Nuôi lợn, gia cầm bền vững: Lập “hàng rào” an toàn sinh học
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tổng đàn lợn cả nước đã giảm khoảng 18,5%, trong đó riêng đàn nái giảm khoảng 20% (tương đương 3,2 triệu con).
Để bù đắp sản lượng thịt lợn thiếu hụt, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi, chú trọng đẩy mạnh đàn gia cầm, đại gia súc…
Đó là nội dung được chia sẻ tại hội nghị phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học (ATSH) và nuôi gia cầm bảo đảm tính bền vững các tỉnh phía Nam, do Bộ NNPTNT phối hợp tỉnh Bến Tre tổ chức cuối tuần qua.
Chăn nuôi thiệt hại lớn
Theo ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ tháng 2/2019, DTLCP xảy ra tại Việt Nam và đến nay vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và ngành nông nghiệp. Cụ thể, tính đến ngày 3/9/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra ở hơn 7.000 xã thuộc hơn 600 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn chết và phải tiêu hủy gần 4,7 triệu con, tổng trọng lượng là 270.000 tấn (chiếm 7% tổng trọng lượng thịt lợn của cả nước).
Thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi lợn và khu vực xung quanh. Ảnh: khuyennongvn
Theo nhận định của Cục Thú y, hiện số xã và số lợn buộc phải tiêu hủy theo ngày hoặc theo tháng có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, do chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh; virus DTLCP tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát, trong khi chăn nuôi ở nước ta vẫn chủ yếu quy mô hộ gia đình, mật độ cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học…, khiến nguy cơ DTLCP tiếp tục phát sinh và lây lan theo 3 hướng: Lây lan nhanh đến các địa bàn chưa có dịch, tái phát tại các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày, xâm nhiễm vào các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
Theo ông Phạm Văn Đông, giải pháp hạn chế dịch bệnh trên lợn nói chung và bệnh DTLCP nói riêng là áp dụng biện pháp chăn nuôi ATSH. “Đây là “vũ khí” số một để phòng chống dịch bệnh, đồng thời người chăn nuôi có thể kết hợp sử dụng các chế phẩm ATSH nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi” – ông Đông nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thời gian tới Cục sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm bền vững, như xác định rõ đặc trưng, lợi thế của từng vùng đối với chăn nuôi lợn để điều chỉnh, tập trung nguồn lực cho sản xuất; từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thịt lợn.
“Vũ khí” phòng chống dịch bệnh
Chia sẻ tại hội nghị, ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, trên địa bàn tỉnh, bệnh lở mồm long móng vừa được khống chế thì lại bị DTLCP tấn công. Đến nay đã có 43 xã thuộc 8 huyện, thành phố (trừ huyện Bình Đại) có dịch, thiệt hại khoảng 10.500 con lợn. Mới đây, lại xuất hiện 1 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 trên đàn gà, phải tiêu hủy hơn 1.000 con.
Video đang HOT
“Nếu thực hiện triệt để chăn nuôi ATSH thì bà con có thể khống chế, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh. Chúng tôi mong muốn từ hội nghị này, sẽ tìm ra những giải pháp áp dụng hiệu quả mô hình chăn nuôi ATSH, giúp người chăn nuôi yên tâm bám nghề và có thể làm giàu” – ông Trọng nói.
TS Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết thêm, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi ATSH trên khắp cả nước, qua đó giúp nâng cao nhận thức người chăn nuôi trong việc sử dụng các chế phẩm sinh học phòng chống dịch bệnh. Tới đây trung tâm sẽ tập trung truyền truyền, xây dựng bộ tài liệu hoàn chỉnh, tập huấn về ATSH trong chăn nuôi lợn, gia cầm cho nông dân.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chăn nuôi ATSH đã được chú trọng nhiều năm qua. Trong bối cảnh DTLCP như hiện nay, càng cho thấy ATSH là giải pháp vô cùng quan trọng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, bảo đảm sản phẩm chăn nuôi an toàn. Thực tế đã có nhiều mô hình, cơ sở chăn nuôi, trang trại áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi ATSH và hiệu quả đã được khẳng định.
