Nuôi loài cá “tàu ngầm” trên đỉnh Pù Rinh, bán 220 ngàn/kg
Nắm bắt được trên đỉnh núi Pù Rinh quanh năm mát mẻ, khí hậu trong lành, ông Hà Khắc Sâm, trú tại thị trấn Lang Chánh ( huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) đã đầu tư xây bể, kéo đường điện…để nuôi loài cá tầm-loài cá “quý tộc”, “cá tàu ngầm”. Mô hình cá tầm ông Sâm nuôi ít bị mắc dịch bệnh, cá lớn nhanh, giá bán 220.000 đồng/kg, thu lời mỗi năm gần 1 tỷ đồng.
Núi Pù Rinh thuộc thôn Năng Cát, xã Trí Nang là vùng có nhiệt độ lạnh nhất và cũng là nơi duy nhất ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa nuôi được loài cá tầm. Với nhiệt độ nước ở núi Pù Rinh luôn ở ngưỡng 24 độ C, lượng oxy hòa tan cao, là môi trường thuận lợi cho loài cá “quý tộc” này phát triển.
Núi Pù Rinh quanh năm mát lạnh rất thích hợp nuôi cá tầm. Trong ảnh, công nhân giới thiệu về loài cá tầm đang nuôi trong trại của ông Hà Khắc Sâm. Ảnh: Vũ Thượng
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DIENVIET.VN giữa rừng núi đại ngàn, ông Hà Khắc Sâm thổ lộ: “Lần đầu tôi đi lên đỉnh Pù Rinh đường núi cheo leo, chưa có điện sáng, mọi thứ đang còn hoang vu, vắng vẻ…Nhưng qua tìm hiểu, ở núi Pù Rinh rất mát mẻ, yên tĩnh, nguồn nước sạch, quanh năm lạnh ngắt, rất thích hợp để nuôi con cá nước lạnh, nhất là loài cá tầm…:.
Năm 2010, Hà Khắc Sâm về bàn với vợ con quyết tâm nuôi cá tầm cho bằng được trên đỉnh núi Pù Rinh. Ý tưởng, quyết định của ông Sâm được chính quyền địa phương ủng hộ và hỗ trợ ông về kỹ thuật và một phần kinh phí nên gia đình ông rất yên tâm đầu tư.
Nuôi cá tầm trên đỉnh Pù Rinh là mô hình nuôi cá tầm đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Với gần10 năm “ăn ngủ” cùng đàn cá tầm ông Sâm đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm nuôi cá tầm cho bản thân, cũng như sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kỹ thuật nuôi cá tầm đang có cho mọi người đến tham quan, học hỏi phát triển, nhân rộng mô hình.
Cá tầm là loài cá chỉ sống được ở nơi nước lạnh, và dễ hay bị mắc các dịch bệnh nếu kỹ thuật nuôi, môi trường nuôi không đảm bảo. Đặc biệt, loài cá này đòi hỏi 100% nguồn thức ăn chất lượng tốt. Cá tầm chủ yếu ăn về đêm, nên chia thức ăn thành 3 lần với lượng thức ăn vừa đủ theo trọng lượng của cá.
Theo ông Hà Văn Sâm, để cá tầm lớn nhanh, không bị hao hụt đầu con, giá bán cao thì phải chú ý một số điều: Bể nuôi càng sâu, độ lạnh càng tốt, cá sinh trưởng mạnh hơn. Nên cho cá tắm nước muối pha loãng định kỳ 1 tháng một lần, như bể 100m3 thì pha 100kg muối. Bên cạnh đó, nên bổ sung cho cá tầm ăn thêm tỏi, tỏi sẽ giúp cá tiêu hóa tốt, phòng được một số dịch bệnh. Cũng như phải đảm bảo môi trường nước sạch, mỗi ngày vệ sinh bể nuôi một lần.
