Nuôi thứ lợn rừng ăn khỏe, đi chơi khỏe, lão nông thủ đô có tiền to
Với 10 con lợn rừng nái và 50 con lợn rừng thịt nuôi thả rông trên núi, mỗi năm, ông Bùi Văn Trường ở thôn Giáp 4 ( xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Thủ đô Hà Nội) thu lãi cả trăm triệu đồng. Suốt chục năm nuôi lợn rừng mà ông Trường chưa từng phải mất đồng nào để mua thuốc phòng bệnh cho chúng.
Vượt qua mấy mỏ đá bụi mù, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN mới tìm được trang trại của ông Trường. Trái với cảnh ồn ào phía ngoài đường cái, trang trại của ông Trường yên tĩnh đến lạ. Cả một vùng núi non hữu tình hiện lên giữa bốn bề mây núi. Nơi này gần như biệt lập với bên ngoài, ít có người qua lại.
Ông Trường mở cổng đón chúng tôi như người thân trong gia đình đi xa mới về. Ông vui lắm, vì lâu rồi mới có khách vào nơi thâm sơn cùng cốc này chơi.
Hiện ông Trường có 50 con lợn rừng thương phẩm và 10 con lợn nái.
Giữa mùa xuân, hoa bưởi, hoa chanh trong trang trại thoang thoảng đưa hương. Mang tiếng là trang trại nuôi lợn rừng mà tôi nhìn mãi chỉ thấy cây với đá mà không thấy con lợn nào. Thấy chúng tôi thắc mắc vậy, ông Trường nở nụ cười đầy bí hiếm tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Đám lợn này thoắt ẩn thoắt hiện như du kích. Không phải lúc nào cũng gặp được chúng”.
Dọc đường vào thung đá là những dãy trồng bưởi Diễn tươi tốt. Cây nào cũng to, khỏe và cho ra rất nhiều hoa. Phía dưới gốc bưởi Diễn đầy vết cày xới tựa như có người bới đất. Ông Trường giải thích, đám lợn rừng là những chiếc máy phát cỏ thiện nghệ. Chúng ăn sạch cỏ trong vườn và còn giúp đảo đất ở mỗi gốc bưởi. Cả năm chẳng bao giờ tôi phải phát cỏ.
Trời chiều ngả bóng về tây, đi đến cuối thung lũng, ông Trường mới đưa tay lên miệng hú dài vài tiếng: “In, in, inn….”, âm thanh vừa dứt, bỗng từ cửa rừng nghe tiếng đạp loạt soạt trên lá khô. Cây bụi rung rinh. Mặt đất chuyển động, tựa như có một đoàn quân đang tiến về phía chúng tôi. Chỉ sau vài phút cả trăm con lợn rừng ló mặt ra bãi đá.
Video đang HOT
Mỗi năm ông Trường thu lãi cả trăm triệu đồng từ đàn lợn rừng thả rông trên núi.
Nhìn thấy ông Trường cầm chiếc xô, chúng mới mạnh dạn tiến về phía máng ăn. Từng con lợn trắc nịch, lông lá bờm xờm xích lại gần phía chúng tôi. Ông Trường đổ thùng ngô nghiền vào chiếc máng cau su. Chỉ chờ có thế, đám lợn rừng tranh nhau vào ăn. Chỉ thoáng chốc, cả một thùng ngô đã “bay” sạch. Đám lợn thòm thèm liếm cái máng đã sạch trơn và đưa mắt nhìn ông chủ, với hy vọng chúng sẽ tiếp tục được đánh chén.
Đám lợn rừng lúc đầu còn đề phòng vì có người khách lạ, nhưng khi gặp ông Trường chúng mạnh dạn hơn. Chúng liên tục phát ra tiếng kêu đòi ăn. Ông Trường đi đến đâu là chúng theo đến đó. Ông Trường nhìn chúng với ánh mắt chan hòa, rồi nói: “Mỗi ngày 2 bữa là đủ rồi. Sáng mai chúng mày sẽ tiếp tục được ăn”.
Mỗi năm, một con lợn rừng cho ông Trường số tiền lãi từ 2-3 triệu đồng.
