trước, chùa Hoa Yên chỉ là một thảo am rất nhỏ, là nơi để Phật hoàng Trần Nhân Tông giảng đạo, khi đó Phật hoàng đổi tên thành Vân Yên. Cả ba vị sư tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều đã trụ trì tại chùa này. Đến đời nhà Lê, khi Lê Thánh Tông đi qua thấy hoa lá xanh tươi, sương khói la đà đổi tên chùa thành chùa Hoa Yên.
6.000 m đường rừng núi, hàng chục nghìn bậc đá trơn trượt, đó là thử thách cho những ai muốn lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng). Leo bộ dù khá mệt, mất nhiều thời gian, nhưng nhiều người vẫn lên đỉnh núi thiêng này để có được cảm giác thích thú khi chinh phục độ cao, cảm nhận sự khó nhọc của cha ông ngày xưa đã dựng lên ngôi chùa đẹp trên ngọn núi này.
3 nhà ga cáp treo gồm Giải Oan, Hoa Yên và An Kỳ Sinh hoạt động hết công suất, nhưng không đáp ứng kịp số lượng khách. Bà Bùi Thị Kim Thủy, Phó trưởng ban quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng Yên Tử cho biết, số lượng khách trong những ngày đầu năm rất đông, có ngày hơn 100.000. Trong 6 ngày đầu xuân Yên Tử đón hơn 800.000 khách tham quan, du lịch. Do làm tốt khâu tổ chức, tình hình an ninh trật tự được giữ vững, duy nhất có 2 du khách thông báo mất ví, sau đó lực lượng chức năng đã tìm lại được một chiếc.
Video đang HOT
Lối lên chùa Một Mái chật kín người. Trong năm qua, ngôi chùa này đã được trùng tu lại bằng cách tháo dỡ chùa cũ và xây mới toàn bộ khiến nhiều du khách ngỡ ngàng.
Trong chùa Một Mái có mạch nước ngầm theo vách đá chảy xuống một hốc nhỏ. Nguồn nước ở đây được ví von như dòng sữa mẹ không bao giờ cạn. Chị Nguyễn Thị Lan (40 tuổi, TP. HCM) cho biết, đã đến Yên Tử từ chiều mùng 4 Tết, đợi sáng hôm sau đi bộ lên đỉnh Yên Tử rồi ghé vào xin nước. “Tôi nghe nói uống nước lấy trong chùa sẽ mát mẻ, mạnh khỏe cả năm lên lấy một chai về cho gia đình”, chị Lan nói.
Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Năm 2007, chùa mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất với chiều dài 4,6 m, rộng 3,6 m, cao 3,35 m và nặng hơn 70 tấn. Ngôi chùa trông như một đài sen, nơi thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni và ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm.
Chinh phục được núi Yên Tử, nhiều người dùng tiền để thoa lên đại hồng chuông và khánh đồng tại chân tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông với niềm tin sẽ đem lại nhiều điều may mắn, tốt lành.
Từ khi Yên Tử trở thành điểm du lịch sinh thái, tâm linh nhiều người dân nghèo cũng có cơ hội kiếm thêm được chút tiền lo cho cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học bằng các nghề: hái măng trúc trong rừng sâu, bán gậy tre, lượm ve chai, khuân vác hàng thuê lên xuống núi. Anh Vũ Văn Hưng (30 tuổi, trú tại xã Thượng Yên Công) cho biết đã gánh 45 kg hàng từ chân núi lên nhà ga cáp treo số 3 với tiền công 160.000 đồng. Đây là hàng hóa của một chủ kinh doanh hàng ăn uống tại nhà ga này thuê vận chuyển.
Ông Đinh Văn Đệ (81 tuổi, trú tại xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, đã bán gậy tre cho khách lên núi từ mùng 2 Têt Ất Mùi. Mỗi ngày cụ bán được 100-150 nghìn đồng. “Nhà cách đây 8 km nên 3 giờ sáng tôi đã phải dậy, ôm cả bó gậy tre để kịp vào đây ngồi bán. Đi nhờ xe được còn đỡ mệt, hôm nào không có người giúp, tôi phải đi bộ. Sức yếu không tranh giành được khách nên tiền bán chỉ tạm đủ đóng gạo qua ngày”, cụ Đệ tâm sự.