Do vậy, theo ông Tiến, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi quy mô trang trại, công nghiệp, chăn nuôi ATSH, ưu tiên theo hướng hữu cơ, gắn với sản xuất theo chuỗi sản phẩm; đặc biệt chú trọng đến khâu giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền các địa phương tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã, ngành hàng…
Theo Danviet
Sử dụng chế phẩm sinh học: Giải pháp kiềm chế dịch tả lợn châu Phi
Trong khi việc nghiên cứu vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang được triển khai, trước mắt Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, hỗ trợ và hướng dẫn người chăn nuôi trên toàn quốc sử dụng chế phẩm sinh học, các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Giải pháp tốt kiềm chế dịch bệnh
Nằm giữa "tâm bão" DTLCP nhưng đến nay, mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Lưu Đình Độ ở thôn Ninh Phúc, xã Hùng An, huyện Kim Động (Hưng Yên) không chỉ an toàn mà sản phẩm thịt lợn của ông vẫn xuất bán ra Thủ đô đều đặn với giá cao.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi được ủ theo phương pháp mới ở Hưng Yên. Ảnh: Trần Quang
Chia sẻ bí quyết chăn nuôi đặc biệt của mình, ông Độ cho hay: So về cơ sở hạ tầng chăn nuôi thì trại của tôi không có gì mới mẻ, thậm chí còn thua kém các trại, trang trại khác ở trong và ngoài tỉnh, nhưng điều khác biệt làm tăng giá trị cho đàn lợn nuôi ở trại của gia đình là thức ăn được làm theo công nghệ của Nhật Bản - cám vi sinh tự sản xuất mang tên Fukoku.
Cụ thể, gia đình ông Độ bắt đầu áp dụng mô hình chăn nuôi sinh học từ năm 2017 để chăm sóc 200 lợn thịt. Theo đó, trang trại đã sử dụng chế phẩm vi sinh probioitc có tên thương mại là "Fodder Yeast" do Công ty SPG Fukoku của Nhật Bản sản xuất, có thành phần chính là nấm men hoạt tính Saccharomyces Cerevisiae 1 x 107 CFU/g. Liều dùng 2 kg/tấn thức ăn.
"Nguyên liệu chế biến cám Fukoku từ bắp, đậu nành, bột lúa mạch, gạo tấm, cá cơm khô được xay nhỏ và ủ lâu vài chục ngày bằng men vi sinh nhập từ Nhật, hoàn toàn không có các loại kháng sinh, thuốc tăng trọng. Nhờ vậy, loại cám này có nhiều vi sinh vật giúp lợn tiêu hóa tốt, mau lớn, chất lượng thịt sạch, thơm ngon" - ông Độ lý giải.
Theo ông Độ, mỗi ngày cho lợn ăn bao nhiêu đều phải đong đếm kỹ, ghi chép đầy đủ; thức ăn luôn được đậy kín, không cho bay hơi hoặc côn trùng xâm nhập. Ngoài ra, còn theo dõi từng con lợn ăn ít hay ăn nhiều để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.
Theo ông Độ, thời gian nuôi trung bình một lứa lợn theo mô hình này từ 30kg đến lúc đạt khoảng 150kg là 4,5 tháng; tỷ lệ móc hàm đạt 82 - 87%. Thịt lợn nuôi bằng thức ăn lên men mềm, ngon, ít nước (trung bình 5 - 7% nước trong thịt so với 17 - 25% khi nuôi bằng thức ăn không lên men).
Hiện trại lợn của ông Lưu Đình Độ ở Hưng Yên vẫn an toàn giữa "bão" dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Trần Quang
Ông Độ cũng thông tin thêm, hiện tại trại lợn của ông cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội, song số lượng cũng rất hạn chế. "Dù giá thị trường lên có xuống thấp nhưng chúng tôi luôn bán lợn với giá 45.000 đồng/kg hơi và đều bán rất chạy hàng" - ông Độ nói.
Tại Hà Nội, HTX Hoàng Long ở thôn Chi Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, đang nuôi 5.000 con lợn và sử dụng đồng thời cả 3 chế phẩm sinh học bổ sung vào thức ăn. Kết quả, lợn khỏe mạnh, chất lượng thịt tốt được các cơ sở giết mổ và các bếp ăn tập thể lớn đặt mua; tỷ lệ móc hàm đạt trên 80% (khối lượng xuất chuồng trung bình khoảng 120kg/con). Đến thời điểm hiện tại, một số trại chăn nuôi trong xã đã bị nhiễm dịch, nhưng trại của hợp tác xã vẫn an toàn.
Hiện tại, toàn bộ diện tích trang trại của ông Nguyễn Trọng Long khoảng hơn 5ha, trong đó có 2ha là diện tích chuồng trại và 3ha là hệ thống ao, hồ, bể xử lý môi trường.
