Nuôi con “đầu thụt ra thụt vào”, kiếm trăm triệu ngon ơ
Dù chỉ còn 1 tay nhưng lão nông Hồ Văn Sanh (sinh năm 1953), ngụ ấp Phú Thuận, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vẫn dễ dàng bỏ túi hơn trăm triệu/năm nhờ nuôi loài ba ba với chi phí… khá bèo.
Cuộc sống khó khăn, lại chỉ còn 1 tay nên lão nông Hồ Văn Sanh phải cắt hơn phân nửa miếng đất chưa tới 1.000 m2 bán lấy tiền và rời quê hương (xã Long Khánh) về miệt Hậu Giang làm công. Ở vùng đất Hậu Giang, ông học được nghề nuôi ba ba và quyết định thuê đất đào gần chục ao nuôi loài đặc sản này.
Hơn mười năm gắn bó với nghề nuôi ba ba, lão nông Hồ Văn Sanh nếm đủ mọi thăng trầm với nó, nhưng do ở miệt Hậu Giang người ta nuôi nhiều, chi phí thuê đất cao, nên lợi nhuận đạt được cũng không nhiều.
Đầu năm 2018, ông quyết định quay về nền đất cũ ở xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, bỏ hơn trăm triệu xin “chuộc” lại hơn phân nửa phần đất đã bán để đào 2 vuông nhỏ tiếp tục nuôi ba ba.
Đam mê với con “đầu cứ thụt ra thụt vào”, hàng ngày chăm sóc và nhìn ngắm chúng lặn xuống nổi lên cũng là thú vui của lão nông Hồ Văn Sanh. Ảnh: Lê Quang
“Tôi mua hơn 2.000 con giống ba ba với chi phí chỉ 2.000 đồng/con. Trong số này, tôi tách ra hơn 1.200 con giống cái để nuôi riêng một ao và chỉ thả thêm vài chục con đực giống. Còn lại hơn 800 con ba ba đực khác thì nuôi một ao riêng, bởi với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi ba ba, nếu không tách ra từ đầu thì chỉ hơi lớn một chút tới thời điểm sinh sản, nếu để nhiều con đực sẽ làm chết con cái”, ông Sanh nói.
Video đang HOT
Cũng theo lão nông này, dù nuôi hơn 2.000 con ba ba nhưng chi phí thức ăn mỗi ngày không tới 50.000 đồng (mua cá ươn, ruột và đầu cá… về xay nhuyễn), nên tính từ đầu năm đến nay, chi phí mua con giống và thức ăn chưa tới 20 triệu đồng. Tuy nhiên, nhẩm tính sơ sơ thì ông đã có hơn 1 tấn ba ba thương phẩm, nếu bán với giá thấp nhất hiện nay là 100.000 đồng/kg thì lão nông Hồ Văn Sanh cũng bỏ túi hơn 100 triệu đồng.
Chiếc máy xay tự chế của ông Hồ Văn Xanh, chế biến các loại phế phẩm từ đầu cá, ruột cá, các loại cá ươn thành thức ăn cho ba ba với chi phí rẻ bèo. Ảnh: Lê Quang
“Từ kinh nghiệm tích cóp được, tôi quyết định tiếp tục nuôi hơn 1.200 ba ba cái lấy trứng làm giống và nuôi hơn 800 ba ba đực qua Tết Nguyên đán, khi đó mỗi con đực thương phẩm chắc chắn sẽ nặng từ trên 0,5kg đến dưới 1kg và giá thành sẽ đạt khoảng 150-160 nghìn đồng/kg. Còn bán bây giờ thì chỉ được khoảng 100 nghìn đồng/kg do ba ba thương phẩm này mới nặng khoảng hơn 0,4kg”, ông Sanh cho biết thêm.
Cụ thể, với hơn 1.200 con giống ba ba cái, khoảng đầu tháng 1.2019, ông Sanh sẽ “bắc cầu” cho những con giống này leo lên bờ cát được thiết kế xung quanh bờ ao để đẻ trứng, sau đó số lượng trứng này được ông cho vào thùng xốp có lót cát để ấp. Sau 2 tháng, các trứng ba ba sẽ tự động nở và ông sẽ tiếp tục chọn giống để nuôi tiếp ở ao kế cận sau khi xuất bán hơn 800 ba ba đực; hoặc sẽ bán giống cho các hộ dân trong xã, trong huyện có nhu cầu nuôi loài đặc sản này.
“Với hơn 1.200 con giống cái, trung bình 3 đêm đẻ sẽ cho khoảng 2.000 trứng (mỗi con trung bình đẻ từ 10-15 trứng). Lượng trứng này nếu chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ nở ra đầy đủ vì tỷ lệ hao hụt sẽ rất ít (chỉ trừ lượng trứng không có đực). Hơn nữa ba ba đẻ rất sai nên nếu cứ đủ mồi cho ăn thì nó sẽ liên tục đẻ và lượng giống tự cung tự cấp và cung ứng cho thị trường để bán giống là rất khả quan”, ông Sanh chia sẻ.
Theo Danviet
Hành trình 200km làm công nhân: Làng hiếm phụ nữ
Làn sóng phụ nữ từ các tỉnh miền Tây đổ về TP HCM làm công nhân ngày càng nhiều khiến các làng quê vắng vẻ, đàn ông phải thay họ lo chuyện bếp núc.
