Nước từ Lào tràn về trong mùa lũ, dân miền Tây không kịp trở tay
Chuyên gia nhận định, nước từ vỡ đập thủy điện ở Lào đổ về cùng với triều cường đã làm lũ miền Tây lên nhanh và cao hơn mọi năm.
Nhiều diện tích ngô ở Đồng Tháp bị ngập sâu. Ảnh: Cửu Long.
Nhiều ngày qua, nước từ thượng nguồn sông Mekong sau sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào đổ về kết hợp với triều cường dâng cao khiến hàng nghìn ha lúa và hoa màu của người dân ở các tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long chìm trong biển nước.
Rầu rĩ nhìn về ruộng dưa 4.000 m2 ngập lênh láng, anh Nguyễn Văn Dợt, ở xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang) than vãn: “Lũ về sớm và lên quá nhanh. Nước ngập mấy tấc như thế này thì nhà tôi mất trắng”. Chỉ về phía bờ ruộng lở, anh Dợt nói khi lũ mới về, vợ chồng anh đã cố đắp bờ, nhưng nước liên tục dâng khiến cả hai không thể cầm cự.
Không chỉ riêng anh Dợt, hàng nghìn nông dân An Giang đang trồng lúa và hoa màu trên những cánh đồng giáp ranh biên giới Campuchia, thuộc các huyện An Phú, Tịnh Biên, TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu cũng đang chịu cảnh mất trắng do nước nước lũ nhấn chìm.
Tại Đồng Tháp, nhiều người sinh sống trên các cồn ở sông Tiền (huyện Hồng Ngự) không kịp trở tay khi nước lũ đổ về. Bà Lê Thị Muội (42 tuổi) nói rằng, những năm trước khi lũ lên thì toàn bộ hoa màu của người dân đã thu hoạch xong. “Nhưng năm nay nước về sớm khoảng 10 ngày làm chúng tôi không kịp trở tay”, bà chép miệng. Chỉ vào đống sắn mới thu hoạch, bà Muội nói như mếu: “Mấy công sắn nhà bà bị ngập úng, hư hỏng, thương lái không thu mua”.
Nông dân vùng Đồng Tháp Mười gặt lúa non chạy lũ. Video: Hoàng Nam.
Tại Long An, mấy ngày qua, người dân ở Thạnh Hưng (huyện Tân Hưng – một trong những địa phương vùng Đồng Tháp Mười), xã đầu nguồn giáp biên giới Campuchia, đang gia cố đê bao, tháo nước ra ngoài để bảo vệ hơn 1.000 ha lúa hè thu sắp thu hoạch.
“Mỗi ngày nước lũ lên 5-7 cm, do hệ thống đê bao tại xã chưa hoàn thiện, nên bà con phải thu hoạch hàng chục ha lúa khi còn xanh, khiến năng suất giảm khoảng 30%”, ông Võ Hùng Kiệt – Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng cho biết.
Không chỉ giảm năng suất, giá lúa cũng bị rớt theo. “Trước mùa vụ, các thương lái đã đến ruộng để đặt cọc mua lúa. Nhưng do thu hoạch khi lúa còn non nên bị giảm 1.000 đồng mỗi kg”, nông dân Nguyễn Văn Đông than vãn.
Ngoài ra, theo người dân, việc gia cố đê bao, dùng máy bơm nước rút khỏi ruộng cũng đội thêm chi phí khoảng một triệu đồng mỗi ha, nên đa phần nông dân vụ này đạt lợi nhuận thấp.
Nước lũ ‘diễn biến phức tạp’
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mực nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đang lên và còn diễn biến phức tạp. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long (An Giang) đang lên.
Cơ quan khí tượng đo đạt, ngày 29/7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 2,87 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,38 m. Đến 30/7, mực nước cao nhất trên sông Tiền 2,97 m; trên sông Hậu là 2,47 m.
Người dân đầu nguồn miền Tây thu hoạch lúa non chạy lũ. Ảnh: An Phú.
