Nuôi lươn ở chuồng heo cũ, bán 190 ngàn/ký, 12m2 lời 50 triệu
Dù chỉ mới bắt đầu thực hiện nhưng ông Trần Văn Chiến ở ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú (TX Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đang rất thành công với mô hình nuôi lươn không bùn trong hồ xi măng. Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi chi phí đầu tư thấp, lươn dễ chăm sóc mà lại cho lợi nhuận cao.
Năm 2019, sau khi tham gia lớp tập huấn FFS về kỹ thuật nuôi lươn do Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) tổ chức, ông Chiến đã bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn.
Tận dụng diện tích chuồng heo cũ của gia đình, ông đã cải tạo thành 3 hồ nuôi lươn, mỗi hồ có diện tích khoảng 4m2, bên trong đặt giá thể bằng dây lưới để làm chỗ cho lươn bám. Với tổng diện tích hơn 12m2 của 3 hồ, ông tiến hành thả nuôi khoảng 2.000 con lươn giống.
Mô hình nuôi lươn của ông Trần Văn Chiến – ấp Tân Trị 2, xã Tân Phú, TX Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Sau 9 tháng chăm sóc lươn không bùn đến nay đã thu hoạch lứa đầu tiên, trọng lượng bình quân của lươn đạt từ 200-300g/con, thương lái đến tận nhà thu mua với giá lươn là 190.000 đồng/kg. Tính ra sau mỗi lứa nuôi lươn không bùn, gia đình ông thu được trên 50 triệu đồng.
Theo ông Chiến, nuôi lươn không bùn tiết kiệm nhiều chi phí, dễ quản lý và chăm sóc. Tuy nhiên, để việc nuôi lươn mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt chất lượng tốt, người nuôi cần phải lựa chọn con lươn giống khỏe mạnh, không mang mầm bệnh, đồng đều về kích thước, đồng thời phải vệ sinh hồ nuôi lươn thật kỹ trước khi thả lươn vào nuôi.
Video đang HOT
Trong quá trình nuôi lươn không bùn phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để có biện pháp cho ăn, chăm sóc, khi cho lươn ăn phải định kỳ bổ sung thêm men tiêu hóa để phòng bệnh về tiêu hóa và nâng cao sức đề kháng cho lươn. Nhất là người nuôi phải thường xuyên thay nước, vệ sinh hồ nuôi lươn và duy trì mực nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của lươn.
Ngoài việc nuôi lươn thương phẩm, ông Chiến còn tìm tòi học hỏi để ương lươn giống, tạo nguồn giống cho việc nuôi thương phẩm nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất. Với những hiệu quả bước đầu mang lại, ông dự tính sẽ tiếp tục nhân rộng thêm 7 hồ xi măng để nuôi lươn không bùn, mỗi hồ thả nuôi khoảng 1.000 con lươn giống.
Không riêng gia đình ông Chiến, mà hiện nay nhiều nông dân trên địa bàn xã Tân Phú (TX Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cũng đã chọn mô hình nuôi lươn không bùn trong hồ xi măng để phát triển kinh tế gia đình bởi hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với hộ không có đất sản xuất.
“Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi lươn không bùn, tạo điều kiện để nông nhân phát triển mô hình nuôi lươn không bùn hiệu quả và bền vững hơn.”, ông Phạm Văn Tám, Chủ tịch Hội Nông Dân xã Tân Phú cho biết.
Có thể thấy, thành công từ mô hình nuôi lươn không bùn của ông Trần Văn Chiến đã mở ra hướng đi mới góp phần đa dạng hóa đối tượng sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng để giúp người dân cải thiện kinh tế hộ gia đình, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.
Bùi Út Mười
Thả lươn vào bể xi măng, cho ăn trùn quế và cám gạo, bán đắt hàng
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật và quy trình nuôi lươn trong bể xi măng, HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Đức Vinh (gọi tắt HTX Đức Vinh) ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thực hiện thành công mô hình sản xuất lươn giống và lươn thương phẩm. Nhiều hộ thành viên của HTX đã có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu từ mô hình này.
Ông Phạm Văn Thức, Giám đốc HTX Đức Vinh cho biết, đơn vị được thành lập năm 2014, với 4-5 thành viên tham gia nuôi lươn giống. Lúc đầu, do nguồn giống không ổn định, giá cả đầu ra bấp bênh, mô hình nuôi lươn trong bể xi măng chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả chưa cao.