"Việc xử lý môi trường phải được quan tâm hàng đầu nên ngày từ khi đầu tư vào chăn nuôi lợn, chúng tôi đã thiết kế hệ thống rất hiện đại, trị giá hàng tỷ đồng để xử lý triệt để phân thải, nguồn nước, thức ăn... Nhờ thế mà đến nay chúng tôi đã được địa phương, cơ quan liên quan cho phép xả nước thải ra ngoài môi trường. Đây là điều mơ ước của nhiều trang trại ở Việt Nam hiện nay" - ông Long khoe.
Ông Long cho hay, mặc dù trang trại của doanh nghiệp gần hai khu giết mổ rất lớn của Hà Nội là Thanh Trì và Thanh Oai, nhưng rất mừng là đến nay hàng nghìn con lợn của HTX Hoàng Long vẫn an toàn.
Cần nhân rộng hơn
Sau khi đến khảo sát và đánh giá hiệu quả của mô hình chăn nuôi sinh học, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: Thực tế cho thấy chăn nuôi lợn an toàn không phải cứ nhà kính hiện đại, cơ sở hạ tầng cầu kỳ mới tránh được dịch bệnh, mà chỉ cần có giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học như hộ của ông Độ là thành công.
Theo ông Dương, thời gian qua, kết quả thử nghiệm sử dụng các chế phẩm vi sinh trộn vào thức ăn chăn nuôi cho thấy, đàn lợn phát triển khoẻ mạnh và nếu kết hợp với biện pháp an toàn sinh học, người chăn nuôi có thể hạn chế được bệnh DTLCP hiện nay.
"Bản chất của các chế phẩm này là các vi sinh vật có lợi (probiotic), các enzyme tiêu hóa để cải thiện sức khỏe, tăng khả năng chuyển hóa thức ăn và sinh trưởng của vật nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Probiotic là các vi sinh vật sống, chủ yếu thuộc 3 nhóm: Vi khuẩn Lactic, bào tử Bacillus và nấm men Sacharomyces, được phân lập từ môi trường hoặc từ đường ruột của người và động vật, khi bổ sung cho vật nuôi sẽ có ảnh hưởng tích cực cho vật chủ" - ông Dương khẳng định.
Cũng theo ông Dương, việc sử dụng các chế phẩm vi sinh để ủ thức ăn chăn nuôi đã được áp dụng từ lâu, thời gần đây xuất hiện trên thị trường một số chế phẩm nhập khẩu có hoạt lực cao được các nông hộ và HTX chăn nuôi ứng dụng rất thành công trong sản xuất với mục đích cải thiện hiệu quả chăn nuôi và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sẽ nhân rộng ra toàn quốc
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho hay: Hiện nay, Bộ đã tổng kết và thấy rằng việc sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn đạt kết quả tương đối tốt.
Ngày 11/7 tới, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để phổ biến, đồng thời bộ cũng sẽ phối hợp với các tỉnh tổ chức thêm 3 hội nghị ở 3 miền Bắc - Trung - Nam để nhân rộng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn, đảm bảo kiềm chế được DTLCP.
Theo đó, 2 loại chế phẩm của các đơn vị gồm chế phẩm sinh học của Công ty CP Fukoku Hà Long (Hưng Yên) và Tập đoàn Quế Lâm (Thừa Thiên - Huế) sẽ được sử dụng để triển khai nhân rộng cho bà con cả nước sử dụng.
Về chính sách hỗ trợ, ông Tiến cho biết, trước mắt về mặt sản xuất, Bộ NNPTNT sẽ khuyến cáo cho các địa phương nhân rộng, tiếp đó bộ sẽ có nghiên cứu, đánh giá tác động, hiệu quả của chế phẩm để tìm ra quy trình sử dụng chuẩn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của lợn.
"Sắp tới Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với hệ thống khuyến nông cả nước biên soạn giáo trình chăn nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn và tập huấn để giúp bà con sớm tiếp cận, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả hơn" - ông Tiến nhấn mạnh.
Hải Đăng
Theo Danviet
Tăng tốc đưa yến sào, trái cây, sữa,... vào thị trường Trung Quốc Đó là thông tin Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra tại hội nghị công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), chế biến và phát triển nông lâm thủy sản do Bộ NNPTNT tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 10/7. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết,...