Nước – vũ khí tối thượng của IS ở chảo lửa Mosul
Ít nhất nửa triệu dân thường vô tội đang mắc kẹt giữa làn đạn ở chảo lửa Mosul, Iraq, mà không thể tiếp cận nguồn nước vì bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo ngăn cản.
Một em bé Mosul lấy nước từ vòi tại một trại tị nạn ở tỉnh Nineveh, Iraq. Ảnh: CNN
Một trong ba đường ống dẫn nước tới thành phố đã bị vỡ trong khi quân đội chính phủ Iraq giao tranh với các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở khu vực phía đông Mosul, CNN dẫn báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đưa ra hôm 30/11.
Những ống dẫn bị hư hỏng nằm trong khu vực do IS kiểm soát nên nhà chức trách không thể tiến hành sửa chữa. Mosul là thành trì lớn duy nhất mà IS còn nắm giữ trên đất Iraq.
Các quan chức địa phương và nhân chứng cho hay việc đường ống dẫn nước bị hư hại gây ra không ít khó khăn cho dân chúng nhưng vấn đề càng trở nên trầm trọng bởi những thủ đoạn nham hiểm từ IS.
Nhóm đã cố tình cắt nguồn cung cấp nước tới những khu dân cư gần các địa điểm xảy ra giao tranh, ông Zuhair Hazem al-Jabouri, quan chức Hội đồng Mosul, chịu trách nhiệm giám sát, quản lý nguồn nước và điện năng của thành phố, cho biết.
“IS cắt điện tại các trạm cung cấp nước cho những khu dân cư mà binh sĩ Iraq đang nhắm tới”, ông Jabouri nói. “Chúng ngăn cản người dân ở đông Mosul uống nước. Chúng muốn ép người dân phải rút lui cùng chúng nhằm lợi dụng họ làm lá chắn sống”.
Liên Hợp Quốc chưa thể xác nhận các báo cáo song khẳng định chính sách đánh vào nhu cầu thiết yếu của người dân mà IS đang thực thi có thể khiến hơn một triệu dân thường vẫn bám trụ tại Mosul rơi vào tình cảnh khổ sở.
“Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến kịch bản tương tự tại các thành phố, thị trấn mà ISIL từng chiếm đóng. Chúng dùng nước uống, thức ăn hay bất cứ thứ gì trong khả năng để ép buộc người dân. Chúng đẩy họ vào tuyến lửa”, Lise Grande, điều phối viên nhân đạo Liên Hợp Quốc ở Iraq, cho hay, sử dụng tên viết tắt khác của IS.
“Các lực lượng Iraq cam kết bảo vệ dân thường. Họ chiến đấu để giành lại Mosul từ tay ISIL, cùng lúc cố gắng đảm bảo an toàn cho những gia đình ở đây. ISIL trong khi đó đang cố tình gây tổn thương cho người dân”, Grande nói.
“IS đang đóng và mở nguồn cấp nước theo ý thích”, ông Sabah al-Numan, đại diện lực lượng chống khủng bố Iraq, nói.
Phía sau làn đạn
Người dân Mosul chạy trốn khỏi thành phố. Ảnh: CNN
Khoảng 10 ngày gần đây, dân chúng ở Mosul phải sống trong cảnh không có nước sạch để uống. Một số cộng đồng dân cư đã tập hợp nhau lại để cùng đào các giếng tạm nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu.
Video đang HOT
Song Abu Ahmed, một cư dân Mosul, cho biết quá trình lấy nước từ giếng rất phức tạp và tốn tài nguyên. Họ cần dùng tới một máy phát điện loại nhỏ và nhiên liệu, một mặt hàng khan hiếm và đắt tiền vào thời điểm này. Bên cạnh đó, nước còn lẫn tạp chất, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.
Mỗi hộ gia đình phải chờ nhiều ngày để đến lượt lấy nước và mỗi lần chỉ có thể lấy vài bình nhỏ, Abu Ahmed kể.
“Con cái tôi không hiểu vì sao chúng lại phải khổ sở như thế đế lấy thức ăn và nước uống”, ông nói. “Chúng không hiểu rằng chúng tôi đang phải vật lộn sống ngày nào hay ngày đó”.
Om Nayem, chị gái Abu Ahmed, chia sẻ bà không bao giờ nghĩ mình sẽ phải dùng đến các giếng tạm lâu như thế.