Tiến sĩ Trần Bá Hoằng – Viện trưởng Khoa học thủy lợi miền Nam lý giải, sạu sự cố vỡ đập ở Lào, nước lũ đổ về các hồ đập ở Campuchia. Một số hồ chứa ở khu vực này xả lũ, kết hợp với mưa khiến mực nước ở Đồng bằng sông Cửu Long dâng cao. “Tuần này lượng mưa ở Lào giảm so với tuần trước, tuy nhiên nước lũ vẫn tiếp tục tăng nhanh”, ông Hoằng nhận định.
Còn ông Lê Khương Bình – Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Đồng Tháp cho biết, nước lũ đầu nguồn miền Tây lên nhanh, khoảng 7-10 cm mỗi ngày. Ngoài mưa lớn kết hợp và sự cố vỡ đập ở Lào, nước lên còn do triều cường dâng cao. “Trong vài ngày tới, lũ tiếp tục lên nhưng cường xuất giảm lại, tăng khoảng 5-8 cm mỗi ngày”, Giám đốc cơ quan khí tượng nói.
Dự báo, đến giữa tháng 8, đỉnh lũ đạt báo động 1 (trên sông Tiền tại Tân Châu đạt mức 3,5 m; sông Hậu tại Châu Đốc là 3 m). “Các vùng ngoài đê bao ở đầu nguồn tiếp tục bị lũ uy hiếp; chính quyền địa phương và người dân cần chủ động thu hoạch sớm lúa và hoa màu để giảm thiệt hại”, ông Bình khuyến cáo.
Theo ông Võ Kim Thuần – Trưởng chi cục Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An, năm nay cường suất lũ tăng nhanh hơn năm trước. “Mực nước lũ đầu tháng 8 của các huyện đầu nguồn có thể cao hơn 0,2-0,3 m so cùng kỳ”, ông Thuần nhận định.
Để đối phó với lũ, các tỉnh chịu ảnh hưởng đã chỉ đạo gia cố đê, bờ bao, bơm rút nước để cứu lúa, hoa màu, đồng thời xem xét hỗ trợ người dân bị ngập úng ở các vùng được nhà nước cho chủ trương xuống giống.
Gia cố đê bao chống lũ ở huyện đầu nguồn Tân Hưng, tỉnh Long An. Ảnh: Hoàng Nam.
Ngày 31/7, tại cuộc họp về Ứng phó với thiên tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Trường Sơn – Phó tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, sau sự cố vỡ đập ở Lào, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam tính toán và đưa ra nhận định nước lũ tăng lên không đáng kể. Nhưng sau đó, mưa thượng nguồn và triều cường lên khiến nước lũ tăng nhanh bất thường. Do vậy, hiện không thể tính toán được lượng nước từ đập thủy điện ở Lào đổ về khu vực.
Để đối phó với lũ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin đến chính quyền, người dân, doanh nghiệp, nhất là vùng thấp chủ động phòng tránh, điều chỉnh sản xuất; cảnh báo và di dời dân ở khu vực sạt lở đến nơi an toàn.
Cửu Long – Hoàng Nam
Theo VNE
Ảnh, Clip: Vẻ mệt mỏi của người dân Lào sau khi thoát khỏi vùng lũ
Phóng viên Dân Việt có mặt tại rốn lũ Sanamxay chứng kiến cảnh hàng trăm người tiếp tục được đưa ra ngoài rốn lũ tỉnh Attapeu, họ tỏ vẻ mệt mỏi sau nhiều ngày chống chọi với mưa lũ.
Clip: Hiện trường rốn lũ Sanamxay sau 6 ngày.
Sáng 29.7, nhiều người dân bị mắc kẹt tại các bản làng thuộc huyện Sanamxay (tỉnh Attapeu, Lào) sau sự cố thủy điện Xi Pian - NamNoy (23.7) tiếp tục được đưa ra ngoài.
Họ đi bằng các phương tiện xe công nông cải tiến của người thân hoặc xe tải cỡ lớn của Chính phủ Lào hỗ trợ.