Ban Quản lý di tích Yên Tử cho biết đã tăng cường hơn 30 công nhân dọn vệ sinh môi trường, vận chuyển toàn bộ lượng rác thải trong ngày ra khỏi khu di tích. Trong mùa lễ hội năm nay, toàn bộ các dịch vụ từ chùa Giải Oan lên chùa Đồng đã được di chuyển xuống phía dưới. Tuy nhiên, do số lượng người đến Yên Tử tăng nhanh, các thùng rác công cộng tại khu vực chùa Hoa Yên, nhà ga cáp treo, chùa Đồng chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, cộng thêm việc nhiều du khách không có thói quen bảo vệ môi trường, làm đường lên Yên Tử bị ngập tràn rác thải.
Giang Chinh – Minh Cương
Theo VNE
Chuyện người Mông trồng đào
Người Mông ở Tri Lễ đã "thuần hóa" những cây đào rừng thành những vườn đào đỏ thắm sườn núi mỗi mùa xuân. Nhờ có cây đào, người Mông đã yên tâm định cư, ổn định cuộc sống, không còn những cảnh lũ lượt kéo nhau di canh sang Lào.
Lỳ Bá Tểnh chặt đào bán theo yêu cầu của khách.
Tôi tình cờ quen Thò Bá Pó (trú xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An) trong một lần theo đoàn ra đảo Mắt. Pó là sinh viên trường ĐH y khoa Vinh, theo chân một anh nhà báo "ra biển một lần cho biết". Chàng trai người Mông quen đi núi không chịu được chòng chành của sóng biển. Ra đến đảo, Pó nằm vật ra giường. Ấy vậy mà khi làm quen, cậu chàng bật dậy, thao thao bất tuyệt về những cánh rừng đào quê mình rồi hẹn tôi, mùa đào nở hoa lên chơi một chuyến.
Sát Tết, khi những cành đào rừng, đào Lào nườm nượp chuyển về xuôi, nhớ lời mời của chàng sinh viên trường Y Thò Bá Pó, chúng tôi làm một chuyến "ngược núi". Vượt qua đỉnh Bù Chông Cha, chúng tôi đã thở cả ra lỗ tai mà Pó vẫn tỉnh bơ. "Chưa đến xứ đào mô. Phải vào sâu nữa, qua con sông Nậm Quàng rồi đi lên cao... Người Mông trồng đào ở nơi đất bằng không quá ba bước chân, nắng không ngăn được lạnh khi chiều về". Như thế đủ để hiểu cây đào "bén duyên" đất của người Mông cũng không dễ dàng gì.
Cây đào đã có mặt ở Tri Lễ từ rất lâu rồi, những người Mông già nhất bản cũng không biết là từ khi nào. Trong những lần rong ruổi đi tìm miền đất mới, đồng bào Mông vẫn mang theo những hạt giống để rồi ươm xuống. Nơi nào đào nảy mầm sẽ là nơi dừng chân để có thể an cư lạc nghiệp. Đào trồng bên nhà, trên nương. Hoa đào đỏ, xen lẫn với hoa mơ, hoa mận trắng xóa sườn núi mỗi khi Đông qua, Xuân về.
Những vườn đào của đồng bào Mông khoe sắc khi Tết cận kề.
Khi đào trút lá, những dòng nhựa tích suốt 1 năm đã dồn lên từng mắt lá, để nhú ra những mầm non mơn mởn, những búp đào bé, tròn như hạt nếp nương thì những cô gái Mông đã bắt đầu sửa soạn đón Tết. Trước mỗi nếp nhà sàn, những bà, những mẹ, những cô gái Mông miệt mài bên khung cửi, dệt những bộ cánh đẹp nhất để chơi xuân. Tiếng khèn của những chàng trai Mông cũng bắt đầu vang lên khắp sườn núi, nhịp cùng tiếng vòng bạc leng keng của những cô gái Mông má ửng thắm như cánh đào.
"Người Mông ta trước đây cũng trồng nhiều đào lắm nhưng trồng tự phát thôi, quả ít thì ăn, nhiều thì bán. Gần chục năm nay, nhiều người dưới xuôi lên mua cành đào chơi Tết, bán cành được nhiều tiền hơn bán quả, có khi chặt cành trên 1 cây đủ tiền mua được một con dê. Năm 2012, Đảng ủy xã ra Nghị quyết xây dựng mô hình phát triển kinh tế trồng cây đào. Đào cũng dễ trồng, lại không mất nhiều công chăm sóc mà bán được giá nên bà con hăng hái thực hiện lắm. Giờ mô hình trồng đào phát triển kinh tế không chỉ có ở bản Minh Châu đâu mà vào Pà Khổm, Piêng Luống, Huồi Mới 1, Huồi Mới 2, Nậm Tột, Huồi Xái 1, Huồi Xái 2 và Mường Lống", anh Xồng Bá Cha - Thường trực UBMTTQ xã Tri Lễ cho biết.
