Nuôi, trồng bài bản sau học nghề
Nhờ tham gia các lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ninh Giang (Hải Dương) đã biết cách tổ chức sản xuất hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Nông dân chỉ nhau cách làm ăn
Vốn liếng ban đầu chỉ có vài sào ruộng, vợ chồng ông Nguyễn Thế Bang trú tại thôn Động Trạch (xã Hồng Phong, Ninh Giang, Hải Dương) vất vả cấy trồng quanh năm cũng không đủ ăn. Tình cờ được anh em, hàng xóm rủ lên xã học nghề chăn nuôi, ông Bang cũng tham gia theo học. Ông Bang kể, ngay khi được cán bộ giảng dạy về quy trình chăn nuôi lợn nái mang lại hiệu quả kinh tế cao, hai vợ chồng ông quyết định “đánh quả liều” vay tiền đầu tư xây dựng chuồng trại mua gần 100 con lợn nái giống Móng Cái về nuôi. Đến nay, trang trại lợn của gia đình ông Bang mở rộng với trên 20 con lợn nái và lợn thịt luôn trên 150 con.
Anh Nguyễn Văn Phú ở thôn Quang Rực (Hồng Phong, Ninh Giang, Hải Dương) từ hai bàn tay trắng vươn lên thoát nghèo nhờ học nghề chăn nuôi. ảnh: Mỵ Lương
Không dừng lại ở đó, ông Nguyễn Thế Bang còn học hỏi kỹ thuật từ lớp học nuôi trồng thủy sản do huyện tổ chức. Sau đó, hai vợ chồng bàn nhau đào ao thả cá rô phi đơn tính. Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư tính ra ông Bang thu lãi trên 400 triệu đồng/năm từ việc nuôi lợn, thả cá.
Khi đã học hỏi được kỹ thuật, ông Bang không ngần ngại thường xuyên giúp đỡ các hộ khác cách thức xây dựng trang trại chăn nuôi đạt chất lượng cao. Các ông Bùi Văn Thạch (thôn Cáp, xã Hồng Dụ, Ninh Giang), ông Nguyễn Văn Vụ (thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa, Ninh Giang)… và nhiều hộ khác trong địa bàn huyện đã được ông Bang trao đổi chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau làm giàu.
Cũng nhờ tham gia câu lạc bộ nông dân của xã và học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, trau dồi kinh nghiệm từ bạn bè, anh Nguyễn Văn Phú ở thôn Quang Rực (xã Hồng Phong, Ninh Giang) từ hai bàn tay trắng vươn lên, trở thành hộ khá giả. Gia đình anh Phú hiện có trên 5 mẫu đất để chăn nuôi, trồng trọt. Trại lợn của vợ chồng anh có trên 20 con lợn nái ngoại, còn lợn thịt luôn giữ ở mức trên 100 con. Thu hoạch từ ao cá công nghiệp cho sản lượng hơn 10 tấn cá/năm. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm vợ chồng anh Phú thu lãi hơn 200 triệu đồng từ bán lợn và cá. Chị Nguyễn Thị Thu Quỳnh – vợ anh Phú tiết lộ: “Bí quyết làm ăn nằm ở sự bạo dạn, chăm chỉ tham gia các lớp học nghề nuôi trồng do địa phương tổ chức và học hỏi thêm kinh nghiệm từ bạn bè cùng chăn nuôi”.
Cùng nhau phát triển kinh tế
Theo ông Triệu Ngọc Vạn – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ninh Giang, năm 2015 Hội Nông dân huyện đã phối hợp Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh Hải Dương tổ chức 8 lớp dạy nghề cho 665 hội viên, gồm 1 lớp về chăm sóc cây trồng và bảo vệ thực vật có 40 học viên, 2 lớp về chăn nuôi có 80 học viên, 2 lớp về nuôi trồng thuỷ sản có 70 học viên, 3 lớp may công nghiệp với 145 học viên. Từ những lớp học này, toàn huyện đã xây dựng được 30 mô hình nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt, chăn nuôi, các câu lạc bộ cùng sở thích…
“Các lớp học trên đã giúp hội viên nông dân tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từ đó áp dụng vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, lĩnh vực chăn nuôi đã từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi có quy mô lớn, bước đầu hình thành một số trang trại VAC (vườn – ao – chuồng) với những giống vật nuôi cho giá trị kinh tế cao như lợn siêu nạc, gà Lương Phượng, ngan Pháp, vịt siêu thịt, siêu trứng…” – ông Vạn đánh giá.
Ông Đặng Huy Hiến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Phong (Ninh Giang) cho biết, các hộ chăn nuôi xuất sắc trên địa bàn đều có xuất thân từ gia đình nông dân nghèo nhưng có ý chí vươn lên, dám nghĩ dám làm. “Các lớp dạy nghề không những giúp người học trang bị kỹ năng về nuôi trồng để tăng năng suất, tăng thu nhập cho gia đình mà còn là nơi gắn kết các hội viên cùng vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương” – ông Hiến nói./.
Theo Danviet