Nuôi loài “cá tàu ngầm” trên đỉnh mây mù, lãi 3 tỷ đồng/năm
Thôn Can Hồ A ( xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) quanh năm phủ kín bởi mây mù. Ở nơi miền sơn cước lạnh giá này có anh Nguyễn Văn Lũy-Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018 đã khởi nghiệp thành công nghề nuôi cá hồi, cá tầm. Nhiều người nói anh Lũy nuôi loài “ cá tàu ngầm” trên đỉnh mây mù mà thành tỷ phú…
Anh Nguyễn Văn Lũy là con út trong gia đình có 4 anh em trai. Do nhà nghèo không có điều kiện để nuôi các con học đại học, năm 1989, sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Lũy rời nơi “chôn rau cắt rốn” ở xã Lê Hồ (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) lên mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” thôn Can Hồ A (xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) làm nghề mộc kiếm sống.
Anh Nguyễn Văn Lũy thành đạt với nghề nuôi loài “cá tàu ngầm: giữa đại ngàn mây mù Sa Pa.
Cũng tại mảnh đất Bản Khoang này, anh Lũy đã tìm được một nửa của đời mình. Một ngày đẹp trời, anh Lũy đang đóng bàn ghế, tình cờ gặp cô giáo Nguyễn Thị Ngàn – người mang tuổi thanh xuân lên vùng đất này “cắm bản” gieo chữ cho học sinh vùng cao. Rồi hai anh chị nhanh chóng quen nhau. Sau vài lần trò chuyện, tình yêu đến từ lúc nào không ai biết và rồi họ nên duyên vợ chồng.
Theo anh Lũy, làm nông nghiệp chỉ biết hôm nay chứ không biết ngày mai sẽ ra sao nên hãy làm những điều mình đam mê. Và nuôi cá hồi, cà tầm cũng xuất phát từ niềm đam mê, tận tâm huyết của anh Lũy.
“Đều xa gia đình lên đây lập nghiệp nên vừa nhìn thấy, chúng tôi đã quý nhau và mời nhau ăn cơm, uống nước. Dần dà tình cảm ngày càng đong đầy. Yêu nhau được một năm, năm 1995, chúng tôi quyết định ra huyện Sa Pa đăng ký kết hôn rồi về dựng một ngôi nhà nhỏ cạnh trường học để ở. Thời đó khổ lắm, tôi chỉ làm 6 mâm cơm gọi bà con ở đây lên chứng kiến” – anh Lũy tâm sự.
Anh Lũy tiết lộ, hiện tại con cá tầm có trọng lượng to nhất gia đình đang nuôi nặng hơn 20 kg
Tích góp được ít vốn, vợ chồng anh Lũy mở thêm quán bán tạp hóa, nấu rượu, nuôi lợn để phục vụ người dân Bản Khoang. Năm 1997, Viện Nghiên cứu Thủy sản 1 (Bộ NN&PTNT) lên thác Bạc, Sa Pa khảo sát và thành lập Trung tâm ươm giống cá hồi. Nghe tin anh Lũy đi bộ từ Bản Khoang ra tham quan.
Nhận thấy loài cá nước lạnh này đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà ở Bản Khoang lại được thiên nhiên ban tặng dòng suối nước lạnh, sạch, chảy quanh năm từ trên núi đại ngàn xuống, rất thuận lợi cho việc nuôi cá. Năm 1998, anh Lũy đào 50m2 ao và mua 500 con cá hồi giống về nuôi thử. 9 tháng sau, đàn cá hồi đang sinh trưởng và phát triển tốt, chuẩn bị xuất bán lứa đầu tiên thì không biết ai đó ngăn mất nguồn dẫn nước chảy vào ao, làm chết hơn 5 tạ cá.
Một con cá tầm đen trong ao nhà anh Lũy
Video đang HOT
Sau lần đó, anh Lũy thuê máy xúc vào đào đất, phá đá xây dựng ao cá, làm ống nước kiên cố. Ban đầu, do thiếu vốn nên anh chỉ xây được 2 ao thả cá. Từng giọt mồ hôi của Lũy đổ xuống ao cùng đàn cá nước lạnh. Một năm sau đó, thành quả đã đến với anh khi 2 ao cá nhà anh Lũy xuất bán được 3 tấn cá hồi với giá 250.000 – 260.000 đồng/kg, anh Lũy thu được dăm bảy trăm triệu. Lấy ngắn nuôi dài, qua từng năm, anh Lũy dùng lợi nhuận thu được tái sản xuất mở rộng số diện tích mặt ao và tăng đàn cá hồi lên.
