Nuôi ong lấy mật, dân Hoà An làm chơi chơi cũng có trăm triệu
Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương về địa hình, diện tích tự nhiên, thời gian qua nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Hoà An ( Cao Bằng) phát triển khá mạnh, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn. Theo người nuôi, nghề này không tốn nhiều công chăm sóc, nhưng thường xuyên có thu nhập.
Nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn huyện có từ lâu, nhưng chủ yếu tự phát ở các hộ gia đình nên còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của gia đình.
Vài năm trở lại đây, nhận thấy nghề nuôi ong lấy mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít chịu rủi ro, thất thoát vốn nên nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô, tận dụng lợi thế đất sẵn có và tăng thêm số lượng đàn, đưa nghề nuôi ong mật trở thành một hướng đi tiềm năng để cải thiện đời sống.
Hiện nay, toàn huyện có trên 40 hộ nuôi ong lấy mật với tổng số trên 800 đàn, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 xã Hoàng Tung, Hồng Việt. Hoàng Tung là địa phương dẫn đầu toàn huyện về nghề nuôi ong lấy mật. Thực tế, mô hình này đã khẳng định được vai trò, vị trí trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân trên địa bàn.
Ông Ngô Phan Tuyến, xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung với mô hình nuôi ong lấy mật.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Tung Lý Văn Thư cho biết: Hiện nay, toàn xã có 35 hộ nuôi ong lấy mật với trên 600 đàn ong; hộ nhiều nhất nuôi 70 đàn, hộ ít nhất nuôi 5 đàn.
Nuôi ong không mất nhiều công chăm sóc, chủ yếu phải nắm bắt được đặc tính sinh trưởng và phát triển của đàn ong để tránh cho ong khỏi mắc một số bệnh thông thường như bệnh thối ấu trùng, ấu trùng túi… Nhờ mạnh dạn đầu tư và áp dụng đúng quy trình nuôi ong lấy mật, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Với giá thị trường dao động từ 180 – 200 nghìn đồng/lít mật ong, mỗi năm, các hộ gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng.
Ông Ngô Phan Tuyến, xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung, là một trong những hộ nuôi ong hiệu quả, có mức thu nhập khá. Năm 1995, ông bắt đầu nuôi ong lấy mật, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông chưa mạnh dạn đầu tư mà chỉ nuôi thí điểm 3 đàn ong mật. Sau đó, ông tự nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi ong ở địa phương cũng như một số tỉnh lân cận và áp dụng khoa học kỹ thuật, đúc rút được nhiều kinh nghiệm từ thực tế, đàn ong của ông phát triển theo từng năm.
Video đang HOT
Đến nay, gia đình ông có 70 đàn ong lấy mật. Trung bình mỗi năm, gia đình thu gần 600 – 800 lít mật ong, thu nhập bình quân hơn 150 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ bán mật ong, gia đình ông Tuyến cũng có một nguồn thu đáng kể từ việc bán ong giống. Việc phát triển mô hình nuôi ong lấy mật giúp gia đình ông từng bước vươn lên trở thành hộ khá, điển hình trong phong trào nuôi ong của xã.
Ông Tuyến chia sẻ: Nghề nuôi ong lấy mật không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của chúng như xây tổ, chia đàn, có sự hiểu biết sâu về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật, đối với mùa lạnh khan phấn sẽ phải xử lý làm sao để ong không bay mất mới có thể đạt được thành công trong nghề.
Để hỗ trợ người nông dân có thêm kiến thức trong quá trình nuôi ong lấy mật, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ong Việt Nam tổ chức tập huấn quy trình nuôi ong lấy mật cho nhân dân 2 xã Hồng Việt, Hoàng Tung.
Qua lớp tập huấn, người dân có thể hiểu rõ hơn đặc tính của các loài ong mật ở nước ta, lợi ích của việc nuôi ong, một số đặc điểm sinh học ong mật, các dụng cụ nuôi ong, cách bắt ong tự nhiên về nuôi, trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết về kỹ thuật nuôi ong lấy mật trong thùng hiện đại, cách tiếp cận đàn ong, kỹ thuật tạo chúa và chia đàn ong, cây nguồn mật, phấn nuôi ong, vai trò của cây mật, phấn đối với nghề nuôi ong, thu hoạch mật, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ…, từ đó vận dụng vào thực tiễn phát triển đàn ong của gia đình, góp phần tạo ra sản phẩm có giá trị, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Những kết quả bước đầu từ nghề nuôi ong lấy mật đã mở ra một hướng đi quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi ong lấy mật đa số là phát triển tự phát, nhỏ lẻ.
