Nuôi 4.000 con cá bông lau nước lợ, bán giá cao, lời cả trăm triệu
Cá bông lau – một loài thủy sản có giá trị kinh tế cao đang được người dân huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nuôi thành công, mở ra một hướng phát triển mới cho nghề nuôi thủy sản tại ĐBSCL.
Bén duyên vùng nước lợ
Cá bông lau, một loài cá đặc sản nổi tiếng ở miền Tây đang giảm dần trong tự nhiên. Thời gian qua, cá bông lau thường được đánh bắt trên sông và bán với giá khá cao nên không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức. Nhân giống, gây nuôi cá bông lau không chỉ mở hướng phát triển mới cho nghề nuôi thủy sản tại ĐBSCL mà còn để loại cá này trở thành thực phẩm phổ biến.
Ông Lâm đang nuôi cá bông lau trên các ao nuôi tôm.
Theo ông Đồ Văn Thừa, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, mô hình nuôi cá bông lau tại địa phương có vài năm trước, do người dân sử dụng con giống bắt từ tự nhiên thuần dưỡng và nuôi trong ao đất. Do cá phát triển tốt, đạt hiệu quả cao, nên từ năm 2018, huyện đề xuất phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng thực hiện đề tài nuôi cá bông lau giống nhân tạo trong ao đất trên diện tích 0,6ha.
Sau 12 tháng nuôi, cá bông lau đạt trọng lượng khoảng 1,2kg/con; sau khi trừ chi phí, người nuôi lời 30.000 đồng/kg. Chính việc nuôi cá bông lau bằng giống nhân tạo thành công đã giúp nhiều nông dân tại Cù Lao Dung có thêm lựa chọn để đa dạng mô hình sản xuất.
Ông Lâm Thành Lâm, ngụ xã An Thạnh 3, cho biết trước đây ông nuôi tôm sú rồi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, do nuôi tôm nhiều năm, đất đai ô nhiễm , tôm nuôi bị bệnh nên hiệu quả không cao. Đầu năm 2018, ông bắt đầu chuyển sang nuôi cá bông lau bằng giống nhân tạo trên diện tích 2.000m2 với 4.000 con cá giống.
Đến thời điểm xuất bán, cá bông lau của ông Lâm đạt bình quân khoảng 1,2-1,4 kg/con. “Cá bông lau dễ nuôi, có khả năng kháng bệnh cao. Đợt vừa rồi, sau khi trừ hao hụt số cá thả nuôi, tôi thu hoạch hơn 5 tấn cá. Với giá bán từ 100.000-120.000 đồng/kg, trừ hết chi phí, tôi còn lời bình quân 30.000 đồng/kg”- ông Lâm chia sẻ.
Ông Lâm rất thành công khi nuôi cá bông lau bằng giống nhân tạo.
Video đang HOT
Theo ông Trần Thanh Nhã, ở xã An Thạnh 3, thực tế cho thấy điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương rất thích hợp để nuôi cá bông lau. Đàn cá bông lau của ông sau 11 tháng nuôi, cũng đạt trọng lượng hơn 1kg/con. Thương lái đến thu mua giá 100.000 đồng/kg, trong đó chi phí khoảng 70.000 đồng/kg nên người nuôi chắc chắn có lời.
Còn ông Nguyễn Văn Kiệt, ở xã An Thạnh Nam, cho biết những năm qua, ông chuyên thu gom cá bông lau giống tự nhiên về thuần dưỡng bán cho người nuôi, nhưng lượng cá giống tự nhiên ngày càng ít dần. Gần đây, cá bông lau được nhiều người ưa chuộng nhưng ngoài tự nhiên ngày càng hiếm, nên ông để lại 13.000 con giống nuôi trong 7.000m2 ao đất. Sau 1 năm, ông Kiệt thu hoạch được khoảng 10 tấn cá, bán giá 115.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lời hàng trăm triệu đồng.
Triển vọng phát triển
Theo ông Lâm, khoảng 3 năm nay, người dân các xã An Thạnh Nam, An Thạnh 3 bắt đầu nuôi cá bông lau trong ao đất. Lúc đầu bà con chủ yếu nuôi giống cá bông lau được đánh bắt từ tự nhiên.
Tuy nhiên, do nguồn giống cá bông lau từ tự nhiên hạn chế, sản lượng cá bán ra không nhiều, nên việc nuôi bằng giống nhân tạo thành công đã mở ra một triển vọng phát triển cho loài cá đặc sản này. Ông Lâm cho biết thêm: “So với các loại thủy sản khác thì nguồn lãi từ cá bông lau cao hơn nhiều, dự kiến tôi sẽ chuyển 8.000m2 mặt nước còn lại đang nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi cá bông lau”.
