Nuôi dê “kí gửi”-bí quyết để “Trung dê” có đàn dê lớn nhất tỉnh Đồng Nai
Sở hữu mô hình nuôi dê được xem là lớn nhất tỉnh Đồng Nai với số lượng lên đến hàng ngàn con, anh Nguyễn Đức Trung ở ấp 7, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom cũng là người tiên phong phát triển đàn dê Boer lai dê Bách thảo ở địa phương.
Có duyên… với dê
Chúng tôi gặp Trung đúng lúc anh đang tất bật với công việc mở rộng quy mô nhà hàng thịt dê và điều hành kinh doanh. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu nghề nuôi dê, anh Trung vui vẻ tranh thủ dẫn đi tham quan trang trại của mình cách nhà hàng gần chục km.
Anh Trung chăm sóc đàn dê sinh sản
Vừa đến nơi, chúng tôi đã nghe những tiếng be be của đàn dê. Nhóm công nhân đang hì hụi chuẩn bị bữa ăn cho dê. Trước mắt chúng tôi là những dãy chuồng trại được xây dựng khá quy mô, sạch sẽ, thông thoáng, chẳng thấy có mùi hôi.
Sinh ra ở tỉnh Hà Nam, tuổi đôi mươi anh “Nam tiến” để tìm kiếm nghề mưu sinh. Khi vào xã Sông Trầu, anh thấy đầu tư nuôi dê rất thuận lợi. Từ ý tưởng đó, anh quyết tâm thực hiện và dùng số tiền vốn tích cóp được khoảng 40 triệu đồng tìm mua những con dê giống Bách thảo tốt. Giá thị trường khi đó chỉ khoảng 600.000 đồng/con dê nái (50kg) Bách thảo đang vào độ sinh sản.
Sau đó, anh dắt dê giống đến từng gia đình nghèo ở xã Sông Trầu vận động họ tham gia nuôi theo hình thức “ký gửi”. Cứ mỗi con dê nái đẻ được 2 con thì sẽ tặng họ 1 con. Đồng thời anh cũng cam kết sau này sẽ thu mua lại theo hình thức bao tiêu cả đầu vào lẫn đầu ra. Cứ như thế, sau 3 năm miệt mài “ký gửi”, anh đã vận động được trên 100 hộ nghèo cùng nuôi dê, với tổng đàn khoảng 1.200 con dê Bách Thảo sinh sản. Đây đều là những hộ trước đó mãi loay hoay với việc trồng cây gì để làm giàu, làm sao để làm giàu từ nông nghiệp.
Thị trường dê thịt lên giá khiến bà con rất vui mừng. “Hàng ngày tôi thường xuyên tới thăm các hộ nuôi dê và tư vấn kỹ thuật giúp họ chăm sóc đàn dê được tốt hơn. Đồng thời, tôi cũng tự đi tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm thịt dê ở khu vực TP.HCM và các tỉnh thành lân cận để chuẩn bị sẵn sàng khi giá tăng cao sẽ xuất hàng”, anh Trung chia sẻ.
Video đang HOT
Một trong những con dê gốc bố mẹ
Năm 2010, khi xác định được vững nghề nuôi dê, cần phát triển quy mô và tăng đàn, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại riêng tại ấp 3, xã Sông Trầu để tuyển toàn bộ những con dê sinh sản từ các hộ dân về trại của mình. Đồng thời tiếp tục đầu tư giống cho các hộ nuôi…Đây là mô hình làm giàu từ chăn nuôi.
Xây dựng vệ tinh nuôi dê
Dẫn chúng tôi đi tham quan dãy chuồng nuôi, anh Trung giới thiệu về từng công đoạn chăm sóc đàn dê theo quy trình, giờ giấc bài bản. Có rất nhiều ô ngăn chuồng dê ra thành từng khu để dễ kiểm soát và chăm sóc. Mặt sàn được làm cách mặt đất cả mét nhằm tạo sự thông thoáng, mát mẻ cho đàn dê.
Anh Trung tâm sự: “Sau khi nuôi ổn định, tôi tiếp tục đầu tư xây dựng trang trại và tăng quy mô diện tích lên 2ha và nghiên cứu quy trình nuôi riêng. Đồng thời tôi cũng nhập những con dê nọc (bố mẹ) từ nước ngoài về nhằm lai tạo ra nguồn dê giống chất lượng cao và phát triển thêm nhiều giống dê như dê Bách thảo, dê Boer, dê Boer lai, dê lấy thịt, dê lấy sữa… để đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Theo kinh nghiệm của anh, dê là một loài gia súc dễ nuôi, thức ăn chủ yếu gồm các loại cỏ. Nuôi dê không tốn tiền mua thức ăn, nhưng nếu không chăm sóc đúng kỹ thuật thì vật nuôi sẽ phát triển chậm. Chuồng trại phải thông thoáng, mát mẻ trong mùa nóng và ấm áp trong mùa lạnh.
