Nuôi tôm siêu thâm canh: Dễ thu tiền tỷ, nhưng cũng sợ trắng tay
Với sản lượng vượt trội, tỷ lệ thành công cao đang khiến cho diện tích nuôi tôm siêu thâm canh tăng nhanh, từ đó đã tạo ra bước đột phá mới, mở ra nhiều triển vọng cho ngành tôm tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…
Đột phá nhưng chưa bền vững
Theo UBND tỉnh Cà Mau, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay nghề nuôi tôm tỉnh Cà Mau không những mở rộng về diện tích, phát triển nhiều loại hình nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Theo đó, từ diện tích khoảng 100ha nuôi tôm siêu thâm canh ở năm 2006, hiện đã tăng lên hơn 1.800ha với hơn 1.740 hộ nuôi; năng suất bình quân đạt từ 30 – 50 tấn/ha/vụ. Cá biệt có nơi đạt trên 100 tấn/ha/vụ, tỷ lệ nuôi thành công đạt trên 85%.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và nông dân trong tỉnh, loại hình nuôi này đang tồn tại nhiều quy trình nuôi khác nhau, chưa có quy trình chuẩn, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Nông dân TP.Cà Mau thu hoạch tôm nuôi theo hình thức siêu thâm canh. Ảnh: NQ.
Qua kiểm tra thực tế của ngành chức năng, có đến khoảng 50% diện tích và số hộ nuôi không đáp ứng các điều kiện nuôi theo quy định. Vấn nạn xả thải từ các ao nuôi trực tiếp ra môi trường bên ngoài khi chưa được xử lý triệt để, gây ô nhiễm, dịch bệnh lây lan, đe dọa đến tính bền vững của nghề nuôi tôm.
Để nghề nuôi phát triển bền vững và không ảnh hưởng đến các loại hình khác, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1874/QĐ-UBND ngày 10.11.2017, quy định tạm thời về điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Đồng thời, thành lập tổ kiểm tra 1926, nhằm kiểm tra và hướng dẫn điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh.
Qua công tác kiểm tra đột xuất thực tế tại các cơ sở nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh cho thấy, các điều kiện theo Quyết định 1874 của tỉnh chưa được tuân thủ nghiêm túc. Theo đó, tổ kiểm tra đã tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên 36 đợt với 135 hộ. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 26 hộ đạt yêu cầu, tức chỉ khoảng 19,2%, còn lại 91 hộ có một số chỉ tiêu còn hạn chế, đặc biệt có 18 hộ không đạt.
Theo đánh giá của tổ kiểm tra 1926, qua quá trình kiểm tra thực tế cho thấy, đa phần các hộ nuôi tôm thâm canh chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện nuôi theo Quyết định 1874 của UNBD tỉnh. Trong đó, hạn chế lớn nhất tập trung ở các ao công trình phụ trợ, khu chứa thải có thiết kế nhưng chưa đảm bảo về diện tích cũng như thể tích chứa, nhiều hộ chưa quan tâm và ý thức tốt việc xử lý nước thải, bùn thải,…
Cần quy hoạch vùng nuôi tập trung
Video đang HOT
Vừa qua, Liên hiệp các hội Hhoa học và kỹ thuật tỉnh Cà Mau đã tổ chức hội thảo khoa học về thực trạng và giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh.
Tại đây, ông Nguyễn Việt Thắng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam khẳng định, con tôm luôn là mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành. Kim ngạch xuất khẩu cả nước những năm gần đây luôn đạt 3-4 tỷ USD/năm.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau đã đóng góp trên 1,1 tỷ USD, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế – xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Nhiều hộ nuôi chưa đáp ứng điều kiện nuôi mô hình tôm siêu thâm canh. Ảnh: NQ.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 2,1 tỷ USD vào sau năm 2021, tỉnh Cà Mau cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ công tác quản lý ngành đến tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hình thành chuỗi giá trị con tôm… Trong đó, cần giúp người nuôi tôm tiếp cận, ứng dụng được các tiến bộ khoa học một cách hiệu quả và bền vững nhất.
Hiện nay, vấn đề nan giải của nghề nuôi tôm ở Cà Mau là chất lượng con giống, thức ăn, thuốc thú y – thủy sản, giá cả đầu vào cao, đầu ra còn bấp bênh, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng sản xuất con giống tràn lan, khó kiểm soát, dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra.
Trong khi đó, thực tế là hiện diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển nhanh, trong đó có không ít hộ không am hiểu quy trình kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư nên nuôi không hiệu quả.
Chia sẻ với chúng tôi, nông dân Thái Minh Thức (xã Hòa Tân, TP.Cà Mau), cho biết: “Qua thực tế thực hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, tôi cho rằng rào cản hiện nay của nông dân khi triển khai mô hình này là đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật cao, lượng điện tiêu thụ nhiều, chi phí đầu tư ban đầu lớn… Do đó, để phát triển rộng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, cần sự hỗ trợ nhiều hơn của ngành chức năng. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất cần đầu mối để liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định”.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh đang rất quyết liệt trong triển khai điều kiện nuôi tôm nhưng nhiều nơi diện tích và số hộ nuôi không đảm bảo điều kiện. Muốn sản xuất hiệu quả thì phải liên kết để hình thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời liên kết để hình thành chuỗi tiêu thụ.