“Chúng tôi luôn cho rằng chúng tôi sẽ được giải phóng trước tiên. Nhưng giờ chúng tôi chỉ biết chờ đợi. Chúng tôi cảm thấy vô cùng chán nản”.
Theo Om Nayem, suốt hai tháng qua, bà hạn chế tối đã bước chân khỏi nhà. Bà cũng không để lũ trẻ ra ngoài chơi vì lo sợ điều bất trắc sẽ ập tới bất cứ lúc nào.
Cậu con trai 16 tuổi của bà dường như là người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc chiến. “Nó không chịu ngủ và liên tục hỏi: ‘Khi nào chúng ta sẽ tự do’”.
“Mong ước lớn nhất của tôi là an ninh được lập lại. Đấy là điều quan trọng nhất đối với tôi. Chúng tôi muốn thế giới biết rằng chúng tôi đang khổ sở và chỉ mơ ước một cuộc sống bình thường”.
Abu Ibrahim, một người dân khác ở Mosul, cho hay nếu các lực lượng Iraq không giải phóng nơi ông sống sớm, ông buộc phải rút về thành trì của IS ở phía tây thành phố.
“Tôi không muốn thấy cảnh con cái chết ngay trước mắt mình”, Ibrahim nói. “Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ gia đình, nhà cửa để đi về phía tây nếu tình hình cứ tiếp diễn như hiện nay”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Thế 'tiến thoái lưỡng nan' của người dân tại chảo lửa Mosul
Khi chiến sự lan đến các làng mạc sát Mosul, người dân bị đặt trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan" vì bỏ trốn hay ở lại đều ẩn chứa những mối nguy tiềm tàng.
Người dân trở về ngôi làng của họ ở phía nam Mosul hôm 21/10 sau khi nó được giải phóng. Ảnh: Reuters
Điều đầu tiên Musar Abid, 41 tuổi, làm khi thoát khỏi sự kìm kẹp của Nhà nước Hồi giáo (IS) là chộp lấy dao cạo râu. "Tôi đã cạo râu sáng nay. Tôi lại trông giống như một gã trai trẻ rồi", ông nói và cười vui vẻ khi chỉ tay vào má. Đây là lần đầu tiên nó được cạo nhẵn kể từ lúc những kẻ chấp pháp của IS tại Mosul cách đây hai năm yêu cầu đàn ông phải để râu, theo New York Times.
Abid rất phấn chấn khi thấy những cảnh sát liên bang Iraq tham gia cuộc tấn công giải phóng Mosul khỏi tay IS tiến đến ngôi làng của ông. Đối với Abid, trốn thoát khỏi IS là chuyện cấp bách. Abid cho biết ông đã thông báo cho cảnh sát Iraq về các điều kiện ở Mosul. "Tất cả thế giới đều biết cuộc sống dưới sự cai trị của IS ra sao", ông nói.
Tuy nhiên, hơn một triệu người khác hiện vẫn mắc kẹt trong thành phố. Họ đang phải đối mặt với các mối nguy hiểm ngày càng tăng khi cân nhắc quyết định lánh nạn hay ở lại.
Bế tắc
Những người di tản đang đợi làm thủ tục tiếp nhận ở Qaiyara, phía nam Mosul. Ảnh: Reuters
Những nhóm cứu trợ và các cơ quan quốc tế đang chạy đua để chuẩn bị cho khả năng những cuộc bỏ trốn lẻ tẻ khỏi Mosul, như trường hợp của Abid, sẽ nhanh chóng biến thành một làn sóng tháo chạy ồ ạt.
Các nhân viên cứu trợ lo ngại khi chiến sự lan sâu vào trung tâm đô thị, hàng trăm nghìn người sẽ phải di chuyển chỗ ở. Nhiều người dân đang tích trữ mặt nạ chống độc đề phòng trường hợp IS tấn công bằng vũ khí hóa học. Dù người dân cảm thấy nhẹ nhõm khi có thể thoát khỏi IS, mối hiểm nguy đối với việc chạy trốn như vậy vẫn rất lớn.
Chính phủ Iraq đang rải hàng loạt tờ rơi, yêu cầu người dân ở yên trong nhà và kêu gọi thanh niên nổi dậy chống lại phiến quân IS khi các lực lượng an ninh Iraq áp sát Mosul.