Các sản phẩm từ ong có chất lượng tốt nhưng chưa được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng. Vì vậy, để duy trì, phát triển nghề nuôi ong lấy mật cần có sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chuyên môn về quy mô đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, giúp người dân phát triển kinh tế.
Theo Hà Thu (Báo Cao Bằng)
Vượt 500km đưa ong đi tìm mật hoa, "hái" được hàng trăm triệu
Nghề nuôi ong du mục có thể đem lại cho mỗi chủ nuôi hàng trăm triệu đồng mỗi năm và rất dễ thu hồi vốn ban đầu. Thế nhưng, nghề này cũng nhiều rủi ro, và người nuôi ong phải xa nhà, xa gia đình hàng tháng trời để đưa ong rong ruổi theo những mùa hoa lấy mật.
Lãi nhiều, rủi ro lớn
Hàng năm, khi mùa khô ở Tây Nguyên đến, các vùng chuyên canh cà phê, cao su... bắt đầu ra hoa, cũng là thời điểm nơi đây đón nhận "mùa ong di cư" lớn nhất trong năm. Theo đó, những chủ nuôi ong từ khắp nơi, ở nhiều tỉnh, thành Bắc - Trung - Nam quy tụ đưa đàn ong về đây lấy mật. Chính sự di cư, đưa ong rong ruổi theo những mùa hoa nên nghề này được ví von là "nghề nuôi ong du mục".
Anh Trần Đình Truyền quê ở Quảng Trị đưa đàn ong vượt hơn 500km vào Gia Lai tìm nguồn mật. Ảnh: L.K
Theo các chủ nuôi ong, đây là nghề dễ hái ra tiền, nhưng cũng có lúc ăn phải "mật đắng" và họ thường truyền tai nhau rằng: "Ở đâu hoa nhiều thì ở đó sẽ có nhiều tiền".
Tại Gia Lai, có 2 mùa cà phê và cao su ra hoa nối liền nhau suốt 6 tháng mùa khô nên được nhiều chủ ong lựa chọn điểm đến trong mùa "di cư". Thời điểm này, đi qua các vườn cao su, sẽ dễ dàng nghe thấy tiếng ong bay vo ve, thấy những dãy thùng ong được đặt ngăn nắp dưới những hàng cây cao su kéo dài hun hút.
Nói về việc chăn nuôi ong, anh Trần Đình Truyền ở xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, hiện đặt hơn 400 thùng ong tại xã Ia Dớk, huyện Đức Cơ (Gia Lai) cho biết, mỗi năm anh có 2 đợt di cư từ Quảng Trị vào Gia Lai và ngược lại. Từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch, anh đưa ong vào ở Gia Lai đón mùa hoa cà phê và cao su nở rộ, khi mùa mưa đến, sẽ quay về quê đón tiếp mùa hoa keo, tràm.
"Ban đầu tôi học nuôi ong vì thích, nhưng sau thấy nghề này lợi nhuận cao, dễ thu hồi vốn nên theo luôn. So với trồng lúa, nuôi ong thu nhập cao gấp 5-10 lần và có thu quanh năm nhờ đưa ong di cư. Tính bình quân, nếu nuôi 300 thùng ong thì sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể lãi 150 - 200 triệu đồng/năm, nếu được mùa hoa và giá mật cao thì thậm chí có thể lãi đến 400 triệu đồng. Lợi nhuận cao hay thấp thì phụ thuộc rất lớn nguồn mật và giá cả thị trường" - anh Truyền chia sẻ.
Theo anh Truyền, nghề nuôi ong cho lãi cao, nhưng rủi ro cũng rất lớn. Thực tế, con ong rất nhạy cảm với thuốc bảo vệ thực vật, nếu không may đi hút mật trúng thời điểm người ta phun thuốc thì nguy cơ rất cao. Nếu không phát hiện sớm và di chuyển ong đi vùng khác thì khả năng ong bị diệt đàn, nhẹ thì lỗ vốn, nặng thì phá sản.
