Nước trong cuộc xung đột toàn cầu
Báo cáo của Viện Thái Bình Dương về các cuộc xung đột liên quan tới nước cho thấy, 466 trong số 926 cuộc xung đột liên quan tới nước được sử sách ghi lại đã xảy ra trong thập kỷ qua.
Phụ nữ Ấn Độ lấy nước tại một hồ trơ đáy.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia từ 6 tổ chức quốc tế đã cho ra mắt một hệ thống cảnh báo sớm gọi là WPS (Water, Peace và Security) nhằm giúp dự đoán các cuộc xung đột tiềm ẩn liên quan đến nước đang tăng vọt trên toàn cầu. Theo Guardian, công cụ này kết hợp các biến số môi trường như lượng mưa, sự mất mùa với các yếu tố chính trị, kinh tế và xã hội để dự đoán nguy cơ xung đột bạo lực liên quan đến nước trước một năm.
Đến nay, WPS đã dự đoán các cuộc xung đột có khả năng xảy ra vào năm 2020 tại Iraq, Iran, Mali, Nigeria, Ấn Độ và Pakistan và hiện tập trung vào việc xác định các điểm nóng xung đột trên khắp châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á.
Peter Gleick, nhà khoa học môi trường và là đồng sáng lập Viện Thái Bình Dương, cảnh báo khủng hoảng nước là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt và sẽ là yếu tố làm gia tăng cuộc xung đột toàn cầu. Trả lời câu hỏi liệu sẽ nổ ra “chiến tranh nước” trong tương lai gần, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ này cho biết mối lo ngại hàng đầu của ông hiện nay là bạo lực liên quan tới sự khan hiếm nước ngày càng gia tăng, trong bối cảnh nước hầu như liên quan đến mọi vấn đề mà con người quan tâm, gồm sức khỏe con người và sinh thái, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và năng lượng.
Theo ông Gleick, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nước đã gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với con người và thiên nhiên. Theo đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của hệ thống cung cấp nước, làm thay đổi lượng mưa, làm tăng tình trạng hạn hán và lũ lụt. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng nhu cầu về nước do nhiệt độ tăng, trong khi thay đổi chất lượng nước dẫn đến xung đột hoặc bạo lực gia tăng đối với tài nguyên nước trên toàn thế giới. “Ngay cả khi không có biến đổi khí hậu, nhu cầu về nước cũng gia tăng do dân số ngày càng tăng, nền kinh tế ngày càng phát triển. Cùng với đó là nhiều nguồn nước bị ô nhiễm, sự lãng phí của con người và công nghiệp. Mặt khác, nước được phân bổ không đồng đều trên thế giới, có nơi khô nơi ẩm ướt” – ông Gleick nói thêm.
Video đang HOT
Chuyên gia này khuyến nghị, để giữ nguồn nước an toàn, chính phủ các nước cần đáp ứng các nhu cầu cơ bản về nước và vệ sinh an toàn; thiết lập tiêu chuẩn về chất lượng nước để bảo vệ sức khỏe con người và sinh thái; tham gia vào nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu và khiến cho các vấn đề khác trở nên xấu đi; hợp tác với các cơ quan chức năng, nỗ lực thiết lập mối quan hệ ngoại giao để chia sẻ nguồn nước…
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi năm 2019, khoảng 2 tỉ người sống ở các quốc gia thiếu nước nghiêm trọng, 2,2 tỉ người không tiếp cận được các dịch vụ cung cấp nước uống an toàn, trong khi hơn một nửa dân số toàn cầu thiếu các dịch vụ vệ sinh an toàn. LHQ dự báo có tới 5 tỉ người có thể gặp phải tình trạng thiếu nước vào năm 2050.
HOÀNG NAM (Theo Turkish Press, Guardian)
Theo Cantho online
Hội nghị COP25 rơi vào bế tắc
Hội nghị COP25 bị phủ bóng bởi thông tin Mỹ chính thức bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào tháng rồi
Các quốc gia gây ô nhiễm lớn đang đối mặt sức ép trong việc đưa ra cam kết nghiêm túc về chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh đàm phán gặp bế tắc tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP25) ở thủ đô Madrid - Tây Ban Nha hôm 13-12.
COP25 diễn ra từ ngày 2-12 và theo kế hoạch bế mạc hôm 13-12 nhưng cuối cùng phải kéo dài sang ngày 14-12 (giờ địa phương). Mục tiêu chính của hội nghị kéo dài 2 tuần này là nỗ lực hoàn thiện bộ quy tắc của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đây là các quy định mà nhiều quốc gia phải tuân thủ để đáp ứng các mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính theo Hiệp định Paris ký kết năm 2015. Các cuộc đàm phán cũng nhằm thúc giục nhiều quốc gia đồng ý với các mục tiêu cao hơn.