Im lặng là vàng để thành công
Dẫn chúng tôi tham quan khu trang trại, anh Lũy kể: Đang ăn nên làm ra, cơn lũ quét đêm 4.9.2013 bất ngờ ập đến khiến cơ ngơi của tôi tan thành mây khói. Những gì còn xót lại chỉ là một đống đất đá ngổn ngang với những tảng đá to bằng nửa gian nhà. Sau một đêm, các hệ thống như: Ao nuôi cá, ống dẫn nước cùng với 25 tấn “cá tàu ngầm” được tôi đầu tư cả tỷ đồng biến mất trong tích tắc.
Trang trại của anh Lũy nuôi theo hướng VietGAP nên hằng ngày phải có sổ nhật ký theo dõi, ghi chép đầy đủ.
“Trải qua bao nhiêu thất bại, dồn tất cả tâm huyết, anh Lũy mới gây dựng được sản nghiệp này. Nào ngờ, cơn lũ dữ đã cướp đi của anh mọi thứ. Anh quá đam mê nghề nuôi cá nước lạnh, ngày nào cũng như ngày nào, anh Lũy như ăn với cá, ngủ với cá vậy. Không nhìn thấy cá, không được cho cá ăn là anh không ở yên được. Thấy vậy, tôi chỉ biết vỗ về, an ủi anh” – chị Nguyễn Thị Ngàn (vợ anh Lũy) nhớ lại.
Không chùn bước trước khó khăn, 2 tháng sau cơn lũ hung ác, anh Lũy gượng dậy, bắt đầu làm lại từ 2 bàn tay trắng.
Hằng ngày, anh Lũy ra bờ suối Can Hồ nhặt từng cành cây, bới từng hòn đá, bốc từng đống bùn. Rồi, vợ chồng anh chạy khắp nơi vay mượn người thân, bạn bè được 2 tỷ đồng. Vay được tiền, anh lại thuê máy móc, nhân công, mua cá giống gây dựng lại cơ nghiệp đã mất.
Cũng theo anh Lũy, với người nông dân nuôi cá tầm, cá hồi có đổ mồ hôi công sức, có thất bại khi thành công rồi sẽ cảm nhận được vị ngọt của nó. Ai đến thăm trại cá nước lạnh của vợ chồng anh Lũy đều tấm tắc khen. Hàng ngàn con cá đen trũi như những chiếc tàu ngầm bơi lượn trong hồ giữa bốn bề rừng núi và mây mù Sa Pa.
Một năm sau lũ, nụ cười lại nở trên môi của người nông dân Văn Lũy, khi anh xuất bán được 2 tấn cá hồi thu về hơn 400 triệu đồng. Phân bổ số tiền làm đôi, một nửa trả nợ, nửa còn lại anh tiếp tục xây thêm ao, mua thêm giống.
Vận đen vẫn chưa chịu buông tha với anh Lũy, năm 2015, sau một đêm ngủ dậy, phát hiện đàn cá nhảy lên chết bất thường với mặt nước trong ao phủ đầy lớp bọt trắng xóa. 4 tấn cá tầm thịt, cá giống chết nổi lềnh phềnh trên mặt ao, anh Lũy chỉ biết nuốt nước mắt vào trong và đem số cá tương đương 2 tỷ đồng, chôn xuống đất.
Anh Lũy không biết kêu ai, anh chọn cách “im lặng là vàng” và tiếp tục ăn, ngủ với cá nước lạnh làm cái nghề đam mê của mình.
Lãi 3 tỷ đồng mỗi năm
Đến nay, trang trại cá tầm, cá hồi của anh Lũy có diện tích mặt ao rộng 1.500m2, một năm thả 15.000 con giống cá hồi, 10.000 giống cá tầm. Trung bình một năm xuất bán ra thị trường 30 tấn cá hồi, cá tầm. Với giá cá hồi dao động từ 220.000 – 240.000 đồng/kg, cá tầm từ 150.000 – 160.000 đồng/kg, anh Lũy thu 6 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí, anh Lũy lời 3 tỷ đồng.