Video đang HOT
Nước sạch chảy trên đỉnh núi Pù Rinh xuống bể cá tầm. Ảnh: Vũ Thượng
Hiện nay, trên đỉnh núi Pù Rinh, gia đình ông Hà Khắc Sâm đang nuôi tổng 9 bể các loại, theo đó đàn cá tầm có 7.000 con; đàn cá hồi có 2.600 con; đàn cá trắng châu Âu có 6.000 con. Tất cả đều là những loài cá đặc sản-cá “quý tộc” cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Sâm nuôi cá hồi, cá trắng châu Âu về kỹ thuật nuôi cũng giống như nuôi cá tầm. Nhiệt độ nước nuôi lý tưởng tốt nhất vẫn là 12-13 độ C, cao nhất là 17-18 độ C. Khi nuôi cần quan sát, cá phát triển được từ 200-300 gram nên tách đàn, phân loại cá để khỏi cạnh tranh thức ăn của nhau.
Theo tìm hiểu của phóng viên DANVIET.VN cá tầm đang nuôi trên đỉnh núi Pù Rinh được mua giống từ Sa Pa (Lào Cai), giá mua 55.000 đồng/con. Mật độ thả cá tầm trong bể nuôi từ 20-25 con/m2 là phù hợp, không nên thả nhiều cá kém phát triển, chăm sóc rất khó khăn.
Cá tầm nuôi từ 8-9 tháng là cho thu hoạch với trọng lượng khoảng 1,5-2 kg/con. Do đây là loại cá được xem là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ hấp thụ và tiêu hóa tốt nên giá bán hiện nay vào khoảng 220.000 đồng/kg; cá hồi 400.000 đồng/kg; cá trắng châu Âu 400.000 đồng/kg.
Cá tầm bán 220.000 đồng/kg. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Hà Khắc Sâm khẳng định với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Cá nuôi trên đỉnh núi Pù Rinh ăn thịt rất thơm, ngon, nhiều nhà hàng đặt về chế biến món ăn cho khách nên không lo về vấn đề thị trường tiêu thụ. Trừ chi phí năm gia đình thu về cũng gần 1 tỷ đồng. Và hiện nay tôi đang có 4 lao động làm chính với mức lương 5.000.000 đồng/người/tháng. Thấy mô hình nuôi cá tầm, cá hồi, cá trắng châu Âu cũng có hiệu quả nên tới đây, tôi đề xuất với ngân hàng vay thêm vốn về đầu tư, mở rộng”.
“Nuôi cá tầm không hề khó, tuy nhiên mới bắt đầu nuôi nên chú ý một số kỹ thuật về nhiệt độ nước, thức ăn, vệ sinh bể nuôi hằng ngày…Mô hình cá tầm trên núi Pù Rinh được tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm, là hướng đi cho các huyện miền núi Xứ Thanh thoát nghèo”. ông Lương Văn Phúc-Trưởng phòng NNPTNT huyện Lang Chánh cho biết.
Theo Danviet
Vì sao hơn 100.000 hộ dân biết nguy cơ sạt trượt vẫn "cố thủ"?
Chỉ tính từ năm 2000 - 2017 đã xảy ra hơn 260 trận lũ quét, sạt lở đất làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại kinh tế hàng chục ngàn tỉ đồng.
Tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, bắc Trung bộ mỗi khi mưa bão thì hơn 100 nghìn hộ dân đang hàng ngày sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất lại không khỏi lo lắng, bất an. Sau bản Pọng, Sa Ná ở Thanh Hóa, Sáng Tùng ở Lai Châu...thiên tai sẽ tiếp tục giáng lên bản làng nào, khi mà công tác dự báo, cảnh báo và ứng phó của chúng ta đang cho thấy những yếu kém, bất cập?
Người dân Sa Ná trắng tay sau lũ giữ.
Lo lắng, bất an... là tâm trạng chung của người dân miền núi mỗi khi vào mùa mưa lũ. Không phải vô cớ mà người dân bất an như vậy, bởi những năm gần đây lũ quét, sạt lở đất xảy ra với cường độ mạnh và thiệt hại ngày càng tăng.
Từ bản Sáng Tùng (Lai Châu), xã Hát Liều (Yên Bái), đến bản Pọng ở Mường Lát và gần nhất là bản Sa Ná ở Quan Sơn (Thanh Hóa)... thiên tai đã bất ngờ ập đến và cuốn phăng tất cả nhà cửa, tài sản của người dân.