Sau đó, các thành viên trong HTX đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật, tích cực tham gia các lớp tập huấn về sản xuất giống lươn đồng để truyền đạt kinh nghiệm cho nhau.
Qua mấy năm nghiên cứu, các thành viên HTX Đức Vinh đã cải tiến kỹ thuật nuôi bằng việc cho lươn ăn trùn chỉ, trùn quế và cám gạo. Từ nguồn thức ăn sạch, lươn ít bị bệnh. Nhờ đó, năng suất tăng lên gấp 2 - 3 lần so với trước đây.
Anh Nguyễn Thanh Tùng (ấp Tân Hiệp, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ), thành viên HTX Đức Vinh cho biết, năm 2017, anh Tùng tham gia HTX Đức Vinh. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, anh Tùng đã đầu tư hàng chục bể xi măng nuôi lươn giống và lươn thành phẩm. Năm 2018, trừ các chi phí nuôi lươn, anh Tùng thu lãi gần 500 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Thức cho biết, bể nuôi lươn được xây bằng gạch, đá, xi măng và lát nền bằng gạch men. Những vật liệu này đều an toàn, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của lươn giống, không có tác động ảnh hưởng đến chất lượng thịt của lươn thương phẩm.
Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng phải có mái che để tránh sự biến đổi thất thường của thời tiết, khu vực nuôi lươn phải yên tĩnh, không có sự tác động lớn ở bên ngoài khiến lươn bị "sốc"; lươn giống sau khi được thả nuôi trong khoảng 1 năm sẽ bắt đầu quá trình sinh sản tự nhiên, lúc này thu con giống tách lấy trứng, mang vào bể riêng để ấp.
Lươn con mới nở được nuôi trong bể với mật độ 10 ngàn con/m2. Khoảng 1,5 tháng tuổi, giãn mật độ xuống còn 5 ngàn con/m2, thức ăn chủ yếu là trùn chỉ. Sau thời gian 3 tháng, tiếp tục giảm mật độ xuống còn 1 ngàn con/m2.
Khi lươn giống nuôi đủ 90 ngày, trọng lượng khoảng 500 con/kg, có thể xuất bán với giá hơn 6 ngàn đồng/con. Về nuôi lươn thương phẩm, sau 10 tháng chăm sóc, lươn đạt trọng lượng 200gam/con là có thể xuất bán cho các chợ, các nhà hàng, quán ăn.
Theo ông Thức, so với việc nuôi lươn ở ngoài đồng, việc nuôi lươn trong bể xi măng tại nhà dễ dàng phân chia các loại lươn bột, lươn hương, lươn giống, lươn thương phẩm; thuận tiện trong việc quan sát, chăm sóc, theo dõi số lượng và kịp thời phát hiện dịch bệnh do lươn không chui rúc trong bùn như mô hình cũ; rút ngắn thời gian chăm sóc, tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, cho năng suất ổn định.
"Trước đây, những người nuôi lươn thường sử dụng cá tạp, cá xay, thức ăn thừa xay nhuyễn để cho lươn ăn, nên dễ gây ô nhiễm nguồn nước khiến lươn bị bệnh, phải sử dụng kháng sinh chữa trị, vừa tốn kém, vừa không bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Nay cho lươn giống ăn trùn chỉ, lươn thịt ăn trùn quế và cám gạo, bảo đảm lươn sinh trưởng khỏe mạnh, thịt lươn thơm ngon có giá trị thương phẩm cao", ông Thức cho hay.
Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng của HTX Đức Vinh mang lại hiệu quả cao, đã thu hút thêm thành viên tham gia, hiện đã lên đến 14 thành viên, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm/thành viên. Được biết, thời gian tới HTX Đức Vinh sẽ đầu tư nuôi bò lấy phân để nuôi trùn quế, bảo đảm nguồn thức ăn ổn định cho lươn nuôi, tăng hiệu quả sản xuất.
Theo Danviet
Đồng Nai: Nuôi 50.000 con lươn ở chuồng heo cũ, trai trẻ kiếm bộn tiền Thời gian qua, người chăn nuôi heo liên tiếp gặp khó khi giá cả bấp bênh, cùng với dịch bệnh liên tiếp xuất hiện. Trước thực trạng đó, một số hộ chăn nuôi heo tại xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) đã mạnh dạn chuyển đổi qua nhiều loại vật nuôi khác, trong đó có nuôi lươn không bùn. Đồng...