Hiện trong trang trại của ông Trường có 10 con lợn rừng nái và mấy chục con lợn con đã đạt trọng lượng 20kg. Theo ông Trường, nuôi đám lợn rừng này siêu nhàn. Ngày ông cho chúng ăn 2 bữa sáng và tối. Ăn xong, chúng tự lên rừng kiếm ăn. Đám lợn nái cũng vậy, đến ngày sinh sản, chúng lên rừng làm ổ. Khi con của chúng cứng cáp, chúng tự dẫn con về nhà.
Suốt chục năm nuôi lợn rừng, ông Trường chưa từng chứng kiến con nào bị mắc bệnh và chết vì dịch cả. Con nào cũng khỏe khoắn, ăn khỏe, chạy khỏe, vào rừng rú chơi cũng khỏe. Chúng hay ăn và chóng lớn. Một năm mỗi con có thể đạt trọng lượng trên dưới 40kg. Do được thả rông, nên thịt lợn rừng rất thơm ngon và bán được giá cao. Năm 2019, ông bán được cả mấy chục con lợn rừng, thu lãi trên trăm triệu đồng.
Sau khi ăn xong, đám lợn rừng lại lên núi lùng sục, chơi bời….
Từ khi nuôi lợn rừng đến giờ, chưa năm nào ông Trường có đủ lợn bán. Với giá bán lợn rừng thịt hiện tại là 130.000đ/kg, một con lợn rừng cho lãi vài triệu đồng 1 năm. Theo ông Trường, thức ăn cho lợn rừng là phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, ngô nghiền, cây chuối, rau rừng… Mỗi ngày 1 con lợn rừng ăn hết khoảng 4 lạng ngô, tương đương 3.000 đồng. Ngoài ra, ông Trường không phải mất thêm chi phí gì.
Trong năm tới, ông Trường đang có dự định sẽ gia tăng số lượng lợn rừng nuôi trong thung lũng. Bởi lẽ, thung lũng đá ở nơi thâm sơn cùng cốc này rộng cả mấy trăm ha, ông Trường có thể thả cả 1.000 con lợn rừng vẫn đủ chỗ cho chúng trú ẩn và kiếm ăn.
Theo Danviet
Mặc dịch tả lợn châu Phi, thứ lợn này ở Tam Đảo vẫn vô sự, đắt hàng
Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đã gây chết, tiêu hủy hàng trăm nghìn con lợn, khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp phải "điêu đứng".
Thế nhưng, với quy trình chăn thả tự nhiên, hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi lợn rừng trên địa bàn huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đứng vững, với giá bán ổn định và thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Khác với chăn nuôi công nghiệp, chăn thả tự nhiên là việc tập trung làm thỏa mãn các nhu cầu của vật nuôi, tận dụng thức ăn từ tự nhiên; phụ phẩm nông nghiệp, không buộc cố định hay nuôi nhốt mà thả hoang dã.
Đặc biệt, đối với lợn rừng là loài động vật rất thích nghi với chăn thả tự nhiên; ăn tạp (đến 80% khẩu phần ăn là rau, củ, quả, cỏ), còn 20% là thức ăn tinh như cám ngô, cám gạo; vì vậy sức đề kháng cao, ít dịch bệnh; thịt thơm, ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Nuôi lợn rừng theo hướng chăn thả tự nhiên, trung bình 1 năm, gia đình ông Trần Văn Trường, xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo) thu lãi vài trăm triệu đồng.
Cách trung tâm xã Đạo Trù khoảng 30 phút đi ô tô, rồi đi bộ, lội suối vài phút là tới trang trại chăn nuôi lợn rừng của gia đình ông Trần Văn Trường, xã Đạo Trù (Tam Đảo).
Vừa đưa ra một tín hiệu âm thanh quen thuộc, vừa vứt nắm rau chuối đã thái nhỏ để "rủ" đàn lợn rừng từ trên núi về, ông Trường kể: "Khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019, trong khi nhiều hộ chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp trên địa bàn lao đao vì ảnh hưởng của "cơn bão" giá lợn và dịch bệnh thì chúng tôi vẫn thu về 1 tỷ đồng tiền bán lợn rừng để đầu tư xây dựng khu kinh doanh dịch vụ trên mảnh đất của gia đình".