Theo anh Lũy, loài cá nước lạnh này rất nhạy cảm, đặc biệt là cá hồi, chỉ cần ngừng cấp nước dăm phút là cá chết. Cứ 2 ngày phải làm vệ sinh cho cá một lần như quét dọn ao cá, dùng muối tắm cho cá. Mùa mưa lũ khi nước đục phải đóng ống dẫn nước vào ao. Dùng máy bơm nước sạch và bình sục khí oxy cho cá.
Cá hồi là loại cá nhạy cảm nên môi trường cá sinh sống lúc nào cũng phải phun nước
“Thức ăn cho cá được nhập khẩu từ Phần Lan và Đan Mạch về. Mặc dù Việt Nam đã sản xuất được nhưng tôi vẫn tin dùng cám nước ngoài hơn. Nhiệt độ trung bình 15oC, nước cung cấp cho cá chảy từ rừng xanh xuống nên chất lượng thịt cá hồi ở đây chắc, thơm ngon hơn các nơi khác” anh Lũy tiết lộ.
Thức ăn cho cá hồi được nhập khẩu từ nước ngoài như: Phần Lan, Đan Mạch
Mấy năm trở lại đây, khi thấy anh Lũy tậu được nhà bạc tỷ, “cưỡi” xe bán tải, bà con ở thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang đã tìm đến nhà anh để học hỏi kỹ thuật nuôi cá nước lạnh. Anh Lũy gạt bỏ đi những chuyện cũ trước đây và tận tình hướng dẫn bà con từ cách làm chuồng trại, cách cho ăn, cách làm vệ sinh…nên người dân ở đây rất quý anh.
“Nhờ nuôi cá hồi mà một số hộ bà con người Dao ở nơi đây đã sắm được ô tô, xây được nhà cửa khang trang. Mặc dù, trang trại chưa được đầu tư quy mô nhưng mỗi năm họ vẫn xuất bán được hơn tấn cá hồi, thu từ 200 triệu – 300 triệu là chuyện bình thường” – anh Lũy vui mừng.
Hơn chục năm ăn, ngủ với nghề cá nước lạnh, anh Lũy đã tậu được ngôi nhà bạc tỷ khang trang
Không những bắt vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nở hoa, anh Lũy còn tạo công an việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương 4 – 5 triệu/tháng.
Theo Danviet
Vùng đất nuôi loài cá tiền tỷ "chết" vì cá tầm Trung Quốc
Thương hiệu cá tầm ở huyện Kon Plông vốn được nhiều người biết đến. Sản phẩm cá tầm Kon Plông (Gia Lai) được xuất bán đi khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Nhiều cá nhân, tổ chức đã làm giàu từ việc nuôi cá tầm. Nhưng giờ đây, nhiều cơ sở nuôi cá tầm trên địa bàn huyện bị thua lỗ, phá sản, các hồ nuôi chỉ còn cỏ dại xanh rì mọc kín...
Sau khi nuôi thử nghiệm cá tầm thành công ở Măng Đen, huyện Kon Plông quyết tâm xây dựng nghề nuôi cá nước lạnh thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để thúc đẩy chủ trương trên trở thành hiện thực, huyện đã có những chính sách riêng khuyến khích người dân phát triển diện tích nuôi cá tầm.
Đã có thời gian, trên địa bàn huyện Kon Plông, phong trào nuôi cá tầm phát triển rất mạnh và được nhiều người biết đến; nhưng đó chỉ là 4 năm trở về trước...
Một cơ sở nuôi cá tầm bị bỏ hoang ở Kon Plông. Ảnh: P.N
Thời điểm đó, huyện Kon Plông có 4 hợp tác xã và 2 công ty nuôi cá tầm, cùng một vài hộ cá nhân nuôi với số lượng hàng chục nghìn con mỗi năm. Cá tầm Kon Plông được xuất bán đi khắp nơi không chỉ ở Kon Tum mà còn đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Chúng tôi cùng một cán bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đến thăm hồ nuôi cá tầm của Công ty CP Hoàng Ngư do ông Trần Nhi Kha (60 tuổi) làm chủ.