Bởi, chi phí đầu tư 1 thùng ong thấp nhất cũng 300.000 đồng, hoàn thiện thì mất cả triệu đồng, riêng tiền mua 1 con ong chúa không dưới 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, các bệnh thối ấu trùng, đau bụng trên ong cũng khiến không ít chủ ong mất ngủ vì lo.
So với mật ong rừng có giá 500.000 - 600.000 đồng/lít, mật ong nuôi có giá thấp hơn nhưng bù lại các chủ ong thu được sản lượng mật lớn. Hiện, với giá bán mỗi lít mật ong hoa cà phê 80.000 - 90.000 đồng, và gần 40.000 đồng/lít mật ong cao su, thì các chủ ong vẫn có lãi lớn. Anh Truyền cho biết, với thời tiết Tây Nguyên nắng đẹp và nhiều hoa như hiện nay, hi vọng hơn 400 thùng ong của anh sẽ có lãi to. Chờ mùa mưa đến, anh lại chuẩn bị cho hành trình di cư mới.
Tâm tư nghề du mục
Chia sẻ về nghề, anh Truyền cho hay: "Công việc nuôi ong hàng ngày cũng rất đơn giản, gồm: Kiểm tra đàn ong xem có dấu hiệu bất thường hay bệnh tật phát sinh để có hướng xử lý, cho ong ăn và quay lấy mật. Nói thì nghe có vẻ đơn giản, nhưng lúc làm việc phải tỉ mỉ, cẩn thận, nếu lơ là sẽ dẫn đến thất bại chỉ trong gang tấc.
Chuyện bị ong đốt là thường ngày, lâu dần thành quen. Học nghề này nhanh thì 2 - 3 tháng, chậm thì 1 năm có thể làm được, nhưng có người theo học 2 năm trời cũng làm không xong. Tôi trước đây đi theo người quen 2 tháng là học lỏm được nghề, rồi làm luôn".
Ông Hà Văn Năm nhà ở Đăk Lăk có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi ong, mỗi năm ông phải đưa ong di cư 2 - 3 lần và thường xa vợ con. L.K
Theo anh Truyền, làm ra được giọt mật ngọt ngào cũng lắm truân chuyên. Hàng năm, phải đi theo từng mùa hoa, con ong có ăn no thì người nuôi mới thu nhiều mật. Trước mỗi chuyến "di cư", chủ ong phải mất cả tuần đi khảo sát các địa phương có nguồn mật dồi dào mới chuyển đàn ong đến. Đưa cả đàn ong di cư cũng rắc rối vì phải xin địa điểm, tốn phí vận chuyển và tốn không ít "phí ngầm" của từng địa phương.
"Nghề này có nhiều chuyện phải lo lắm, ngoài các chi phí lặt vặt, có nơi còn bị đám côn đồ trấn lột đòi bảo kê, có khi bị trộm cắp. Trong lúc nuôi ong thì lại lo bệnh dịch, đến khi làm ra được giọt mật thì lo sợ mất giá. Sợ nhất là sản phẩm có chất kháng sinh hoặc lượng đường trong mật cao khiến công ty không thu mua, nếu bán thì phải chịu ép giá. Nói chung, nghề này không ngại khó, ngại khổ, chỉ ngại xa gia đình" - anh Truyền nói.
Ông Hà Văn Năm (43 tuổi, chủ ong nhà ở TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) cho hay: "Đến nay tôi đã có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật, trung bình mỗi năm phải di chuyển các tỉnh khác 2 - 3 lần. Do đặc trưng của nghề phải theo những mùa hoa nên đành chấp nhận xa nhà, bây giờ xe cộ cũng tiện lợi nên cũng dễ dàng về thăm nhà hơn. Mình đi xa vất vả nhưng chỉ tội cho vợ, con gánh vác mọi chuyện ở nhà thôi. Ở đây, hàng ngày lấy công việc làm niềm vui, coi ong như bạn cho đỡ nhớ nhà".
Theo Danviet
Liên tiếp tai nạn tại mỏ đá: Xe ben rơi xuống vực, đá vùi lấp máy xúc, 3 người tử vong Trong ngày 10/3, liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn khiến 3 công nhân làm trong mỏ đá tử vong tại Cao Bằng và Kiên Giang. Hiện trường vụ tai nạn tại Cao Bằng (trái) và Kiên Giang (phải) Tối 10/3, thông tin từ UBND xã Dân Chủ (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra...