Nuôi loài ốc đặc sản tối ngày rong chơi ở ao bèo, thành triệu phú
Anh Nguyễn Hoàng Khương, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ nhờ nuôi bạt ngàn loài ốc bươu đen đặc sản trong ao bèo mà thành triệu phú. Nuôi ốc bươu đen (hay còn gọi là ốc nhồi) là một trong những nghề giúp nông dân miền Tây làm giàu.
Những năm trở lại đây, ốc bươu đen trở thành đặc sản và ngày càng khan hiếm ngoài môi trường tự nhiên. Việc nuôi ốc bươu đen đã trở thành mô hình nuôi thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người nuôi có nguồn lãi lớn và ổn định.
Ốc bươu đen anh Nguyễn Hoàng Khương chuẩn bị xuất bán giống.
Ở miền Tây xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất ốc bươu giống chất lượng cao phục vụ cho người nuôi, trong số đó phải kể đến cơ sở “Mười Khương”. Chủ nhân trại nuôi ốc bươu đen là chàng trai trẻ 33 tuổi Nguyễn Hoàng Khương, hiện ngụ tại phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.
Rời quân ngũ năm 2010, anh Khương đã nuôi nhiều loại thủy sản và trồng nhiều loại rau màu nhưng không thành công như mong muốn. Trong một lần tình cờ phát hiện loài ốc bươu đen phát triển rất nhanh ở nơi môi trường tốt, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với ao mương nhà mình.
Nguyễn Hoàng Khương lội ao kiểm tra đàn ốc bươu đen.
Sau khi nghiên cứu rất nhiều tài liệu về loài ốc bươu đen (ốc nhồi), năm 2015, anh Khương tiến hành thả nuôi 300 kg ốc bươu đen giống về thả trong ao mương trồng bông súng và rau nhút của mình. Sau 6 tháng nuôi toàn bộ ốc bươu đen đã chết sạch trong sự ngỡ ngàng của chàng trai…
Anh Khương phá bỏ diện tích trồng bông súng và rau nhút của mình để thay vào đó là loại bèo tai tượng. Đây là loại bèo vừa làm nơi cho ốc bươu đen sinh sản, vừa tạo bóng mát, vừa là nguồn thức ăn rất dồi dào nhiều dinh dưỡng cho ốc.
Ngoài ốc nhồi giống, anh Khương còn nuôi ốc nhồi thịt. Ảnh: TL.
Anh Khương thiết lập 10 vèo nuôi ốc bươu đen giống ( còn gọi là lưới mùng), mỗi vèo có chiều ngang 3 mét, dài 10 mét, sâu 1,3 mét. Cùng với đó anh thả nuôi 20.000 con ốc bươu đen giống có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Thanh Hóa với các ưu điểm: ốc chóng lớn, khỏe mạnh, khả năng sinh sản nhiều, chất lượng thịt thơm ngon, nhiều chất đạm dễ chế biến các loại thức ăn từ cao cấp đến bình dân.
Phân loại ốc bươu đen (ốc nhồi) giống trước khi xuất bán cho khách hàng.
Video đang HOT
Sau 4 tháng thử nghiệm, kết quả đến rất bất ngờ. Cụ thể, bình quân anh Khương thu hoạch mỗi tháng từ 70 đến 100 kg ốc bươu đen thịt thương phẩm phẩm với giá bán giao động từ 30.000 đến 70.000 đồng/kg ( cao hơn ốc bươu thường từ 15 đến 20%).
Sản lượng ốc bươu đen thu hoạch được sau đó cứ tăng dần lên mỗi tháng. Anh Khương ước tính mỗi năm anh xuất bán xấp xỉ 10 tấn ốc bươu đen thịt thương phẩm thu về khoãng 400 triệu đồng trong khi cho chi phí đầu tư chỉ khoảng 50 triệu đồng.
Hiện nay cơ sở nuôi ốc bươu đen ” Mười Khương” do anh đảm nhiệm đã tổ chức thu mua ốc bươu đen thịt thương phẩm của nhiều nông dân quanh vùng để bán lại cho các thương lái xuất đi các tỉnh phía Bắc, TP HCM, các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Ốc nhồi thịt, ốc nhồi giống được anh Khương bán đi khắp các tỉnh, thành phố. Ảnh: TL.
Anh Khương còn hợp đồng tư vấn kỹ thuật nuôi ốc bươu đen, cách thành lập các ao nuôi ốc bươu đen và các vấn đề có liên quan đến việc nuôi loài ốc đặc sản này giúp nhiều nông dân an tâm làm giàu.
Anh Nguyễn Thanh Đời, đoàn viên khu vực Hòa Thạnh B, phường Thới Hòa kể: ” Với vai trò bí thư chi đoàn, anh Khương luôn hết lòng giúp đỡ thanh niên làm ăn hiệu quả, trong đó có rất nhiều người đến học tập cách nuôi ốc bươu đen và làm theo rất thành công”.
Năm 2019, nhận thấy tiềm năng cung ứng ốc bươu đen rất lớn bởi cung luôn thiếu cầu, anh Nguyễn Hoàng Khương bắt đầu nghiên cứu mô hình ương con giống ốc bươu đen tại ao mương nhà và đã thành công ngoài sự mong đợi.
Hiện tại ngoài việc nuôi 10 vèo nuôi ốc bươu đen thịt thương phẩm, anh Khương còn làm thêm 9 vèo khác để nuôi ốc bươu đen bố mẹ để lấy trứng ấp nở thành ốc giống.
Khu ao anh Khương làm các vèo nuôi ốc bươu đen.
Ông Nguyễn Văn Thọ ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết thêm: ” Năm 2019 tôi có đến đây mua 2 ký ốc bươu đen giống về thả nuôi với giá 2.500.000/ đồng/ kg, bình quân mỗi kg có khoảng 6.000 con, ốc của cơ sở anh Khương rất khỏe, mau lớn, tỉ lệ hao hụt không đáng kể. Chỉ sau 4 tháng tôi đã thu hoạch với giá bán 60.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, tôi còn lãi gần 50 triệu đồng chỉ trên diện tích 150m2 mặt nước…Bữa nay tôi lại đến mua ốc giống về thả nuôi vụ tiếp theo…”.
Anh Khương cho biết: “Tôi chỉ có xấp xỉ 300.000 con ốc bươu đen bố mẹ nên ốc giống luôn bị cháy hàng do người nuôi đặt hàng quá lớn. Thời gian trứng ốc nở thành ốc con chỉ khoảng 30 đến 35 ngày, giá bán hiện nay là 350 đến 400 đồng/mỗi ốc con tùy thuộc số lượng người mua nhiều hay ít…”.
Nuôi ốc nhồi hiện nay là 1 trong những cách làm giàu hiệu quả, giúp cải tạo môi trường ở nông thôn. Ảnh: TL.
Ngoài ốc bươu đen bán thịt, năm 2019, từ nguồn ốc bươu đen giống anh Khương đã thu về trên 300 triệu đồng. Sắp tới anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ương ốc giống lẫn nuôi ốc bươu đen thương phẩm. Đây là mô hình ít vốn, ít đất, chắc ăn và dễ làm.
Chúng tôi thử làm một phép tính: với 19 vèo nuôi ốc bươu đen thịt, ốc bươu đen giống với có tổng diện tích xấp xỉ 600m2 mặt nước, anh Khương đã thu về nguồn lãi trên 600 triệu đồng mỗi năm từ việc bán ốc thịt, ốc giống. Nuôi ốc bươu đen (nuôi ốc nhồi) làm giàu của anh Khương trở thành mô hình kinh tế khá độc đáo tại ĐBSCL…
Cụ ông 71 tuổi vẫn "lãnh lương" 24 triệu/tháng nhờ nuôi ốc này
Chỉ vỏn vẹn có 1.200 m2 mặt nước nhưng lão nông Lê Hoàng Thanh (ngụ xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã tận dụng nuôi ốc bươu đen, cho thu nhập 24 triệu đồng/tháng.
Ông Lê Hoàng Thanh năm nay 71 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và ông luôn "kè kè" điện thoại bên người bởi có rất nhiều khách gọi đến hỏi mua ốc giống.
Ông Thanh có nhiều ao nuôi ốc bươu đen với diện tích 1.200 m2 mặt nước.
Cách đây khoảng 8 năm, ông Thanh nuôi các loại cá như: cá trê, cá sặc, cá tai tượng với diện tích 1.200 m2 mặt nước trong vườn nhà. Ông đã nghĩ mọi cách để giảm chi phí nuôi bằng cách nuôi ốc bươu đen để làm thức ăn cho cá. Nào ngờ, sau vụ thu hoạch cá, chi phí giảm được 50%.