Còn ông Lâm Vũ Linh, ở xã An Thạnh 3, đang có đàn cá bông lau đạt trọng lượng trung bình 1,2 kg/con, cho biết nuôi cá bông lau trong ao đất cũng như nuôi các loài thủy sản khác, trong quá trình nuôi cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi cá bông lau cũng như quản lý môi trường ao nuôi. Đặc biệt, nuôi cá bông lau giống nhân tạo lớn nhanh hơn so với giống cá bông lau bắt ngoài tự nhiên. Trong quá trình nuôi cá bông lau, cần phải chú ý khi thời tiết thay đổi thất thường hay sau khi thay nước, cá có thể giảm ăn hoặc bỏ ăn, từ đó tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời xử lý.
Huyện Cù Lao Dung hiện có 3.089ha nuôi thủy sản, trong đó có hơn 1.700ha nuôi tôm nước lợ, diện tích còn lại nuôi nghêu và các loại thủy sản khác. Thực tế thời gian qua cho thấy cá bông lau là đối tượng nuôi mới, phù hợp với môi trường nước tại địa phương.
Ông Đồ Văn Thừa cho biết, cá bông lau là loài cá có giá trị kinh tế cao hơn các loài cá da trơn khác. Đặc biệt, cá bông lau là đối tượng nuôi mới, phù hợp với nguồn nước lợ, mặn tại Cù Lao Dung. Nguồn giống cá bông lau nhân tạo sẽ có nhiều ưu thế để nhân rộng và cũng dần thay thế nguồn cá bông lau tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt, góp phần bảo tồn nguồn giống cá bông lau tự nhiên.
Thực tế cho thấy cá bông lau phù hợp với môi trường nước có độ mặn từ 1-10. Từ kết quả đó, đầu năm 2019, huyện Cù Lao Dung tiếp tục thực hiện thêm 3 mô hình nuôi cá bông lau bằng giống nhân tạo và thiên nhiên, hiện cá phát triển rất tốt.
Theo ông Đỗ Văn Thừa, trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển gia tăng và bền vững, thì tại những vùng nuôi tôm muốn cách vụ có thể tận dụng các ao lắng hay ao nuôi lâu năm bị nhiễm bệnh để nuôi các loài thủy sản khác, đặc biệt là cá bông lau.
“Tuy nhiên, cái khó của nuôi cá bông lau là chi phí đầu tư khá cao, thời gian nuôi kéo dài để cá đạt trọng lượng từ 1,2 kg/con trở lên mới bán được giá. Trong khi đó, đầu ra cá bông lau cũng chưa thật ổn định vì chủ yếu tiêu thụ nội địa. Do đó, muốn đầu tư, phát triển mở rộng thì ngành chức năng và bà con nông dân phải tính toán kỹ, tìm đối tác để có thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài mới giúp nghề nuôi phát triển bền vững”- ông Thừa nói.
Theo Bình Nguyên (Báo Cần Thơ)
Làm giàu ở nông thôn: Đổi đời nhờ nuôi loài cá bông lau
Với mô hình nuôi loài cá bông lau trong ao đất, anh Lâm Thành Lâm, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng lãi hơn 400 triệu đồng mỗi năm.
Vừa bơi xuồng cho cá bông lau ăn buổi chiều, anh Lâm Thành Lâm, 35 tuổi ngụ xã An Thạnh 3 kể: "Tôi bắt đầu nuôi tôm sú rồi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng vốn là đặc sản của Cù Lao Dung. Đến đầu năm 2018, tôi bắt đầu chuyển sang nuôi cá bông lau chất lượng cao theo dự án "Mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất" do sở KHCN tỉnh Sóc Trăng và trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ phối hợp thực hiện. Dự kiến tôi sẽ thu hoạch vào giữa tháng 6 này...".
Anh Lâm Thành Lâm đang bơi xuồng kiểm tra ao nuôi cá bông lau.
Theo anh Lâm, cá bông lau tương đối dễ nuôi, có khả năng kháng bệnh rất cao. Trên diện tích 2.000m2 mặt nước anh Lâm thả nuôi 4.000 con cá giống do Sở KHCN Sóc Trăng cung cấp miễn phí đi kèm 30% tiền thức ăn cho cá trong suốt quá trình nuôi.
Mỗi tháng đơn vị đầu tư đều đến kiểm tra môi trường, dịch bệnh có thể xảy ra, độ an toàn của thức ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Riêng anh Lâm còn tranh thủ cho cá bông lau ăn thêm các loại cá tạp, đầu tôm nên chúng phát triển rất nhanh.
