Nuôi triệu “quân mini”, lão nông sơn cước thu hàng trăm triệu đồng/năm
Ông Nguyễn Hữu Sinh ở tiểu khu 30/4 ( xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) nuôi 210 đàn ong mật ngoại, mỗi năm ông đút túi 200 triệu đồng từ việc bán mật ong. Nhiều người nói vui, ông Sinh một mình “chỉ huy” cả triệu “quân mini” làm mật…
Mộc Châu (Sơn La) có khí hậu mát mẻ, hệ thực vật rừng dồi dào, diện tích trồng cây ăn quả lớn, lợi thế nguồn phấn hoa phong phú và đa dạng rất phù hợp cho phát triển mô hình nuôi ong mật quanh năm. Tận dụng lợi thế vườn cây rộng và gần rừng, ông Nguyễn Hữu Sinh nuôi ong mật để tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Nhờ nuôi ong mật, gia đình ông Sinh đã có của ăn của để.
Ông Sinh cho biết: “Nuôi ong mật mang lại khá nhiều lợi ích, đầu ra ổn định; ngoài thu được mật, phấn hoa, sữa ong chúa… còn giúp cây cối trong vườn thụ phấn tốt, đơm hoa, kết trái. Nghề nuôi ong dễ mà khó. Dễ với những người ham thích, chịu học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi ở thì, không chịu đầu tư kỹ thuật, không bền gan theo đuổi. Có người học vài tháng đã thành công, nhưng có người 3 năm vẫn chưa thuần thục, thậm chí có người mà tôi quen biết sau những tháng ngày thử nghiệm đã từ giã nghề nuôi ong mật”.
Ông Sinh thường xuyên kiểm tra quá trình phát triển của đàn ong mật.
“Nuôi ong, công sức và thời gian bỏ ra chỉ bằng nửa làm nương rẫy nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, chăm bẵm ong như trẻ nhỏ. Mỗi người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong. Con ong thường mắc phải bệnh bại liệt, ỉa chảy…nếu không kịp thời phát hiện để trị thì dễ lây lan dẫn đến mất luôn cả đàn. Nhưng muốn phát hiện bệnh nhanh thì người nuôi phải có cả kinh nghiệm và trang bị kỹ thuật thật tốt. Dùng thuốc không đúng liều thì bệnh không hết mà có khi mật lại bị nhiễm độc. Chỉ có sự kiên trì học hỏi thì mỗi người mới đúc rút được kinh nghiệm cho bản thân” – ông Sinh chia sẻ.
Video đang HOT
Ông Sinh đang trao đổi cách chăm sóc ong mật với cán bộ Khuyến nông tỉnh Sơn La tại trang trại.
Để đàn ong mật phát triển khoẻ mạnh và cho ra những giọt mật chất lượng, bắt buộc người nuôi phải am hiểu địa lý vùng miền và tập tính của loài ong. Người nuôi phải nắm bắt được mùa nào hoa nở rộ để di chuyển chúng đến nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Thời tiết nắng mưa thất thường cũng là yếu tố quan trọng người nuôi ong cần để ý. Hàng ngày, phải chăm sóc đàn ong tỉ mỉ và khoa học với nhiều công đoạn như tạo ong chúa, tách đàn, quản lý đàn ong theo mùa…
Nhờ cách chăm sóc tốt đàn ong của gia đình ông Sinh phát triển rất tốt và cho những giọt mật chất lượng.
Trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Sinh chia sẻ: “Nuôi ong phải kiên trì, chịu khó. Cái khó nhất là tìm nguồn thức ăn từ thiên nhiên cho ong. Ở Mộc Châu, không phải lúc nào các cây ăn quả và cây rừng đều có hoa nở quanh năm, nên người nuôi phải di chuyển ong đến những vùng đất khác. Tùy theo mùa mà chọn nơi đặt ong thích hợp.
Lúc đến mùa nhãn ở Sông Mã, Mai Sơn (Sơn La) thì ông mang tất cả đàn về đó lấy phấn, hết mùa nhãn ông lại di chuyển đàn ong xuống các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa để hút mật hoa keo. Nuôi ong muốn mật nhiều và chất lượng thì không thể ngồi yên một chỗ. Khi hết mùa hoa mình phải biết dưỡng ong, cho ăn thêm thức ăn như đậu nành, đường, sữa, nước tăng lực để ong tạo mật. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, tôi lãi 200 triệu đồng, giờ cuộc sống của gia đình đã đầy đủ và có kinh tế dư giả lên nhiều.”
Đầu ra cho mật ong luôn ổn định và bán được giá cao, hàng năm ông Sinh luôn cháy hàng.