Ông Vũ Văn Luật, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu (1 người có nhiều năm trăn trở trước nỗi lo này của người dân miền núi) khẳng định, chưa bao giờ lũ quét, sạt lở đất lại đáng ngại như thời gian gần đây.
Tang hoang sau lũ người dân không tin vào mắt mình
"Lũ quét và sạt lở có thể diễn ra trên toàn tỉnh với mức độ nặng nhẹ khác nhau xảy ra khắp mọi địa hình. Với địa hình chia cắt như miền núi thì chọn được nơi an toàn về nguy cơ lũ quét sạt lở đất không nhiều, mà với vị trí đẹp vẫn có thể xảy ra, kể cả thành phố vẫn nằm trong vùng nguy cơ lún sụt. Vậy với tình hình và thời tiết, địa hình như thế thì người dân phải thường xuyên theo dõi, trước hết là bảo vệ tài sản, tính mạng của mình", ông Luật nói.
Với địa hình đồi núi, chia cắt phức tạp, nơi nào cũng có nguy cơ sạt lở. Những ngôi nhà chênh vênh bên sườn núi, sát sạt vực sông, thậm chí người dân còn đào vạt chân núi để có đất dựng nhà, mặc cho tử thần cứ lơ lửng trên đầu. Nếu cả nước có 12 nghìn điểm với hơn 100 nghìn hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống, lũ quét thì tại tỉnh Thanh Hóa đã có tới 7 nghìn hộ dân sống chung với nguy cơ sạt lở. Con số này tại các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La cũng lên đến chục nghìn hộ.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao hàng trăm nghìn hộ dân đã được rà soát, quy hoạch vùng nguy hiểm nhưng chính quyền các cấp và các ngành chức năng lại bất lực trong việc cảnh báo và di dân đến nơi an toàn? Khi nhắc đến, tỉnh nào cũng đưa ra lý do là thiếu kinh phí, không bố trí được khu đất tái định cư...
Bản Sa Ná trở thành đống đổ nát.
Bà Lê Thị Thu Hà - Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái và thừa nhận: "Chúng tôi cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách và trách nhiệm lớn lao. Nhiệm vụ đầu tiên là phải xác định quỹ đất của gia đình, dòng họ, và chính quyền đang quản lý. Thế nhưng việc xác định quỹ đất đối với vùng cao Trạm Tấu là nhiệm vụ đặc thù, vô cùng khó khăn trong việc triển khai làm nhà cho dân".
Ông Hà Văn Măng, Chủ tịch xã Trí Nang, huyện Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa cũng đưa ra lý do tương tự: "Về nguy cơ thì miền núi sống suối nhiều, ven sông ven suối họ làm nhà, tuyên truyền thì chúng tôi đã tuyên truyền nhưng về việc tìm chỗ ở cho họ thì đúng là quỹ đất hẹp, đồi núi bà con không thể ở trên núi cao được".
Trả lời phóng viên Đài TNVN về việc, vì sao chưa có giải pháp căn cơ, di chuyển số hộ dân trong vùng nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất? Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên ta, ông Trần Quang Hoài cho rằng: "Chính phủ rất quan tâm vấn đề này, nhưng nguồn lực có hạn mà phạm vi nguy hiểm rủi ro rất lớn. Vì vậy, ngoài nguồn lực của Chính phủ thì các địa phương phải tích cực phòng ngừa".
Việc chưa thể di chuyển đến nơi an toàn, đồng nghĩa với việc hơn 100.000 hộ dân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, hàng năm sẽ và phải đối mặt với rủi ro do thiên tai gây ra. Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và cả người dân sẽ phải làm gì để ứng phó mỗi khi mưa lũ? Nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong bài viết tiếp theo./.
Theo Sỹ Đức/VOV1
'Bom bùn' lơ lửng trên nóc nhà dân Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu của xã vùng biên Yên Thắng, huyện Lang Chánh (Thanh Hoá) luôn phải sống trong tâm trạng bất an, lo sợ, bởi trên đầu họ là con đập chứa bùn thải của mỏ quặng sắt. Bờ ngăn mong manh khiến cả con đập chứa hàng triệu khối bùn đỏ như một...