Nước uống đóng bình, vừa dùng vừa lo
Nước uống đóng bình đang bị nhiều cơ sở “chui” và cả các cơ sở được cấp phép thực hiện rất mất vệ sinh. Trong đó, nhiều mẫu nước bị nhiễm coliforms – một loại vi khuẩn không cho phép xuất hiện trong nước uống đóng bình theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Một nhân công ở cơ sở TH (P.Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) gội đầu tại vòi nhựa, sau đó từ vòi này châm nước vào bình – Ảnh: Ngọc Khải
Ông Đinh, chủ cơ sở sản xuất nước đóng bình “chui” trên đường liên khu 8-9 (P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM), giới thiệu: “Nước uống chỗ tui tuy không đăng ký nhưng chất lượng không kém các cơ sở khác, thậm chí còn tốt hơn, giá bán chỉ 6.000 đồng/bình loại 20 lít”.
Công nghệ sản xuất giá “bèo”
Vỏ bình đóng rêu xanh Gần đây, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ gọi điện lo ngại về tình trạng an toàn của nước uống đóng bình. Anh Long (sinh viên ở làng đại học, Q.Thủ Đức) kể: “Có buổi sáng, sau khi uống nước bình 20 lít thì bỗng dưng tôi bị đau bụng dữ dội. Do vậy, tôi đã tìm mua loại nước khác nhưng cũng vừa uống vừa lo”. Tương tự, một bạn đọc tên Huy (ngụ P.6, Q.8) lo âu: “Nhiều lần tôi đi qua một cơ sở làm nước đóng bình ở gần nhà thấy chúng được làm trong điều kiện nhỏ hẹp, tối tăm, không đảm bảo nên tôi không dám sử dụng…”. Ngay cả những người trực tiếp đến các cơ sở đóng bình mua về bỏ lại cho các đại lý cũng lo lắng. Ông Đông, ngụ chợ Việt Lập (Dĩ An, Bình Dương), một người có thâm niên gần 10 năm trong nghề bỏ mối nước đóng bình, cho hay: “Tiền nào của đó, có lần tui lấy loại giá bèo về bán kiếm lời nhưng phát hiện phía trong vỏ bình có đóng rêu xanh nên phải mang trả lại kẻo mất khách”.
Với công suất khá khiêm tốn (250 lít/giờ), cơ sở ông Đinh cho ra lò mỗi tháng ngót nghét 1.000 bình. Khách hàng mà ông cung cấp phần lớn là hộ dân xung quanh hoặc công nhân ở các nhà xưởng thuộc địa bàn P.Bình Hưng Hòa A.
Ông ta bật máy bơm ro ro chạy và cắm ống nhựa vô bình đặt trực tiếp dưới nền gạch. Chưa đầy 3 phút đã có ngay một bình nước.
Chỉ về phía các bình lọc bằng inox láng coóng, ông nói: “Đúng ra hệ thống làm nước này cần ba bình lọc nhưng tui đã thiết kế rút ngắn chỉ còn hai bình, chất lượng nước vẫn đảm bảo. Nếu như bên anh có nhu cầu ráp máy thì tui tư vấn, ráp máy cho. Chỉ tốn vài chục triệu đồng là có ngay công nghệ lọc nước bình dân”.
Ông Đinh cho biết nhiều hộ dân, cơ sở sản xuất ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đang sử dụng “công nghệ” do chính ông lắp đặt. Tùy thuộc vào công suất, loại máy công nghệ Mỹ, Úc… với đủ mức giá. “Công suất 250 lít/giờ, công nghệ Mỹ có giá từ 30-40 triệu đồng, công suất 500 lít/giờ giá hơn 60 triệu đồng, 1.000 lít/giờ giá gần 100 triệu đồng. Công nghệ giá quá bèo mà chất lượng, chỗ khác làm sao có” – ông nói. Đa số vỏ bình mà cơ sở ông dùng đựng nước đều không nhãn mác và đục màu cũ kỹ.
Theo lời ông này, bình dùng chứa nước có khi được sử dụng 30-40 lần, bao giờ hư mới bỏ xó, còn nhãn thì cứ việc mua hàng gia công dán vào, thích nhãn gì có nhãn nấy. Trong khi đó, theo một chuyên gia ngành xử lý nước uống, với công nghệ vài chục triệu đến 200-300 triệu đồng thì cơ sở sản xuất rất dễ rơi vào những vi phạm về quy trình sản xuất, chất lượng nước uống.
Video đang HOT
Lần theo địa chỉ trên bình nước nhãn hiệu Riming, chúng tôi đã chứng kiến quy trình sản xuất nước cực kỳ nhanh chóng tại cơ sở sản xuất ở phường An Bình (thị xã Dĩ An, Bình Dương).