Đến hôm 21/10, khi chiến sự mới chỉ lan đến các vùng ngoại ô Mosul, phần lớn người dân ở đây dường như vẫn cố ẩn nấp tại chỗ, một số quan chức Mỹ cho biết. Tình hình này, nếu được duy trì, sẽ giúp giảm áp lực về đồ tiếp tế và chỗ ở đối với các trại cứu trợ bên ngoài thành phố.
Tuy nhiên, bình luận viên Tim Arango từ New York Times nhận định thế bế tắc của người dân Mosul sẽ trầm trọng thêm khi chiến sự ngày càng ác liệt. Nếu chọn ở lại, họ đối mặt với nguy cơ toàn bộ gia đình bị kẹt giữa bom đạn hoặc bị IS bắt làm con tin. Nếu quyết định ra đi, họ có thể bị giết hại vì các vụ bắn tỉa hoặc bom cài ven đường rồi sau đấy là cuộc sống ảm đạm trong những khu trại dành cho người mất nhà cửa.
Các gia đình ở Mosul và nhân viên cứu trợ lo ngại phiến quân IS sẽ dùng người dân làm lá chắn sống như chúng từng làm trong cuộc chiến cố thủ thành phố Fallujah, nơi bị quân chính phủ tái chiếm hồi tháng 6.
Hôm 21/10, Liên Hợp Quốc cho hay IS đang cầm giữ khoảng 550 gia đình để làm lá chắn sống gần Mosul. Đến nay, có 5.640 người đã mất nhà cửa trong những ngày đầu tiên của chiến dịch giải phóng thành phố. Nhiều người đến từ các làng mạc phía nam Mosul, khu vực đang bị quân đội Iraq và lực lượng cảnh sát liên bang dồn ép từ một căn cứ quân sự ở Qaiyara.
Để tiếp cận nơi này, phóng viên New York Times đã lái xe từ thành phố Erbil, thủ phủ của người Kurd tại Iraq, chạy men theo các con đường bị bom đạn xới tung. Phía chân trời là khung cảnh nham nhở, khô cằn, với các cột khói đen cuộn lên từ những giếng dầu mà IS đốt cháy nhằm tạo ra bức màn che phủ, gây cản trở không kích. Những chốt kiểm soát nằm dọc theo các con đường treo cờ của lực lượng vũ trang người Kurd và quân đội Iraq.
Tại căn cứ quân sự Qaiyara, một nhóm cảnh sát liên bang chụp lấy súng trường rồi lái chiếc xe tải nhỏ chở phóng viên đi thăm các ngôi làng. Khi xe chạy qua các thị trấn phủ bụi, trẻ em vẫy tay hò reo và cảnh sát quăng cho chúng những chai nước uống.
Xe đang đi thì gặp bão cát nên phải tạt vào một điểm dừng chân. Tại đây, một người đàn ông lớn tuổi tên Hussein Ali Abdella cho hay ông không biết khi nào mới có thể trở về nhà vì bất đồng bộ tộc đang xảy ra giữa các nhóm ủng hộ và phản đối IS.
Theo Othman Falah, 15 tuổi, tất cả con trai của người đàn ông mà nhóm vừa nói chuyện đều về phe IS.
Cuộc trò chuyện trên chỉ là một dấu hiệu nhỏ cho thấy những thách thức đối với tiến trình hòa giải ở Iraq, thậm chí cả khi IS bị đánh bật khỏi Mosul.
Đứng lên chống IS
Lực lượng chống khủng bố của chính phủ Iraq treo cờ sau khi tái chiếm thị trấn Bartella ở ngoại ô Mosul hôm 21/10. Ảnh: AP
Khi các lực lượng Iraq áp sát Mosul hồi tuần trước, bước tiến công của họ bị chậm lại vì vấp phải các vụ đánh bom liều chết và bẫy bom cài ven đường. Những nhà ngoại giao phương Tây và các lãnh đạo nước ngoài cảnh báo chiến dịch tái chiếm Mosul có thể sẽ rất đẫm máu và kéo dài, thậm chí đến tận năm sau.
Song nhiều người dân tại Mosul và các khu vực lân cận lại dự đoán một viễn cảnh khác: dân chúng sẽ tỉnh mộng trước sự cai trị tàn ác của IS đến mức một số người sẽ đứng lên chống lại chúng.
