Nuôi 11 con hươu sao, sau 7 ngày cắt nhung và 1 năm lấy lại vốn
Tháng 10-2016, anh Nguyễn Văn Lịch (SN 1991) trong một lần xem diễn đàn kinh tế trên Internet đã “bén duyên” với nghề nuôi hươu sao lấy nhung. Anh đến tận Công ty Hươu sao Trường Sinh ở TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, về trang trại Sơn Hà, huyện Đồng Phú (Bình Phước) để học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc hươu; đồng thời vận động cha mẹ, người thân ủng hộ mô hình phát triển kinh tế mới của mình.
Tháng 1-2017, anh Lịch được gia đình hỗ trợ vốn xây dựng hoàn thiện hệ thống chuồng trại với diện tích 120m2, mua 11 con giống với 7 con đực để lấy nhung (trong đó 4 con đã có sẵn nhung) và 4 con sinh sản tăng đàn…
Anh Nguyễn Văn Lịch mạnh dạn đầu tư nuôi hươu sao để thực hiện ước mơ làm giàu.
Vốn đầu tư ban đầu trên 260 triệu đồng, có nhung sẵn nên chỉ sau 7 ngày thích ứng với khí hậu mới, anh Lịch đã cắt 1 cặp nhung giao Công ty Trường Sinh và được báo kết quả kiểm định chất lượng đạt tiêu chuẩn của công ty. 10 ngày sau, 2 cặp nhung mới lại được anh bán ra thị trường. Hiện nay, đàn hươu của anh đã cho thu về hơn 4 cặp nhung và sắp thu thêm 1 cặp nữa.
Nói về kỹ thuật chăm sóc hươu sao, anh cho biết: Nuôi hươu sao không khó nhưng phải nắm được đặc tính của chúng để dễ bề chăm sóc. Đồng thời cần quan tâm tới chế độ ăn, uống, nghỉ dưỡng, thay đổi thời tiết. Mỗi ngày, một con hươu ăn 7kg cỏ. Đối với những con chuẩn bị lên nhung thì cho ăn tinh bột bắp, gạo nếp. Ngoài ra, còn cho hươu ăn thêm mít, chuối, đu đủ, các loại củ, quả…
Đối với hươu sao lấy nhung không nên lạm dụng kháng sinh để có sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Do đó, nguồn thức ăn đều phải sạch và tự nhiên. Với mô hình của anh Lịch, Công ty Hươu sao Trường Sinh bao tiêu sản phẩm và kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt. Nếu sản phẩm không đạt quy định chất lượng công ty yêu cầu phải đền bù hợp đồng, do đó mọi công đoạn chăm sóc luôn được anh chú ý để có lượng nhung sạch, chất lượng cao.
Mỗi lạng nhung hươu được công ty thu mua với giá 2,2 triệu đồng. Do đó, trong vòng 1 năm anh đã có thể thu lại vốn ban đầu và những năm tiếp theo anh dự dịnh sẽ hái lộc hươu.
Video đang HOT
Do kinh phí đầu tư khá lớn nên anh Lịch là người đầu tiên ở huyện dám vươn tới giấc mơ làm giàu từ nuôi hươu sao lấy nhung. Hiện có 2 cán bộ Huyện đoàn Bù Gia Mập tham quan học tập mô hình của anh Lịch để hướng tới phát triển kinh tế bền vững.
Theo Cẩm Liên (Báo Bình Phước)
Lãi "khiêm tốn" có nửa tỷ đồng nhờ nuôi 120 hươu, hơn 30 nai
Ông "Minh hươu" là cái tên thân mật mà nhiều người ở xã Phú Long (Nho Quan) thường gọi khi nói về ông Tống Xuân Minh- chủ trang trại con nuôi đặc sản ở thôn 1. Ông "Minh hươu" hiện là chủ sở hữu của 2 trang trại với 120 con hươu và trên 30 con nai. Bình quân từ nuôi hươu lấy nhung, trừ chi phí, gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại của mình, ông Minh tự hào cho biết: "Gần 18 năm qua, tôi gắn bó với nghề nuôi hươu, vì thế mà những người dân trong vùng gọi tôi là Minh hươu đó nhà báo"! Nói rồi ông cười khà, chỉ tay về phía đàn hươu trước mặt và bảo: Nuôi hươu đơn giản vì chúng ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là cỏ cây trên rừng. Mà ở vùng núi Phú Long này lá rừng thì không hiếm...
Chăm sóc đàn hươu tại trang trại của gia đình ông Tống Xuân Minh.
Câu chuyện nuôi hươu của ông Minh nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực ra, để có thành công như hôm nay ít ai biết được ông đã từng trải qua những năm tháng gian lao, vất vả. Sinh ra trên đất Phú Long, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1986 ông Minh trở về quê lập nghiệp. Những năm tháng đó, cuộc sống của gia đình ông cũng như nhiều người dân trong vùng đều rất khó khăn, ăn cơm độn sắn mà vẫn không đủ no.