Nơi sản xuất (các khâu) trong không gian chật hẹp chưa đầy 20m2. Phía trước nhà là nơi tập kết hàng trăm vỏ bình nằm ngổn ngang. Cơ sở này tiêu thụ hơn 1.000 bình/ngày nhưng mỗi ca làm việc chỉ có hai nhân công thực hiện tất tần tật các công đoạn dán nhãn mác, súc rửa bình, bơm nước… hoàn toàn bằng tay trần. Điều đáng nói khâu súc rửa vỏ bình chưa đầy 15 giây.
Ông Nhì, một nhân công đã ba năm làm tại cơ sở trên, tiết lộ: “Quan trọng là khâu lọc nước thôi, các khâu khác thì làm qua loa, miễn sao cho nhanh là được”. Ông Nhì thừa nhận ngay cả ông và các đồng nghiệp chưa bao giờ có khái niệm dùng đến găng tay bảo hộ và… đi khám sức khỏe.
Chỉ trong một tuần đi thực tế, chúng tôi đã chứng kiến hơn 10 cơ sở trên địa bàn TP.HCM và Bình Dương sản xuất nước uống đóng bình với phòng ốc chật hẹp, ẩm thấp, trang thiết bị hầu như chẳng có gì ngoài máy xử lý nước bằng ozon. Quy trình cũng bị rút ngắn, bỏ qua các khâu tiệt trùng vỏ bình.
“Ra lò” nước nhiễm vi sinh
Trưa 28-6, chúng tôi có mặt tại cơ sở TH (P.Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương), sản xuất nước đóng bình nhãn hiệu Yoday, trên nhãn bình ghi “sản xuất theo công nghệ USA”. Trong không gian phòng kính khoảng 10m2, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một nhân công đang gội đầu dưới vòi nhựa. Sau đó, từ vòi này, một nhân công khác châm đầy nước cho các bình nước khác. Còn một nhân công gần đó ngồi giữa hàng chục bình nước dùng tay trần bọc nilông bình nước đặt trên nền đất bám đầy bụi cát. Một tốp người mình trần vác bình lên xe tải mang đi tiêu thụ.
Ông D., chủ cơ sở, nói: “Tui có hai cơ sở sản xuất nhãn hiệu Yoday, một ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, một ở đây. Mùa mưa đóng 12.000 bình/tháng, mùa nắng phải đến 20.000 bình/tháng”. Ông D. cho biết nước bán sỉ là 4.000-5.000 đồng/bình cho hơn 200 mối là những tiệm tạp hóa, hộ dân có nhu cầu ở Q.Thủ Đức, Q.9… và Bình Dương.
“Trước đây tui bỏ sỉ giá 3.500 đồng/bình, rẻ vô địch khu này. Tuy giá điện, xăng tăng vùn vụt nhưng giá nước chỗ tui chỉ tăng chút đỉnh” – ông ta khoe. Ông D. thừa nhận mỗi bình nước giá “bèo”, trừ chi phí vẫn có thể kiếm lời 50%.
Để tìm hiểu thực hư chất lượng của nước đóng bình, chúng tôi đã gửi ba mẫu nước của ba cơ sở sản xuất đi thử nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM. Trong đó có 2/3 mẫu cho kết quả dương tính với coliforms. Trong đó nhãn Yoday (cơ sở ông D., chúng tôi lấy mẫu ngày 8-6) cho kết quả: 44 vi khuẩn/100ml. Điều đáng nói là kết quả thử nghiệm lần hai (10 ngày sau) ở cơ sở này tăng đột biến lên tới 1.200 vi khuẩn/100ml (gấp 27 lần).
Thạc sĩ Phẩm Minh Thu, phó khoa xét nghiệm Viện Pasteur TP.HCM, nhận định: “Với mẫu phân tích nước uống đóng chai có 44 vi khuẩn/100ml là đã vi phạm tiêu chuẩn nhà nước đặt ra. Bởi vì nước uống nói chung, theo quy định tiêu chuẩn nhà nước (TCVN 6096:2004) là 0 vi khuẩn/250ml.
Thời gian qua, viện đã nhận nhiều mẫu nước đóng chai, đóng bình để phân tích, xét nghiệm. Trong đó nhiều mẫu có chứa coliforms. Cụ thể vào năm 2007 có đến 10% mẫu có chứa coliforms (trên 50 mẫu). Uống nước chứa coliforms với số lượng nhiều (tùy vào thể trạng người uống) có thể gây rối loạn tiêu hóa, từ đó tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh tiêu chảy, mất nước ở cơ thể”.
Theo BĐVN
Nhiều học sinh nhập viện vì nước uống
Trong vài ngày hôm nay cả xã Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội vô cùng hoang mang vì có nhiều học sinh tiểu học bị nhập viện vì ngộ độc nước uống tại trường. Hơn ai hết, chính các phụ huynh học sinh vẫn còn rất bàng hoàng vì con em mình có triệu chứng đau bụng đi ngoài và nhập viện gấp.
