Nuôi dế thương phẩm “làm chơi, ăn thật”, kiếm bộn tiền
Anh Phan Ngọc Vũ – nông dân ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã thành công với mô hình nuôi dế thương phẩm, kiếm bộn tiền. Dế là loài côn trùng sống trong môi trường tự nhiên có tuổi thọ không quá 3 tháng, rất phổ biến tại các vùng nông thôn.
Nghề “làm chơi, ăn thật”
Dế thường được dùng để làm thức ăn cho các cơ sở nuôi chim, cá cảnh hay dùng làm mồi câu cho một số ngư dân. Ngày nay, dế được nông dân thuần dưỡng nuôi để bán và chế biến một số món ăn đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng và đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người chăn nuôi dế.
Anh Phan Ngọc Vũ, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đang chăm sóc đàn dế nuôi. Ảnh: T.N
Chúng tôi tìm đến hộ gia đình anh Phan Ngọc Vũ (sinh năm 1980) ngụ ấp An Phú, xã An Hòa để nghe câu chuyện nuôi dế “làm chơi, ăn thật” này. Anh Vũ kể, trước đây gia đình anh chăn nuôi gà cảnh nên thường hay mua dế làm nguồn thức ăn cho gà, gà ăn không hết anh để lại nuôi chơi.
Sau thời gian nuôi, anh thấy dế sinh sản nhiều nên nảy ra ý nghĩ nuôi dế để bán, lúc này thị trường gà cảnh lại bấp bênh. Từ suy nghĩ đó, anh Vũ lên mạng Internet tìm hiểu đặc tính sinh sống của loài dế, tìm nguồn thức ăn và bắt đầu nuôi thử.
Video đang HOT
Anh Vũ chia sẻ: “Lúc đầu mua khoảng 200g dế rồi cho gà ăn, còn dư tôi để vào thùng xốp nuôi. Thấy đàn dế ngày càng lớn, tôi lấy cát cho dế đẻ. Tôi lên mạng tìm hiểu học cách nuôi rồi phát triển đàn dế đến nay. Được cái dế nuôi không cần phải dùng thuốc men, nuôi tự nhiên, sạch, ít bệnh, chỉ hao hụt chút đỉnh…”.
Với số vốn 20.000 đồng, hơn 40 con dế giống, anh Vũ nuôi thử nghiệm dế trong thùng xốp, sau hơn 1 tháng dế bắt đầu đẻ, anh tiếp tục gây giống và làm chuồng để nuôi thêm. Theo anh Vũ, con dế rất dễ nuôi, chỉ cần nơi thoáng mát là dế có thể sinh sống được.
Đối với dế nuôi để làm thức ăn cho cá cảnh, chỉ cần nuôi từ 28 – 30 ngày là xuất bán, riêng dế thịt thương phẩm thì mất khoảng 40 ngày là thu hoạch. Anh Vũ cho biết, không nên nuôi dế quá lâu bởi tuổi thọ của loại dế chỉ trong vòng 3 tháng trở lại, quá thời gian đó dế tự chết vì quá già.
Đầu ra luôn ổn định
Sau gần một năm nuôi, dế cho gia đình anh Vũ nguồn thu nhập khá ổn định, từ 1 chuồng đến nay anh đã mở rộng đến 22 chuồng nuôi dế. Nguồn dế của gia đình anh chủ yếu bán cho một số cơ sở kinh doanh cá kiểng với giá 100.000 đồng/kg.
Ngoài ra, anh Vũ cung cấp dế thịt cho một số nhà hàng, quán ăn, nhậu tại TP.Long Xuyên, TP.Châu Đốc, huyện Thoại Sơn… Tại đây, dế được sử dụng để chế biến thành những món ăn theo kiểu độc, lạ như: Dế chiên giòn, chiên bơ, dế xào… ăn kèm với các loại bánh tráng, rau sống, với giá bán dao động từ 150.000 – 180.000 đồng/kg, tùy theo loại dế thịt hay dế trứng.
Theo anh Vũ, nếu trừ các khoảng chi phí con dế giống, thức ăn, công chăm sóc, mỗi chuồng dế cho lợi nhuận từ 1 – 1,5 triệu đồng. Vì vậy, tiền lời trung bình mỗi năm của gia đình anh Vũ đạt từ 50 đến 60 triệu đồng.