"Hãy tin tôi, nếu quân đội Iraq tấn công Mosul, tất cả thanh niên sẽ đứng về phía họ", Umm Yihya, 46 tuổi, người vừa trốn thoát khỏi Mosul cách đây một tuần cùng con trai, hiện sống trong một khu lều trại ở Debaga, phía nam Erbil, nói. "Thậm chí, phụ nữ cũng sẽ chống IS. Chúng đã đối xử tồi tệ với chúng tôi và điều đó khiến chúng bị oán hận".
Nhưng cũng có những người cho rằng một cuộc nổi dậy rộng khắp chống IS là điều không thể. "Họ lo sợ. Tôi không tin họ sẽ nổi dậy", Hussein Hassan, người đàn ông vừa trốn khỏi một ngôi làng gần Mosul, cho biết.
Theo Hassan, dù hầu hết người dân đều hoan nghênh chiến dịch giải phóng Mosul nhưng họ không mấy tin tưởng vào năng lực của các lực lượng an ninh Iraq. Hassan cho hay tại làng của ông, chỉ cần một nhúm chiến binh IS cưỡi xe máy đã đủ sức chiến đấu cầm cự với một lực lượng lớn hơn nhiều.
"Chúng giao chiến với tất cả các lực lượng Iraq. Điều này khiến quân đội Iraq không thể vào làng chúng tôi", Hassan nói.
Trong khi đó, IS đang cố gắng định hướng suy nghĩ, cảm tình của người dân Mosul trước khi cuộc tấn công lớn nhằm vào thành phố nổ ra. Tuần qua, IS đã tung loạt video cho thấy các phiến quân bịt mặt tuần tra trên đường phố và những người được IS phỏng vấn nói cuộc sống nơi đây vẫn yên bình.
Song qua lời kể của dân chúng còn sống bên trong Mosul cùng những người đã di tản nhưng vẫn giữ liên lạc với bà con ở lại, một bức tranh hoàn toàn khác hiện lên. Họ miêu tả đường phố gần như vắng tanh, chỉ có các tay súng IS hoặc đang chạy trốn hoặc đang di chuyển đến tiền tuyến để bảo vệ những ngôi làng ở ngoại vi thành phố trước cuộc tấn công từ lực lượng an ninh Iraq.
Họ nói về nỗi sợ hãi đang lớn dần trước sự trấn áp của những kẻ cai trị IS. Thực phẩm đang khan hiếm. Những người bị bắt quả tang sử dụng điện thoại di động để liên lạc với bên ngoài phải đối mặt nhiều hình phạt nặng, thậm chí xử tử. Một số người dân xóa sạch khỏi điện thoại di động những hình ảnh mà họ chụp chung với IS vì lo sợ bị lực lượng an ninh Iraq coi là những người hợp tác với phiến quân.
IS cũng đang cố kích động nỗi sợ hãi của người Arab theo Hồi giáo dòng Sunni tại Mosul. Tuần trước, chúng tập hợp người dân và cho họ xem các video tuyên truyền quay cảnh người Hồi giáo Shiite, chiếm đa số trong lực lượng an ninh Iraq, ngược đãi người Hồi giáo Sunni.
Khoảng một tháng trước khi chiến dịch tấn công giải phóng Mosul bắt đầu, Ahtan Thamir chạy thoát khỏi Mosul. Cũng giống như Abid, Thamir cạo râu khi đến khu lều trại dành cho người lánh nạn. Anh vẫn giữ liên lạc thường xuyên với bạn bè và gia đình ở Mosul. Anh cho biết mọi người "đang chờ đợi khoảnh khắc này". Thamir đoán phiến quân IS "rồi sẽ bỏ chạy như những con chó".
Hồng Vân
Theo VNE
IS dùng máy bay không người lái tấn công quân đội Iraq Nhà nước Hồi giáo sử dụng máy bay không người lái để tấn công các binh sĩ Iraq đang tiến quân về Mosul , thành trì của nhóm phiến quân tại nước này. Máy bay không người lái nghi của Nhà nước Hồi giáo bị phiến quân Sarya Ansar al Al qaeda ở Libya bắt được. Ảnh: RT. Các lực lượng Iraq, được...