Theo ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay công tác quy hoạch vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung chưa được phê duyệt. Tỉnh đang tìm giảm pháp dồn điền đổi thửa để có vùng nuôi tập trung, đầu tư hạ tầng, thu hút người nuôi tôm vào đây để thuận lợi hơn so với nuôi phân tán. Trước mắt, vùng nuôi tập trung chưa được phê duyệt, Sở NNPTNT sẽ định hướng cho người dân biết quy hoạch và tuân thủ các quy định của vùng nuôi cũng như các giải pháp bảo vệ môi trường.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đóng góp khoảng 15% tổng sản lượng tôm nuôi trong toàn tỉnh Cà Mau, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 350.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt trên 1,1 tỷ USD. Theo dự báo, loại hình nuôi này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, có khả năng đạt 5.000ha vào năm 2020 và đạt 10.000ha vào năm 2030.
Theo Danviet
Vụ đê biển sụt lún nghiêm trọng: Đơn vị thi công từng nhận bằng khen
Liên quan đến vụ sụt lún nghiêm trọng đê biển Tây ở tỉnh Cà Mau, trước đó, đơn vị thi công công trình từng được UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen trong ngày khánh thành vì đã tích cực thi công hoàn thành công trình... trước thời hạn.
Liên quan đến công trình nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh), theo tìm hiểu của PV Dân trí, sau hơn 17 tháng thi công, ngày 26/12/2016, tỉnh Cà Mau đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng công trình này.
Công trình do 2 đơn vị là Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại 299 - Công ty TNHH Nam Khánh và một công ty khác làm nhà thầu thi công xây dựng.
Tại lễ khánh thành, UBND tỉnh Cà Mau đã tặng Bằng khen cho 2 đơn vị thi công vì đã hoàn thành công trình trước thời hạn.
Theo đó, công trình được khởi công vào tháng 4/2015 và hoàn thành vào tháng 10/2016. Đến tháng 12/2016, tỉnh Cà Mau tổ chức khánh thành để chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Cà Mau (1/1/1997-1/1/2017).
Tuy nhiên, sau khi khánh thành công trình khoảng hơn 7 tháng, mặc dù chưa được nghiệm thu nhưng tuyến đường dẫn vào cống Hương Mai dài khoảng 1,2km đã gặp sự cố sụt lún nghiêm trọng. Trong đó, Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại 299 - Công ty TNHH Nam Khánh thi công đoạn tuyến này.
Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân (giữa) tặng Bằng khen của UBND tỉnh Cà Mau cho đại diện 2 đơn vị thi công vì đã tích cực thi công hoàn thành công trình trước thời hạn.
Như Dân trí đã phản ánh, ngày 6/8, tại công trình nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa đã xảy ra sự cố sụt lún tuyến đường dẫn vào cống Hương Mai (Gói thầu xây lắp số 85: Đê từ Hương Mai đến kênh xáng Tuyến 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau-PV). Trong đó, có một đoạn bị sụt lún khoảng 130m và một đoạn khoảng 100m.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, qua thống kê, sự cố sụt lún các đoạn tuyến nói trên ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.
Một đoạn tuyến bị sụt lún của công trình.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, qua nhận định ban đầu của các cơ quan chuyên môn, có thể do nền đất yếu, kết hợp mưa liên tục nhiều ngày, lượng nước mưa lớn gây ngập úng cho khu vực. Khi người dân tháo nước chống úng, có thể làm giảm áp lực nước lên mái đê phía đồng gây trượt.
Ngoài ra, có thể do bên dưới nền đê có các túi bùn, tải trọng thân đê lớn gây trượt sâu nền, mái và chân đê,... là những nguyên nhân gây ra sự cố hư hỏng này.
UBND tỉnh Cà Mau đã yêu cầu chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn độc lập khẩn trương khảo sát, xác định nguyên nhân gây ra sự cố công trình, đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý.
Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau nêu giải pháp xử lý sự cố sụt lún đê biển Tây.
Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa có chiều dài hơn 14,6km, với tổng số vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng. Công trình do Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư; Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam khảo sát, thiết kế xây dựng; Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại 299 - Công ty TNHH Nam Khánh là đơn vị thi công; Tổ giám sát - Ban quản lý dự án Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau giám sát thi công xây dựng.
Huỳnh Hải - Tuấn Thanh
Theo Dantri
Vợ chủ tịch tỉnh Cà Mau có tên trong danh sách đi nước ngoài: Do sơ suất của Văn phòng Chiều 13.9, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau chính thức ký văn bản số 665-CV/BTGTU gửi Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TTTT, các cơ quan báo chí T.Ư thông tin chính thức hai nội dung: Việc rà soát, sắp xếp trường lớp, giáo viên và hợp đồng giáo viên; việc tổ chức đoàn đi công tác tại Liên bang Nga. Liên quan...