Mấy năm trước, lúc nào trong trại cũng duy trì khoảng 200 con lợn rừng; nhưng thời gian vừa qua, do trên địa bàn có dịch tả lợn châu Phi nên gia đình cũng hạn chế lợn sinh sản. Hiện nay, tổng số đầu lợn đang nuôi tại trang trại của gia đình ông Trường khoảng 100 con.
Để phòng tránh dịch bệnh, gia đình ông Trường thường xuyên phun khử trùng tiêu độc, hạn chế người lạ vào quanh khu vực nuôi và tiêm phòng các loại vacxin định kỳ. Thông thường, gia đình ông chỉ gọi lợn về và cho ăn 1- 2 bữa/ngày, gồm rau chuối, cám ngô và cám gạo trộn lẫn, còn thức ăn chủ yếu là cây, lá rừng nên thịt lợn rất thơm ngon.
Lợn chủ yếu là xuất bán cho khách hàng quen, tự tìm đến mua qua bạn bè giới thiệu. Trung bình 1 năm, gia đình ông Trường thu lãi vài trăm triệu đồng từ nuôi lợn rừng. Dự kiến năm 2020, gia đình ông sẽ nhân rộng số lợn tăng gấp đôi hiện nay nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Theo số liệu thống kê, đến nay, dịch Tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.125 hộ, ở 802 thôn thuộc 129 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 9 huyện, thành phố với tổng số lợn ốm, chết bị tiêu hủy lên tới hàng trăm nghìn con. Thế nhưng, cuối tháng 9/2019, đến thăm gia đình ông Nguyễn Đình Long, xã Vân Trục (Lập Thach), chúng tôi vẫn thấy đàn lợn rừng của gia đình đang "tung tăng" chạy nhảy trên đồi.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Long cho biết: "Thời gian qua, dù rất nhiều gia đình phải hủy lợn chăn nuôi theo hướng công nghiệp do ảnh hưởng của dịch Tả lợn châu Phi, nhưng gia đình tôi chăn nuôi lợn rừng chăn thả tự nhiên vẫn không bị ảnh hưởng gì. Năm 2008, được hỗ trợ 1 cặp lợn rừng để nuôi thử nghiệm kết hợp trồng cây thanh long ruột đỏ, tôi thấy rất phù hợp và hiệu quả vì nuôi thả tự do trên vùng đất đồi và ăn những quả, cành lá thừa từ cây thanh long.
Từ 1 cặp lợn rừng ban đầu, đến nay, gia đình tôi đã nhận rộng lên 50 lợn thịt, 20 lợn con và 7 lợn bố mẹ. Thông thường, lợn mới đẻ nuôi trong chuồng khoảng 10 kg sẽ bắt ra ngoài nuôi hoang dã. Do sớm phải thích nghi với môi trường tự nhiên, tự vận động đi kiếm ăn nên sức đề kháng của lợn rừng cao, hầu như không mắc dịch bệnh, khiến việc chăm sóc không mấy bận rộn, vốn đầu tư ít. Với phương pháp chăn thả tự nhiên, trong thời gian khoảng 1 năm (từ lúc nhỏ đến khi xuất bán), lợn rừng có trọng lượng từ 40-50 kg/con; trung bình 1 năm gia đình tôi thu lãi khoảng 200 triệu đồng".
Có thể thấy, chăn nuôi tự lợn rừng nhiên vẫn được xem là hướng đi đúng góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người dân. Tuy nhiên, không thể khẳng định chăn nuôi lợn rừng sẽ không mắc các dịch bệnh; quan trọng là với quy trình chăn thả tự nhiên, lợn rừng có sức đề kháng cao, khả năng chống chịu bệnh dịch tốt; nhưng vẫn phải kết hợp tiêm vacxin định kỳ, phòng chống bệnh tốt; có như vậy, khả năng mắc dịch bệnh thấp và với giá bán ổn định, lợn rừng sẽ đem lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.
Theo Hồng Tính (Báo Vĩnh Phúc)
Ô nhiễm môi trường từ lò đốt nung rác thải trái phép Thời gian gần đây, người dân xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và một số xã lân cận phải "gồng" mình gánh chịu mùi khói lạ, độc hại xuất hiện liên tục vào ban đêm gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và sức khỏe của người dân. Trước sự ảnh hưởng đó, người dân nơi đây mong muốn chính quyền...