Các nhà hoạt động vì môi trường biểu tình bên ngoài nơi tổ chức Hội nghị COP25 ở thủ đô Madrid - Tây Ban Nha hôm 13-12 Ảnh: REUTERS
Một trở ngại lớn trong quá trình đàm phán là chuyện lập thị trường carbon quốc tế theo hiệp định. Bộ trưởng Năng lượng và Môi trường Costa Rica, ông Carlos Manuel Rodríguez, hôm 13-12 tiết lộ chỉ có vài nước đồng ý về những hướng dẫn về vấn đề này, trong đó có Mỹ, Úc, Brazil... Một nội dung gây tranh cãi khác là chuyện bồi thường cho các quốc gia chịu thiệt hại vì tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có các đảo quốc đang đối mặt mực nước biển dâng và các nước châu Phi.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, các đại biểu dự Hội nghị COP25 còn "vật lộn" với câu hỏi liệu các nước phát thải lớn có ý định tăng mục tiêu cắt giảm khí thải vào năm tới hay không. Năm 2020 cũng là thời điểm Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bước vào giai đoạn thực thi. Giới quan sát cho rằng các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh, như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, không muốn công bố sớm các mục tiêu cắt giảm khí thải mới do nỗi lo họ rốt cuộc sẽ phải gánh chi phí cắt giảm khí thải mà các nước giàu lẽ ra phải chịu.
Dù vậy, Hội nghị COP25 cũng nhận được cú hích từ Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu ở thủ đô Brussels - Bỉ hôm 12-12 khi các nước thành viên khối này (trừ Ba Lan) nhất trí mục tiêu đưa lượng phát thải carbon về mức 0 vào năm 2050. Ông Charles Michel, chủ tịch Hội đồng châu Âu, nhấn mạnh khối này sẽ thảo luận lại vấn đề vào tháng 6-2020. Tuy nhiên, EU không đưa ra mục tiêu quan trọng tức thì là giảm ít nhất 55% khí thải vào năm 2030.
Đàm phán tại Hội nghị COP25 còn bị phủ bóng bởi thông tin Mỹ chính thức bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris vào tháng rồi. Dù không còn chịu tác động bởi hiệp định này vào năm tới, theo trang Vox (Mỹ), Washington vẫn bị chỉ trích là tìm cách cản trở đàm phán đạt tiến triển tại hội nghị lần này. Đáng chú ý, Mỹ quyết ngăn chặn bất kỳ điều khoản nào khiến nước này và các nước phát triển khác chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, ước tính có thể lên đến hơn 150 tỉ USD/năm vào năm 2025.
Các nhà vận động vì môi trường lo ngại đại diện các nước có thể vội vàng thông qua các nghị quyết không đủ mạnh nhằm khép lại các cuộc thương thảo kéo dài hơn kế hoạch ban đầu tại Hội nghị COP25. "Chúng ta đã đàm phán 25 năm và điều duy nhất thật sự quan trọng là khí thải toàn cầu vẫn đang tăng" - ông Tim Crosland, một thành viên của chiến dịch môi trường toàn cầu Extinction Rebellion, cảnh báo.
Úc ngấm đòn biến đổi khí hậu
Một số thành phố lớn ở Úc đang bắt đầu cảm nhận tác động tiêu cực từ tình trạng khô hạn khiến nhiều thị trấn thiếu nước nghiêm trọng thời gian qua. Trong tuần này, chính quyền TP Sydney 5 triệu dân phải thực thi các biện pháp hạn chế nước chưa từng có kể từ năm 2003. Theo báo The Straits Times, người dân TP Sydney, thủ phủ bang New South Wales, dường như không phàn nàn gì về chuyện này bởi họ biết rõ nhiều người tại những vùng khác còn phải đối mặt nạn hạn hán kéo dài hoặc cháy rừng đang trở nên nghiêm trọng hơn do tình trạng toàn cầu ấm dần lên.
Đối mặt làn sóng biểu tình phản đối và sức ép chính trị ngày một tăng, Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 11-12 lần đầu tiên thừa nhận biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố gây ra các vụ cháy rừng chưa từng có, khiến khói độc bao trùm TP Sydney. Trước đó một ngày, hàng chục ngàn người tuần hành tại TP Sydney, yêu cầu ông Morrison trực tiếp xử lý cuộc khủng hoảng đang làm gia tăng các vấn đề sức khỏe và buộc nhiều người ở lại trong nhà.
Điều đáng lo không kém là, theo báo The Guardian, các đám cháy rừng ở 2 bang New South Wales và Queensland đã thải ra lượng khí CO2 khổng lồ kể từ tháng 8. Con số này tương đương phân nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thải ra ở Úc mỗi năm.
Vẫn còn hơn 100 đám cháy được ghi nhận tại bang New South Wales hôm 14-12. Cùng ngày, nhà chức trách bang Tây Úc hôm 14-12 cảnh báo một đám cháy rừng đang vượt tầm kiểm soát sau khi thiêu rụi hơn 11.000 ha đất ở phía Bắc TP Perth. Người dân đã được thúc giục nhanh chóng đi sơ tán trong bối cảnh nhiệt độ tăng lên gần 40 độ C.
Các chuyên gia cho rằng quốc gia này sẽ còn trở nên khô hạn hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Báo cáo mới của Cục Khí tượng Úc cho biết thời tiết tại nước này trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3-2020 có thể khô và nóng hơn bình thường.
Hoàng Phương
Xuân Mai
Theo nld.com.vn
Con ông Donald Trump không đồng tình với "Nhân vật của năm 2019" Nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển Greta Thunberg, 16 tuổi, đã làm nên lịch sử khi là người trẻ nhất được tạp chí Time vinh danh "Nhân vật của năm 2019". Cô được chọn từ 10 ứng cử viên, bao gồm: những người biểu tình ở Hồng Kông, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Tổng thống Mỹ Donald Trump... Greta...