Nuôi rắn hổ hèo trong… hộc tủ
Bước vào nhà anh Vũ, đập vào mắt tôi là những dãy tủ bằng gỗ có nhiều hộc nhỏ. Cứ tưởng đây là những tủ đựng thuốc nam hay thuốc bắc, hỏi ra mới biết, mỗi hộc tủ ấy là “nhà” của một con rắn hổ hèo…
Mỗi con rắn sinh sản đều có “nhà riêng”.
Có duyên với rắn
Người nuôi rắn hổ hèo (hay còn gọi là rắn gáo trâu) trong hộc tủ là anh La Minh Vũ- ở khu vực 1 (phường Hiệp Thành, TX.Ngã Bảy, Hậu Giang). Anh thực hiện mô hình này từ năm 2008. Ban đầu anh chỉ nuôi 40 con, sau 5 năm, hiện anh Vũ đang sở hữu 400 rắn bố mẹ và gần 1.000 rắn con. Mỗi năm, anh Vũ thu nhập khoảng 1 tỉ đồng từ nghề nuôi rắn hổ hèo.
Anh Vũ nhớ lại: “Trước đây tôi làm thợ mộc, cuộc sống khó khăn. Năm 2008, một lần lên TPHCM thăm người bạn thân, lúc ngồi lai rai, anh ấy khuyên tôi nên nuôi rắn hổ hèo, ít tốn công chăm sóc, giá bán lại rất cao. Tôi lưỡng lự vì không biết gì về kỹ thuật nuôi rắn và… rất sợ rắn! Song, để thử thời vận, tôi liền về quê mượn tiền mua 40 con rắn giống về nuôi.
Video đang HOT
Do lần đầu, chưa nắm rõ kỹ thuật nên rắn chậm lớn, cũng hơi nản. Nhưng “đã phóng lao phải theo lao”, tôi bắt đầu tìm tòi học hỏi kỹ thuật từ bạn bè. Lứa rắn thứ hai phát triển nhanh, bán được giá cao, tôi rất mừng”.
Dù rắn phát triển tốt, nhưng anh Vũ vẫn trăn trở: Làm thế nào để rắn không bị mất sức do tranh mồi với nhau? Là thợ mộc, anh liền nảy sinh ý tưởng thiết kế chuồng rắn thành từng hộc riêng lẻ, mỗi hộc đều có cửa và lỗ thông hơi, đổ đất vào rồi bỏ rắn giống vào nuôi.
Anh Vũ chia sẻ: “Rắn hổ hèo là loại rắn không độc nhưng rất hung dữ, nếu không hiểu đặc tính của nó thì người nuôi cũng bị cắn. Rắn hay mắc các bệnh tim, gan, phổi đặc biệt là bệnh đường ruột, nếu cho ăn quá nhiều rắn sẽ ngã ngang chết liền. Vì thế, khi thấy rắn bỏ ăn mình phải chữa liền và cần phải nắm rõ các kỹ thuật phòng và chữa bệnh cho rắn”. Thức ăn cho rắn phải là chuột, ếch, cóc, nhái còn sống, nhưng món yêu thích của rắn hổ hèo vẫn là ếch đồng. Rắn có thể phân biệt được ếch đồng và ếch nuôi công nghiệp.
Để có thức ăn thường xuyên cho rắn, anh Vũ phải mua của những người chuyên đi bắt cóc, nhái với giá từ 50.000 – 80.000 đồng/kg. Rắn hổ hèo có thị trường tiêu thụ lớn. Nhiều thương lái đến đặt mua tại nhà anh Vũ. Rắn do anh nuôi đã có mặt tại các tỉnh Tây Ninh, Long An và xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời điểm này, rắn thịt có giá 830.000 đồng/kg, có lúc giá bán lên đến 1,2 triệu/kg. Giá rắn hổ hèo ít dao động, dù giá thấp nhất người nuôi vẫn không bị lỗ.
Cùng nhau thoát nghèo
Khi đã nuôi một vài lứa, thấy “dễ ăn”, anh Vũ bắt đầu chia giống cho hàng chục thanh niên tại địa phương để cùng nhau thoát nghèo. Anh Dương Văn Tám – khu vực 5, phường Hiệp Thành – kể: “Cách đây một năm, khi ngồi càphê với mấy anh em đang nuôi rắn, anh Vũ đưa ra ý tưởng liên kết những người cùng nghề lại thành một hội để hỗ trợ lẫn nhau. Quan trọng nhất là tập hợp được tiếng nói của những người nuôi rắn hổ chuyên nghiệp để đưa tâm tư, nguyện vọng lên chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm. Thế là câu lạc bộ thanh niên nuôi rắn hổ ra đời”.
Hiện CLB có 11 thành viên, mỗi năm xuất bán được khoảng 10.000 trứng, trên 3 tấn rắn thịt và hàng ngàn con giống cho khách hàng ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thu bạc tỉ/năm.
Anh Tám hồ hởi: “Trước khi đến với nghề nuôi rắn hổ hèo, nhà tui nghèo lắm. Hằng ngày tui đi làm thợ hồ, thất nghiệp thì chạy xe ôm, trồng rau bán. Thấy vậy, anh Vũ gợi ý tui nuôi rắn, ảnh hỗ trợ con giống cho tui lứa đầu. Tui về bàn với vợ rồi mượn 20 triệu đồng để xây chuồng và mua 60 con rắn giống.