Vậy mà, lần này trở lại cơ sở nuôi cá tầm của ông Kha, chúng tôi chứng kiến cảnh đìu hiu, không một bóng người ở nơi đây. Bên ngoài cỏ hoang mọc um tùm, bên trong thì nước ở đập ngăn từ suối nước lạnh chảy lênh láng trên đường vào hồ nuôi cá. Căn nhà ngày trước ông Kha ở giờ chỉ là những khung gỗ trơ trọi. Nhà ấp trứng cá tầm không có bóng người.
Như để trả lời cho những thắc mắc của chúng tôi, một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đi cùng cho biết, năm 2016, khi cá tầm nuôi không có đầu ra, ông Kha đã xuống thành phố Đà Nẵng mở nhà hàng, còn cơ sở nuôi cá thuê hai vợ chồng người dân tộc thiểu số trông giữ. Ai đến mua cá tầm thì người trông cơ sở bán lẻ, giá 250.000 đồng/kg.
Rời cơ sở nuôi cá tầm của ông Kha, tôi tìm đến cơ sở nuôi cá tầm một thời của Công ty CP Thủy sản Măng Đen - đơn vị nuôi và làm nên thương hiệu cá tầm Kon Plông đầu tiên ở xã Hiếu. Hàng chục hồ với dày đặc cá tầm tung tăng bơi lội trước đây giờ chỉ còn là những chiếc hồ bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Bao nhiêu vật dụng, bể chứa để mọc rêu xanh rì. Căn nhà khép kín được đầu tư bài bản để ấp, nuôi cá tầm khi nhỏ cũng để bỏ đồ, hoang hóa... tất cả lặng im như tờ.
Hồ nuôi cá tầm để cỏ mọc um tùm. Ảnh: P.N
Tiếp tục hành trình tìm hiểu, chúng tôi đến một số cơ sở nuôi cá tầm khác ở Đăk Long, Măng Cành, xã Hiếu để mục sở thị, thì tất cả các hồ nuôi cá tầm đã không còn, chỉ thấy cỏ dại xanh rì mọc kín hồ nuôi...
Tìm hiểu mới biết, nguyên nhân cá tầm Kon Plông không cạnh tranh được vì cá tầm sản xuất từ Trung Quốc đưa vào ngay tại Măng Đen cũng bán với giá 70.000 - dưới 100.000 đồng/kg; trong khi đó, cá tầm mua tại hồ ở Măng Đen có giá từ 250.000-300.000 đồng/kg. Chính sự chênh lệch giá này đã "bóp chết" nghề nuôi cá tầm ở Kon Plông.
Ông Trịnh Xuân Quý - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết, cạnh tranh không lại cá tầm Trung Quốc, ngay từ thời điểm cuối năm 2014, nhiều cơ sở nuôi cá tầm Măng Đen đã bước vào nuôi "cầm chừng"; đến năm 2016 thì chuyển sang ngành nghề khác; đến nay thì trên địa bàn huyện chỉ còn Công ty CP Hoàng Ngư nuôi cá tầm với số lượng ít để bán lẻ.
Bà Đào Thị Hương - Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tầm Đăk Long "than thở", không hiểu Trung Quốc nuôi kiểu gì mà bán ra thị trường quá rẻ. Trong khi đó, những người nuôi cá tầm đều biết, chất lượng cá tầm Trung Quốc rõ ràng không ngon như cá tầm Măng Đen. Vậy mà khách vẫn lựa chọn cá tầm Trung Quốc vì cho rằng giá cá tầm Măng Đen bán ra quá cao. Chính vì cạnh tranh không lại với cá tầm từ Trung Quốc tràn vào nên cá tầm Kon Plông đã không trụ nổi, nhiều cơ sở nuôi cá tầm bị thua lỗ, phá sản, cơ sở nuôi thả cá tầm rơi vào cảnh đìu hiu. Không biết đến bao giờ, cá tầm Kon Plông mới trở lại được "thời kỳ hoàng kim" trước đây...?
Theo Danviet/Phúc Nguyên (Báo Kon Tum)
Bỏ nghề xây dựng, chuyển sang nuôi cá khổng lồ kiếm chục tỷ/năm Nhờ cơ duyên, trong một lần trúng thầu xây dựng ở Viện Nghiên cứu thủy sản 1 Sa Pa, ông Thắng mon men dò và kiên trì hỏi kỹ thuật nuôi cá. Sau đó, ông về bàn với vợ liều vay mượn cả chục tỷ đồng để đầu tư hồ nuôi cá. Đến giờ, ông đã là chủ trang trại cá nước lạnh...