Nhận xét về mô hình nuôi dế của anh Phan Ngọc Vũ, ông Nguyễn Nhựt Thảo – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa cho biết: “Mô hình nuôi dế của anh Phan Ngọc Vũ là một mô hình chăn nuôi mới tại địa phương An Hòa. Qua quá trình chăn nuôi thực tế của gia đình anh Vũ, chúng tôi nhận thấy về trước mắt mô hình đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm đầu ra khá ổn định không chỉ bán lân cận cho bà con nhân dân trong xã mà anh còn bán cho một số nhà hàng trên địa bàn một số thành phố, huyện của tỉnh An Giang…”.
Hiện nay, anh Vũ đã phát triển hơn 20 chuồng nuôi dế. Ông Nguyễn Nhựt Thảo cho biết, Hội Nông dân rất kỳ vọng vào mô hình nuôi dế do anh Vũ khởi xướng. Sắp tới, Hội tiếp tục cùng với gia đình hỗ trợ về mặt kỹ thuật nuôi dế, đầu ra, vốn… nhân rộng để nhiều hộ dân cùng chăn nuôi và phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương.
Có thế nói, hiệu quả bước đầu của mô hình nuôi dế đã đem lại nguồn lợi nhuận khá ổn định cho gia đình anh Phan Ngọc Vũ. Dế là vật nuôi có vốn đầu tư thấp, dễ chăm sóc, thu hoạch ngắn. Dế thương phẩm có giá cao nhất từ tháng 10 đến tháng 12 Âm lịch hàng năm.
Theo Danviet
Độc chiêu trồng rau quả sạch, xài đèn Led của gái 9x ở miền biên
Nguyễn Thị Diệu Thu ở ấp Phú Hiệp, xã An Phú (Tịnh Biên, An Giang) sắp thu hoạch vụ dưa lưới thứ 5 trồng theo công nghệ Israel, sử dụng đèn Led điều chỉnh ánh sáng. Diệu Thu đã đầu tư thêm một nhà kính 150m2 trồng rau xà lách giống Hà Lan được hơn một tháng và dự định sẽ bán dịp tết này.
Năm 2013, khi tốt nghiệp đại học ngành sư phạm mầm non Trường Đại học An Giang, Thu không đi theo nghiệp sư phạm, mà chuyển hướng về quê làm nông nghiệp công nghệ cao.
Nguyễn Thị Diệu Thu (trái) vừa đoạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp tỉnh An Giang. Ảnh: N.T
Đầu tiên, cô thử trồng rau không dùng thuốc. Nhưng vì còn non kiến thức chuyên môn về nông nghiệp, lại muốn ứng dụng công nghệ cao, nên cô gái 9X không biết làm sao cho chuẩn. Nghĩ vậy, Thu trồng thử 350m2 dưa lưới theo công nghệ Israel và 130m2 nhà kính trồng rau xà lách giống Hà Lan với kinh phí gần 500 triệu đồng.
Thu phải đi nhiều nơi để chào hàng, tự tạo lập mối quan hệ, tạo lòng tin từ người mua. Bằng quyết tâm miệt mài đó, Thu lãi 10 triệu đồng từ vụ dưa đầu.
Sau khi tình cờ xem một video người Hà Lan và một người Nhật trồng rau trong container, gắn máy lạnh và sử dụng đèn Led, Thu bắt đầu làm thử. Thu nói trồng rau nhà kính sử dụng đèn Led giúp rau hấp thụ và phát triển nhanh hơn. "Ưu điểm của đèn Led là mình chủ động được mọi thứ để điều chỉnh nhiệt độ" - Thu chia sẻ.
Vì nhà ở Tịnh Biên, Thu có thể bán rau qua bên kia biên giới, nhưng cô lại thích kéo du khách đến với điểm trồng rau đèn Led. Từ đó, những nhóm học sinh, các bạn nhỏ tìm tới hỏi đủ điều và Thu cũng không ngại dành thời gian để giải thích cho mọi người để sau khi trải nghiệm trồng rau sạch ở đây, họ sẽ trở về thuyết phục cha mẹ tránh xa hoá chất.
Nguyễn Thị Diệu Thu đã đoạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp tỉnh An Giang năm 2018. Cô cho biết cô đã thuyết phục mọi người nói "không" với hoá chất vì đó là nguyên nhân gây hại cho sức khoẻ.
Theo Danviet
Làm ăn lạ: Cho lợn rừng ăn lá keo, nhanh lớn lại có tiền tỉ Với tổng diện tích trang trại 5ha, đàn lợn rừng 150 con/năm, đàn lợn nái 12 con, ngoài ra còn có ao cá cho sản lượng 1,7 tấn cá thương phẩm/năm, cựu chiến binh Trần Đình Văn ở xóm Điện Lực, xã Kỳ Sơn, huyện miền núi Tân Kỳ, Nghệ An có thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm. Những năm gần đây,...