Men theo con đường liên xã, chúng tôi tìm đến ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vào buổi sáng sớm. Một vài quán ăn bên đường chỉ có người già, những đứa trẻ trong bộ quần áo học sinh đang đứng đợi mua thức ăn sáng. Cánh đàn ông thì cà kê ở quán cà phê trước chợ rung đùi, trò chuyện.
Nặng gánh người già
Phóng tầm mắt ra cánh đồng gần đó, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài phụ nữ tầm khoảng 50 tuổi, 60 tuổi đang khom lưng nhổ cỏ chuẩn bị cho vụ mùa mới. Ông Lê Chín - 60 tuổi, một người dân cố cựu tại địa phương - cho biết phụ nữ ở xã trong độ tuổi từ 20-45 đều đến TP HCM làm công nhân (CN). "Rất ít người thuê trọ tại TP và chấp nhận sáng đi, tối về. Đó cũng là lý do vì sao người ta gọi là làng hiếm phụ nữ" - ông Chín bật mí.
Xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có rất nhiều phụ nữ đi làm công nhân và hiếm thấy họ vào ban ngày
Ông kể vanh vách cho chúng tôi nghe gia cảnh từng hộ trong ấp. Như nhà bà Tám có 2 con, con trai nhỏ làm CN ở Bình Dương; con gái lớn làm ở quận Bình Tân, TP HCM. Nhà bà Tư Nghĩa thì có 4 người con đang làm CN ở TP HCM. Hay như vợ chồng ông Mười Ngọc, dù tuổi cao sức yếu vẫn phải gồng gánh chăm sóc mấy đứa cháu cho con đi lên Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) làm CN. "Cậu tới đây vào ban ngày thì khó gặp được phụ nữ. Mấy đứa nhỏ đi TP làm, tối mịt mới về. Dân trong ấp chủ yếu là người già, thanh niên, trẻ con" - ông Chín nói.
Ông Chín dẫn chúng tôi sang nhà ông Phúc (65 tuổi) hàng xóm để chứng kiến rõ hơn. Bên trong nhà chỉ có vợ chồng ông Phúc đang chơi với đứa cháu gái 2 tuổi. Gắng gượng đứng dậy mời khách vào nhà uống nước, ông Phúc thở dài: "Ở tuổi này chỉ có thể chăm cháu để mấy đứa nhỏ đi làm. Gia đình tôi may mắn hơn những người khác bởi con đi làm ở TP HCM, tối còn về phụ giúp".
Đàn ông lo chuyện bếp núc
Thử tìm đến một khu dân cư khác thuộc xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - nơi có hàng trăm phụ nữ làm CN ở TP HCM. Qua hơn chục cây cầu, chúng tôi cũng chỉ bắt gặp những căn nhà khóa trái cửa, thi thoảng mới thấy bóng dáng trẻ con.
Ông Trịnh Gia Ngọc, 43 tuổi, là một trong những người có vợ làm CN ở TP HCM bằng xe đưa rước. Công việc của ông là dậy từ 3 giờ 30 phút, chở vợ từ nhà ra đường lộ và 20 giờ quay lại điểm đón để rước về. Trong nhà, mọi việc cơm nước, đồng áng, giặt quần áo, quét dọn do ông làm. Nguồn thu nhập chính của gia đình ông Ngọc là đồng lương của vợ. Giải thích việc này, ông Ngọc nói do lớn tuổi nên chỉ có thể làm ruộng và bốc xếp ở xưởng gạo gần nhà. Trong khi đó, vợ ông làm CN ở Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam thì thu nhập khá hơn. Thế nhưng, để có thu nhập ổn định, vợ ông phải chấp nhận sáng đi tối về. "Bạn bè hay trêu chọc tôi là sống bám vợ. Lúc đầu, tôi cũng tự ái nhưng nghĩ phụ được vợ việc gì thì cứ làm nên không đôi co hay cự cãi, miễn là cuộc sống gia đình hạnh phúc" - ông Ngọc tâm sự:
Ông Ngọc chẳng phải là trường hợp điển hình bởi hàng loạt gia đình khác cũng như vậy. Hơn 8 năm qua, ông Nguyễn Thạnh Nghĩa (48 tuổi; ngụ thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đảm nhận việc nấu ăn, đưa con đi học, giặt quần áo... Ông Nghĩa nói vui: "Giờ chuyện nhà tôi còn giỏi hơn cả vợ. Đây cũng là chia sẻ khó khăn với nhau".
Thay đổi nếp sống
Ông Lê Thửng (55 tuổi; ngụ xã Mỹ Hạnh Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết từ khi các công ty ở TP HCM xuống tận nơi đưa rước CN đi làm thì nếp sống ở làng quê cũng dần thay đổi. "Nhiều người trước đây hay tụ tập nhậu nhẹt thì nay bỏ hẳn, chí thú làm ăn và chăm sóc con cái thay vợ. Nhà gạch kiên cố mọc lên ngày càng nhiều, thay cho nhà tranh cũ nát. Dịp cuối tuần, mọi người tổ chức họp mặt, giao lưu. Lâu lâu nhận lương thì cả xóm thuê nhạc sống để hát hò giải trí" - ông Thửng nói.
Theo Lê Phong (Người lao động)
Lý do xe cẩu 'khủng' xuất hiện ở BOT Cai Lậy Môt chiêc xe keo thuôc dang "khung" cua Cuc Đương bô đươc điêu tư Đa Năng vao đâu trươc nha điêu hanh BOT Cai Lây. Hai ngày qua, người dân xã Bình Phú, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) và cánh tài xế khá tò mò khi thấy chiếc xe kéo hạng nặng mang biển số xanh của Đà Nẵng được Tổng cục Đường...