Thời điểm cá bông lau tăng trưởng mạnh nhất là từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Trong ao nuôi cá bông lau phải có máy sục khí để tạo nguồn oxy liên tục cho cá. Nuôi cá bông lau cần lưu ý không gây nhiều tiếng ồn, khuấy động ao nuôi để chúng không hoảng hốt chạy rồi va chạm vào nhau.
Anh Lâm Thành Lâm cho PV báo DANVIET.VN biết, cá bông lau là đối tượng dễ nuôi, giá bán cao và được thị trường ưa dùng.
Để thức ăn không bị trôi dạt trên ao nuôi cá bông lau, anh Lâm đã nghĩ ra cách dùng những ống nhựa thả nổi trên mặt ao tạo thành những ô vuông, sau đó sẽ thả thức ăn vào các ô vuông này. Cách làm này rất hiệu quả và tiệt kiệm rất nhiều lượng thức ăn.
Ông Nguyễn Quang Trung chủ nhiệm dự án cho biết: "Tiềm năng mặt nước, độ mặn, đất đai tại huyện Cù Lao Dung rất lý tưởng và hoàn toàn phù hợp với việc nuôi cá bông lau. Tuy nhiên người nuôi cũng cần nắm bắt chắc chắn kỹ thuật nuôi cá bông lau. Nếu so với cá tra hay một số loại cá da trơn thì nguồn lãi từ cá bông lau sẽ cao hơn từ 3 đến 4 lần trong cùng điều kiện, diện tích thả nuôi...".
Anh Lâm Thành Lâm giới thiệu về trọng lượng cá bông lau sau 16 tháng nuôi trong ao.
Đến thời điểm hiện nay, cá bông lau của ông Lâm đã đạt bình quân từ 1,4 đến 1,6 kg/con sau 16 tháng nuôi. Với giá bán từ 100.000 đến 120.000 đồng/kg, sau khi trừ hao hụt 5% số cá thả nuôi ( còn lại khoảng 3.800 con) sẽ còn thu hoạch khoảng 6 tấn cá, trừ hết chi phí đầu tư, anh Lâm còn lãi xấp xỉ 400.000.000 đồng.
Anh Lâm kể thêm: "So với các loại thủy sản khác thì nguồn lãi từ cá bông lau cao hơn nhiều, dự kiến tôi sẽ chuyển 8.000m2 mặt nước còn lại đang nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi loại cá bông lau. Nuôi cá bông lau là một trong những mô hình làm giàu ở nông thôn hiện nay...".
Hiện ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng có nhiều hộ nuôi cá bông lau để làm giàu ở nông thôn.
Không chỉ làm giàu từ việc nuôi cá trong ao mương đất, anh Lâm Thành Lâm còn đang kinh doanh cá bông lau con tự nhiên từ các tàu, ghe đánh bắt trên sông lớn. Với cá lau có trọng lương từ 700 đến 1.000 con/kg, anh mua với giá 3.000 đồng/con. Sau khi thuần dưỡng khoảng 30 đến 40 ngày anh bán lại cho người nuôi với giá từ 10.000 đến 12.000 đồng/con đi kèm các dịch vụ tư vấn kỹ thuật nuôi cá bông lau miễn phí cho người mua. Từ cách làm này mỗi năm anh Lâm đã có thêm thu nhập từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng.
Có thể nói, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng là vùng đất rất phù hợp với việc nuôi loại cá bông lau có giá trị kinh tế cao bởi đây là vùng nước mặn kéo dài mỗi năm từ 6 đến 8 tháng; có nhiều cá bông lau con được tàu ghe đánh bắt trên cửa sông lớn, có nguồn cá tạp để làm thức ăn rất dồi dào...Đã có nhiều nông dân tại đây nuôi cá bông lau trong mương đất rất thành công, trong đó có nhiều người đã trở thành tỷ phú như ông Nguyễn Văn Kiệt ( xã An Thạnh Nam), ông Lâm Văn Vũ, Lâm Thành Lâm ( xã An Thạnh 3)...
Theo Danviet
Nuôi cá bông lau trong ao đất, thu 17 tấn/ha, bán 1 ký lời 30 ngàn Nhiều hộ dân ở Cù Lao Dung (tỉnh tỉnh Sóc Trăng) đã thả nuôi cá bông lau trong ao đất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lâm Thành Lâm ở ấp An Quới, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung thả nuôi 4.000 con cá bông lau giống, năng suất đạt 15-17 tấn/ha, giá bán cá bông lau là 100.000...