Anh Trung quy hoạch đồng cỏ nuôi dê
Sau một quá trình chăn nuôi và nghiên cứu anh đã cho lai tạo giống dê Boer với dê cái Bách thảo của Việt Nam để cải tạo đàn giống và nâng cao hiệu quả kinh tế. Anh Trung cho biết, dê bắt đầu phối giống từ lúc 7 đến 8 tháng tuổi, bình quân mỗi năm dê đẻ 1,5 lứa, mỗi lứa 2 con. Hiện tại anh đang sở hữu mô hình chăn nuôi dê Boer lai lớn nhất tỉnh Đồng Nai với tổng đàn lên tới hàng ngàn con…
Theo anh Trung, số hộ nuôi dê “vệ tinh” của anh hiện đã tăng lên tới 300 hộ ở các xã Sông Trầu, Cây Gáo, Thanh Bình, Bàu Hầm, Sông Thao… với quy mô trung bình từ 30 – 100 con/hộ. Nhờ liên kết chăn nuôi mà các hộ đều thoát nghèo, vươn lên giàu có. Chỉ cần nuôi 50 con dê/hộ/năm, sau khi trừ hết chi phí mỗi hộ sẽ thu lời 100 triệu đồng và được hỗ trợ đầu vào, bao tiêu đầu ra.
Dê Boer lai F1 do anh lai tạo có khả năng tăng trưởng nhanh, mắn đẻ, chất lượng thịt và giá bán cao được thị trường ưa chuộng. Đến nay, trang trại dê của anh không chỉ cung cấp giống cho người dân địa phương mà xuất đi các tỉnh lân cận như Bình Dương, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lăk… Đồng thời, anh cũng tìm nguồn bán thịt dê thương phẩm cho các đầu mối trong tỉnh, TP.HCM…
Theo Minh Sáng (NNVN)
Làm bể xập xệ để nuôi lươn kiểu chơi chơi mà tiền lời không hề nhỏ
Nếu người không hiểu, khi nhìn thấy 2 cái bể nuôi lươn xấu, xập xệ của ông Văn Tấn Qui, ngụ ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) ai cũng cho là ông nuôi chơi chơi. Ấy nhưng, đừng nhầm, thực ra ông Qui nuôi lươn theo quy trình "sạch" với bể nuôi bằng tấm bạt nhựa kết hợp nước trong bể hoàn toàn là nước sạch. Và tiền lời thu được sau mỗi lứa bán lươn không hề nhỏ chút nào.
Nếu như nhiều hộ chọn nuôi lươn bằng cách xây bể ximăng và dùng bùn nhão cho vào bể nuôi để tạo môi trường nhân tạo gần giống điều kiện sống tự nhiên của lươn và đây được xem là cách mà nhiều người lựa chọn, nhưng với ông Văn Tấn Qui, nuôi lươn theo quy trình "sạch" với bể nuôi bằng tấm bạt nhựa kết hợp nước trong bể hoàn toàn là nước sạch.
Ông Qui cho biết, người ngoài trông vào thì 2 bể lươn của gia đình ông rất xấu, xập xệ, nhưng thực ra lại là nuôi lươn sạch. Ông dùng nước máy để nuôi lươn.
Có dịp ghé tham quan mô hình nuôi lươn của ông Qui, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi bể nuôi có diện tích khá nhỏ như bể chứa nước tạm để rọng lươn, nước trong veo, nhìn rõ từng con lươn. Ông Qui chia sẻ: "Tôi nuôi lươn hơn 1 năm rồi. Nuôi lươn không tốn công chăm sóc, lợi nhuận lớn, diện tích làm bể nuôi không đáng kể. Đây là mô hình làm giàu ở nông thôn".
Ông Qui dẫn chứng: "Chẳng hạn tôi dùng bạt nilông làm bể có tổng diện tích 6m2 chia làm 2 bể nuôi, thả được 2.000 con lươn giống. Số tiền mua tấm bạt nilông để nuôi lươn khoảng 200.000 đồng, ngoài ra không còn tốn bất kỳ vật liệu nào thêm phục vụ cho bể lươn, chủ yếu tốn tiền nước hàng tháng nhưng số tiền này không đáng kể vì nước dùng chỉ một lượng nhỏ, cho nước vào ngập chưa tới 1/3 bể nuôi...".