Để động viên người dân, Ban di dân tái định cư huyện Quế Phong và Đảng ủy, UBND xã Tri lễ đã có chính sách hỗ trợ trên từng cây đào. Cứ mỗi cây đào mới được trồng và phát triển bình thường được hỗ trợ 30.000 đồng tiền giống, phân bón và dây thép gai bảo vệ. Như đọc được sự ngạc nhiên trong mắt khách, Xồng Bá Cha giải thích: "Vì người Mông mình còn thả gia súc tự do nên nó phá đào. Phải đóng cọc, chăng dây thép gai để bảo vệ cây, bảo vệ vườn mà".
Rời bản Minh Châu 1, chúng tôi đến với bản Pà Khốm - bản cực Nam của huyện Quế Phong. Trên nương, trên những vạt vườn trước nhà, cải đã lên ngồng, hoa nở vàng rộm. Gần đây, cải ngồng Mông trở thành đặc sản, được bà con cắt, buộc thành từng bó rồi vượt núi ra đường lớn để bán. Cùng với cải ngồng, đào Mông cũng trở thành "đặc sản" của Pà Khốm.
Không biết có phải được nuôi dưỡng bằng tinh túy của những hạt đất chắt chiu trong sườn núi đá, bằng cái lạnh cắt da cắt thịt hay không nhưng cánh hoa đào ở đây khác đào dưới xuôi. Đào Mông hoa cũng năm cánh nhưng cánh dày, có sắc hồng phai, nhụy đỏ tươi. Hoa nở rải rác chứ không "co cụm" vào từng chùm. Những cánh hoa như "bật" ra từ những cành khẳng khiu, mốc thếch, xù xì...
Lỳ Bá Tểnh (bản Pà Khổm, Tri Lễ) hồ hởi tính đến chuyện tiền bán đào sẽ mua thêm con bò. Mỗi cành đào Mông có giá từ 100 ngàn đến cả triệu đồng. Vườn của Tểnh dịp này cũng bản được vài trăm cành. Đào Mông được cái không nhiều hoa, lại nở rải rác nên năm nay nhuận một tháng nhưng đào vẫn ra hoa đúng dịp Tết.
Tểnh cũng tính đến chuyện mở rộng vườn đào của nhà mình. "Trước ăn đào, ném hạt lên nương, hạt nào lên cây thì rào lại khỏi trâu bò phá. Giờ thì phải để giống quả, lấy hạt ươm. 300 hạt thì được khoảng 200 cây. Giờ trồng đào khác trước rồi. Phải chăm, phải cắt tỉa cành, rét đậm, sương muối phải biết cách "ủ ấm" cho đào", Tểnh cho biết.
Thiếu tá Đàm Thiên Thương - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tri Lễ khẳng định: "Cùng với cây chanh leo, mô hình rau sạch, thì mô hình trồng đào đang từng bước giúp cho bà con người Mông thoát nghèo. Ngoài hoa thì quả đào cũng rất có giá trị. Trong 2 năm qua, toàn Tri Lễ đã trồng mới được hơn 6.000 gốc đào. Mô hình phát triển kinh tế trồng đào góp phần quan trọng giúp giảm tình trạng du canh du cư".
6.000 gốc đào mới được trồng trong vòng 2 năm qua, Tri Lễ đang trở thành "xứ vạn đào" nơi vùng biên.
Rời những bản làng của "xứ vạn đào", khi cái rét ngọt đã vấn vít theo ngọn gió thổi rung rinh những cánh hoa đào khoe sắc. Tạm biệt những cô gái Mông phơi những bộ váy thổ cẩm sặc sỡ trên dây phơi trước hiên nhà chúng tôi xuống núi. Đường về xuôi, nườm mượp những chiếc xe tải chất đầy đào Lào, đào Mông. Những cành đào Mông như những cô sơn nữ mang mùa Xuân từ rừng xuống phố...
Hoàng Lam
Theo Dantri
Đội mưa đi phiên chợ chỉ họp một lần trong năm Từ mờ sáng, giữa cơn mưa rét buốt, người dân nườm nượp đổ về chợ Thiều, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa để cầu may. Đây là phiên chợ chỉ họp duy nhất một lần vào dịp cuối năm. Đến hẹn lại lên, đến ngày 26 tháng Chạp, người dân làng Thiều lại tổ chức phiên chợ Thiều để cầu may....