Do chưa có kinh nghiệm nên lứa đầu chết hết phân nửa, hai vợ chồng ôm nhau khóc vì hết vốn. Nhờ anh em trong CLB động viên, giúp đỡ, hiện tui đang sở hữu vài trăm hộc rắn bố mẹ, có thể tự ấp trứng và nở con”. Thực tế, nhờ nuôi rắn, nhiều thanh niên trong vùng đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Từ Nhuần Hiệp – Phó Trưởng phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy – cho biết: “Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, song rắn hổ hèo là loại động vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Vì vậy, việc nuôi, buôn bán còn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, phải có giấy phép của cơ quan chức năng. Nhờ CLB nuôi rắn hổ có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, mô hình nuôi rắn hổ hèo đã giúp một bộ phận người dân địa phương vươn lên thoát nghèo…”.
Theo laodong
Tổ chức lớp dạy nghề cho lao động trẻ nông thôn ngay tại địa phương
Những năm gần đây, tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện các chính sách đào tạo nghề đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hoạt động này góp phần nâng cao trình độ nhận thức, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Đây là chủ trương nhận được sự đồng tình của nhiều đối tượng...
Một buổi tư vấn học nghề cho học sinh ở Kiên Giang.
Lao động trẻ hưởng ứng
Em Lê Hữu Anh ngụ xã Bàn Thạch (huyện Giồng Riềng) do hoàn cảnh gia đình khó khăn phải nghỉ học khi lên lớp 10. Hai năm ở nhà giúp cha mẹ làm ruộng, do thiếu hiểu biết nghề nông, lại không không được trang bị kỹ thuật, công việc luôn khó khăn với em. Gia đình nhiều lần muốn cho Anh theo học nghề tại các cơ sở đào tạo, nhưng khi nghĩ đến chi phí nên cân nhắc mãi vẫn không cho con học được.
Đầu tháng 9.2012, xã Bàn Thạch phối hợp với Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh (TCNDTNT) mở lớp trung cấp BVTV (thời gian đào tạo 3 năm). Học tại xã vừa tiết kiệm được chi phí ăn ở, đi lại, lại vừa có thời gian phụ giúp việc nhà nên gia đình động viên Lê Hữu Anh theo học. Trong khoảng thời gian theo học trung cấp nghề, Anh còn được học thêm văn hóa tương ứng trình độ THPT. Anh cho biết, sau khi tốt nghiệp trung cấp BVTV, em còn có thêm bằng tốt nghiệp THPT. Đó là điều kiện để em xin vào làm việc tại các doanh nghiệp đồng thời cũng tự tin ứng dụng kiến thức đã học vào sản xuất trên đồng ruộng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Ngoài khóa đào tạo trung cấp BVTV, Trường TCNDTNT còn mở lớp các trung cấp xây dựng, chăn nuôi gia súc - gia cầm ngay tại địa phương. Nhờ đó, lao động trẻ tại xã có điều kiện học tập, trang bị cho mình nghề nghiệp để có cơ hội lập thân, lập nghiệp. Em Trần Ngọc Hân - ngụ xã Bàn Thạch - nói: "Vì gia đình khó khăn, không có điều kiện lên học cấp 3. Bây giờ được tham gia lớp học này rất thuận lợi vì học ban đêm, ban ngày tiếp được việc nhà".
Để nâng cao hiệu quả...
Hiệu trưởng Trường TCNDTNT Phạm Hoàng Minh cho biết: Trường là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở LĐTBXH, được xác định là đơn vị đào tạo nghề trọng điểm tại địa phương nhất là đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trường chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn dạy nghề gắn với dịch vụ giới thiệu việc làm, lý thuyết và thực hành... nhằm cung cấp kịp thời lao động qua đào tạo nghề, công nhân lành nghề cho các thành phần kinh tế và đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động. Trường có nhiều chương trình đào tạo: Cán bộ kỹ thuật có trình độ trung cấp nghề thuộc các ngành kinh tế - kỹ thuật, công nhân kỹ thuật liên kết đào tạo bậc cao đẳng - trung cấp - sơ cấp nghề... Hiện trang thiết bị thực hành của trường đáp ứng đào tạo cho hơn 1.000 học viên...
Lao động nông thôn Ở Kiên Giang chưa qua đào tạo nghề chiếm tỉ lệ khá cao, điều kiện đi học ở xa lại gặp nhiều khó khăn. Do đó, triển khai dạy nghề tại chỗ được xác định là giải pháp phù hợp. Cách làm này được các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh và người lao động đồng tình hưởng ứng.
Tuy nhiên, để chủ trương này mang lại hiệu quả cao, các trường và chính quyền địa phương cần xác định đối tượng thanh niên hiện nay có nhu cầu học những nghề nào, nhu cầu giải quyết việc làm sau khi đào tạo ra sao và khả năng ứng dụng thực tế của người học như thế nào... Nếu giải quyết tốt các vấn đề nêu trên, chắc chắn hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ mang lại những hiệu quả không nhỏ...
Theo laodong
Giải cứu thành công hai con khỉ quý hiếm Hai con khỉ đã được về chăm sóc ở Hạt Kiểm lâm Hương Trà và sẽ trả lại môi trường tự nhiên - Ảnh: Thái Sơn Ngày 22/11, Công an thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) phối hợp kiểm lâm phát hiện tại vườn nhà ông Cao Đình Thắng (thuộc tổ dân phố 1, phường Hương An) có một lồng sắt...