Nhập viện vì uống nước có mùi lạ
Vào khoảng 9h30 ngày 1/12, tại trường tiểu học xã Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội đã xảy ra 1 vụ ngộ độc do uống nước bình mua sẵn.
Toàn bộ cô giáo và học sinh lớp 3C rất hoảng sợ sau giờ ra chơi có tới 10 em kêu đau bụng. Sau khi thấy các cháu có biểu hiện đau bụng, cô giáo chủ nhiệm đã pha nước đường cho các cháu uống nhưng không đỡ.
Tuy nhiên, các cháu vẫn có biểu hiện đau bụng ngày càng dữ dội và cán bộ y tế đã yêu cầu đưa lên bệnh viện huyện Thanh Oai.
Cháu Nguyễn Thùy Dương đang dần hồi phục sức khỏe tại bệnh viện
Sau 1 ngày xảy ra sự việc, các em học sinh đã được ra viện, duy chỉ có em Nguyễn Thùy Dương là bị nặng nhất (do cháu uống 2 cốc), hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện huyện Thanh Oai.
Cháu Nguyễn Thị Linh 1 trong số các em bị đau bụng nói: Cháu uống một ít nước thấy mùi lạ lạ, cháu đã không uống nữa nhưng sau đó cháu vẫn thấy đau bụng. Ngoài cháu Dương, Linh..., lớp 3C còn có những cháu: Nguyễn Thị Ngọc, Đoàn Phương Thảo, Nguyễn Lê Anh Trang, Phạm Thu Trang, Lê Thị Thu, Trần Kim Anh, Nguyễn Quốc Huy, Nguyễn Phương Anh cũng phải vào bệnh viện vì đau bụng. Tất cả các cháu đều uống nước đóng bình trong giờ ra chơi.
Gặp cháu Nguyễn Thùy Dương tại bệnh viện Thanh Oai, cháu còn rất yếu do đi ngoài mất nước, cháu kể lại: Buổi sáng đi học cháu không ăn gì, cháu đã uống 2 cốc nước ở bình để góc lớp. Lúc đầu cháu thấy có mùi nhưng cháu vẫn uống vì cháu khát. Sau khi uống xong, vào lớp cháu đã khóc vì đau bụng quá.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo, trưởng khoa truyền nhiễn Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Oai cho biết, cháu Nguyễn Thùy Dương đã bị ngộ độc ăn uống. Khi mới chuyển vào viện cháu có triệu chứng nôn ói, đi ngoài phân lỏng và đau bụng. Sau khi được cấp cứu kịp thời cháu Dương đang phục hồi dần.
Tiền mất tật mang
Học sinh bị ngộ độc do ăn uống là chuyện chưa từng xảy ra tại xã Thanh Cao nên tất cả các phụ huynh học sinh vô cùng hoảng sợ và lo lắng.
Sau khi sự việc xảy ra, phóng viên có cuộc trao đổi với cô Nguyễn Thị Thu - hiệu trưởng nhà trường, cô Thu cho biết việc 10 cháu học sinh lớp 3G bị đau bụng và đi cấp cứu là có thật. "Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã cho niêm phong bình nước tại lớp 3G và mời đại diện chính quyền xã, đại diện nhà sản xuất nước, đại diện trạm y tế chứng kiến và làm việc và lập biên bản" - Cô Thu nói.
Một trong những bình nước cùng hãng sản xuất với bình nước học sinh lớp 3G uống phải
"Ngay sau đó ít lâu chúng tôi đã thông báo cho Trung tâm y tế dự phòng huyện Thanh Oai lấy mẫu nước gửi lên cấp trên xét nghiệm... Hiện đang chờ mẫu nước" - cô Thu khẳng định.
Được biết hàng tháng học sinh phải đóng 20 nghìn đồng cho chi phí nước uống tại trường. Nhà trường đã ký hợp đồng mua nước của một doanh nghiệp có tên Kỷ Nguyên, trụ sở tại xã Hồng Dương, Thanh Oai, Hà Nội.
"Bình nước học sinh lớp 3G đã uống được cất giữ cẩn thận trong tủ nhà trường. Đây là bình nước được nhập về trường ngày 22/10. Hiện nhà trường đang mong được cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân các học sinh bị nhập viện".
Theo bà Thu, nhà trường đã kiểm tra kỹ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi quyết định ký hợp đồng dùng nước của công ty này. Bà Thu tỏ vẻ bức xúc: "Cho dù nước ở bất kỳ công ty nào thì cũng phải làm rõ nguyên nhân sự việc để không làm mất uy tín của nhà trường".
Theo Vietnamnet