Thức ăn của ốc bươu đen là bèo tai tượng.
Sau đó, do thị trường có nhu cầu ăn ốc bươu đen với giá bán cao hơn giá cá nên ông Thanh thử nhẩm tính, nếu nuôi ốc thì mỗi năm sẽ có lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Trong khi đó, nuôi ốc bươu không cần tốn nhiều chi phí như nuôi cá vì thức ăn của chúng có sẵn trong ao.
Trứng ốc được ông Thanh đem ấp có tỉ lệ nở 90%.
"Trong tự nhiên, trứng ốc bươu đen nở chỉ có 10%. Thấy vậy tôi tiến hành lấy trứng ốc vào nơi mát và đem ấp để tạo nguồn giống. Trứng mới đẻ có màu trắng trong và chuyển sang trắng đục khi trứng sắp nở và được đựng trong cái rổ, phía dưới có để thau nước, khi trứng nở sẽ lọt xuống thau nước. Trứng ốc bươu đen cần môi trường ẩm nên hàng ngày phải canh xịt nước cho chúng. Với kỹ thuật như trên thì tỉ lệ trứng nở đạt 90%, 1 kg trứng có thể nở từ 12.000-18.000 con", ông Thanh thông tin.
Trứng sau khi nở thành ốc con sẽ được vớt ra thao riêng và thả bèo tấm vào cho chúng ăn, sau 4 tuần có thể bán giống.
Khi trứng nở thành ốc con thì vớt cho ra một thao riêng với số lượng 2.100 con/thao và thả bèo tấm vào để chúng ăn. Sau 4 tuần, ốc con lớn cỡ đầu đũa thì có thể bán giống cho khách.
Nắm bắt đặc tính loài ốc bươu đen là "ăn dơ, ở sạch", tức chúng ăn bã thực vật và phải sống trong môi trường nước trong, ông Thanh đã tiến hành nuôi ốc bươu đen thương phẩm để bán trên thị trường.
Theo đó, ông đã nuôi bèo tai tượng trong ao chung với ao nuôi ốc bươu đen, để ốc ăn bèo. Bên cạnh đó, cần xử lý ao sạch sẽ, nguồn nước không bị ô nhiễm. Đảm bảo không có ốc bươu vàng trong ao (vì ốc bươu vàng giành thức ăn của ốc bươu đen) và cá vì cá sẽ ăn ốc.
Ốc bươu đen thường bám vào gốc cây hoặc thân bèo để đẻ trứng.
Nếu chỉ cho ốc bươu đen ăn bèo thì sau 6 tháng thả nuôi có thể bán ốc thương phẩm, còn cho ăn rau củ quả thì ốc sẽ lớn nhanh, chỉ 3 tháng sau có thể vớt bán. Với kích cỡ 25 con/kg có giá bán trung bình là 60.000 đồng/kg, mỗi tuần lão nông này bán trung bình 100 kg ốc bươu đen để thu về 6 triệu đồng, tính ra thu nhập 24 triệu đồng/tháng.
Mỗi tuần bán ốc bươu đen thương phẩm khoảng 100 kg với giá 60.000 đồng/kg, tính ra mỗi tháng ông Thanh thu nhập khoảng 24 triệu đồng.
Riêng với ốc bươu đen giống ông Thanh bán 800 đồng/con, thường thương lái sẽ mua nguyên thao 2.000 con nhưng ông Thanh tặng thêm 100 con ốc giống.
"Nuôi ốc bươu đen rất nhàn rỗi, không cần nhiều vốn, không tốn chi phí thức ăn nhưng có thu nhập ổn định. Tôi đã chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen cho nhiều bà con ở miền Tây và tư vấn kỹ thuật cho họ", ông Thanh cho biết.
Ca Linh
Nuôi loài ốc ngon gặm bèo như ranh, lão nông miền Tây đổi đời Với diện tích 1.200m2 ao vườn nuôi cá, nhưng vì lượng thức ăn quá cao, ông nuôi ốc bươu đen để nhằm giảm thức ăn cho cá. Bất ngờ thị trường ốc bươu đen sạch hút hàng và từ đó ông bén duyên với con ốc bươu đen. Bán hết cá và chuyển sang nuôi ốc bươu đen, từ 7 năm nay ông...