Theo ông Qui, lúc con lươn mới đem về nuôi có kích thước bằng chân nhang, nuôi khoảng 8 tháng, lươn nặng khoảng 300g - 350g/con và số lươn đạt được trọng lượng trên chiếm hơn 70% số lươn thả nuôi và đây là lươn loại I, số lươn còn lại từ 200g - 250g/con. Giá bán bình quân 250.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, lợi nhuận 20 triệu đồng/1.000 con".
Cũng theo ông Qui, qua 1 năm rưỡi, gia đình ông nuôi được 2 đợt lươn, tương đương 4.000 lươn giống, trừ hết chi phí, lợi nhuận 80 triệu đồng, đó là tính giá bán thương lái thu mua. Còn riêng ông Qui, nuôi lươn bán trực tiếp cho thực khách khi tới quán ăn của gia đình nên giá lươn cao hơn chút đỉnh, cộng với tiền chế biến món ăn, thì lợi nhuận tăng gấp đôi so với việc bán ra thị trường theo hình thức cân ký.
Ông Qui thông tin thêm: "Trước khi nuôi lươn, tôi đã học hỏi kinh nghiệm nuôi của nhiều hộ dân tại các địa phương. Qua nhiều mô hình, tôi thấy lươn nuôi theo hình thức làm bể bạt nilông và không dùng bùn nhão cho vào bể là hướng nuôi "sạch" nhất, kèm theo đó có lợi nhiều mặt hơn nuôi bằng hình thức "truyền thống" và việc lươn nuôi trong bể nước trong có thể sớm phát hiện các triệu chứng bệnh, kịp thời điều trị, giảm tỷ lệ lươn nuôi bị thất thoát và nhất là giai đoạn lươn mới bắt về nuôi, chúng rất nhỏ nếu lươn bệnh thời điểm này dễ bị chết hàng loạt nếu chậm điều trị bệnh cho chúng".
Để đảm bảo nuôi lươn theo hướng "sạch" an toàn, ông Qui sử dụng nước tại ao nuôi hoàn toàn bằng nước máy hợp vệ sinh và dùng các loại thức ăn viên của cá da trơn làm mồi ăn hàng ngày để lươn ăn. Do vậy, mỗi đợt lươn xuất bán đạt gần 100% lượng lươn thả giống.
Ông Qui chia sẻ kinh nghiệm: "Lươn nuôi rất dễ, chỉ cần cho ăn 2 lần/ngày, buổi sáng tầm 7 giờ, buổi tối trong khoảng thời gian 18 giờ - 20 giờ. Đặc biệt phải chú ý thay nước bể nuôi thường xuyên, lươn ăn xong buổi sáng là tiến hành tháo nước trong bể ra và đưa nước mới ngay vào bể và vòng xoay cứ tiếp tục vào sáng hôm sau, phải thay nước mỗi ngày, nếu quên lươn có thể bị chết hàng loạt vì chúng quen sống trong môi trường nước sạch".
Nuôi lươn thì không tốn công chăm sóc nhiều và ít bị bệnh, nếu có bệnh chỉ là bị ghẻ, loại bệnh này rất dễ trị, chỉ cần mua thuốc về xử lý nước trong bể nuôi lươn hết ngay ngày hôm sau. Với hiệu quả nêu trên, tới đây ông Qui sẽ mở rộng bể nuôi và tăng số lượng lươn nuôi lên 10.000 con/năm nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống cũng như mong muốn cung cấp "lươn sạch" đến tay người tiêu dùng.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thuận Hòa (Châu Thành) Lưu Giang Điều đánh giá: "Mô hình nuôi lươn của ông Văn Tấn Qui là một trong những mô hình nuôi lươn theo hướng sạch thành công trên địa bàn xã. Lươn nuôi chiếm diện tích nhỏ, phù hợp với người dân ít đất sản xuất, nhẹ công chăm sóc, người lớn tuổi vẫn có thể nuôi được. Đây là mô hình làm giàu từ nông nghiệp, chăn nuôi làm giàu. Do vậy, Hội Cựu chiến binh xã dự kiến sẽ nhân rộng mô hình trong các hội viên trên địa bàn toàn xã nhằm tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hội viên".
Theo Thanh Thảo (Báo Sóc Trăng)
Nuôi thỏ bán cho Nhật Bản, dân nhanh giàu Nhiều hộ nông dân muốn nuôi nhiều thỏ bán cho Nhật Bản để nhanh giàu. Nhưng không phải ai cũng đủ vốn liếng để đầu tư, mở rộng. Với mức cho vay Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) "khủng" lên đến 100 triệu đồng/hộ, nông dân nuôi thỏ ở xã Phú Hòa, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) đã đầu tư, mở rộng quy...