Hiện tại ông Sinh có 210 đàn ong mật, ông dự tính thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình nuôi ong mật lên 300 đàn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Sinh còn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội tại địa phương và giúp các hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vươn lên làm giàu.Vì vậy, ông luôn được nhiều người trong tiểu khu quý mến.
Theo Danviet
Bỏ ngô trồng bạt ngàn bí xanh, 9X trả hết nợ mà còn dư dả tiền
Chị Hà Thị Vân, dân tộc Thái, sinh năm 1991 ở bản Ta Láng (xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trồng 800 gốc bí xanh trên 2.000m2 diện tích nương rẫy. Nhờ trồng bí xanh mà chị Vân đã trả hết nợ mua phân, giống trồng ngô ngày trước và lãi mỗi năm 80 triệu đồng.
Chia sẻ Dân Việt, chị Vân cho biết: "Nhiều năm trước, gia đình tôi chủ yếu trồng ngô và rau cải bắp nhưng do giá ngô, rau liên tục mất giá khiến tôi phải bù lỗ, còn nợ tiền phân và cây giống ở các đại lý. Cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn, chồng tôi phải đi làm cửu vạn, bốc vác ở khắp nơi để kiếm tiền...".
Chị Vân nhận thấy cây bí xanh đem lại nguồn thu nhập lớn, lại ít chi phí chăm sóc. Chị đi vay tiền anh em họ hàng mua dây thép về làm giàn bí trên 2.000 m2 diện tích nương. Tôi mua thêm đường ống dẫn nước từ khe suối gần nương về tưới tiêu cho giàn bí. Khoảng một thời gian ngắn, vườn bí của gia đình tôi đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên".
Một năm chị Vân trồng được 2 vụ bí xanh, mỗi vụ lãi 40 triệu đồng.
Để giàn bí phát triển tươi tốt, chị Vân thường xuyên lên nương tưới nước đều đặn cho vườn vì bí xanh là cây trồng rất cần nước để phát triển. Chị tận dụng nguồn phân từ chuồng nuôi lợn ở nhà để bón cho vườn bí. Vì vậy, vườn bí của gia đình chị luôn được nhiều thương lái ưa chuộng và bán được với giá cao.
Nhờ trồng bí xanh, đến nay đời sống của gia đình chị Vân đã khá giả hơn.
Cách chăm sóc bí xanh rất đơn giản không cần cầu kỳ như cây ngô, cây sắn. Đến thời điểm dây bí leo lên giàn, chị Vân tiến hành đôn dây bí bằng cách khoanh dây bí quanh gốc, cắt tỉa bớt lá chân, lấp gốc bằng lượng phân chuồng, cách làm này giúp cho rễ bí phát triển, dây bí cho trái bền và chắc. Lúc dây leo lên giàn, chị Vân điều chỉnh dây phân bố cho đồng đều, chị lược bỏ những nhánh nhỏ, nhánh sâu bệnh cho giàn được thông thoáng, góp phần tăng đậu quả và đạt chất lượng tốt nhất.
Nhờ cách chăm sóc tốt, vườn bí xanh của gia đình chị Vân luôn sinh trưởng tốt.
Cứ đến vụ thu hoạch bí, các tiểu thương đến tận vườn bí xanh chị Vân thu mua, bởi vậy mà chị không lo ế hàng.
Chị Vân chia sẻ: "Tôi trồng bí cho thu lời cao hơn và ít chi phí chăm sóc so với trồng ngô trước đây. Mỗi một năm tôi trồng được 2 vụ; vụ đầu tiên trồng từ tháng 2 đến tháng 8. Vụ thứ 2 trồng từ tháng 8 đến cuối tháng 12, mỗi vụ cho thu nhập 40 triệu đồng.Từ khi chuyển sang trồng bí xanh, tôi đã trả được hết nợ và có chút vốn liếng dành tiết kiệm. Trung bình 1 năm tôi thu lãi từ bí xanh khoảng 80 triệu đồng. Tôi dự định năm tới sẽ cải tạo đất nương rẫy trồng thêm bí xanh để nâng cao nguồn thu nhập hơn nữa cho gia đình"
Theo Danviet
Ở nơi này, trồng bắp cải quanh năm, 3.000m2 lãi 150 triệu đồng Đến với vườn rau cải bắp của gia đình chị Nguyễn Thị May, bản Tự Nhiên (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Vườn rau được chị May trồng theo quy trình VietGAP và được cấp giấy chứng nhận năm 2011. Sau khi trừ chi phí trung bình 1 năm chị lãi hơn 150 triệu đồng. Mộc Châu là địa phương...