Ông Minh tâm sự: Tôi luôn tự hỏi, tại sao đất đai, đồng ruộng quê mình nhiều, những người nông dân thì cần cù mà cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Phải chăng do cách thức thoát nghèo của người nông dân chưa đúng? Nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, tôi quyết định phải tìm ra được cây, con phù hợp với vùng đất của mình. Được bố mẹ cho 5 sào ruộng, tôi bắt tay vào cải tạo vườn tạp và trồng cỏ để nuôi bò.
Vợ chồng ông Tống Xuân Minh nuôi đàn hươu, nai lớn nhất huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Để có thêm nguồn lực phục vụ nuôi bò, hai vợ chồng không quản ngày đêm làm thuê, làm mướn. Ban đầu do chưa có kiến thức và kinh nghiệm trong chăn nuôi nên bò chậm lớn, sinh sản kém, vợ con cũng thấy nản và ngay cả tôi cũng có lúc đã từng có ý muốn từ bỏ.
Nhưng với bản lĩnh người lính cụ Hồ, tôi không cho phép mình được chùn bước trước khó khăn. Thế là, hễ cứ nghe thấy ở đâu giới thiệu về mô hình hay trong chăn nuôi là tôi cất công đi học hỏi để khắc phục những hạn chế của mình và động viên vợ con cùng cố gắng.
Với bản tính hay lam, hay làm và đặc biệt là không ngại khó, ông Minh đã từng bước khắc phục được những hạn chế trong chăn nuôi bò, kinh tế gia đình ngày một khấm khá. Nhưng cuộc sống của gia đình ông chỉ thực sự thay đổi khi ông chuyển từ nuôi bò sang nuôi hươu.
Hươu giống trong trang trại chăn nuôi của gia đình ông Tống Xuân Minh.
Ông Minh cho biết: Đó thực sự là một cuộc "cách mạng" trong tư duy của tôi, bởi trước nay tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nuôi được con nuôi đặc sản này. ấy vậy mà tôi lại gắn bó được với nó đến nay ngót nghét gần 18 năm, đó cũng được xem như là cái "duyên" trong nghề chăn nuôi của tôi. Câu chuyện về duyên nuôi hươu của ông Minh bắt nguồn từ khi ông nghe trên đài giới thiệu về mô hình nuôi hươu thành công của bà con vùng núi.
Năm 1997, ông quyết định mua 1 cặp hươu về nuôi thử. Quá trình thử nghiệm cho thấy hươu là loài động vật dễ nuôi, đầu tư trang trại không nhiều, lại có thể nuôi hươu lấy nhung hoặc bán thịt thương phẩm mà thị trường đầu ra được người tiêu dùng ưa chuộng.
Do đó, ông Minh quyết định chuyển toàn bộ nuôi bò sang nuôi hươu. Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2007, ông đầu tư mua đất để xây dựng thêm một trang trại nuôi hươu nữa. Ngoài nuôi hươu, ông Minh còn nuôi thêm nai để đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng.
Hiện nay, trang trại của ông có trên 150 con hươu, nai. Các trang trại này đã tạo việc làm cho 4 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, bình quân trừ chi phí ông thu về 500 triệu đồng/năm.
Theo ông Minh, trước đây giá 1 lạng nhung hươu khá cao (trung bình 2,2 triệu đồng/lạng) nhưng giờ có nhiều người nuôi nên giá giảm xuống chỉ còn trung bình 1,7 triệu đồng/lạng. Song, so với nguồn vốn ban đầu bỏ ra và trừ chi phí thì nuôi hươu vẫn đem lại giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, về đầu ra của sản phẩm thì không đáng ngại do thị trường vẫn đang có nhu cầu rất lớn. Vì vậy, đây vẫn là con nuôi ông lựa chọn tiếp tục đầu tư trong thời gian tới.
Tuy nhiên, điều ông Minh trăn trở và mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành để có thể xây dựng được thương hiệu nhung hươu cho Phú Long nói riêng, vùng cao Nho Quan nói chung để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều người dân.
Theo Mai Lan-Anh Tuân (Báo Ninh Bình)
Vào "thủ phủ" nuôi con "quý tộc" xem nông dân thu hoạch mà thèm Được thuần hóa từ thế kỷ 18, hươu đã gắn bó và gần như không ngừng phát triển ở Hà Tĩnh. Trước đây, hươu là vật nuôi "quý tộc", nhưng từ những năm 1990 đến nay, hươu được nuôi phổ biến, không ngừng được nhân rộng, trở thành vật nuôi chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Hiệu quả...