Hàng hóa, lương thực được chất đầy lên xe để phục vụ ăn uống những ngày tiếp theo. Có 7 bản thuộc huyện Sanamxay bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện Xi Pian - Namnoy, trong đó có 3 bản bị ngập trắng, số còn lại bị ảnh hưởng. Người dân phải di tản hết ra ngoài vùng an toàn.
Giới chức Lào cho biết, hơn 7.000 dân bị ảnh hưởng bởi vỡ đập thủy điện. "Chúng tôi muốn và đưa họ ra ngoài để ổn định cuộc sống, khám chữa bệnh và kiểm tra dân số", một quan chức địa phương tỉnh Attapeu cho biết.
Hiện tại các đội cứu hộ Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và Lào đang khẩn trương tìm kiếm những người còn mất tích tại Sanamxay. Hàng cứu trợ tử nhiều quốc gia liên tục được đổ vể khu vực này.
Những người được đưa ra sáng nay (29.7) đã chịu đói nhiều ngày qua tại các bản của huyện Sanamxay. Chỉ một số người dân, đội cứu hộ cứu nạn tiếp cận được mới có thể tiếp tế thức ăn.
Trẻ con là những ngời chịu thiệt thòi nhất khi phải chạy lũ cùng người lớn, trên khuôn mặt họ ai cũng hiện lên vẻ mệt mỏi, chán chường. Rất nhiều hộ dân bị mất trắng, nhà cửa bị cuốn bay bởi lũ dữ.
Hiện tại công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ đập thủy điện Xi Pian - NamNoy đang được tiến hành khẩn trương. Chính phủ Hàn Quốc viện trợ tiền mặt 500.000 USD và các vật phẩm trị giá 500.000 USD để giúp Lào, các mặt hàng viện trợ, gồm chăn, đồ dùng vệ sinh và một số nhu yếu phẩm khác, sẽ được máy bay vận tải quân sự của Hàn Quốc chuyển tới Lào.
Các công ty Việt Nam cũng chung tay hỗ trợ nước Lào. Công ty Unitel - liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội Việt Nam và Công ty Lao Asia Telecom đã ủng hộ 400 triệu kíp (tương đương gần 50.000 USD) nhằm hỗ trợ người dân. Việt kiều tại Lào, tỉnh Attapeu... cũng hỗ trợ người dân tại đây rất nhiều.
Một chuyến xe chở 40 người di chuyển từ Sanamxay ra vùng an toàn.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đã hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng 50 tấn gạo, 100.000 gói mì tôm, 5 tấn cá khô và 2.000 bộ quần áo và cử nhiều y bác sĩ sang nước bạn khám chữa bệnh. Ngày 25.7, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã trao cho Đại sứ quán Lào tại Bangkok khoản tiền 5 triệu baht (tương đương 147.000 USD) để hỗ trợ các nạn nhân, trong khi các công ty và người dân Thái Lan tại Lào cũng đã quyên góp được 1,4 triệu baht gửi đến Bộ Lao động Lào.
Phóng viên Dân Việt đang có mặt tại vùng lũ chứng kiến hàng trăm chiếc xe lớn nhỏ chở hàng cứu trợ vào Sanamxay sáng và chiều 29.7.
Chị Nong, người dân bản May, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất được đưa ra ngoài an toàn, các trại tị nạn.
Hiện tại, Sanamxay không mưa, rất thuận lợi cho việc hỗ trợ, cứu hộ cứu nạn. Truyền thông quốc tế và người dân nhiều nơi trên Thế giới hy vọng phép màu xảy ra, mong sao con số người chết và mất tích giảm bớt.
Theo Danviet
Toàn cảnh 60s: "Địa ngục nước" sau vỡ đập ở Lào Lượng nước tương đương 2 triệu bể bơi Olympic đã nuốt chửng làng mạc, biến khu vực bị ảnh hưởng trở thành một "địa ngục nước" với hơn 3.000 con người vẫn còn đang bị mắc kẹt. "Địa ngục nước" ở Attapeu, đông nam Lào trong 60s. Video: Dân Việt. Theo Danviet